Chương 11: PHẦN II: LỐI SỐNG HIỆP KHÍ ĐẠO: TIỀM THỨC

Thứ ba - 31/12/2013 21:35

hình minh họa ( từ internet)

hình minh họa ( từ internet)
Sự tập luyện càng hữu hiệu hơn nếu ta biết hưởng dụng đúng cách giấc ngủ của ta, nghĩa làlúc mà ta nhận lãnh khí của vũ trụ. Một phần ba đời ta được tiêu dùng trong giấc ngủ, cho nên nếu ta biết sử dụng cái thời giờ đó đúngđường, ta sẽ thấy đời ta hoàn toàn đổi khác. Tập luyện ở phòng tập không phải là tất cả Hiệp Khí Ðạo. Ta phải có thể tập được 24 giờ mỗi ngày, trong lúc ta ngủ cũng như trong lúc ta thức.

Người nào cũng có những tập quán riêng của mình. Ta chẳng cần gạt bỏ đi những thói quen nào, tuy rằng có thể khôi hài, nhưng không có hại : tuy nhiên, ta nhất định phải trừ tuyệt những thói quen khiến ta nhầm lẫn, làm kẻ khác phiền hà hoặc khó chịu. Bởi lẽ những thói quen như dễ cáu giận, dễ chán nản, buồn sầu và bảo thủ cực đoan, là những cản trở lớn, cho nên ta phải sửa chúng. Chẳng có ích lợi gì nếu ta cứ tự bào chữa cho ta bằng cách ngụy biện rằng bạn đã trót quen rồi, rằng chẳng hạn, bạn không thể không nhịn nổi cáu khi nhìn thấy hay gặp phải một việc nào đó. Cũng chẳng có ích lợi gì nếu bạn luôn luôn bi quan và có cảm tưởng rằng : « Mình có giỏi giang gì đâu ! Cái đó có ăn thua gì ! » Nhưng nếu bạn muốn sửa đổi thói xấu của bạn, thì bạn có thể sửa đổi được. Ý thức của ta, hoặc là những diễn trình tư tưởng của ta, bảo cho ta biết chẳng hạn : « Ðây là một gói thuốc lá ».
Khi ta nhìn thấy gói thuốc lá, tuy nhiên, thì trong sự nhận thức của ta gồm có tất cả những kinh nghiệm của ta về thuốc lá. Thí dụ, ý niệm về loại thuốc lá, giá tiền, số điếu thuốc trong mỗi bao, và cái vị của nó. Toàn thể những kinh nghiệm đã qua đó tạo nên tiềm thức. Nói khác đi, khi nhìn thấy một vật gì, tất cả những thứ gì có liên quan đến vật đó do tiềm thức mang tới cho ta thì tụ tập lại để tạo nên ý thức. Một người chưa hề thấy hoặc nghe thấy nói về thuốc lá thì không có được cái chất liệu của tiềm thức về nó, cho nên khi người đó nhìn thấy thuốc lá, hắn không thể tức thì có ngay được cái ý niệm là : « Ðây là một gói thuốc lá ». Hắn chỉ có thể nói : « Ðây là một vật có hình vuông », và rồi quan sát và sờ mó nó để đi tới một quan niệm chung chung về nó.
Một hiện tượng tương tự xảy ra khi ta dùng lời nói. Mỗi người khi nghe thấy một lời nói thì chỉ hiểu được nó có nghĩa gì khi nhớ lại trong tiềm thức tất cả những gì có liên quan đến lời nói đó, và cái chất tiềm thức đó sẽ làm cho mỗi người có một cách giải thích khác nhau về lời nói.
Tiềm-thức ðÐối Tượng ð Ý Thức
Nếu vì ý thức như một căn nhà, thì tiềm thức có thể ví như một nhà kho trong đó có chứa những dụng cụ xây cất. Nghĩa là, đó là một nhà kho tinh thần trong đó có chứa tất cả những sự khác nhau lớn hay nhỏ, sâu xa hay nông cạn về toàn thể kiến thức và kinh nghiệm của ta.
Rui, kèo, cột mà cháy thì không thể làm thành được một căn nhà tốt được. Muốn được một căn nhà tốt, bạn phải có những chất liệu tốt. Cũng thế, nếu bạn muốn tạo được một phần ý thức tốt, bạn phải có những vật liệu tốt chất chứa trong phần tiềm thức của bạn. Nếu những chất liệu đó chỉ dùng để cáu giận, thì bất cứ bạn nhìn thấy gì, nghe thấy gì, bạn cũng nổi dóa. Bạn cũng không thể dùng phần ý thức của bạn mà làm cho bạn nguôi dịu được bởi vì nhưng chất liệu đó sẽ luôn luôn nhóm lên ở phứa trước, và bạn không còn làm cách nào kiềm chế được bạn cả. Rồi bạn đâm ra có khuynh hướng đổ lỗi cho nơi khác. Thí dụ bạn sẽ nói : « Tính trời sinh ra tôi như thế », hoặc « Tôi đâu có ra cái gì đâu ! ».
Khi một đứa trẻ phạm phải một lỗi gì mà bạn mắng nó : « Tao đã bảo mày rồi kia mà ! », thì đó không phải là một lối dạy dỗ trẻ con đúng đường. Mặc dù đứa trẻ biết lỗi của nó, nhưng phần tiềm thức của nó sẽ không thay đổi, và hắn có thể hiểu sai lời mắng đi. Cuối cùng hắn có thể bó tay chịu, cho rằng nó hư đốn thực thụ rồi, và rồi hắn sẽ làm nhiều điều bậy khác. Chỉ khi nào ta hoàn toànthay đổi tính tình ta cho đến tận phần tiềm thức, thì ta mới có thể bỏ đi những thói xấu của ta được.
Nhiều người có cảm tưởng rằng, tự ta, họ không thế nào thay đổi phần tiềm thức của họ được hoặc vì lẽ họ không biết thay đổi ra làm sao, hoặc là vì họ biết cách nhưng thử mãi mà không thấy kết quả nên đành bó tay chịu luôn. Bởi họ cho rằng họ không thế nào tự mình thay đổi được hết, hoặc họ không thế nào bỏ được thói xấu của họ đi cả.
Một giọt nước lã giỏ vào một táchnước trà sẽ không thay đổi màu nước trà cũng như vị của nó. Hai giọt nước lã cũng không thay đổi được mấy, nhưng nếu ta cứ tiếp tục giỏ mãi, giỏ mãi, thì cả màu trà lẫn vị trà sẽ đổi thay. Nhiều người vội vã kết luận rằng vì một hai giọt nỗ lực không thể thay đổi được tiềm thức cho nên ta chẳng bao giờ có thể thay đổi được nó cả. Nhưng sự thực là, cũng như tách nước trà, nếu ta cứ tiếp tục nỗ lực, thì nó sẽ phải đổi thay.
Ta thường bị ngoại giới ảnh hưởng vào tính tình của ta. Khi trời đẹp, ta cũng cảm thấy tâm hồn thơ thới, nhưng khi trời nhiều mây, ta cũng lại cảm thấy tâm hồn nặng nề. Ai khen ta, ta cảm thấy sung sướng; ai chê ta, ta cảm thấy buồn bã. Người nước này khác với người nước khác. Lịch sử, phong tục, tập quán, khí hậu và địa dư đều có ảnh hưởng tới các dân tộc trên thế giới và làm cho các dân tộc khác nhau.
Tất cả những dị biệt đó đều do hoàn cảnh ngoại giới mà ra. Thường thường thì màu xanh lá cây làm dịu mắt, và màu đỏ làm ta kích thích. Không phải chỉ riêng những con bò rừng Tây Ban Nha mới là những loài vật hễ thấy màu đỏ là nổi xung lên đâu. Ngày xưa, muốn nhận ra được một kẻ có tội, thì người ta thường nhốt tất cả những người bị tình nghi vào một căn phòng kín sơn màu đỏ. Kẻ có tội thực tình sẽ chỉ thấy toàn là màu đỏ, đâu đâu cũng đỏ cả. Hắn sẽ không vững tâm được ; cho dù khi hắn nhắm mắt lại hắn cũng vẫn thấy đỏ ! Và rồi cuối cùng hắn sẽ hóa điên.
Trái lại, các thành phố trên thế giới thường hay trồng cây bên lề đường bởi vì màu xanh lá cây làm ta thoải mái, và lý do ta hay về đồng quê cũng là vì cảnh vật đồng quê làm tâm hồn ta êm ả. Phần tiềm thức hiện nay của ta là kết quả một thời kỳ dài của những kinh nghiệm về ý thức do ngoại giới mang lại cho ta. Lẽ dĩ nhiên phải cần hơn một hai giọt cố gắng mới thay đổi cái nội dung trong tiềm thức ta được.
Thay đổi tiềm thức có nghĩa là phải quyết liệt chỉ lấy những chất liệu tốt cho nó mà thôi. Mặc dù cho đến phút này bạn chưa được sửa soạn và thường thu lượm bất cứ chất liệu nào bạn gặp phải, nhưng từ nay trở đi bạn chỉ nên lựa chọn cái gì tốt mà gạt bỏ mọi cái khác. Cái quan năng lựa chọn và hủy bỏ đó của con người là cái ý chí của ta vậy.
Ảnh hưởng mạnh cũng có, mà ảnh hưởng yếu cũng có. Một ảnh hưởng yếu có thể không ăn sâu vào tiềm thức ta, nhưng cứ lặp đi lặp lại một thời gian, nó có thể trở nên ảnh hưởng mạnh. Một thanh niên tưởng rằng, vì mình là một người bền vững, cho nên giao du với bạn bè hư hỏng cũng chẳng ăn nhằm gì, nhưng rồi nếu hắn cứ tiếp tục giao du mãi, ắt sẽ cũng có ngày hắn trở nên hư hỏng. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, là vậy.
Một ảnh hưởng mạnh thì thường ăn sâu vào tiềm thức ta. Một đám cháy dữ dội nhìn thấy hồi ấu thơ sẽ có thể trở thành nguyên nhân cho rất nhiều giấc mơ về cháy trong mười, mười hai năm sau. Sự sợ hãi lửa do đó sẽ ăn sâu vào tiềm thức ta trong rất nhiều năm. Trái lại, một kẻ độc ác nếu gặp được một vĩ nhân có thể sẽ trở nên hoàn toàn sửa đổi và trở thành người tốt. Bởi lẽ chắc chắn là bạn đã thấy được cái tác dụng mạnh mẽ do một ảnh hưởng nào đó gây ra cho tiềm thức ta, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng bất cứ trong hoàn cảnh thuận tiện nào ta cũng nên lánh xa những người xấu và tìm cách giao du với những người tốt và những vĩ nhân.
Một điều bất hạnh là trên thế giới này không phải chỉ gồm toàn những người có hoàn cảnh tốt, may mắn. Trái lại, đa số chúng ta lại ở vào những hoàn cảnh xấu xa mà chẳng biết tin cậy vào ai.
Chúng ta đâm ra qui lỗi cho xã hội xấu, cho hoàn cảnh xấu, và nếu chúng ta có trở nên xấu thì cho đó là điều tự nhiên.
Nhưng bất cứ trong hoàn cảnh nào, ta phải dựng tạo nên cá tính của ta. Cái gì cũng đổ lỗi cho xã hội xấu thì cũng chẳng khác gì một chính trị gia bề ngoài thì rất tận tụy cho hòa bình nhưng trong lòng thì lại tin rằng mặc kệ cho xã hội muốn ra sao thì ra. Mỗi người chịu trách nhiệm về mình, và vũ trụ đã cho mỗi người chúng ta cái phương tiện để đối phó với trách nhiệm đó.
Phương tiện đó là nguyên tắc Hiệp Khí Ðạo. Luôn luôn duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và giữ cho khí luôn luôn thông hợp, và rồi trái tim bạn sẽ trở nên cứng rắn, không bị những ảnh hưởng xấu lôi cuốn. Mặc dù khí âm làm cho mọi vật trở thành âm và nhiễm cái chất liệu âm vào trong tiềm thức ta, nhưng khí dương lại có thể biến mọi thứ thành dương và nhiễm những ảnh hưởng tích cực vào trong tiềm thức. Kể từ hôm nay, bạn hãy quyết tâm xa lánh mọi ảnh hưởng tiêu cực và nhất định chỉ mang những ảnh hưởng tích cực vào tiềm thức mà thôi, thì dần dần , từng giọt lại từng giọt bạn sẽ có thể thay đổi cái nội dung của tiềm thức bạn.
Cuối cùng bạn sẽ có thể phát lộ được cái tinh thần thánh thiện, làm cho lý trí bạn, động vật tính, thảo mộc tính và vật tính của bạn phụ thuộc vào tinh thần thánh thiện, đạt tới một cõi mà bạn có thể đi theo đường của tinh thần bạn đã vạch ra, không bao giờ phạm qui luật, sau khi đã sửa chữa tất cả nhưng thói xấu của bạn.
Tuy nhiên, đôi khi ta cũng chểnh mảng, lơ đãng, nhưng dù sao đó cũng là lẽ thường, và đó chính là lúc mà những ảnh hưởng xấu đã lọt vào tiềm thức của bạn, cho dù chỉ một chút mà thôi. Nhưng nếu ta không có thái độ hay hành động gì ở cái xấu đó thì nó sẽ lan rộng như một cơn giông bão mùa hè cho đến khi toàn thể tinh thần ta tối đen. Ðôi khi chỉ có một việc rất nhỏ nhoi nó cũng có thể làm ta khó chịu, rồi ta đâm ra cáu giận thực sự. Những chuyện như vậy rất có ảnh hưởng đến tiềm thức ta, và nếu cứ để nguyên nó sẽ lớn như những đám mây giông mùa hạ, cho nên vì thế ta phải bóp chúng chết ngay từ trong trứng. Những cảm giác đó chỉ có thể phá bỏ đi khi hãy còn mới mẻ, nhưng một khi chúng đã lan rộng ra rồi, thì phải cố gắng lắm ta mới trừ bỏ được. Khi một tư tưởng xấu nào hiện lên trong óc bạn, thì bạn hãy thở hắt ra mạnh một cái, ném cái tư tưởng nó đi, và nghĩ ngay đến những tư tưởng tốt, tích cực.
Thí dụ, nếu bạn đang sửa soạn đi ra cửa, bỗng nhiên bạn có cảm tưởng rằng sắp sửa có chuyện gì xấu sẽ xảy đến cho bạn, và rồi bạn cứ để cho cảm tưởng đó bám lấy bạn, thì khí của bạn sẽ mỗi lúc một trở nên tiêu cực, và rồi bạn lại càng tin tưởng rằng một chuyện gì xấu sẽ sắp sửa xảy đến cho bạn thật. Mà rồi thể nào nó cũng sẽ xảy đến. Bạn có thể ngụy biện là hôm nay khi bạn sắp sửa đi ra cửa, bạn cảm thấy khó chịu thế nào ấy, nhưng có thể không biết chừng đó lại là linh tính báo trước cho bạn biết đấy ! Lẽ dĩ nhiên có điềm xấu, nhưng rất nhiều, khi chính ta đã muốn có chuyện xấu xảy đến cho ta !
Trong những trường hợp như thế, thì bạn hãy thở ra thực mạnh như là bạn nhổ cái tư tưởng xấu đó ra, và rồi ngăn chặn nó ngay, không cho nó lan tràn trong óc bạn nữa. Rồi bạn hãy tự nhủ : « Ta phải đi bây giờ. Ta phải có lòng tin tưởng, bởi vì nhiều khí dương sẽ chỉ lôi cuốn theo tư tưởng tích cực và giúp ta tránh được tư tưởng tiêu cực ». Rồi bạn biến khí của bạn thành dương, và không cho khí âm có thể len lỏi vào óc bạn nữa. Hãy cẩn thận giữ gìn tư tưởng tích cực đó mãi bởi vì điềm hung có thể xảy ra thực sự. Chúng tôi được biết trường hợp một người cảnh sát sắp sửa tóm được một phạm nhân, bỗng dưng có linh tính là một việc gì nguy hiểm sắp sửa xảy đến, bèn biến khí của mình thành dương, và may mắn thay né tránh thoát được ba phát súng của tên phạm nhân đó.
Ở Nhật Bản, phương pháp hô hấp rất là thịnh hành và nổi tiếng là một bí quyết để tránh khỏi điềm dữ. Người nào không thể thay đổi tính hay cáu giận của mình được, thì bất cứ lúc nào cảm thấy sắp sửa cáu người đó nên thở ra thật mạnh, đứng ngay dậy, đi ra khỏi cửa, biến tư tưởng mình từ tiêu cực sang tích cực, rồi quay trở lại nhà. Bằng cách đó hắn có thể vượt qua được thói xấu của mình. Ðức tin sinh ra sức mạnh. Phương pháp hô hấp này đòi hỏi một đức tin. (Trong trường hợp ở chỗ đông người, thở mạnh ra như vậy không tiện, thì bạn hãy co cứng bụng dưới bạn trong chốc lát rồi đổi hơi thở, như vậy cũng hữu hiệu lắm).
Ta mới vừa nói đến cách tiêm nhiễm những ảnh hưởng tốt vào tiềm thức khi ta thức mà thôi, nhưng những phương pháp trong khi ta ngủ cũng không kém phần quan trọng, bởi lẽ ta không để cho những ảnh hưởng xấu thâm nhập tiềm thức ta trong suốt một phần ba đời ta lúc ta ngủ.
Trong đồ hình trên đây, YT là ý thức, TT là tiềm thức, lúc n là lúc ta bắt đầu ngủ, và t là lúc ta bắt đầu thức dậy.
Khi con người thức, thì YT được hiện lên trên, và TT được gói kín đi, nhưng YT và TT gặp nhau ở điểm n để cho TT được hiện lên trên. Tiềm thức được lộ ra trong những giấc mơ của ta qua những sự vật, những biến cố, đã có lần nào đó ăn sâu vào tiềm thức ta. Khi ta tỉnh dậy – điểm t – thì YT và TT lại gặp nhau khiến cho YT lại hiện lên trên. Dù rằng, nếu YT và TT hoàn toàn thay thế cho nhau ở điểm n, thì không thể kiểm soát được giấc ngủ – nhưng sự thực không như thế. Một phần của YT vẫn còn hoạt động cùng với TT. Thí dụ, ban ngày nếu ta suýt bị xe hơi cán, đêm đến ta cứ thường hay nằm mơ thấy bị cán thiệt.
Ðêm trước hôm đi thi, một học sinh thường nằm mơ thấy mình bị trượt, nếu học sinh đó luôn luôn nghĩ ngợi về môn mình sắp thi. Tất cả những thí dụ trên đây chứng minh rằng một ảnh hưởng mạnh ban ngày chuyển qua điểm n và tác dụng vào TT ban đêm. Nếu ảnh hưởng đó xảy ra ở điểm n, lúc ta sắp sửa nhắm mắt ngủ, thì ảnh hưởng đó còn hữu hiệu hơn nữa.
Một người thích câu cá, lúc sắp đi ngủ, nghĩ : « Ba giờ sáng mai mình phải thức dậy đi câuít cá mới được », thì cho dù hắn thường ngày ngủ tới 8 hay 9 giờ, sẽ thể nào cũng tỉnh dậy lúc ba giờ, dù không ai đánh thức. Xưa kia, lúc dân Nhật chưa dùng đồng hồ, nếu người nào muốn thức dậy vào giờ nào đó, hắn thường vỗ vào gối của hắn ba cái bảo nó nhớ đánh thức hắn vào giờ đó. Và rồi hắn thức dậy vào đúng lúc đó, và bất cứ khi nào hắn muốn, bởi vì hắn tin rằng cái gối sẽ đánh thức hắn dậy. Lẽ dĩ nhiên, đó chỉ là kết quả của sự tự kỷ ám thị mà thôi.
Nhiều người trong khi ngủ thường có những tư tưởng xấu. Những tư tưởng hoạt động trong phần tiềm thức đó sẽ cho tiềm thức một nội dung xấu. Bao giờ ta cũng phải rửa trái tim ta cho sạch sẽ và chỉ nên nghĩ tới những tư tưởng đẹp đẽ lúc ta ngủ. Phương pháp tốt nhất là tập hô hấp (như chúng tôi đã nói) 15 hay 25 phút trước khi ta ngủ. Nếu bạn duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và mang vào giấc ngủ cái khí dương hòa hợp làm một với vũ trụ, thì cảm giác đó sẽ có ảnh hưởng tới tiềm thức của bạn ban đêm và sẽ rất hữu hiệu trong việc thay đổi nó. Nếu bạn tập Hiệp Khí Ðạo trong khi ngủ, sáng ra thức dậy bạn sẽ được cung ứng đủ số khí dương. Lẽ dĩ nhiên những phương pháp ngủ chúng tôi vừa nói không phải chỉ là những phương pháp ngủ mà thôi, chúng còn khiến ta duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giúp ta điều động được phần tiềm thức ta một cách hữu hiệu.
Nếu nội dung của tiềm thức bạn sung mãn về kdương, thì nội dung của giấc mơ bạn sẽ đổi khác. Bạn sẽ thôi không còn nằm mơ thấy chân mình bị tê liệt, hoặc thấy đàn chó sói đuổi hoặc tự tử hoặc tình yêu mất nữa. Có thể một giấc mơ tiêu cực sẽ được đổi sang giấc mơ tích cực, và bạn có thể nằm mơ thấy mình đủ sức mạnh đánh lại đàn chó sói, và đàn chó sói phải cong đuôi chạy.
Ta phải nhớ rằng khi ta có những giấc mơ tiêu cực, thì ta sẽ để lại trong tiềm thức ta rất nhiều chất tiêu cực. Luôn luôn ghi nhớ rằng mặc dù ban ngày bạn có một dáng điệu anh hùng đến mấy đi nữa, nếu ban đêm nằm mơ thấy mình nhút nhát thì hắn đã vô tình gieo rắc những hạt giống nhút nhát vào tận cùng trái tim. Biến mọi khí của bạn thành dương, chỉ nên có những giấc mơ tích cực rồi bạn sẽ thấy dễ chịu, sung sướng, khi bạn tỉnh dậy.
Bởi vì ta đã thấy rằng ở điểm n, chỗ YT và TT gặp thau, một phần YT còn đang tiếp tục hoạt động với TT, và bởi vì ta đã hiểu rằng một ảnh hưởng nào xảy ra ở điểm n thì sẽ rất là hữu hiệu, cho nên ta có thể xử dụng cái kiến thức đó để sửa đi lại những thói xấu của ta.
Dù rằng sau khi ta đã buộc được ta vào qui luật Hiệp Khí Ðạo và đã tới được giai đoạn phát lộ cái tinh thần thánh thiện được rồi, thì tất nhiên ta có thể bỏ đi được những thói quen của ta bởi lẽ những thói xấu sẽ biến mất, nhưng nhiều người vẫn còn chưa bỏ đi hết được mọi tật xấu của mình.
Chẳng hạn, có người đâm ra cáu giận về một chuyện nhỏ nhặt nào đó và thôi không tập luyện nữa nói rằng hắn bỏ tập chỉ vì những thói xấu của mình.
Thực ra chẳng có lý do nào khiến ta phải bỏ huấn luyện và làm tinh thần ta thanh khiết cả. Người nào thấy mình có những cảm tưởng tương tự sẽ thấy phương pháp sau đây rất là hữu ích. Ðó là một phương pháp tôi đã thụ huấn được hồi nhỏ từ một vị võ sư của tôi tên là Tempu Nakamura. Vị võ sư này đã xử dựng phương pháp đó ở chân núi Hy Mã Lạp Sơn và trở về Nhật dạy cách hợp nhất tinh thần và thể xác ngoài 50 năm. Hiện giờ đã trên 80 tuổi rồi, mà ngài vẫn còn rất hoạt động.
Bạn hãy dùng một tấm gương soi, lớn hay nhỏ cũng được.
1. Hãy thành thực nhìn vào hình mình trong gương từ 30 giây đến 1 phút.
2. Hết sức cố gắng, và với quyết tâm, bạn ra lệnh cho khuôn một trong tấm gương có một ý lực thật là mạnh mẽ.
3. Khi nói như vậy xong, bạn đi ngủ ngay tức thì sau đó. Bạn phải sửa soạn tinh thần bạn để đi ngủ ngay tức thì mà không làm việc gì khác cả.
Ai cũng có thể có được từ 30 giây tới 1 phút để tập bài tập đó, nhưng cần nhất là phải hết sức thực tâm, và tối nào trước khi đi ngủ cũng phải tập đều đặn.
Bước đầu, bạn chăm chú nhìn vào tấm gương và tập trung ý lực bạn vào hình bạn trong gương.
Bạn phải hết sức thành thực để có được một ảnh hưởng mạnh mẽ.
Bước thứ hai, nếu chỉ nói là bạn phải cố gắng pháttriển được một ý lực mạnh không thôi thì không đủ. Hãy nhìn thẳng vào hình mình trong gương và ra lệnh cho nó có được một ý lực mạnh mẽ. Bởi lẽ lời ra lệnh đó đã thoát ra từ chính bạn và từ hình bạn trong gương cùng một lúc, nên tác dụng của mệnh lệnh đó phải có giá trị gấp đôi.
Bước thứ ba, ta chỉ nói mỗi việc một lần mà thôi, bởi lẽ nếu ta tham lam mà ra nhiều lệnh quá một lúc thì tác dụng của mỗi mệnh lệnh sẽ tất nhiên phải yếu đi, và nếu ta cứ lặp đi lặp lại một mệnh lệnh nhiều lần, thì nó đâm ra nhàm chán. Vì vậy ta phải đi ngủ ngay tức thì mà không làm bất cứ một việc gì cả, như thế để không có gì có thể làm cho mệnh lệnh đó loang nhạt đi được.
Ðừng mong mỏi là phương pháp đó sẽ hiệu nghiệm ngay tức khắc. Bạn hãy nhớ lời chúng tôi đã nói về cái thí dụ đổ thêm nước lã từng giọt để thay đi màu nước trà. Một khi đã bắt đầu, thì bạn nên tiếp tục mỗi tối cho đến khi nào đạt được mục đích. Dù sao mỗi tối bạn chỉ mất chừng 30 giây đồng hồ mà thôi. Chẳng có lý do nào khiến bạn không thể làm được cả.
Cho dù có thể mất sáu tháng trờiđể sửa đổi một tật xấu, điều đó cũng chẳng là lâu quá đâu nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể mang cái thói xấu của bạn suốt đời. May mắn thay, con người có khả năng thích ứng vào mọi cảnh ngộ. Nếu bạn theo phương pháp chúng tôi vừa nói, thì bạn có thể thích ứng được vào phương pháp đó trong 5 tháng, 3 tháng, hay có khi một tháng đã có thể đạt tới được mục đích mà thường phải mất đến 6 tháng. Cuối cùng, bạn sẽ đạt tới một trình độ mà bạn sẽ thấy kết quả ngay sáng ngày hôm sau.
Chúng tôi đã chỉ nói đến một thí dụ mà bạn có thể làm theo, nhưng thực ra còn rất nhiều thí dụ khác. Chẳng hạn, nếu bạn muốn bỏ hút thuốc lá và cảm thấy bạn không thể bỏ được, thì bạn chỉ cần tự bảo bạn là bạn ghét thuốc lá. Muốn đến mấy thì muốn mà vẫn không thể bỏ được ; nhưng nếu trong tiềm thức bạn luôn luôn có cái ý tưởng là bạn ghét hút thuốc thực sự, hay ghét bất cứ một tật xấu nào đó thì bạn có thể bỏ được thuốc lá một cách dễ dàng. Luôn luôn có những ý tưởng tích cực và một mệnh lệnh quyết liệt.
Có nhiều trường hợp người ta bỏ vào ly rượu một thứ gì khiến người nào uống phải sẽ bị đau bụng, và đưa ly rượu đó cho những người nghiện rượu nặng. Lần sau, người nghiện rượu đó khi nhìn thấy ly rượu sẽ cảm thấy lợm giọng và không còn muốn uống nữa. Như vậy là vì cứ nhìn thấy rượu là hắn lại nhớ đến lần mình đau bụng, và sự đau đớn đó đã chôn sâu trong tiềm thức người nghiện rượu rồi. Nhưng chẳng cần phải dùng những biện pháp cực đoan như vậy làm gì, nhưng bạn chỉ cần theo phương pháp chúng tôi đã vạch ra để có thể bỏ được bất cứ một thói quen nào mà bạn không muốn nữa.
Người nói lắp (cà-lăm) chẳng phải là vì trong họng có một trở ngại sinh lý nào hết. Hắn nói lắp là bởi vì trong tiềm thức hắn, hắn đã tin rằng hắn phải nói lắp. Và khi nào hắn thật có ý thức về tật nói lắp, thì cái chấttrong tiềm thức đó sẽ nổi lên trên mặt. Những người như vậy nên tự bảo mình phải đừng để ý đến sự nói lắp của mình. Nếu họ đừng nghĩ gì đến nó, thì họ có thể nói chuyện mà không bị cà lăm cũng dễ dàng như khi hát không bị cà lăm. Trường hợp những đứa trẻ đã lớn mà còn đái dầm, thì ta nên ghi sâu vào tiềm thức chúng cái ý tưởng rằng khi nào chúng muốn tiểu tiện thì chúng phải thức dậy. Ðứa trẻ sẽ nhất định thức dậy khi nó muốn tiểu tiện cũng như là người đánh cá muốn dậy sớm để đi đánh cá. Nhưng đứa trẻ nào đái dầm khi đã thức thì chẳng phải là nạn nhân của thói quen ; nó là một thằng hủi.
Nếu bạn theo phương pháp tự kỷ ám thị mà chúng tôi đã nói một cách thành thực, thì chỉ cần 6 tháng là có thể sửa đổi đượctật xấu của mình.
Những thói quen có liên hệ tính tình thì khó sửa đổi và đòi hỏi một sự chú ý thực thụ.
Một khi ta đã hiểu được con người ta sống thế nào khi nhận lãnh những ám thị, thì ta phải hết sức thận trọng trong việc xử dụng lời nói ; ta chỉ được dùng những lời nói tích cực mà thôi. Nhiều lời nói vô ý có thể xâm nhập vào tiềm thức. Những lời nói như « mình dở quá », « mình không thể làm nổi », hoàn toàn sai lầm, bởi lẽ đó là những điều khiến cho bạn « dở » thật sự.
Khi nào cần khiêm tốn, tốt hơn cả là bạn nói « mình hãy còn thiếu sự trưởng thành », bởi lẽ câu nói đó có ngầm chứa ý tưởng là một ngày kia bạn sẽ trưởng thành. Ta cũng nên hết sức thận trọng dùng những ám thị xấu là không tốt.
Có những bậc cha mẹ thường mắng con cái mình là : « Mày lại hư nữa rồi ? Mày đốn quá, hư thân mất nết quá! » Nếu các bậc cha mẹ đó cứ tiếp tục dùng những lời nói như vậy nữa, thì cái phần tiềm thức của đứa trẻ sẽ hoàn toàn tin rằng nó hư thật sự rồi. Một khi mà chỉ có những nội dung xấu tập trung trong phần tiềm thức, thì đứa trẻ sẽ hóa thành hư đốn thật sự, và rồi muốn sửa đổi lại lúc bấy giờ thì đã quá muộn. Nếu cần phải quở mắng con nít, thì các bậc cha mẹ chỉ nên dùng những câu như : « Con thường ngày ngoan lắm cơ mà, tại sao hôm nay con lại hư thế. Lần sau đừng làm thế nữa nhé ! » Cái ý tưởng rằng nó ngoan, tốt, và không được tái phạm một lỗi nào nữa sẽ đi sâu vào tiềm thức đứa bé.
Mọi công trình giáo dục phải dựa vàophần tiềm thức con người. Chỉ tìm cách thayđổi những thói xấu của học sinh bằng lời nói mà thôi khi mà chính bạn đã không thể sửa đổi lỗi lầm của bạn, thì đó là một sai lầm to lớn. Con đường duy nhất để giáo dục là trước hết sửa đổi những tật xấu của chính bạn đã, phải có một căên bản đạo đức vững chãi, và phải hăng say và có lòng tốt để sửa đổi cái phần tiềm thức của học trò của bạn. Trừ trường hợp bạn đem bán kiến thức đi trong khi là một ông thầy thì không kể, chứ còn nếu mục đích của bạn là giáo dục thực sự, thì bạn không thể trốn khỏi vấn đề bằng cách nói : « Dù sao thì thầy giáo cũng chỉ là con người mà thôi ! » Bạn phải nỗ lực để cho mỗi lời, mỗi câu bạn dùng là gây được một ảnh hưởng tốt và những ám thị tốt. Bạn phải có một bầu nhiệt huyết để nhắn nhủ bạn rằng : « Nếu ta đốt cháy, ta sẽ trở thành một ngọn lửa. Nếu ta trở thành một ngọn lửa ta sẽ soi sáng được những kẻ khác. Hãy đạo đức để dạy dỗ ; hãy đạo đức để dẫn dắt ! »
Dạy học đòi hỏi kiên nhẫn, nhất là trong địa vị của một ông thầy Hiệp Khí Ðạo. Cho dù cái trí nhớ của người học sinh tồi đến thế nào đi nữa, cho dù bao nhiêu thói xấu người học sinh đó có thể có, nhưng nếu hắn quả thực muốn học tập, thì ta không thể bỏ quên hắn cho được. Ðừng cau có, và bằng một nhiệt tâm và một lòng tốt, ta phải nhắc đi nhắc lại mãi mãi, cho tới khi nào cái điều mà ta muốn dạy hắn đã thấm nhuần vào tiềm thức của hắn.

Tác giả bài viết: Koichi Tohei - Dịch giả: Thượng Trí

Nguồn tin: vnthuquan.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây