ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Các thể trạng mạch khác

Thứ ba - 01/04/2014 21:35
Trong việc điều trị, có khi bỏ chứng theo mạch mà trị; có khi bỏ mạch theo chứng mà trị; có khi theo cả chứng và mạch mà trị; có khi theo mạch nhiều hơn chứng hay theo chứng nhiều hơn mạch mà trị. Thật vậy, phải tùy nghi định liệu mà trị mới hay.
.
.
CÁC THỂ TRẠNG MẠCH KHÁC

     I. NGŨ SẮC MẠCH (Mạch có 5 màu sắc)

Mạch có Phù, Trầm, Trì, Sác: nổi, chìm, chậm, mau v.v…Mạch lại có 5 màu sắc: Xích, hoàng, bạch, thanh và hắc (đỏ, vàng, trắng, xanh, đen). Người mới vào nghề vừa nghe tưởng cũng lạ tai.
Nhưng không, đó chỉ là lấy 5 màu của 5 hành ứng hợp với 5 tạng mà gọi tên mạch của 5 tạng.
  1. Xích mạch: mạch Tâm, vì Tâm thuộc hỏa, sắc xích (đỏ) khi đã nói Xích mạch là chỉ vào tâm có bệnh đàm hỏa, điên cuồng hay ban chẩn.
  2. Hoàng mạch: mạch Tỳ, vì Tỳ thuộc thổ, sắc hoàng (vàng) khi đã nói Hoàng mạch là chỉ vào Tỳ có bệnh thũng trướng, thương thực, quan cách.
  3. Bạch mạch: mạch Phế, vì Phế thuộc kim, sắc bạch (trắng) khi đã nói Bạch mạch là chỉ vào Phế có bệnh đàm ẩm, hen suyễn, hư lao.
  4. Thanh mạch: mạch Can, vì Can thuộc mộc, sắc thanh (xanh) khi đã nói thanh mạch là chỉ vào Can có bệnh đau mạn sườn, ụa khan, tiêu ra máu.
  5. Hắc mạch: mạch Thận, vì Thận thuộc thủy, sắc hắc (đen) khi đã nói Hắc mạch là chỉ vào Thận có bệnh đau lưng, mỏi gối, lâm lậu, di tinh.
     Như vậy khi nghe nói: Xích mạch hiểu là Tâm bệnh, Hoàng mạch hiểu là Tỳ bệnh, Bạch mạch hiểu là Phế bệnh, Thanh mạch hiểu là Can bệnh và Hắc mạch hiểu là Thận bệnh, Tuy chỉ là danh từ nói mạch cũng cần phải biết.

     II. NGŨ SẮC KỲ MẠCH (Mạch kỳ kinh có 5 màu sắc)

     Trong 5 mạch của kỳ kinh có mạch Xung, mạch Nhâm là biểu chứa Huyết của con người. Huyết ấy dẫn khắp 5 tạng, nhưng hết thảy đều hướng về Can. Vậy Can là nơi chứa đựng huyết (Can tàng huyết).
Khí và Huyết trong người đều có màu sắc hiện ra mặt và mắt.
Khí hiện ra mặt.
Huyết hiện ra mắt (mắt thuộc Can).
Khi xem bệnh lúc nguy nan, ta nhìn sâu sắc trên mặt và mắt của người bệnh để biết người bệnh ấy sống hay chết?
Trước khi xem nên biết “màu vàng là màu của Tỳ thổ”. Sắc mặt vàng là có Vị khí sẽ sống, nếu sắc mặt không còn màu vàng mà lại lộ màu khác là không có Vị khí sẽ chết.
Thí dụ: Sắc mặt vàng mà mắt xanh hay trắng, đỏ, đen. Mặt dù mắt có thay đổi màu sắc, nhưng trên mặt vẫn còn có màu vàng thì người ấy sẽ sống. Bởi âm huyết của 5 tạng còn có dương sinh của Vị khí.
Ngược lại, nếu trên mặt không có sắc vàng mà: - mặt đỏ, mắt đen - mặt đen, mắt trắng, - mặt đỏ, mắt xanh - mặt xanh, mắt đỏ - mặt đỏ, mắt trắng - mặt đen, mắt xanh thì người ấy sẽ chết. Bởi âm tà của 5 tạng lấn át hết dương khí là bệnh “thuần âm vô dương” không còn có Vị khí.
Điều đó chứng minh thêm cho câu “Nhân sinh vị khí vi bản” nói trên.

     III. MẠCH PHÂN NAN VỊ

Mạch dễ xem, dễ biết. Bệnh dễ trị.
Mạch khó xem, khó biết. Bệnh khó trị.
Nói tổng quát về những mạch và bệnh phân ra 2 loại “dễ và khó” để dễ phân biệt tìm hiểu.
  1. Mạch dễ: ta xem độ số 3 bộ mạch đều thông hoạt, khí lực 6 bộ mạch đều đầy đủ mà Phù Trầm hay Trì Sác đều ngang nhau thì mạch dễ xem, dễ biết mà bệnh dễ trị.
     - Mạch cả 3 bộ đều Phù là trong Phế có phong làm nóng mình, sợ gió, chảy nước mũi.
     - Mạch cả 3 bộ đều Trầm trì là có Khí hàn lãnh tích ở trong bụng làm lông da khô dộp, thân hình mệt mỏi và Khí chân nguyên suy yếu.
     - Mạch cả 3 bộ đều Hoãn là nóng ở Tỳ làm sưng răng, hôi miệng và ăn rồi có khi lát sau lại thổ ra (phiên vị).
     - Mạch cả 3 bộ đều Huyền là Can nhiệt, như có khí uất giận bốc lên làm mắt mờ, chảy nước mắt và mắt hơi nhức. Lại còn có bệnh “huyền và tích” (Huyền và Tích đều là bệnh kết cục ở bụng, hình kết ấy như sợi dây đờn hay như ngón tay, Huyền kết ở giữa bụng, Tích kết ở 2 bên hông).
     - Mạch cả 3 bộ đều Sác là Tâm nóng phát cuồng làm môi miệng lở loét.
  1. Mạch khó: Ta xem những mạch:
- Trên (Thốn) có, dưới (Xích) không
- Trên không, dưới có
- Trên dưới có, giữa (Quan) không
- Khi đi đến rồi lại không đi đến.
Tất cả đó là loại mạch khó xem, khó biết. Bệnh khó trị.
     - Mạch Thốn bộ (Dương) Thực đại mà Xích bộ (Âm) không có gì là “Dương thịnh, âm suy” làm sau lưng và eo lưng đau nhức mà chân gối lạnh.
     - Mạch Xích bộ (Âm) Phù đại mà Thốn bộ (dương) không có gì là “Âm thịnh, Dương suy” làm người hư hao gầy ốm, lắm mồ hôi hay bụng dưới đầy tức. Muốn đái, đái buốt, muốn ỉa, ỉa không ra.
     - Mạch Thốn bộ (Dương) Xích bộ (Âm) đều Thực trường là Âm dương trên dưới mạnh mà Quan bộ (bán Âm, bán Dương) ở giữa lại không có gì là Âm Dương 2 đầu xung kích nhau, không giao thông với nhau tức là Âm Dương trong người ngăn cách nhau. Mạch này thuộc loại bệnh Quan và bệnh Cách.
(Quan là Âm thịnh cực độ không có Dương điều khiển thì bí đái. Cách là Dương thịnh cực độ không có Âm hòa dịu thì thổ ngược ra, tức là Dương cứ ở trên , Âm cứ ở dưới cũng như Dương cứ ở ngoài Âm cứ ở trong, không thăng không giáng, không thông hòa với nhau làm cho phần giữa ngăn cách quần quại bí tức, khó chịu. Thật nan trị).
     - Mạch Thốn bộ, Xích bộ 2 đầu đều không có mà mạch Quan ở bộ giữa lại có là Âm Dương quy cả vào giữa, không đi ra, đi vào. Mạch Quan bộ có ấy nếu ở tay trái là phong hàn hay phong hỏa, khi thịnh, khi suy. Nếu ở tay phải là bệnh tâm tình hay nội thương ẩm thực, lao dịch.
     - Thượng bộ có mạch mà hạ bộ không mạch là thức ăn cũ không tiêu, đình tích lại đầy bụng làm cho muốn thổ mà không thổ ra được. Bệnh này thuộc loại bệnh Cách.
     - Hạ bộ có mạch mà thượng bộ không mạch là gốc bệnh hãy còn, thì dù bệnh nặng cũng có thể cứu được.
     Nói chung: khi xem mạch mà đã gọi được tên mạch ấy là mạch gì dù bệnh khó cũng có thể tìm ra phương hướng điều trị. Ngược lại, nếu không gọi được tên mạch dù bệnh dễ cũng khó trị.

     IV. XẢ CHỨNG TÒNG MẠCH- XẢ MẠCH TÒNG CHỨNG
(Bỏ chứng theo mạch mà trị hay bỏ mạch theo chứng mà trị).


     - Bỏ chứng theo mạch: những bệnh, ta nhận xét về chứng, có phần mơ hồ không chính xác. Ví dụ:
Bốc nóng trên mặt, đầu mặt choáng váng, khô miệng khát nước và mạch 2 bộ Xích trầm vi vô lực thì ta bỏ chứng theo mạch mà trị.
     - Bỏ mạch theo chứng: Những bệnh, ta nhận xét về mạch không chính xác, như những người không thể căn cứ vào mạch hay những người không có bộ mạch để xem thì không thể kể mạch phải theo chứng mà trị.
Ví dụ: những người thanh cao, hai tay thường không có mạch, mà có thì mạch đi rất êm dịu nhẹ nhàng bé nhỏ.
Những người mạch tay trái thường rất nhỏ hơn tay phải hay ngược lại.
Những người có mạch Phản quan (Mạch này nói rõ ở bài Định Ninh tôi xem mạch).
Những người không may bị cụt một tay hay cả hai tay.
Những người bị thương nơi xem mạch ở cổ tay.
Như vậy, ta bỏ mạch theo chứng mà trị.
     Trong việc điều trị, có khi bỏ chứng theo mạch mà trị; có khi bỏ mạch theo chứng mà trị; có khi theo cả chứng và mạch mà trị; có khi theo mạch nhiều hơn chứng hay theo chứng nhiều hơn mạch mà trị. Thật vậy, phải tùy nghi định liệu mà trị mới hay.

     V. THẤT QUÁI MẠCH (Bảy mạch quái gở)

      1. Tước trác: như chim sẻ mổ từng hạt thóc. Xem mạch trong khoảng gân thịt, thấy mạch nhảy đồm độp 5-3 cái liền liền rồi ngưng một chút lại nhảy đồm độp 5-3 cái, khác nào như chim sẻ mổ liền 5-3 hạt thóc, nghỉ một chút lại mổ vậy.

      2. Ốc lậu: như mái nhà bị giột nhỏ nước xuống. Xem mạch trong khoảng gân thịt thấy mạch chạy duột đến nhè nhẹ một cái, lát sau lại thấy một cái. Khác nào như nước trên mái nhà đã mục từ từ nhỏ xuống từng giọt êm dịu.
Mạch Tước trác và Ốc lậu đều thuộc loại Tỳ Vị đã suy tuyệt mà Tâm Phế cũng suy tuyệt.

     3. Đàn thạch: như đập vào đá bình bịch. Xem mạch trong khoảng gân thịt, nhẹ tay hay nặng tay thoáng thấy mạch đập nặng chình chịch mấy cái mà xoay đi, tìm lại, lại không thấy. Khác nào như thấy đập vào đá bình bịch rồi lại không thấy nữa vậy. Đó là mạch Phế đã tuyệt.

     4. Giải sách: như gỡ búi dây rối. Xem mạch trong khoảng gân thịt, vừa để ngón tay xem rối loạn tản mát không đi lại trật tự. Khác nào như búi dây rối không biết đầu dây mà gỡ.
 Đó là ngũ tạng đã tuyệt.

     5. Ngư tường: như cá lội dưới nước. Xem mạch khoảng làn da thấy dưới án bất động mà trên lại rung động. Khác nào như cá lội dưới nước thân mình đứng yên mà đuôi ve vẩy.
Đó là Thận tuyệt.

     6. Hà du: Như con tôm lội dưới nước. Xem mạch khoảng làn da, vừa để tay xem im lìm không động đậy, lát thấy mạch đi vụt cái rồi ngưng, lát lại vụt một cái. Khác nào như con tôm lội dưới nước, vụt một cái, đứng yên, lại vụt một cái.
Đó là Tỳ Vị tuyệt.

     7. Vũ phí: như nồi nước sôi. Xem mạch khoảng da thịt, chỉ thấy đi ra, không thấy đi vào. Khác nào như mỡ nổi trên mặt nồi canh đang sôi bùng bùng.
Đó là loại mạch chết.

      Những loại mạch quái gỡ này tất cả đều thấy vào lúc bệnh nguy nan mà phải xem bằng phép Tổng khán mới thấy.
     Thiết nghĩ những loại mạch này chúng ta cũng chỉ hiểu qua phòng khi đối thoại mà thôi. Thực ra khi đã xem thấy những loại mạch này chúng ta nhìn chứng trạng của những người bệnh ấy nó cũng đã phát hiện ra những chứng chết rồi cần chi phải đợi xem mạch.

     VI. CÁC THỂ TRẠNG MẠCH KHÓ TRỊ KHÁC

     1. Mạch còn nhưng cơ thể quá tiêu hao
Xem 3 bộ mạch tuy còn đều hòa vô bệnh, nhưng người ấy gầy ốm, thân hình như que củi tức đã mất cả cơ và mất cả thịt là loại bệnh khó trị, vì cơ và thịt thuộc Tỳ. Cơ và thịt đã tiêu hết, tức là Tỳ khí đã tuyệt cho nên khó trị. Uống thuốc đến bao giờ hòng lấy lại cơ và thịt ấy. (Nói khó trị có nghĩa là sẽ bị chết)
“ Cửu hậu tuy điều, nhi cơ nhục tước gia nan trị”

     2. Chỉ còn mạch ở bộ Thốn
Người bệnh ấy trong lúc bệnh nguy nan, mạch bộ Quan, bộ Xích đã hết, mặc dù mạch bộ Thốn hãy còn quân bình cũng sẽ chết. Bởi cả 3 mạch (Thốn, Quan, Xích) ví nhu một cái cây, Thốn là ngọn cây, Quan là thân cây, Xích là gốc cây. Thốn mạch tuy còn, tức chỉ còn có ngọn cây, ngọn cây còn mà gốc cây (Thận) không còn, cây sẽ chết. Như vậy biết rằng: “Sự sống con người gốc ở Thận, ví như cây phải có gốc” (Thụ nhi hữu căn). Lại cũng biết rằng hạ bộ có mạch mà thượng bộ không có mạch còn có cơ cứu vãn. Ngược lại, nếu thượng bộ có mạch mà hạ bộ không có mạch sẽ chết.
“ Thốn mạch bình nhi tử. ”.

     3. Mạch còn nhưng không đi lại.
Trong lúc bệnh nguy nan, mạch 3 bộ tuy có còn “đấm lên” đủ cả nhưng trong đường mạch nó không đi đi lại lại, tức là âm dương trong người không đi lại giao hòa với nhau nữa, bệnh ấy sẽ chết. Như vậy biết rằng, mạch tuy hầu như mất cả 3 bộ, nhưng xét kỹ nó còn có một đường dây mạch nhỏ bé đi lại giao hòa với nhau thì âm dương hãy còn liên hệ, may ra có thể cứu sống.
“ Mạch tuy toàn nhi vô vãng lai giã tử”.

     4. Người mạnh nhưng mạch bệnh và ngược lại
- Người sức lực khỏe mạnh mà mạch Trầm Vi vô lực, Nhân cường, mạch bệnh.
- Người thân hình gấy ốm, tinh thần bạc nhược mà mạch hồng thực hữu lực. Nhân bệnh, mạch cường.
Hai loại mạch này là mạch chứng tương phản, tức là âm dương tương phản cũng sẽ không sống.
Lại nên biết:
- Những người béo mập thịt đầy nên mạch Trầm kết.
- Những người gầy ốm thịt mỏng, mạch nên phù trường.
- Những người lùn thấp, mạch nên ngắn gọn (đoản xúc).
- Những người cao dài, mạch nên dài nhẹ (trường vi). Đó là nói chung, tất cả nếu ngược lại sẽ không tốt.

     VII. TỀ CHẨN (Xem mạch rốn)

Tề chẩn là xem mạch rốn, Phúc chẩn là xem mạch bụng.
    - Phúc chẩn: Xem mạch bụng để biết da bụng dày mỏng, vùng bụng (tả hữu) nào cứng mềm. Thượng tiêu, hạ tiêu, trung tiêu nơi nào không tiêu no đầy và khi bị đau bụng cho nắn bóp hay không cho nắn bóp. Tất cả các sách đã nói. Nhiều thấy thuốc đều đã biết. Nhất là trong Hoàng Hán Y Học đã để hẳn ra một mục Phúc chẩn nhiều người đã đọc.
     - Tề chẩn: Việc xem mạch rốn khá quan trọng, nhiều thầy thuốc đã biết mà phần nhiều bỏ qua không nói tới. Lại cũng có nhiều Thầy không hề biết đến mạch rốn.
Lãn Ông, người dạy:
  • Tề gian động khí: Cái khí (hơi) tự động ở rốn.
  • Tề gian trúc khí: cái khí tự động ở rốn nó kết lại.
Cách xem mạch rốn: bệnh nhân nằm ngửa cho cái bụng cân bằng. Ta để một ngón tay bằng phẳng trên giữa khu rốn của bệnh nhân mà ấn sâu thẳng xuống sẽ thấy:
- Hơi ở rốn đấm lên giữa 4 ngón tay, bùng bùng từng tiếng một, bệnh nhẹ.
- Không có hơi đấm lên mà nó cứng như một lò xo bằng sắt xoay dưới 4 ngón tay ta, bệnh nặng.
- Đã cứng như lò xo bằng sắt lại có hơi ở giữa đấm lên, bệnh nặng lắm (viết đúng sự thật đã thấy).
- Mạch rốn ấy có người có, có người không có, chứ không phải hễ có bệnh mà mạch ấy có.
- Mạch rốn ấy người bệnh không biết là hơi trong rốn mình nó đập hay là nó xoay, chỉ biết nó no hơi tức ngực thì kêu no hơi tức ngực.
  • Bệnh: hơi trong rốn nó đập hay nó xoay đều bởi tỳ âm (Huyết) bị khô. Nghĩa là người bệnh thấy Tỳ vị mình suy yếu, ăn đồ cay nóng nhiều để cho Tỳ dương nó có khí nóng ấm, biết đâu Tỳ dương nóng quá làm khô Tỳ âm, Âm huyết khô, khí kết lại thành luồng hơi đẩy lên.
Trường hợp nào xem mạch rốn: không phải bệnh nhân nào ta cũng xem mạch rốn. Khi ta gặp những người thường kêu no đầy tức ngực khó ngủ, những người gầy sạm, da thịt khô, những người mạch tim đánh mạnh, những người Thận thủy suy kiệt, nhất là những người đau bụng kinh niên thường hay có mạch này vì họ ăn uống đồ nóng ấm nhiều.
Tất cả những người ấy, ta xem mạch Thốn khẩu đoán bệnh có vẻ không quyết định, thì nên xem mạch rốn.
Phép chữa:
Lãn Ông dạy: Tề gian trúc khí, cấm đụng bạch truật, sát nhân: khí ở rốn kết lại đấm lên bùng bùng, cấm không được cho uống Bạch Truật, nếu cho uống Bạch truật sẽ giết người ta. Tại sao? Vì Bạch truật là chất cứng khô (cương táo) Tỳ âm đã khô, uống Bạch truật vào nó sẽ khô thêm.
Tuy nhiên Người lại dạy: Bệnh kết hơi ở rốn bởi Tỳ âm khô. Nếu uống Bạch truật, phải nhiều Truật, phải nấu Truật thành keo, mới uống được. Vì Truật đã nấu thành keo là Truật đã có dầu không khô cúng nữa. Tỳ đang bị khô, được đầu Truật dẫn vào êm dịu ngay vì Truật là Tỳ dược (xem Châu ngọc cách ngôn quyển thượng).
Tôi đã từng trị bệnh “rốn đập” này bằng vị Bạch thược tẩm rượu sao thay Truật. Vì lúc cấp, Truật đâu để nấu cao và chờ nấu Truật thành cao khá dài thời gian.
Tôi suy nghĩ sao cho Tỳ âm khỏi khô mà được êm dịu? Tôi dùng Bạch thược là chất bình Can hỏa cho khỏi khô lại tư dưỡng Tỳ âm rất mau. Những người Tỳ âm khô lại Thận thủy cạn có thể dùng Thục địa sao thật khô hay có thể tạm dùng Hoàng cầm (sao cháy) một vài lần.
Tỳ thuộc thổ, thổ sợ khô (ố táo) thổ cũng sợ ướt sợ lạnh (ố thấp, ố hàn). Tỳ thổ chỉ ưa êm dịu mà bình hòa, cho nên chỉ cùng thuốc gì có dầu mà bình hòa đưa vào cho Tỳ (khi Tỳ bị khô) mới được, chứ không phải nói “Tỳ khô” mà đưa thuốc “mát lạnh” vào được vậy. Độc giả nên suy luận: có thấy, có biết, mới viết ra đây.
 

Tác giả bài viết: Lê Đức Thiếp

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM - 1985

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây