Nạn kinh từ 31 đến 40

Thứ tư - 06/11/2013 12:40

Danh y Biển Thước

Danh y Biển Thước
Điều 31 Nan viết : “Tam tiêu bẩm thụ ở đâu ? Sinh ra từ đâu ? Bắt đầu từ đâu ? Chấm dứt nơi đâu ? Phép trị của nó thường như thế nào ? (Tại nơi nào ?). Ta có thể hiểu được không ?”.
Thực vậy : “Tam tiêu là con đường (vận hành) của thủy cốc, là nơi chung thỉ của khí.
Thượng tiêu nằm ở dưới Tâm rồi đi xuống dưới cách ở trên thượng khẩu của Vị. Nó chủ nạp chứ không chủ xuất. “Trị” của nó là vùng Chiên trung, dưới huyệt Ngọc đường 1 thốn 6 phân, ngay chỗ lõm vào của giữa 2 đầu vú.
Trung tiêu nằm ở Trung hoãn của Vị, không lên, không xuống. Nó chủ về làm hủ (nát) và thục (chín) thủy cốc. Trị của nó nằm ở bên cạnh của rún.
Hạ tiêu nằm ngay ở chỗ thượng khẩu của Bàng quang. Nó chủ về phân biệt thanh và trọc. Nó chủ xuất mà không chủ nạp, vì nó có nhiệm vụ truyền dẫn (ra ngoài). Trị của nó là ở dưới rún 1 thốn, cho nên gọi nó là Tam tiêu. Phủ của nó ở tại Khí nhai (có bản viết là xung).
 

Điều 32 Nan viết : “Ngũ tạng đều ngang nhau, nhưng Tâm và Phế lại nằm riêng ở phía trên màn cách, tại sao ?”.
Thực vậy : “Tâm thuộc về huyết, Phế thuộc về khí, huyết thuộc vinh, khí thuộc vệ, (cả hai) đều cùng theo nhau để lên xuống, được gọi là vinh vệ, nó vận hành thông suốt các kinh lạc, mở rộng ra ngoài khắp nơi. Vì thế nên Tâm Phế phải ở trên màn cách”.
 

Điều 33 Nan viết : “Can, (sắc) thanh, tượng là Mộc. Phế (sắc) bạch, tượng Kim. Can đắc thủy thì trầm, Mộc đắc thủy thì phù. Phế đắc thủy thì phù, Kim đắc thủy thì trầm. Ý của nó thế nào ?”.
Thực vậy : “Can không phải chỉ thuần là Mộc, nó còn là Ất, là giốc, là nhu của Canh, nếu nói 1 cách to rộng hơn thì đó là (quan hệ) của Âm và Dương, nếu nói 1 cách hẹp hơn thì đó là (quan hệ) của chồng và vợ. Khi nó bỏ cái khí “vi Dương” để hút vào cái “vi Âm” thì “ý” của nó là “lạc : vui” với Kim, vả lại nó vận hành ở “Âm đạo” nhiều hơn, vì thế nó làm cho Can đắc Thủy thì trầm.
Phế không phải chỉ thuần là Kim, nó còn là Tân, là thương, là nhu của Bính, nếu nói 1 cách to rộng hơn thì đó là (quan hệ) của Âm và Dương, nếu nói 1 cách hẹp hơn thì đó là (quan hệ) của chồng và vợ. Khi nó bỏ cái khí “vi Âm” để kết hôn về với Hỏa thì “ý” của nó là “lạc : vui” với Hỏa, vả lại nó còn vận hành ở Dương đạo nhiều hơn, vì thế nó làm cho Phế đắc Thủy thì phù.
Phế “thục : chết” thì trở lại trầm, Can “thục : chết” thì trở lại phù, tại sao ? Cho nên ta biết rằng Tân thì phải quay về với Canh, Ất thì phải quay về với Giáp.

Điều 34 Nan viết : “Ngũ tạng đều có đủ thanh, sắc, xú, vị, có thể hiểu được không ?”.
Thực vậy : “Có thập biến. Đó là :
Can, sắc thanh, xú của nó là táo (mùi tanh của thịt), vị toan, thanh hô, dịch khấp.
Tâm, sắc xích, xú của nó là tiêu, vị khổ, thanh ngôn, dịch hãn (mồ hôi).
Tỳ, sắc hoàng, xú của nó là hương, vị cam, thanh ca, dịch diên (nước bọt).
Phế, sắc bạch, xú của nó là tinh (mùi tanh của cá), vị tân, thanh khốc (khóc), dịch nước mũi.
Thận, sắc hắc, xú của nó là hủ (mục nát, rữa), vị hàm (mặn, thanh thân (rên rỉ), dịch thóa (nước bọt).
Đây là thanh, sắc, xú, vị của ngũ tạng”.
“Ngũ tạng có thất thần, mỗi thần đều được tàng giữ ở đâu ?”.
Thực vậy : “Tạng là nơi tàng chứa thần khí của con người. Cho nên, Can tàng hồn, Phế tàng phách, Tâm tàng thần, Tỳ tàng ý và trí, Thận tàng tinh và chí”.

Điều 35 Nan viết : “Ngũ tạng đều có chỗ (vị trí) của nó. Các phủ đều gần được bến (tạng),-g lúc đó Tâm và Phế lại riêng mình cách xa với Tiểu trường và Đại trường. Tại sao vậy ?”.
Thực vậy : “Kinh nói rằng : Tâm thuộc vinh, Phế  thuộc vệ, thảy đều thông hành với Dương khí, cho nên nó được “ở” bên trên. Đại trường và Tiểu trường có nhiệm vụ truyền Âm khí cho đi xuống dưới, vì thế chúng phải “ở” phía dưới. Vì thế chúng cùng cách xa nhau. Vả lại, các phủ đều thuộc Dương khí, phải ở nơi trong sạch. Nay thì Đại trường, Tiểu trường, Vị, và Bàng quang đều nhận lấy những vật không sạch. Ý đó là thế nào ?”.
Thực vậy : “(Những gì nói về) phủ ở trên có chỗ đúng cũng có chỗ sai. Kinh nói rằng : Tiểu trường là phủ thọ nhận và chứa đựng, Đại trường là phủ làm nhiệm vụ truyền đi ra ngoài theo con đường của mình, Đởm là phủ giữ được sự trong sạch, Vị là phủ chứa thủy cốc, Bàng quang là phủ của tân dịch. (Như vậy), một phủ không thể có đến 2 cách gọi, điểm sai là đây. Tiểu trường là phủ của Tâm, Đại trường là phủ của Phế, Vị là phủ của Tỳ, Đởm là phủ của Can, Bàng quang là phủ của Thận.
Tiểu trường gọi là Xích trường. Đại trường gọi là Bạch trường, Đởm gọi là Thanh trường, Vị gọi là Hoàng trường, Bàng quang gọi là Hắc trường, (tất cả do) Hạ tiêu “trị : quản lý”.

Điều 36 Nan viết : “Mỗi tạng đều có một (tạng), chỉ có Thận là có đến 2 (tạng) tại sao thế ?”.
Thực vậy : “Thận có đến 2 tạng, nhưng không phải đều là Thận, bên trái gọi là Thận, bên phải gọi là Mệnh môn. Mệnh môn là nơi “ở” của thần và tinh, là nơi ràng buộc của nguyên khí. Ở người con trai, (Mệnh môn) là nơi tàng giữ tinh khí, ở người con gái, (Mệnh môn) là nơi ràng buộc với việc thụ thai. Vì thế ta biết Thận có một”.

Điều 37 Nan viết :  “Khí của ngũ tạng phát khởi lên từ đâu ? Thông đến đâu ? Có thể hiểu được không ?”.
Thực vậy : “Ngũ tạng, bên trên nó quan hệ đến cửu khiếu. Cho nên, Phế khí thông với mũi, mũi được hòa thì biết được mùi vị thúi hay thơm. Can khí thông với mắt, mắt được hòa thì thấy được màu trắng hay đen. Tỳ khí thông với miệng, miệng được hòa thì nếm được mùi của cốc khí. Tâm khí thông với lưỡi, lưỡi được hòa thì nếm được ngũ vị. Thận khí thông với tai, tai được hòa thì nghe được ngũ âm.
Ngũ tạng bất hòa thì cửu khiếu không thông. Lục phủ bất hòa thì lưu lại và kết lại thành chứng “ung”.
Tà khí ở tại lục phủ thì Dương mạch bất hòa, Dương mạch bất hòa thì khí bị lưu lại, khí bị lưu lại thì Dương mạch bị thịnh. Tà khí ở Ngũ tạng thì Âm mạch bất hòa, Âm mạch bất hòa thì huyết bị lưu lại, huyết bị lưu lại thì Âm mạch bị thịnh. Âm khí quá thịnh thì dương khí không còn được “doanh” nữa, gọi là Cách. Dương khí quá thịnh thì Âm khí không còn được “doanh” nữa, gọi là Quan. Âm Dương đều thịnh không còn cùng “doanh” cho nhau nữa, gọi là Quan Cách. Quan Cách có nghĩa là không còn sống trọn tuổi của mình nữa, chết”.
“Kinh nói : Khí độc hành ở ngũ tạng mà không còn doanh ở lục phủ, tại sao như vậy ?”
Thực vậy : “Sự vận hành của khí ví như dòng nước chảy không được ngừng lại. Cho nên Âm mạch thì “doanh” ở ngũ tạng, Dương mạch thì “doanh” ở lục phủ, như chiếc vòng ngọc không đầu mối, không biết đầu mối sợi tơ ở đâu, dứt rồi bắt đầu trở lại, không bị tình trạng “phúc dật”. Nhân khí bên trong làm ấm ở tạng phủ, bên ngoài làm trơn nhuận tấu lý”.

Điều 38 Nan viết : “Tạng duy chỉ có 5, phủ lại độc có đến 6, tại sao vậy ?”.
Thực vậy : “Sở dĩ phủ có đến 6, đó là kể đến Tam tiêu, nó là biệt sứ của nguyên khí, nó chủ trì các khí có danh mà vô hình. Kinh của nó là Thủ Thiếu dương. Đây là phủ bên ngoài. Vì thế mới nói phủ có đến 6”.

Điều 39 Nan viết : “Kinh nói : Phủ có 5, tạng có 6, thế nghĩa là thế nào ?”.
Thực vậy “(Nói là) lục phủ, nhưng chính là chỉ có ngũ phủ, trong lúc đó ngũ tạng cũng thành có lục tạng, cũng là Thân có đến 2 tạng, tạng ở bên trái thuộc Thận, tạng ở bên phải thuộc Mệnh môn. Mệnh môn là chỗ “ở” của tinh thần. Người con trai dùng nó để tàng chứa tinh khí, người con gái dùng nó để ràng buộc vấn đề bào thai. Khí của nó thông với Thận, vì thế mới nói tạng gồm có 6 (tạng)”.
“Phủ có 5 nghĩa là sao ?”.
Thực vậy : “Ngũ tạng, mỗi tạng đều có một phủ, Tam tiêu cũng là một phủ, nhưng lại không thuộc vào ngũ tạng, vì thế mới nói phủ chỉ có 5 (phủ)”.

Điều 40 Nan viết : “Kinh nói : Can chủ về sắc, Tâm chủ về xú, Tỳ chủ về vị, Phế chủ về thanh, Thận chủ về dịch. Tỵ (mũi) là nơi biểu hiện của Phế vậy mà nó lại biết được mùi thơm, thúi (hôi). Nhĩ (tai) là nơi biểu hiện của Thận vậy mà nó lại nghe được âm thanh. Ý của nó thế nào ?”.
Thực vậy : “Phế thuộc tây phương Kim. Kim được sinh ra ở tỵ, tỵ thuộc nam phương Hỏa. Hỏa thuộc Tâm, Tâm chủ về xu, vì thế nó khiến cho mũi biết được mùi thơm hay thúi. Thận thuộc bắc phương Thủy. Thủy được sinh ra ở thân, thân thuộc tây phương Kim. Kim thuộc Phế, Phế chủ về âm thanh, vì thế nó khiến cho tai nghe được âm thanh”.

Tác giả bài viết: Thiếu Phúc sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây