LÔ HỘI

Thứ bảy - 27/09/2014 11:59

.

.
LÔ HỘI ( Herba Aloes) Lô hội còn gọi là Tương đảm, Du thông, Nô hội, Lưỡi hổ, Long tu ( Bình Định), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo là dịch cô đặc của lá nhiều loài cây có tên thực vật là Aloe vera L. và Aloe ferox Mill, thuộc họ Hành tỏi (giới thiệu trong bài này). Còn nhiều loại Lô hội khác như Aloe Vulgaris Lamk, Aloe ferox L, Aloe Perryi Bak, v..v.. cho nhiều loại Lô hội chất lượng khác nhau. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXI. Tả hạ - nhuận hạ.

Chủ sản cây Lô hội Aloe vera L. là miền Bắc Châu Phi, miền Nam Châu Mỹ, quần đảo Tây Ấn độ, Trung Quốc có cây giống trồng ở Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, dược liệu gọi là Lão Lô hội chất lượng tốt. Còn loại Lô hội Aloe ferox Mill, chủ sản ở miền Nam Châu Phi, dược liệu là Tân Lô hội. Lô hội dùng ở nước ta chủ yếu ngoại nhập.

Tính vị qui kinh:

Lô hội vị đắng, tính hàn, qui kinh Can và Đại tràng.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản thảo thập di: Lô hội tục gọi là Tượng đảm, vị đắng như mật.
  • Sách Khai bảo bản thảo: đắng hàn không độc.
  • Sách Bản thảo cương mục: Lô hội nãi quyết âm kinh dược dã.

Thành phần chủ yếu:

Aloin (cũng gọi là Barbaloin), p-coumaric acid, glucose, aldopentose, calcium oxalate.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Lô hội có tác dụng: Tả hạ thanh can hỏa, sát trùng. Chủ trị các chứng nhiệt kết tiện bí ( táo bón do nhiệt), chứng can kinh thực hỏa, cam tích ở trẻ em, chàm lở lâu khỏi ( dùng ngoài).

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Khai bảo bản thảo: " trị nhiệt phong phiền muộn, nhiệt khí tại vùng hung cách, minh mục trấn tâm ( làm sáng mắt an thần), trị chứng động kinh, kinh phong trẻ em, chứng ngũ cam, sát tam trùng, trị trĩ sang lậu, giải độc Ba đậu".
  • Sách Bản thảo cương mục: " tác dụng của Lô hội là chuyên sát trùng, thanh nhiệt".
  • Sách Bản thảo kinh sơ: " Lô hội tính hàn có thể trừ nhiệt, vị đắng có thể là tả nhiệt táo thấp, sát trùng, là thuốc chủ yếu trừ nhiệt sát trùng".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: " Lô hội là thuốc làm mát gan sát trùng. Phàm bệnh có nhiệt thuộc tạng can, dùng Lô hội là không do dự gì. Nhưng vị rất đắng, khí rất hàn, các loại thuốc đắng hàn không vị nào bằng. Tác dụng của Lô hội là chủ thanh không chủ bổ, nếu nội nhiệt mà khí khỏe thì dùng, nếu nội nhiệt mà tiêu chảy ăn ít không dùng".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Aloin là chất tẩy xổ mạnh, tác dụng kích thích đại tràng gây xổ thường kèm theo đau bụng, hố chậu sung huyết nghiêm trọng có thể gây viêm thận. Lô hội dùng thụt đại tràng có tác dụng cũng như uống.
  2. Tác dụng đối với tim mạch: nước sắc Lô hội có tác dụng ức chế tim cô lập của ếch.
  3. Nước ngâm kiệt Lô hội có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau: nấm gây bệnh ngoài da. Lô hội còn có tác dụng kháng hoạt tính ung thư.
  4. Liều nhỏ Lô hội gíup kích thích tiêu hóa ( thường liều 0,5 - 1g) vì nó kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không cho cặn bã ở lâu trong ruột.
  5. Độc tính Lô hội: dùng liều quá cao có thể gây ngộ độc chết người ( tiêu nhiều, yếu toàn thân, mạch chậm, nhiệt độ xuống).

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị táo bón do trường vị thực nhiệt:

  • Lô hội 20g, Chu sa 15g, tán thành bột mịn, dùng rượu làm hoàn, mỗi lần uống 1 đồng cân ( 3g), ngày 2 lần, uống với rượu hoặc nước cơm.
  • Viên nhuận tràng: Bột Lô hội 0,08g, cao Mật bò tinh chế 0,05g, Phenoltalein 0,05g, Bột Cam thảo 0,05g, tá dược vừa đủ 1 viên, ngày uống 1 - 2 viên vào bữa cơm chiều.

2.Trị viêm màng tiếp hợp cấp:

  • Gia vị Lô hội hoàn: Lô hội 3g, Hồ Hoàng liên 3g, Đương qui 10g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 3g, Vô di 10g, Mộc hương 3g, Long đởm thảo 6g, sắc nước uống.

3.Trị chứng cam đởm thực nhiệt gây táo bón, tiểu đỏ ít, hoa mắt chóng mặt; nặng hơn có triệu chứng co giật, phát cuồng nói nhãm:

  • Đương qui Lô hội hoàn: Lô hội, Đại hoàng, Thanh đại ( Thủy phi) mỗi thứ 3g, Đương qui, Long đởm thảo, Hoàng cầm, Chi tử, Hoàng liên, Hoàng bá mỗi thứ 6g, Mộc hương 5,5g, Xạ hương 0,3g ( tán riêng), tán bột mịn luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 6 - 10g, ngày 3 lần.

4.Trị lãi đũa trẻ em, cam nhiệt:

  • Lô hội 3g, Sử quân tử 15g, tán bột, mỗi ngày uống lúc đói 6g với nước ấm.
  • Lô hội hoàn: Lô hội, Diên hồ sách, Mộc hương đều 3g, Vô di, Thanh bì đều 6g, Đương qui, Phục linh, Trần bì đều 10g, Chích thảo 3g, tán bột mịn làm hồ hoàn. Trị trẻ em cam tích, táo bón, lãi đũa, suy dinh dưỡng.

5.Trị ghẻ lở, lóet lở hậu môn:

  • Lô hội tán: Lô hội 30g, Cam thảo 15g, tán bột mịn, dùng nước đậu phụ ( đậu hũ), rửa chỗ lóet rồi đắp thuốc.

6.Trị mụn ở thanh niên: Chế cao xoa mặt có gia thêm nước lá Lô hội 5 - 7%, xoa ngày 1 - 3 lần. Trị 140 ca, có kết quả 136 ca ( Vương Thị, Tạp chí Trung y Liêu ninh 1987,9:27).

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: uống 0,6 - 1,5g cho vào hoàn tán, không cho vào thuốc thang. Dùng ngoài vừa đủ đắp chỗ bệnh.
  • Chú ý: Lô hội rất đắng, mùi hôi, không cho vào thuốc thang, tỳ vị hư hàn không dùng. Phụ nữ có thai không dùng.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây