MỘC QUA

Thứ năm - 09/10/2014 19:09

.

.
MỘC QUA (Fructus Chaenomelis Lagenariae) Mộc qua là quả chín phơi hay sấy khô của cây Mộc qua (Chaenomeles lagenaria (Loisel.) . Ở Trung Quốc có khi dùng quả của cây Quang bì Mộc qua (C.sinensis (Thouin) Koehne. Mộc qua dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục. Ta còn phải nhập thuốc này của Trung Quốc. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm III - Phát tán phong thấp.

Tính vị qui kinh:

Tính vị chua ôn, qui kinh Can tỳ.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: vị chua tính lương.
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư: nhập 4 kinh Tỳ Phế Can Thận.

Thành phần chủ yếu:

Saponin, Fructose, citric acid, flavone, tartric acid, tanin.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thư cân hoạt lạc hóa thấp hòa vị.

Chủ trị các chứng phong thấp tý thống, cân mạch co rút, cước khí sưng đau, thổ tả co rút chân tay.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " chủ thấp tý tà khí, chứng thổ tả, chân tay co giật".
  • Sách Bản thảo thập di: " hạ lãnh khí cường gân cốt, tiêu thực, làm nước uống cầm khát sau tiêu chảy. Trường hợp cước khí xung tâm, lấy 1 quả bỏ hột sắc uống".
  • Sách Bản thảo cương mục: " Mộc qua chủ hoắc loạn, thổ lỵ chuyển cân (co giật), cước khí đều thuộc bệnh Tỳ vị, là do thấp nhiệt, hàn thấp làm tổn thương tỳ vị gây nên chứ không phải bệnh của Can do đó chuyển cân phải bắt đầu từ cẳng chân".
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư: " dùng vị chua liễm của thuốc chua làm thư cân, liễm cố thóat. Trị lưng gối mỏi, cước khí, là thuốc dẫn kinh không thể thiếu, khí trệ thuốc có tác dụng hòa khí, khí thóat thuốc giữ lại, thuốc có thể bình vị, trị chứng ách nghịch, chuyển cân do hoắc loạn, thuốc giáng đờm, trừ thấp, hành thủy. thuốc liễm phế cầm đi lỵ, chỉ tả, làm giảm bứt rứt đầy bụng, chỉ khát".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Thuốc có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ men SGOT, SGPT. Nước sắc Mộc qua có tác dụng tiêu sưng rõ trên mô hình viêm khớp chuột nhắt do chích protein (tác dụng kháng viêm).

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng tê thấp cước khí, hoặc do chấn thương đau cẳng chân:

  • Mộc qua 40g, Ngũ gia bì 40g, Uy linh tiên 20g, tán bột mịn. Mỗi lần uống 10g, uống với rượu càng tốt.
  • Rượu Hổ cốt - Mộc qua (Dược điển Trung quốc 1963): Xương Hổ chế 40g, Xuyên Ngưu tất, Đương qui, Thiên ma, Ngũ gia bì, Hồng hoa, Tục đoạn, Bạch gia căn, Ngọc trúc đều 40g, Tần giao, Phòng phong đều 20g, Tang chi 16g, Mộc qua 120g, Xuyên khung 40g. Tất cả 14 vị tán bột thô, ngâm vào 15 lít rượu trắng đậy kín, mỗi ngày khuấy 1 lần, sau 1 tuần thì mỗi tuần khuấy 1 lần. Một tháng sau lọc rượu, bã ép hết nước trộn vào rượu thuốc, cho dùng thêm đường phèn 1,3kg, hòa tan trong nước rồi trộn chung rượu đem lọc để dùng. Rượu thuốc trị được cả chứng chân tay co quắp, đau nhức, mắt méo xệch. Mỗi lần uống 20 - 40g, ngày 2 lần. Phụ nữ có thai không dùng.
  • Viên Hổ cốt - Mộc qua (Dược điển Trung Quốc 1963): Xương Hổ chế, Mộc qua, Bạch chỉ, Hải phong đằng, Uy linh tiên, Xuyên khung, Đương qui, Thanh phong đằng đều 50g, Xuyên Ngưu tất 100g, Xuyên Ô chế, Thảo ô chế đều 25g, Đảng sâm 8g. Tất cả tán bột mịn trộn đều, dùng mật ong cô đặc làm hoàn nặng khoảng 10g mỗi hoàn. Mỗi lần uống 1 viên, ngày 2 lần với nước sôi nguội. Phụ nữ có thai không nên dùng.

2.Trị viêm ruột cấp nôn mửa, cẳng chân co giật, ngực đầy tức, dùng bài:

  • Mộc qua thang (Mộc qua 16g, Ngô thù 6g, Hồi hương, Sinh khương, Tía tô đều 6g sắc nước uống.

3.Trị viêm gan cấp vàng da: Mộc qua chế thành dạng trà hãm nước sôi uống. Mỗi lần 1 - 2 gói, ( mỗi gói có 5g thuốc sống tương đương), ngày 3 lần. Đặng Trí Mẫn trị 70 ca kết quả tốt ( Tạp chí Trung y dược Phúc Kiến 1987,2:14).

4.Trị ltrực khuẩn cấp: Mộc qua chế thành thuốc viên, mỗi lần uống 5 viên ( mỗi viên 0,25 tương đương thuốc sống 1,13g), ngày 3 lần, một liệu trình 5 - 7 ngày. Quách Thành Lập và cộng sự đã dùng trị 107 ca, tỷ lệ khỏi 85,8%, tỷ lệ có kết quả 96,28% ( Tạp chí Y học Trung hoa 1984,11:689).

Liều dùng và chú ý:

  • Liều: 6 - 12g.
  • Mộc qua được hái quả chín về cho vào nước sôi đun khoảng 5 - 10 phút lấy ra phơi hay sấy cho vỏ nhân cắt dọc thành 2 - 4 miếng, phơi cho vỏ thành màu đỏ là được. Dùng sống hoặc sao. Trên thị trường có nhiều loại Mộc qua khác nhau nên cần nghiên cứu để xác định tác dụng dược lý của thuốc hơn.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

 Từ khóa: làm thuốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây