Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


34 công thức huyệt thường dùng:Thiên trụ, Đại trữ, Côn lôn.

NHÓM THỨ 30
a) Phối huyệt: Thiên trụ, Đại trữ, Côn lôn.
b) Hiệu năng: xua phong, giáng nghịch, khai khiếu, tỉnh não.
c) Chủ trị: các chứng choáng váng của đầu, mắt, tình trạng mê loạn bất an, tai kêu, nhức đầu.
d) Phép châm và cứu: châm Thiên trụ, sâu 5 phân; châm Đại trữ, mũi kim hướng xuống dưới, sâu 5 phân, nếu có hàn tà thì cứu 3 tráng. Châm Côn lôn, thẳng sâu 3 đến 5 phân, cứu 3 tráng. Tất cả đều không dùng phép bổ tả, chỉ cần châm vào là được, lưu kim 10 phút.
e) Giải phương: Thiên trụ là 1 huyệt vị, nơi đó phát ra mạch khí của kinh Túc Thái dương Bàng quang, châm nó sẽ làm khai khiếu tỉnh não. Đại trữ hội huyệt của kinh Thủ Thái dương và Túc Thái dương. Cốt khí hội nhau ở huyệt Đại trữ. Cốt do tủy dưỡng, tủy do não rót xuống huyệt Đại trữ rồi do từ Đại trữ để thấm nhập vào giữa cột sống, đi xuống dưới xuyên đến xương cùng và thấm nhập vào các đốt tiết. Vì vậy nên châm huyệt này sẽ bổ tủy làm tỉnh lại đầu và mắt.
Côn lôn là huyệt Kinh của Kinh Túc Thái dương Bàng quang, châm nó để xua Phong tán Hàn, thư cân hoá thấp. Kinh Thái dương thống nhiếp Dương khí của toàn thân. Các du huyệt của ngũ tạng lục phủ đều nằm ở vùng lưng, khí của ngũ tạng đều thông với Thái dương. Cho nên, 3 huyệt này làm thông Dương, hoá Thấp, tán Hàn, giáng được nghịch khí, khai khiếu tỉnh não, điều hoà Âm Dương, dẫn dắt nghịch khí tuần hành theo kinh dần dần đi xuống dưới. Như vậy kinh khí sẽ thông sướng, nghịch khí sẽ bình, các khiếu bị bế trên đầu sẽ được trong sáng.
f) Ghi chú: phương này không dùng phép bổ và tả. Bởi vì khí cơ đang bị phiền loạn, xung lên trên đến các khiếu trên đầu. Nay nếu thi hành các phép bổ tả sẽ làm cho nghịch khí bị loạn thêm. Mục đích châm theo phương này là nhằm điều hoà khí loạn, đợi chừng nào kinh khí điều hoà, thuận hành thì nghịch khí sẽ tự đi xuống. Chúng ta phải theo dõi cái thế của khí, không nên vội vàng. Phép này cũng cho phép trị các chứng do tà khí của Phong hàn ở khách tại kinh Thái dương, chứng biểu hiện là đầu cổ (đỉnh đầu), cột sống lưng bị cứng và đau nhức. Nếu như nghịch khí vào sâu rồi ở lại không đi nữa, ta có thể suy tính để dùng phép tả. Đây là 1 trong những tâm đắc mà tôi có được trong lâm sàng.

Nguồn tin: sưu tầm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây