Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


TÌM HIỂU ĐỊA DANH: ĐA LỘC - PHÚ YÊN

.

.

PHÚC TÂM ĐƯỜNG xin giới thiệu đến các bạn một tác phẩm của Thầy Nguyễn Đình Chúc đã dày công tìm hiểu và nghiên cứu địa danh vùng đất " Xứ Nẫu" qua tục ngữ, ca dao:
Tiếng đồn Đa Lộc cam ngon,
Muốn ăn cam Đa Lộc, sợ đi mòn gót chân.

     Đa Lộc là vùng kinh tế mới thành lập thuộc huyện Đồng Xuân. Từ Phước Lãnh theo con đường ĐT 644 mới mở về hướng Đông Bắc độ 6,7Km là đến trung tâm xã Đa Lộc. Dân số 3.976 người với 811 hecta sản xuất.
     Vùng Đa Lộc, trước kia cư dân đa số là người dân tộc, họ sống rải rác ở buôn làng trên các sườn đồi cạnh những con suối. Cũng như người dân tộc ở Phú Mỡ, nhà cửa và cách sinh hoạt ở đây giống người Kinh khá rõ. Tuy nhiên, họ vẫn giữ bản sắc dân tộc nên lại ở riêng biệt với người Kinh trong các buôn làng.
     Đa Lộc có hòn Đác cao 800m và đồi núi thoai thoải, bằng phẳng hơn các vùng khác, lại là nơi đất đai phì nhiêu, được chọn làm khu kinh tế, di dân các nơi xa đến, nhiều nhất là dân từ Cam Ranh. Số người lớn tuổi có kinh nghiệm đem các giống cam chiết, cam ghép về trồng một đôi năm đã cho quả vừa sai, vừa ngọt. Họ phát triển rộng rãi, hộ gia đình nào cũng có trồng cam và các cây ăn quả khác. Số cam nhiều hơn nên có mặt ở khắp nơi và rất nổi tiếng.


Nhà thờ giáo xứ Đa Lộc
 
     Đa Lộc là xã có buôn Hòn Đác người Bana sinh sống từ lâu. Nói đến người Bana vùng thấp ở buôn Hòn Đác ( xã Đa Lộc) chừng 300 người. Tổ tiên người Bana vùng thấp có khoảng 2.100 người, người Bana vùng cao sống ở phía Tây Bắc của tỉnh, vùng giáp giới ba tỉnh Bình Định , Gia Lai, Phú Yên ( Đồng Xuân) trên vùng núi non hiểm trở mà người Pháp ở Qui Nhơn gọi Bana – Thồ Lồ là vùng hiên ngang sống ngoài thế giới văn minh.
    Người Bana vùng thấp ở Buôn Xí, Buôn Thoại, làng Đồng thuộc xã Phú Mỡ có 700 người. Người Bana vùng thấp vốn ở phía Tây tỉnh Gia Lai, họ chạy xuống Phú Yên thời Tây Sơn. Khi mới đến họ sống xen với đồng bào Bana và Chăm huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định rồi di cư vào suối Giây dưới chân núi Đác, núi Kồng Kênh giáp ranh Phước Lãnh, xã Xuân Lãnh.
     Họ vốn có truyền thống bất khuất nên đã sớm tham gia vào phòng trào Tây Sơn và đóng góp tích cực. Vùng Thồ Lồ, Xí, Thoại, Đồng là căn cứ của phong trào Cần Vương. Những năm cuối thế kỷ XIV, Phó Đấy, Ma Bí ( dân tộc Chăm – Hơ Roi) ở xã Đá Mài cùng với người Bana buôn suối Đá đã đấu tranh chống làm xâu, nộp thuế, hợp tác với Bá Sự, tổ chức nghĩa quân, rèn đúc vũ khí xây dựng căn cứ tại Sân Sĩ tại khu rừng Chăm Băng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Võ Trứ vào năm 1898.
     Mười năm sau cuộc khởi nghĩa của Ma Tơ Răng Long phía Nam Tây Nguyên đã giết chết tên đồn trưởng Pháp là Henri Mètre tháng 6-1937, 300 đồng bào Bana, Chăm, Kinh kéo đến đồn Tân An biểu tình chống xâu thuế do ông Bá Thanh Bơ buôn Hòn Ông xã Suối Bạc cầm đầu phong trào " nước xu ", "  nước thần " uống vào thêm lòng dũng cảm, súng bắn không chết, những người bỏ vào gùi một đồng xu và ra về sẽ không đi xâu, không đóng thuế và sắm sửa cung tên đi chống Pháp. Ở miền Tây Phú Yên phong trào đánh Pháp do Ông Hội Chăm Săm Bờ Răm ở Suối Ché xã Phước tân ( Sơn Hòa) cầm đầu đã lan khắp đồng bào dân tộc các tỉnh Nam Trung Bộ. Giặc Pháp phải bắt giam ông tại Trà Kê rồi Sông Cầu, Ban Mê Thuột cho đến tháng 3-1945 mới thả về. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông làm Phó Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh, năm 1949 ông qua đời thọ 80 tuổi.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Chúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây