Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


CAO LƯƠNG KHƯƠNG

.

.

CAO LƯƠNG KHƯƠNG (Rhizoma Alpiniae Officinari) Cao Lương khương còn gọi là Tiêu lương khương, Phong khương, Riềng, Galanga dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Riềng có tên thực vật là Alpinia officinarum Hance, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm IV - Trừ hàn.

Vì người ta phát hiện cây Riềng mọc ở vùng Cao lương nên có tên gọi là Cao lương khương. Cây Riềng mọc hoang hoặc được trồng khắp nơi ở nước ta để làm gia vị và làm thuốc. Tại Trung quốc, Riềng mọc nhiều tại các tỉnh Quảng đông, Quảng tây, Đài loan, Vân nam.

Tính vị qui kinh:

Riềng vị cay, tính nóng, qui kinh Tỳ Vị.

Theo các sách cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: Đại ôn.
  • Sách Bản thảo thập di: vị cay ôn.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính: nhập 2 kinh Tỳ vị.

Thành phần chủ yếu:

Trong rễ củ riềng có 0,5 - 1,5% tinh dầu. Thành phần có carineole, methyl cinnamate, eugenol, pinene, cadimene, galangin, kaempferide, kaempferol, quercetin, Isorhamnetin, galangol.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Riềng có tác dụng ôn tỳ vị, chủ trị các chứng đau bụng lạnh, nôn, tiêu chảy.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: "Chủ bạo lãnh, vị trung lãnh nghịch, hoắc loạn phúc thống".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: "Cao lương khương trừ hàn thấp, ôn tỳ vị. Đối với người cao tuổi tỳ thận hư hàn, tiết tả tự ly, phụ ngân tâm vị bạo thống, do khí nộ, do hàn đàm, dùng riềng tính vị thuần dương cay nóng để trị các chứng hàn lạnh kinh niên, tác dụng như Quế Phụ. Nếu hàn phạm vị sinh nôn mửa, thương thực do ăn chất sống lạnh, sinh hoắc loạn thổ tả, phải dùng nhiều. Nếu tỳ vị hư hàn cần phối hợp với Sâm, Kỳ, Bán hạ, Bạch truật là tốt, còn dùng độc vị thì dùng nhiều. Thuốc tính cay nóng tẩu tán tất sẽ làm hao tổn trung khí".
  • Sách Bản kinh phùng nguyên: " Bụng dưới đau do hàn sán (sa đì). Lương khương cùng dùng với Hồi hương. Còn dùng Riềng trị chứng bụng dưới đau sau sanh do hạ tiêu hư hàn, ứ huyết".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc Cao lương khương in vitro có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như trực khuẩn bạch hầu, liên cầu khuẩn dung huyết, anthrax bacillus, song cầu khuẩn viêm phổi, tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lao.
  2. Nước sắc Lương khương có tác dụng hưng phấn ruột cô lập của súc vật thí nghiệm, nồng độ cao lại có tác dụng ức chế. Dầu thơm Lương khương có tác dụng kiện vị (tăng tiết dịch vị).

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị đau bụng do hàn, nôn ra nước trong, đau bụng do sa đì (sán khí): dùng bài:

  • Lương phụ hoàn (Lương phương tập dịch): Cao Lương khương, Hương phụ lượng bằng nhau, tán bột mịn gia nước gừng, cho tí muối làm thành hoàn, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 2 - 3 lần với nước ấm. Trị đau bụng hàn.
  • Cao lương khương 10g, Ngũ linh chi 6g, tán bột mịn trộn đều uống. Trị đau lóet dạ dày tá tràng. Trường hợp xuất huyết không dùng.
  • Cao lương khương thang: Cao lương khương 6g, Hậu phác 10g, Đương qui 10g, Quế tâm 4g, Sinh khương 10g, sắc nước uống. Trị đau bụng ngực, đau bụng quặn do cảm lạnh.

2.Trị nôn ói do vị hàn:

  • Cao lương khương 10g sao qua tán bột mịn, uống với nước ấm.
  • Cao lương khương 8g, Đại táo 1 quả sắc với 300ml nước còn 1/3 chia uống trong ngày.
  • Lương khương, Bạch linh, Đảng sâm đều 10g, sắc uống trị chứng nôn hư hàn.

Liều lượng dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: uống 3 - 10g.
  • Không dùng đối với chứng nhiệt thịnh, âm hư.

+ Sách Bản thảo kinh sơ viết: " vị hỏa sinh nôn, thương thử hoắc loạn, tiêu chảy hỏa nhiệt tâm hư gây đau, kî dùng".

  • Chú ý: Can khương, Lương khương, Sinh khương đều có tác dụng ôn trung tán hàn. Can khương thiên về ôn tỳ chỉ tả. Lương khương ôn trung chỉ thống. Sinh khương mạnh về ôn vị chỉ ẩu (cầm nôn).

Phụ lục: HỔNG ĐẬU KHẤU

Hồng đậu khấu là quả của cây Cao lương khương to Alpinia galanga (L) Will.

Dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo đời Đường. Tính vị cay ôn, qui kinh Tỳ vị, có tác dụng ôn trung tán hàn, hành khí chỉ thống.

Chủ trị chứng đau bụng lạnh do hàn thấp nôn, tiêu chảy không muốn ăn, cũng có thể tán bột mịn xát răng trị đau răng.

Liều dùng cho vào thuốc thang: 3 - 6g, dùng tươi.

Trường hợp âm hư nhiệt không dùng.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây