Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


CẨU TÍCH

.

.

CẨU TÍCH (Rhizoma Cibotii Barometz) Còn gọi là Kim mao Cẩu tích, rễ lông Cu li là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Lông Cu li (Cibotium Barometz (L) J.Sm), thuộc họ Lông Cu li. Vị thuốc Cẩu tích được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVII - Bổ dương.

Tính vị qui kinh:

Vị đắng, ngọt, ôn . Qui kinh Can thận.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị đắng bình.
  • Sách Dược tính bản thảo: vị đắng cay, hơi nhiệt.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập Can, Bàng quang.
  • Sách Bản thảo cầu chân: nhập Can thận.
  • Sách bản thảo tái tân: nhập Tâm can thận.

Thành phần chủ yếu:

Có alkaloid Tục đoạn, ít tinh dầu, chất màu, vitamin E (sách của Đỗ tất Lợi gọi chất alkaloit trong Đỗ trọng là Lamin). Cũng theo sách này viết sơ bộ nghiên cứu Tục đoạn Việt nam thấy dịch chiết Tục đoạn có vị hơi ngọt, sau hơi tê lưỡi, có phản ứng acid với giấy quì, có phản ứng dương với các thuốc thử chung với alkaloit, phản ứng tanin cũng rõ rệt, có đường và có thể có saponin (Lê Anh 1961, Bộ môn Dược liệu).

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bổ can thận, mạnh gân xương lưng gối, trừ phong thấp.

Trị chứng thận hư, đau lưng, cứng cột sống, tiểu tiện khó cầm, khí hư, bạch đới.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " Liệu thất niệu bất tiết, nam tử cước nhược yêu thống, phong tà lâm lộ, thiểu khí mục ám (khí kém, mắt mờ), khiến cong ưỡn sống lưng dễ dàng, nữ tử khớp xương co duỗi khó khăn".
  • Sách Bản thảo cương mục: " cường can thận, kiện cốt trị phong hư".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Lông Cu li có tác dụng cầm máu.
 

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng can thận bất túc: Đau nhức sống ngang lưng, tiểu nhiều khó cầm, thuốc có tác dụng bổ can thận, dùng bài:

  • Cẩu tích ẩm: Cẩu tích 16g, Ngưu tất, Thổ ti tử, Sơn thù du, Lộc giao (chưng), Đỗ trọng mỗi thứ 12g, Thục địa 16g, sắc uống.
  • Bài thuốc kinh nghiệm: Cẩu tích 15g, Ngưu tất 10g, Đỗ trọng 10g, Sinh mễ nhân 12g, Mộc qua 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày, có thể cho thêm rượu uống.

2.Trị chứng phong thấp hoặc hàn thấp chân tay tê đau: dùng các bài:

  • Huyết bảo đơn: Cẩu tích 16g, Chế Ô đầu, Tỳ giải mỗi thứ 12g, Tô mộc 8g, tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 6 - 8g, ngày 2 lần, có thể sắc uống.
  • Cẩu tích ẩm: Kim mao cẩu tích, Xuyên Ngưu tất, Hải phong đằng, Mộc qua, Tang chi, Tùng tiết, Tục đoạn, Tần giao, Quế chi, Đương qui, Hổ cốt mỗi thứ 12g, Thục địa 20g, sắc uống. Có thể thêm rượu càng tốt, dùng tốt đối với bệnh nhân phong thấp có khí huyết hư.

Liều thường dùng và chú ý:

  • Liều: 10 - 15g. Thuốc có tác dụng ôn bổ cố sáp.
  • Không nên dùng đối với chứng thận hư có nhiệt, tiểu tiện ít vàng, mồm đắng, lưỡi khô.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây