Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


MÙ U

.

.

Mù u Mù u, Cồng hay Hồ đồng - Calophyllum inophyllum L., thuộc họ Măng cụt - Clusiaceae. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXIX - Dùng ngoài.

Mô tả: Cây to cao tới 20-25m, đường kính trung bình 30-35cm. Cành non nhẵn, tròn. Lá lớn, mọc đối, thon dài, mỏng; gân phụ nhiều, nhỏ, song song và gần như thẳng góc với gân chính, nổi rõ cả hai mặt; cuống lá dày và bẹt. Cụm hoa chùm ở nách lá hay ở ngọn cành gồm 5-16 hoa, thường là 9. Hoa màu trắng hay vàng cam, có 4 lá đài, 4 cánh hoa, nhiều nhị xếp thành 4-6 bó, bầu một lá noãn với một noãn đính gốc, 1 vòi nhuỵ. Quả hạch hình cầu hay hình trứng, khi chín màu vàng nhạt, chứa một hạt có vỏ dày và một lá mầm lớn dầy dần.
Cây ra hoa tháng 2-6, có quả tháng 10-12.
Bộ phận dùng: Hạt, dầu hạt, nhựa cây, rễ, lá - Semen, Oleum, Resina, Radix et Folium Calophylli Inophylli.
Nơi sống và thu hái: Cây của miền Malaixia, châu Ðại dương, cũng mọc hoang ở nước ta, thường được trồng làm cây bóng mát. Thu hái quả tốt nhất vào lúc cây có 7-10 năm tuổi; quả chín rụng rồi khô vỏ sẽ cho nhiều dầu nhất. Nên thu từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Hạt dùng tươi hay ép lấy dầu. Nhựa thu quanh năm, phơi khô, tán bột. Rễ, lá thu hái quanh năm, phơi khô.
Thành phần hóa học: Nhân hạt chứa 50,2-73% dầu; vỏ hạt chứa (-+) leucocyanidin, vỏ cây chứa 11,9% tanin, acid hữu cơ, saponin triterpen, phytosterol, tinh dầu, coumarin. Mủ của quả có một phần không tan trong cồn gồm các glycerid, và phần tan trong cồn chứa tinh dầu, nhựa và các lacton phức hợp (dẫn xuất coumarin): calophyllolid, mophyllolid, acid calophyllic. Chất calophyllolid có tính chất chống đông máu như các coumarin khác. Lá chứa saponin và acid hydrocyanic.
Tính vị, tác dụng: Nhựa Mù u có vị mặn, tính rất lạnh; có tác dụng gây nôn, giải các loại ngộ độc, bụng trướng đầy. Dầu Mù u có tác dụng tiêu sưng, giảm đau, sát trùng, cầm máu. Vỏ se, làm săn da. Lá độc đối với cá.
Công dụng: Nhựa Mù u dùng bôi làm tan các chỗ sưng tấy, chữa họng sưng không nuốt được, cam răng tẩu mã thối loét và các mụn tràng nhạc không tiêu, các mụn nhọt, vết loét nhiễm trùng, tai có mủ. Dầu Mù u dùng trị ghẻ, nấm tóc và các bệnh về da nói chung, chữa viêm dây thần kinh trong bệnh cùi, các vết thương. Cũng dùng bôi trị thấp khớp.
Mủ dùng ngoài để làm lành sẹo, nhất là để trị bỏng. Vỏ cây dùng trị bệnh đau dạ dày và xuất huyết bên trong. Gỗ cây dùng thay nhựa. Rễ dùng chữa viêm chân răng.
Cách dùng: Dầu thường dùng bôi. Nhựa và vỏ cây dùng dưới dạng bột. Người ta đã chế các sản phẩm của Mù u thành dạng xà phòng, thuốc mỡ, cao dầu, thuốc viên.
Ðơn thuốc:
1. Ðau dạ dày: Bột vỏ Mù u 20g, bột Cam thảo nam 14g, bột Quế 1g, tá dược vừa đủ làm thành 100 viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 viên.
2. Mụn nhọt, lở, ghẻ: Hạt Mù u giã nhỏ, thêm vôi, đun sôi để nguội làm thuốc bôi. Hoặc dầu Mù u trộn với vôi, chưng nóng lên để bôi.
3. Giải độc: Hoà nhựa vào nước, uống nhiều lần thì mửa ra. Nếu không có nhựa thì dùng 120g gỗ chẻ nhỏ sắc uống nhiều lần.
4. Cam tẩu mã, viêm răng thối loét: Nhựa Mù u trộn với bột Hoàng đơn bôi liên tục vào chân răng.
5. Răng chảy máu hay lợi răng tụt xuống, chân răng lộ ra: Rễ Mù u và rễ Câu kỷ (Rau khởi) liều lượng bằng nhau, sắc nước ngậm nhiều lần.
6. Phong thấp đau xương và thận hư đau lưng hoặc bị thương đau nhức: Rễ Mù u 40g sắc uống.
http://www.lrc-hueuni.edu.vn/dongy

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO THÊM

Mù u đã được biết đến từ hàng ngàn năm trước tại quần đảo Tahiti, đó là những cây lớn mọc hoang gần đại dương được gọi là ati. Tại Hawai thì mù u có tên là kamani. Mù u có nhiều chủng loại, trong đó loại calophyllum inophylum được chú ý nhiều nhất, quả nhỏ cho hạt gọi là tamanu chứa chất dầu màu xanh lục, có mùi thơm. Mù u cũng là một dược liệu dân gian được sử dụng phổ biến ở Việt Nam.

 

DẦU MÙ U DÙNG THEO KINH NGHIỆM DÂN GIAN

Từ xưa, người Tahiti đã sớm khám phá ra những hạt mù u khô có chứa dầu và tìm cách ly trích để dùng vào việc săn sóc, bảo vệ da chống lại các tác nhân gây tổn hại như ánh nắng, độ ẩm cao, gió biển.
Qua kinh nghiệm thực tế, dầu mù u đã trở thành phương thuốc và mỹ phẩm dân gian chăm sóc bảo vệ da, là sản phẩm thiên nhiên giúp chống nắng và làm ẩm da. Với những tác dụng ấy, người ta đã chú ý bảo vệ cây mù u, thu hái hạt và xem đó là món quà tặng quí giá của thiên nhiên. Phụ nữ Tahiti dùng dầu mù u hàng ngày như chất làm ẩm da, làm mỹ phẩm bôi lên mặt và thân thể.

CÔNG DỤNG CỦA DẦU MÙ U

Theo y học cổ truyền, dầu mù u có tác động mạnh làm giảm đau thần kinh tọa, đau dây thần kinh, đau khớp xương và đau thần kinh do bệnh phong. Năm 1918, các nhà khoa học Pháp bắt đầu nghiên cứu về tác dụng tại chỗ đối với da của dầu mù u và ghi nhận đặc tính làm liền da của nó. Y văn của Pháp đã ghi nhận nhiều trường hợp sử dụng thành công dầu mù u trong điều trị các bệnh lý về da. Điển hình là một phụ nữ vào bệnh viện St. Louis tại Paris với tình trạng loét hoại thư ở chân dai dẳng không lành và việc cắt bỏ chân là điều khó tránh khỏi. Trong thời gian chờ đợi cắt bỏ chân, hàng ngày bệnh nhân được cho đắp dầu mù u. Kết quả vết thương lành dần và khỏi hoàn toàn, chỉ để lại một vết sẹo phẳng, nhỏ. Trong những trường hợp khác, dầu mù u đã sử dụng thành công để làm lành những vết bỏng nặng do nước sôi, hóa chất hoặc X-quang.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA DẦU MÙ U

Dầu mù u chứa 3 nhóm lipid căn bản: lipid trung tính, glycolipid và phospholipid; Một acid béo gọi là calophyllic acid; Một chất kháng sinh mang vòng lactone và một chất kháng viêm không steroid gọi là calophyllolide. Ngoài ra còn có chất kháng viêm coumarine đã tạo nên những hoạt tính bảo vệ sức khỏe. Vì thế dầu mù u có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau. Đặïc tính làm liền sẹo và giảm đau chưa được giải thích trong y văn dù đã được công nhận.

DẦU MÙ U VÀ THÀNH PHẨM TRÊN THỊ TRƯỜNG

Từ thập niên 20 của thế kỷ trước, dầu mù u đã được dùng tại Fiji để làm giảm sự đau nhức thần kinh trong bệnh phong. Nữ tu Marie-Suzanne thuộc dòng thánh Mary đã dùng dầu mù u (được gọi là Dolno, tức không đau) để bôi lên sang thương người bị bệnh phong và cho kết quả tốt. Từ kết quả lâm sàng tại Fiji, dầu mù u nhanh chóng được nghiên cứu tại Pháp vào thập niên 30 trong điều trị đau dây thần kinh và tiếp tục được quan tâm về tác dụng làm liền sẹo.
- Dầu mù u được dùng trong các bệnh lý da và mỹ phẩm nhờ tính thẩm thấu qua da tốt, có mùi thơm, làm sáng da nên thường được đưa vào các thành phẩm dạng nước (lotion), kem, pommad và các mỹ phẩm khác. dầu mù u có tiềm năng lớn trên thị trường các sản phẩm trị bệnh ngoài da lẫn trong kỹ nghệ mỹ phẩm.
- Các nghiên cứu khoa học liên quan đến dầu mù u đã có từ năm 1920 nhưng nhiều năm sau mới được sử dụng rộng rãi, nhất là tại Tahiti - nơi mà dầu mù u được tiếp thị cho các dịch vụ săn sóc ban đầu ngoài da và hỗ trợ sắc đẹp.
- Tại châu Âu, dù là một sản phẩm còn mới mẻ nhưng dầu mù u đã được nhiều công ty đưa vào các công thức sản phẩm. Dầu mù u có thể được sử dụng nguyên chất hoặc pha loãng 50% với dầu dừa hoặc dung môi thích hợp khác mà không làm giảm hiệu lực.
- Trong ngành mỹ phẩm, dầu mù u sử dụng phải thật tinh khiết để bảo đảm thích hợp cho mọi loại da, hấp thu nhanh, làm mềm da mà không để lại vết trơn láng của dầu.
- Trong tương lai, dầu mù u có thể kết hợp với vitamin E, aloes vera (cây lô hội, tức nha đam) để tạo nên các sản phẩm săn sóc da. Hiện nay đã có nhiều công ty sản xuất dầu mù u đóng chai như Active Botanicals, Port Villa, Pure World Botanicals...
- Một số công trình nghiên cứu khoa học về dầu mù u đã được công bố tại châu Âu và Mỹ. Người ta còn phối hợp dầu mù u với các chất khác để sản xuất loại mỹ phẩm dùng dưới dạng lotion. Ở nước ta cũng đã có sản phẩm Trăn - Mù u đóng chai 15ml. Trong tương lai, các sản phẩm có chứa dầu mù u để điều trị và làm đẹp da có thể sẽ tạo nên một thị trường giàu tiềm năng.  
Theo http://www.ykhoa.net
 

Nguồn tin: Tổng hợp từ internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây