Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


THIÊN MÔN ĐÔNG

.

.

THIÊN MÔN ĐÔNG ( Tuber Asparagi Cochin Chinensis) Thiên môn đông còn có tên là Thiên đông, Minh thiên đông, Dây tóc tiên , được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên Thiên môn đông, là rễ phơi khô của cây Thiên môn đông ( Asparagus Cochinchinensis ( Lourd) Merr) thuộc họ Hành tỏi ( Liliaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVI - Bổ âm.
 Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, nhiều nhất là các vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bắc Thái, Hà Nam Ninh.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt, đắng, tính rất lạnh, qui kinh Phế Thận.

Theo các tài liệu cổ:

  • Sách Bản kinh: vị đắng bình.
  • Sách Danh y biệt lục: ngọt, rất lạnh, không độc.
  • Sách Trấn nam bản thảo: tính hàn, vị ngọt, hơi đắng.

Về qui kinh:

  • Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ thái âm, túc thiếu âm kinh.
  • Sách Bản thảo kinh giải: nhập thủ thái âm phế kinh, thủ thiếu âm tâm kinh.

Thành phần chủ yếu:

Asparagi cochinchinensis, ­ -sitosterol, smila-genin, 5-methoxy-methylfurfural, rhamnose.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng thanh phế giáng hỏa, tư âm nhuận táo. Trị các chứng ho hư lao, phế táo, nhiệt bệnh thương âm, tiêu khát, hầu họng sưng đau, đại tiện táo bón.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ các chứng bạo phong thấp thiên tý, cường cốt tủy".
  • Sách Danh y biệt lục: " bảo định phế khí, khu hàn nhiệt, dưỡng cơ bổ ích khí lực, lợi tiểu tiện, tính lạnh mà bổ".
  • Sách Dược tính bản thảo: " chủ phế khí khái nghịch, suyễn tức khó thở, trừ nhiệt, thông thận khí, trị phế nuy ung thổ nùng ( mủ), trị thấp giới ( ghẻ nước), chỉ tiêu khát, khử nhiệt, trúng phong".
  • Sách Bị cấp thiên kim yếu phương: " trị hư lao, người già suy nhược, gầy yếu. âm nuy, tai điếc, mắt lòa".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trấn tâm, nhuận ngũ tạng, ích bì phu, bổ ngũ lao, thất thương, trị phế khí, ho, phiền muộn, thổ huyết".
  • Sách Bản thảo cương mục: " nhuận táo tư âm, thanh kim giáng hỏa".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: " Thiên môn đông là vị thuốc nhuận táo tư âm, giáng hỏa thanh phế, trị các chứng phế thận hỏa táo, thổ huyết khái thấu, phiền khát, cốt chưng nhiệt lao".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Nước sắc Thiên đông có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn A và B, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn bạch hầu.
  2. Có tác dụng ức chế Sarcoma-180 và tế bào bạch cầu ở chuột nhắt.
  3. Thuốc có tác dụng giảm ho, lợi tiểu, thông tiện, cường tráng.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị lao phổi, viêm phế quản ở người cao tuổi, khó khạc đờm, ho lâu ngày, phế hư nhiệt: thường phối hợp với Sinh địa, Xuyên bối mẫu, dùng bài:

  • Thiên môn đông hoàn ( Chứng trị chuẩn thằng): Thiên môn đông 60g, Bách hợp, Tiền hồ, Xuyên bối, Bán hạ, Cát cánh, Tang bạch bì, Phòng kỷ, Tử uyển, Xích linh, Sinh địa, Hạnh nhân mỗi thứ 30g, tán bột luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 8 - 10g, ngày uống 2 - 3 lần với nước gừng.

2.Trị chứng suy nhược cơ thể sau khi mắc bệnh nhiễm, sốt lâu ngày, dùng:

  • Cao Tam tài: Nhân sâm 4 - 8g, Thiên môn đông 10 - 20g, Thục địa 10 - 20g, sắc uống.

3.Trị táo bón do âm huyết hư sinh táo bón, thường gặp ở người cao tuổi, cơ thể suy nhược hoặc sau khi mắc bệnh nhiễm sốt lâu ngày tân dịch bị tổn thương, dùng bài:

  • Thiên đông, Sinh địa, mỗi thứ 16g, Đương qui, Huyền sâm, Ma nhân mỗi thứ 12g, sắc uống.

4.Lở mồm lâu năm: dùng bài:

  • Thiên môn, Mạch môn đều bỏ lỏi, Huyền sâm lượng bằng nhau, tán nhỏ, luyện mật viên bằng hạt táo, mỗi lần ngậm 1 viên.

5.Ho đờm thổ huyết, hơi thở ngắn: dùng bài:

  • Thiên môn, Mạch môn, Ngũ vị tử, sắc thành cao luyện với mật uống, mỗi ngày uống 4 - 5g.

6.Trị tăng sinh tiểu thùy tuyến vú: mỗi ngày dùng Thiên đông 63g, bóc vỏ ngoài, bỏ vào bát sành gia rượu uống vừa đủ chưng cách thủy 1/2 - 1 giờ, phân uống 3 lần: sáng , trưa và tối. Có thể chế thành viên ( mỗi viên 0,3g), mỗi lần uống 9 viên, ngày 3 lần hoặc nấu thành sirô, mỗi lần 10ml, ngày 3 lần, hoặc chế thành dịch tiêm bắp. Đã trị 42 ca, khỏi lâm sàng 16 ca, kết quả tốt 8 ca, có kết quả 11 ca, tỷ lệ kết quả 83%. Ngoài ra, còn dùng như trên trị 72 ca ung thư vú, nhận xét thấy khối u và hạch lâm ba di căn đều nhỏ lại ( Cao Quốc Tuấn, Thiên môn đông trị tăng sinh tiểu thùy tuyến vú, Báo Y dược Giang Tô 1976,4:33).

7.Trị ung thư lâm ba ( Lymphosarcome): dùng dịch tiêm Thiên môn đông ( dùng cồn chiết xuất 1 ml có 2g thuốc sống), người lớn mỗi lần 10 - 40g, lượng lớn có thể 120g cho vào dịch glucoz 25 - 50%, chích tĩnh mạch, dịch tiêm Bạch hoa xà thiệt thảo ( Cồn chiết xuất, mỗi ml tương đương 2g thuốc sống), tiêm bắp mỗi lần 8g, mỗi ngày mỗi thứ 2 lần, liên tục trong 3 - 6 tháng, sau khi ung thư tiêu còn tiếp tục dùng củng cố một thời gian. Tiêm tĩnh mạch khó thì thay bằng uống viên Thiên đông, Mỗi lần 9 viên ( mỗi viên 0,3g), ngày 3 lần. Đã trị 41 ca, 23 ca chỉ dùng phương pháp trên, 18 ca phối hợp hóa trị liệu, trị khỏi 15 ca, kết quả khá 9 ca, có kết quả 12 ca, tỷ lệ kết quả 87,9% ( Cao Quốc Tuấn, Báo cáo tình hình điều trị ung thư lâm ba bằng Thiên môn đông và Bạch hoa xà thiệt thảo và có kết hợp Trung tây y, Báo Tân Y học 1975,4:193).

Liều dùng và chú ý lúc dùng:

  • Liều 8 - 20g, dùng cho thuốc thang hoặc cao đơn hoàn tán.
  • Cần thận trọng dùng thuốc với trường hợp tiêu chảy do hư hàn và ho do ngoại cảm phong hàn.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây