Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


TỬ UYỂN

.

.

TỬ UYỂN Tên khoa học Radix Asteris Aster tataricus L.f. Họ Asteraceae. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XII - Chỉ khái bình suyễn.

Cây Tử uyển mọc nhiều ở các tỉnh Hà Bắc, An Huy, Đông Bắc, Hoa Bắc, Tây Bắc Trung Quốc. Cây Tử uyển Việt Nam là loại được xác dịnh tên thực vật học là Aster trinervus Roxb (theo Petelot)  thấy mọc ở miền Bắc Việt Nam như vùng Cao Bằng, Lạng Sơn nhưng chưa hoặc ít được khai thác, ta còn phải nhập của Trung Quốc.

Chế biến: Vào 2 mùa Xuân Thu đào về, bỏ đoạn thân rễ (thường gọi là rễ mẹ) có đốt và bùn cát, phơi khô. Các miếng Tử uyển cho mật và ít nước trộn đều cho lửa nhỏ sao cho đến khi không dính tay là được.

Tính vị qui kinh:

Tử uyển vị đắng ngọt hơi ôn, qui kinh phế.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị đắng ôn.
  • Sách Danh y biệt lục: cay không độc.
  • Sách Dược tính bản thảo: vị đắng bình.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh tâm phế.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: nhập thủ thái âm, kiêm thủ dương minh".

Thành phần chủ yếu:

Astersaponin, quercetin, epifriedelinol, friedelin, shionone, anethole, lachnophyllol, lachnophyllol acetate, aleic acid, aromatic acid.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Tử uyển có tác dụng hóa đàm khí chỉ khái.

Chủ trị các chứng ho do phong hàn, do phế nhiệt, ho do phế hư lao.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ khái nghịch thượng khí, hung trung hàn nhiệt kết khí, khử trùng độc, nuy quyết, an ngũ tạng".
  • Sách Danh y biệt lục: " trị ho ra máu mủ, trị suyễn".
  • Sách bản thảo chính nghĩa: " Tử uyển nhu nhuận có thừa, tuy đắng cay mà ấm, không táo liệt, chuyên khai tiết phế uất, định suyễn giáng nghịch, tuyên thông thất trệ".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có Sponin cho thỏ uống làm tăng chất tiết khí quản vì thế có tác dụng hóa đàm".
  2. Nước sắc Tử uyển cho mèo uống không làm giảm ho nhưng chiết xuất chất ceton Tử uyển trên thực nghiệm có tác dụng giảm ho.
  3. Có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn đại tràng, lỵ Shigella sonnei, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, Pseudomonas aeruginosa, phẩy khuẩn thổ tả.
  4. Trong thuốc có chiết xuất được thành phần có tác dụng kháng tế bào ung thư.
  5. Saponin Tử uyển có tác dụng tán huyết mạnh, không nên chích tĩnh mạch.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị ho do cảm mạo, viêm đường hô hấp trên:

  • Chỉ thấu tán ( Y học tâm ngộ): Tử uyển, Bách bộ, Bạch tiền đều 10g, Cát cánh, Kinh giới đều 6g, Trần bì 5g, Cam thảo 3g sắc uống.

2.Trị lao phổi do phế âm hư, ho đàm có máu:

  • Tử uyển thang ( y phương tập giải): Tử uyển, Tri mẫu, A giao (hòa uống), Đảng sâm, Phục linh đều 10g, Xuyên bối mẫu (tán bột hòa uống), Cát cánh đều 6g, Trần bì 5g, Cam thảo 3g sắc uống.

3.Lao khái cao tư phương (Hải thượng y tông tâm lĩnh):

  • Thục địa 400g, Ý dĩ 240g, Ngưu tất 120g, Địa cốt bì 80g, Khoản đông hoa 80g, Sinh địa 200g, Đan sâm 120g, Mạch môn 160g, Tử uyển 80g, Thán khương 24g, Mật ong 240g (nấu riêng). Các vị thuốc sắc 2 nước lọc bỏ bã cô thành cao cho thêm bột mịn Phục linh 80g, bột Xuyên Bối mẫu 80g trộn với cao luyện với mật ong thành cao. Mỗi lần uống 1 muỗng đến 2 muỗng canh (10 - 20ml).

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều : 5 - 10g.
  • Mật chích Tử uyển có tác dụng nhuận táo ích phế tốt, dùng trị ho lâu ngày do phế hư.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây