Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


206 BÀI THUỐC NHẬT BẢN - Bài thuốc vần M

.

Bài 193: MA HẠNH CAM THẠCH THANG (MA KYO KAN SEKI TO)

- Thành phần và phân lượng:

 Ma hoàng               4g  Hạnh nhân              4g
 Cam thảo               2g  Thạch cao            10g

- Cách dùng và lượng dùng: Thang.

- Công dụng: Trị hen ở trẻ em và hen phế quản.

- Giải thích:

     + Theo sách Thương hàn luận: Đây là bài Ma hoàng thang thay Quế chi bằng Thạch cao. Trong khi Quế chi loại trừ nhiệt ở bề mặt cơ thể (biểu) thì Thạch cao làm dịu nhiệt bên trong cơ thể. Kết hợp với Ma hoàng và Hạnh nhân, Thạch cao có tác dụng giải nhiệt và làm dịu đau, trị ho và đổ mồ hôi trộm. Ma hoàng và Hạnh nhân làm huyết lưu thông tốt, loại ứ nước và trị ho. Thuốc này có vị ngọt dễ uống cho nên dùng nhiều cho trẻ em. Bài thuốc này nếu thêm Tang bạch bì thành Ngũ hổ thang, có tác dụng chữa ho, ho xuyễn và khó thở.

     + Theo Chẩn liệu y điểnThực tế ứng dụng: Thuốc dùng cho những người ho dữ, khát hoặc tháo mồ hôi, người cảm thấy ngấy sốt. Bài thuốc cũng được dùng trị các chứng viêm phế quản và hen phế quản, nhất là hen và viêm phế quản dạng hen ở trẻ em, cảm mạo, viêm phổi, ho gà; ngoài ra, bài thuốc cũng có hiệu quả đối với những người đau trĩ và viêm tinh hoàn.

 

Bài 194: MA HẠNH Ý CAM THANG (MA KYO YOKU KAN TO)

- Thành phần và phân lượng:

 Ma hoàng                     4g  Hạnh nhân                    3g
  Ý dĩ nhân                   10g  Cam thảo                     2g

- Cách dùng và lượng dùng: Thang.

- Công dụng: Trị đau khớp, đau thần kinh và đau cơ.

- Giải thích:

     + Theo sách Kim quỹ yếu lược: Đây là bài Ma hạnh cam thạch thang thay Thạch cao bằng ý dĩ nhân. ý dĩ nhân có tác dụng giảm bớt sự cǎng thẳng của cơ, loại trừ sự ứ trệ thủy độc và giảm đau, và cùng với Ma hoàng và Hạnh nhân, loại trừ cái đau ở khớp và cơ. Cam thảo hợp lực với ý dĩ nhân làm tǎng hiệu quả của bài thuốc.

     + Theo Chẩn liệu y điển, Thực tế ứng dụng: Bài thuốc này dùng trị thấp cơ, thấp khớp, đau thần kinh, mụn cóc, tróc da ngón và lòng bàn tay, ghẻ. Ngoài ra, bài thuốc cũng còn được dùng trị chứng tê liệt, éczêma và xuyễn.

 

Bài 192: MA HOÀNG THANG (MA O TO)

- Thành phần và phân lượng:

 Ma hoàng            4 - 5g  Hạnh nhân           4 - 5g
 Quế chi                3 - 4g  Cam thảo         1,5 - 2g

- Cách dùng và lượng dùng: Thang.

Sắc Ma hoàng với 360 cc nước lấy 260 cc, hớt bỏ bọt ở trên rồi cho các vị thuốc khác vào sắc tiếp lấy 100 cc, chia uống làm 3 lần.

Ma hoàng, nếu bỏ đốt thì lấy 3g.

- Công dụng: Trị cảm mạo, ngạt mũi trong giai đoạn đầu bị phong tà có sốt, đau đầu, đau các khớp trong người.

* Chú ý: Những người thân thể hư nhược không được dùng thuốc này.

- Giải thích:

     + Theo sách Thương hàn luận: Đây là bài thuốc trị thực chứng biểu nhiệt của thái dương bệnh. (1). Thuốc dùng cho những người ngày thường có thể chất khoẻ mạnh, chắc chắn và thể lực khá. Bệnh trạng là thực chứng, cho nên đó là những người có bệnh trạng nặng, kèm theo các triệu chứng phát sốt, ớn lạnh, nặng, đau đầu dữ, ho dữ, người rất đau. Các bệnh trạng này do thủy độc ở thể biểu gây ra, do đó, Ma hoàng thang là bài thuốc giải thủy độc ở thể biểu. Khác với Quế chi thang, bệnh nhân của bài thuốc này không đổ mồ hôi và giống với bài Cát cǎn thang ở chỗ mồ hôi không tự ra. Trường hợp thủy độc ở thể biểu trở thành mạn tính, lượng tiểu tiện giảm, phù thũng, nếu dùng bàit huốc này thì thêm 5g Truật gọi là Ma hoàng gia truật thang.

     + Sách Phương hàm loại tụ viết: "Thuốc này trị chứng thương hàn không có mồ hôi, xuyễn, hoặc những người hen bị cảm hàn. Ma hoàng thang (Thiên kim) gồm các vị: Ma hoàng, Độc hoạt, Xạ can, Quế chi, Cam thảo, Mộc hương, Thạch cao, Hoàng cầm. 8 vị này trị đơn thũng cùng phong độc và phong chẩn ở trẻ em, thuốc cũng có công hiệu đối với những người bị phong chẩn, mề đay, sởi, phát sốt cao, bài tiết không được.Trẻ bị chứng viêm quầng (đơn độc) thì dùng thuốc này cùng với sài viên".

     + Theo Chẩn liệu y điển: Trước hết sắc Ma hoàng với 600 cc nước lấy 500 cc, hớt bọt trên rồi cho các vị thuốc khác vào sắc tiếp lấy 250 cc, bỏ bã, chia uống làm 3 lần khi thuốc còn nóng.

Đối tượng của bài thuốc là những người bị ớn lạnh, phát sốt, mạch phù khẩn, không ra mồ hôi và các chứng kèm theo với phát sốt như đau các khớp, đau vùng thắt lưng, ho xuyễn, v.v... Những bệnh trạng này thường thấy trong thời kỳ đầu phát bệnh cảm mạo, cảm cúm và các bệnh nhiệt khác. Bài thuốc này có tác dụng cho ra mồ hôi và lợi tiểu, có người uống thuốc này vào ra mồ hôi và các chứng bệnh thấy giảm, người thoải mái, và cũng có người uống vào đi giải nhiều và bệnh giảm đi.

     + Theo Giải thích các bài thuốc: Đối tượng đầu tiên của bài thuốc này là những người khi bị bệnh nhiệt đau đầu, đau người, đau vùng thắt lưng, các khớp và ghê gió, v.v..., nhưng không ra mồ hôi. Những bệnh nhân đó, khi không sốt thì mạch cũng vẫn phù khẩn, có người bị ho và đổ máu cam.

     + Sách Vật ngộ phương hàm khẩu quyết viết: "Bài thuốc này dùng trị chứng thái dương thương hàn, không đổ mồ hôi. Những người bị cảm lạnh cảm phong sinh ra ho dùng thuốc này sẽ khỏi rất nhanh chóng. Asakawa suốt một đời dùng bài thuốc này để phòng xuyễn". Sách Cổ phương dược nang viết: "Thuốc này dùng cho những người phát sốt, đau đầu, cổ, vai, lưng và vùng thắt lưng rất đau, hơi thở nóng, ho, tắc mũi hoặc đau họng hay nghe có tiếng thở khò khè, rét chứ không đổ mồ hôi, khí lực kém, mạch trầm. Những người bất kể có sốt hay không nhưng không có mồ hôi cũng nên dùng bài thuốc này".

 

Bài 195: MA TỬ NHÂN HOÀN (MA SHI NIN GAN)

- Thành phần và phân lượng:

 Ma tử nhân             4 - 5g  Thược dược                2g
 Chỉ thực                       2g  Hậu phác                      2g
 Đại hoàng            3,5 - 4g  Hạnh nhân           2 - 2,5g

- Cách dùng và lượng dùng:

1. Tán: Ngày uống từ 1-3 lần, mỗi lần 2-3g.

Ma tử nhân bỏ vỏ. Nghiền tất cả các vị thuốc trên thành bột, dùng mật ong để luyện thành hoàn (mỗi hoàn khoảng 0,1g), mỗi lần uống 2-3g (20-30 hoàn). Hoặc là ngày uống 2-3 lần tùy theo mức độ bí đại tiện.

2. Thang.

- Công dụng: Trị bí đại tiện.

- Giải thích:

     + Theo sách Thương hàn luận: Đây là bài Tiểu thừa khí thang thêm các vị Ma tử nhân, Hạnh nhân và Thược dược.

    + Theo Giải thích các bài thuốc: Thuốc có tác dụng tốt đối với những người trong vị tràng có nhiệt, thiếu nước, phân khô cứng dạng cục, đi đái nhiều lần. Đối với những trường hợp táo bón hư hàn, nếu cho dùng Đại hoàng mang tiêu tễ thì bụng bị đau, ỉa chảy dạng nước khiến người rất khó chịu. Trường hợp này phải dùng các loại ôn tễ chẳng hạn như Nhân sâm, Phụ tử. Bài thuốc này nằm giữa hai dạng này.

Thuốc dùng cho các cụ già, những người hư chứng, tân dịch ít, máu táo, vị tràng có nhiệt bị bí đại tiện thường xuyên, song cũng có thể ứng dụng trị bí đại tiện và trĩ ngoại trong các trường hợp hay đi đái, đái dầm, thận teo.

     + Theo các tài liệu tham khảo khác: Đối tượng là người bí đại tiện thường xuyên, đái nhiều, những người da khô, người già thể lực suy nhược. Bài thuốc này kết hợp được tác dụng nhuận tràng của Ma tử nhân và tác dụng hoãn hạ của Tiểu thừa khí thang, để trị bí đại tiện có tính mất trương lực. Đối tượng của bài thuốc này là những người do đái nhiều, thành phần nước trong ruột bị thiếu dẫn tới bí đại tiện.

 

Bài 170: MẠCH MÔN ĐÔNG THANG (BAKU MON DO TO)

- Thành phần và phân lượng:

 Mạch môn đông       8 - 10g  Bán hạ                           5g
 Canh mẽ                   5 - 10g  Đại táo                          3g
 Nhân sâm                        2g  Cam thảo                      2g

- Cách dùng và lượng dùng: Thang.

Sắc với 600 cc nước, lấy 300 cc, ban ngày uống 3 lần, ban đêm uống 1 lần lúùc thuốc còn nóng. Nhìn chung, để tiện thì người ta chi uống làm 3 lần, nhưng người đề xuất bài thuốc này chỉ thị là chứng ho phát nhiều về ban đêm do đó nên uống 1 lần vào ban đêm.

- Công dụng: Trị chứng ho khó ra đờm, viêm phế quản, hen phế quản.

- Giải thích:

     + Theo Kim quỹ yếu lược: Đây là bài Trúc diệp thạch cao thang bỏ Trúc diệp, Thạch cao, thêm Đại táo, rất có tác dụng đối với các trường hợp ho có tính chất co thắt do khí thượng nghịch (người xưa coi hắt hơi và ho đều là những biến hình của đại nghịch thượng khí) ở những người hư chứng của thiếu dương bệnh, đặc biệt là có hiệu quả đối với những phụ nữ gầy bị ho trong thời gian có thai.

Những người uống thuốc này vào mà ǎn uống kém ngon, những người có chiều hướng bị ỉa chảy hoặc những người ho dễ ra nhiều đờm thì không được dùng bài thuốc này.

     + Sách Y liệu thủ dẫn thảo viết: Bài thuốc này có tác dụng hạ hư hỏa, trị đại nghịch thượng khí, trị cả hỏa nghịch thượng khí. Tóm lại, bài thuốc có tác dụng nhuận và dẫn khí xuống phần dưới của cơ thể.

     + Theo Thực tế chẩn liệu: Thuốc dùng cho những người bị viêm phế quản và viêm phổi, sau khi đã giải nhiệt, thì bị ho dồn dập, mặt đỏ gay, ho khó ra đờm, hoặc là vì vậy mà tiếng bị khàn, thuốc cũng còn được dùng cho những người bị khàn tiếng do viêm họng cấp và mạn tính, hoặc những người bị lao thanh quản, lao phổi.

     + Theo Giải thích các bài thuốc: Thuốc dùng cho những người bị hư chứng của thiếu dương bệnh, dùng để trị ho có tính chất co thắt do khí thượng nghịch gây ra. Thuốc được ứng dụng trong các trường hợp viêm phế quản cấp và mạn tính, xuyễn, viêm phổi, viêm họng cấp và mạn tính, ho gà, khàn tiếng, lao thanh quản, lao phổi và ho trong thời gian có thai.
 

Tác giả bài viết: Thiếu Phúc sưu tầm

Nguồn tin: Viện thông tin thư viện y học trung ương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây