Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


Nhớ Hải Thượng Lãn Ông

.

.

Trong không khí tưng bừng chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 và Lễ hội truyền thống Y Dược học cổ truyền Việt Nam - rằm tháng Giêng, những người làm công tác y tế, y dược học cổ truyền đã thắp hương tưởng niệm danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1771). Thế hệ thầy thuốc hôm nay xem ông là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, là một đại danh Y của dân tộc.

NHỚ LÃN ÔNG
 
Sang xuân vào đúng ngày này,
Đông y rộn rã một ngày nhớ ông.
Bộ sách Hải Thượng Y Tông,
Hăm tám tập sách nằm lòng không quên.
 
Ngày xưa chỉ học cổ thư,
Ngày nay phải học tây y rạch ròi.
Muốn đem sức khoẻ cho người
Đông tây kết hợp là lời Bác khuyên
 
Chúng con dâng chén rượu này,
Nhủ nhau chủ khách nơi đây bùi ngùi
Đêm nay dưới ánh trăng này,
Chúng con xin nhớ « chín điều » Cụ khuyên

Trong Y huấn cách ngôn, Lãn Ông đã quan niệm rằng: “Thầy thuốc là nghề cao thượng, vì thế phải giữ khí tiết cho trong sạch... Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình. Chỉ lấy việc cứu người làm phận sự của mình mà không cần lợi kể công”.  

  Đối với Hải Thượng Lãn Ông thì ngoài việc học tập để có khả năng thành một thầy thuốc, còn phải trau dồi đạo đức cho thật đầy đủ. Đạo đức của Lãn Ông không phải là loại đạo đức máy móc, hình thức mà là một loại y đức có thủy có chung – một loại đạo đức chân thật. Điểm đặc biệt của Lãn Ông là chú ý đến người nghèo, cụ từng nói: “Nhà giàu thiếu gì thầy thuốc, còn nhà nghèo khó lòng rước được lương y, vì vậy cần nên lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được”. Đây là một quan điểm thực tế, thể hiện được tình thương chân thật của một lương y. Đối với phụ nữ, cụ dặn phải triệt để nghiêm túc. Cụ nói: “Khi xem bệnh cho đàn bà, con gái, đàn bà góa hoặc ni cô cần phải có người bên cạnh để tránh sự nghi ngờ, dù là hạng buôn hương bán phấn cũng vậy, phải đúng đắn xem họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt mà mang tai tiếng, bất chính sẽ hậu quả về tà tâm”. Nhân dân ta bản tính vốn thuần hậu, luôn xem trọng điều ân nghĩa, mang ơn ai thì luôn tìm cách đền ơn, huống chi việc cứu mạng là việc lớn nên người ta thường đền ơn trọng hậu. Cụ tự đặt ra cho người thầy thuốc chân chính tám chữ: “Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (tức là: nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thật, khiêm tốn, cần cù); đồng thời tránh 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức. Ngoài ra, cụ còn là tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế; cụ dạy: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hoà nhã, cẩn trọng, chớ nên xem thường; đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người kiêu ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng đức hậu như vậy là điều phúc lớn”.


     Thái độ trung thực, tinh thần trách nhiệm và tự giác cao độ của cụ còn thể hiện ở việc cụ công khai ghi chép lại những bệnh án trong quá trình trị bệnh của mình và phân ra làm hai loại: Y dương án, ghi về những trường hợp mà cụ đã chữa thành công và Y âm án, ghi về những ca bệnh mà cụ đã chịu thất bại. Cụ nói: "Tôi không tự thẹn với trình độ thấp kém trong việc cứu người”; cho nên ngoài những "dương án" lại chép thêm một quyển tường thuật những lời khó nói ra được, gọi là "âm án". Cụ nhắn nhủ: "Mong các bậc trí thức có chí làm thuốc sau này tuy thấy chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng thấy chỗ dở của tôi cần phải lấy làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo là "chỉ chữa được bệnh chớ không chữa được mệnh" thì đó mới là cái may cho đạo y vậy". Một người thầy thuốc sống dưới chế độ phong kiến, tiếng tăm lừng lẫy một thời, một người khi sinh thời từ chốn dân gian đến trong cung vua phủ chúa đều phải tìm đến chữa bệnh, thậm chí đã được người đời tạc tượng để thờ sống mà người đó vẫn giữ được thái độ và phong cách làm việc trung thực đến như vậy thì thực là cao quý và rất hiếm thấy!
     Từ khi đất nước bước vào giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường thì đồng tiền đã len lỏi vào mối quan hệ giữa thầy thuốc – bệnh nhân, dẫn đến sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp của thầy thuốc. Sự suy thoái đó biểu hiện từ việc nhỏ đến việc lớn: việc nhỏ như thiếu ân cần và lịch sự trong giao tiếp với bệnh nhân,...; việc lớn như thờ ơ với nỗi đau của người bệnh, viện cớ khó khăn, thiếu thốn, ỷ vào sự cứng ngắc trong hành chánh mà gây phiền hà cho bệnh nhân,... Đạo đức nghề nghiệp được biểu hiện rất đa dạng, sa sút về y đức cũng được biểu hiện từ thấp đến cao. Sa sút y đức không phải là cái gì cao xa như tham nhũng, hối lộ,... mà nó còn biểu hiện ngay cả trong việc không niềm nở, chu đáo đối với bệnh nhân. Tinh thần tốt đẹp trong Y - Đạo của Hải Thượng Lãn Ông, một đời chữa bệnh cứu người chẳng bao giờ mưu tính một điều gì cho riêng mình, thật là đáng quý.
     Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh Y lớn, là niềm tự hào của dân tộc ta. Tuy sống cách chúng ta 3 thế kỷ nhưng tư tưởng và phương pháp tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của cụ vẫn còn là một bài học có tính thời sự nóng hổi và vô cùng quí báu để chúng ta học tập và noi theo. Mỗi thầy thuốc hôm nay cần phải học tập lại Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông, lời dạy của Hypocrat, lời dạy của Bác Hồ và các Chỉ thị của Bộ Y tế đưa ra để suy ngẫm, tu dưỡng bản thân sao cho xứng đáng là người thầy thuốc mang sứ mạng cao quý của dân tộc.


 

Tác giả bài viết: Thiếu Phúc sưu tầm

Nguồn tin: Tổng hợp từ internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây