Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


Quy trinh 73: ỨNG DỤNG NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ VÀO BÁT PHÁP TRONG LÃO KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN

94 quy trinh KT YHCT

94 quy trinh KT YHCT

Pháp điều trị dùng trong Lão khoa cơ bản tương tự như đối với pháp điều trị thông thường. Tuy nhiên, do cơ thể người có tuổi có sự thay đổi về sinh lý, bệnh lý nên khi ra pháp điều trị cũng nên chú ý tới những điểm riêng biệt nhằm tuân thủ nguyên tắc điều trị..
1.Hãn pháp:
Là phương pháp sử dụng các vị thuốc tân ôn giải biểu, tân lương giải biểu. Thường dùng cho người già bị ngoại cảm. Có các pháp sau:
* Ích khí giải biểu: kết hợp ích khí với giải biểu; dùng cho người già ngoại cảm biểu chứng có kiêm khí hư.
* Tư âm giải biểu: kết hợp phép tư âm với phép giải biểu; dùng cho người già bị ngoại cảm biểu chứng kèm âm hư.
* Trợ dương giải biểu: kết hợp hai phép ôn dương và giải biểu; dùng cho người già bị ngoại cảm kiêm dương hư.
* Dưỡng huyết giải biểu: kết hợp phép dưỡng huyết với phép giải biểu; dùng cho người già biểu chứng kèm theo có huyết hư.
 
2.Thổ pháp:
Ít dùng đối với người già do dễ gây tổn thương chính khí.
 
3.Hạ pháp:
Khi vận dụng hạ pháp đối với người có tuổi, nên tăng dùng các phép hoãn hạ, nhuận hạ, hoặc kết hợp với các thuốc phù chính. Không nên dùng phép tuấn hạ. Trong Lão khoa, thường dùng một số phép sau đây:
* Ích khí tả hạ: dùng cho người có tuổi khí hư tiện bí và các chứng khác có lưu tà thực ở lý kiêm khí hư.
* Tư âm tả hạ: dùng cho người có tuổi có âm hư, tiện bí hoặc các chứng táo nhiệt thương tân, hoặc có thực tà nội lưu kiêm âm hư mà có chỉ định dùng phép tả hạ.
* Dưỡng huyết tả hạ: dùng cho người có tuổi huyết hư, tràng vị táo, gây bí ỉa hoặc các chứng khác có thực tà nội lưu kiêm huyết hư.
* Ôn dương tả hạ: dùng cho người có tuổi dương hư hàn ngưng, tiện bí và các chứng thực tà nội lưu kèm theo dương hư.
 
4.Hoà pháp:
Người có tuổi thường sống cô đơn, dễ có uất ức, nên các chứng can vị bất hoà, vị tràng thất điều ... dễ xuất hiện nên hoà pháp thường được dùng ở người có tuổi. Thường dùng một số phép sau đây:
* Hoà giải thiếu dương: dùng khi tà ở kinh thiếu dương đởm. Các chứng hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đầy tức, tâm phiền, buồn nôn, không muốn ăn.
* Điều hoà can tỳ: dùng trong trường hợp can khí uất kết, hoành nghịch phạm vị, hoặc tỳ hư bất vận ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết của can gây chứng can tỳ bất hoà. Triệu chứng thường thấy: tức ngực, đau sườn, bụng trướng mãn, không muốn ăn, đại tiện lỏng.
* Điều hoà tràng vị: dùng trường hợp tà phạm tràng vị, hàn nhiệt thác tạp, thăng giáng thất điều. Triệu chứng thường thấy: tức ngực vùng trước tim, buồn nôn, nôn, đau bụng, sôi bụng.
 
5.Ôn pháp:
* Ôn trung khứ hàn: dùng cho các chứng trung tiêu hư hàn. Triệu chứng: chân tay lạnh, bụng trướng đầy hoặc đau do lạnh, không muốn ăn, lưỡi trắng nhuận, rêu mỏng, mạch trầm tế hoặc trầm trì.
* Hồi dương cứu nghịch: dùng trong trường hợp âm thịnh dương suy, dương khí muốn tuyệt. Biểu hiện: tứ chi lạnh, sợ lạnh, thích nằm, tinh thần mỏi mệt, mạch trầm vi hoặc trầm tế.
* Ôn kinh tán hàn: dùng trong trường hợp dương khí bất túc, kinh mạch thụ hàn tà, huyết dịch vận hành bất thông xướng. Biểu hiện bằng các chứng: chân tay quyết lạnh; lưng đau gối mỏi; lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng; mạch trầm tế.
 
6.Thanh pháp:
Đối với người già, khi vận dụng phép thanh nhiệt thường kết hợp với ích khí sinh tân, do nhiệt thương gây thương tân và hại khí. Thường dùng các phép sau:
* Ích khí thanh nhiệt: dùng khi nhiệt thịnh ở phần khí và có kiêm chứng khí hư.
* Tư âm thanh nhiệt: dùng trong trường hợp âm hư phát nhiệt và các chứng tà nhiệt thương âm.
* Thanh nhiệt sinh tân: thường dùng cho nhiệt thịnh ở phế vị; các chứng có tổn thương tân dịch.
 
7.Tiêu pháp:
Là phép hay dùng trong Lão khoa. Một số phép thường dùng là:
* Hành khí: dùng cho chứng khí cơ uất trệ. Khi dùng cho người già, nên chọn các thuốc  có tính bình hoà như phật thủ; hoặc dùng kết hợp với các thuốc ích khí dưỡng âm.
* Khứ ứ: dùng khi huyết hành bất xướng, hoặc huyết phận ứ trệ; đều là những chứng hay gặp ở người cao tuổi. Chứng ứ có thể chia thành 4 loại lớn là hàn, nhiệt, hư, thực.

- Hàn chứng huyết ứ: thường dùng phép hoạt huyết hoá ứ kết hợp với ôn kinh tán hàn.
- Nhiệt chứng huyết ứ: nên kết hợp hoạt huyết hoá ứ với thanh nhiệt giải độc, hoặc thanh nhiệt lương huyết hoặc tả nhiệt thông phủ.
- Thực chứng huyết ứ: nên dùng phép hoạt huyết hoá ứ phối với lý khí hành khí.
- Hư chứng huyết ứ: nên phối với ích khí, dưỡng huyết, tư âm hoặc ôn dương. Người già đa phần do hư  dẫn đến ứ, nên bổ hư khứ ứ là phép hay dùng.
* Lợi thấp: trong Lão khoa, căn cứ vào biện chứng luận trị, thường dùng các phép sau: ôn hoá thuỷ thấp, thanh nhiệt lợi thấp, lợi thuỷ thông lâm và lợi thuỷ tiêu thũng.
* Hoá đàm: đàm tà là một trong những nhân tố liên quan tới nhiều chứng bệnh ở người già. Do vậy, hoá đàm là phép thường dùng. Có các phép thường dùng sau:
- Táo thấp hoá đàm.
- Ôn dương hoá đàm.
- Thanh nhiệt hoá đàm.
- Nhuận táo hoá đàm.
- Tức phong hoá đàm.
- Tiêu thực hoá đàm.
- Dục đàm khai khiếu.
- Nhuyễn kiên tiêu đàm ...
* Tiêu đạo: người già tỳ vị hư nhược, tỳ thất kiện vận, vị bất thụ nạp nên dễ gây tích trệ ẩm thực. Trong Lão khoa khi dùng phép tiêu đạo nên phối với thuốc kiện tỳ ích khí, hoặc với phép thanh nhiệt, hay thuốc hành khí , đạo trệ ... tuỳ theo biện chứng.
 
8. Bổ pháp:
Ở người già tạng phủ hư suy, chính khí bất túc, thể nhược đa bệnh; thường có hư là chính. Vì vậy phép bổ đương nhiên là dùng nhiều trong Lão khoa. Có 1 số cách dùng sau:
* Bổ khí: thường bổ khí của 2 tạng tỳ phế. Dùng cho các trường hợp khí hư, huyết hư.
* Bổ dương: thường chú trọng đến tỳ dương và thận dương.
* Bổ âm: chữa các chứng âm hư.
* Bổ huyết: chữa các chứng huyết hư.

Nguồn tin: Bộ Y tế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây