Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


Quy trinh 76: QUY TRÌNH UỐNG THUỐC SẮC

94 quy trinh KT YHCT

94 quy trinh KT YHCT

I. MỤC ĐÍCH: Đưa toàn bộ các chất thuốc vào đường tiêu hoá, dưới dạng hoà tan trong nước để được hấp thu dễ dàng, nhanh chóng.
 II. CHỈ ĐỊNH, CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
1. Chỉ định: Các bệnh cấp tính, mãn tính
2. Chống chỉ định: Không rõ ràng.
III. CHUẨN BỊ:
1. Dụng cụ:
- Thuốc đã sắc đựng trong lọ, chai, phích, ấm...
- Bát (chén, ca...)
2. Bệnh nhân:
Được biết giờ uống thuốc (để có mặt)
3. Thầy thuốc:
Biết tác dụng của thuốc sắc (công, bổ) dể cho uống vào thời điểm thích hợp (xem chú thích).
- Biết lượng dùng cho bệnh nhân 1 lần (xem chú thích).
- Biết số lượng dùng trong ngày.
- Biết tác dụng của thuốc (hiệu quả, tác dụng cụ).
- Biết cách cho uống thuốc.
4. Địa điểm: Tại giường bệnh nhân.
IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:
- Bệnh nhân có mặt tại giường.
- Thầy thuốc:
+ Mang thuốc đến giường cho bệnh nhân
+ Rót thuốc vào bát, trao cho bệnh nhân và hướng dẫn cách uống.
+ Chờ bệnh nhân uống xong, mang bát đi.
- Bệnh nhân:
+ Uống thuốc với sự có mặt của thầy thuốc.
+ Nghỉ 15 - 20 phút sau khi uống.
V. GHI CHÉP BÁO CÁO:
- Phản ứng của bệnh nhân khi uống thuốc: Không có gì; uống không hết; uống xong lợm giọng như có cặn ở họng; uống xong buồn nôn và nôn; uống xong bụng ấm ách đau bụng, muốn đi ỉa, uống xong nổi mẩn ngứa, uống xong người nóng hơn, lạnh hơn, mệt mỏi hơn, uống xong trong người dễ chịu bệnh giảm...
VI. DẶN DÒ HƯỚNG DẪN BỆNH NHÂN:
- Theo dõi cảm giác khi uống thuốc vào trong người (ấm hơn, lạnh hơn).
- Theo dõi hiệu quả của thuốc: Ví dụ: Vã mồ hôi ở người sốt, cảm lạnh, hết đau bụng đi ỉa ở người ỉa chảy do hàn, đi ỉa ra phân ở người táo bón...
- Theo dõi tác dụng phụ của thuốc: như buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng ỉa chảy; hoặc sau khi ra mồ hôi, mồ hôi tiếp tục ra không dứt (người bị cảm lạnh), sau khi đi ngoài được rồi, tiếp tục ỉa chảy (ở người táo bón)...
- Phản ánh kịp thời cho thầy thuốc để kịp thời xử lý.
Chú thích:
- Một vài điều cần biết về dạ dày, ruột, khi cho uống thuốc.
+ Khả năng chứa tối đa của dạ dày là 1,5 lít. Vì vậy lượng thức ăn uống cho vào vừa mức, lượng thuốc cho cần vừa đủ.
+ Sự hấp thu ở dạ dày ở mức độ hạn chế. Nước một số thuốc, rượu được hấp thu qua thành dạ dày vào tĩnh mạch. Thuốc rượu có thể được hấp thu ở dạ dày.
+ Dạ dày co bóp trộn thức ăn với dịch vị, tiêu hoá thức ăn thành vị chấp chuyển qua co thắt môn vị xuống tá tràng để xuống ruột non. Uống thuốc sau khi ăn, thuốc được trộn với thức ăn ở dạ dày cùng xuống ruột.
+ Cơ thắt môn vị ở trạng thái co trương lực nhẹ nên môn vị thường hé mở, đủ để nước và các chất nửa lỏng đi qua, thức ăn có kích thước lớn và ở thể rắn sẽ bị ngăn lại. Uống thuốc lúc chưa ăn thuốc có thể dạ dày xuống ruột non.
+ Ruột non hoàn tất việc tiêu hoá thức ăn, các sản phẩm tiêu hoá được hấp thu cùng với vitamin, chất điện giải, nước. Thuốc được hấp thu ở ruột non.
- Lượng thuốc uống:
Người lớn thường một bát tương đương 250ml/1 lần (người dân thường nói đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát). Trẻ em thường giảm liều, bằng 1/2 hoặc 1/3 của người lớn. Với trẻ em nôn hoặc ỉa chảy, uống liều trên vẫn nôn, vẫn ỉa chảy thì giảm liều để dạ dày, ruột có điều kiện tiếp nhận thuốc, hấp thu thuốc.
- Thời gian uống thuốc: Hiện nay hay dùng:
+ Đối với chứng bệnh cấp, uống thuốc khi cần, không có giờ giấc quy định.
+ Đối với chứng bệnh mãn: Thường uống trước khi ăn 1 giờ.
Chú ý: Nếu là thuốc có kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, nên ăn xong rồi uống để giảm kích thích; Nếu là thuốc dưỡng tâm an thần chữa mất ngủ, nên uống trước khi ngủ; Nếu là thuốc chữa sốt rét, nên uống trước cơn 2 giờ.
- Cũng có thể uống thuốc theo kinh nghiệm cổ truyền.
+ Bệnh ở thượng tiêu (ngực trở lên đầu) thì ăn rồi uống thuốc.
+ Bệnh ở trung tiêu (cơ quan vùng bụng trên), hạ tiêu (cơ quan vùng bụng dưới, chi dưới) thì uống thuốc rồi ăn.
+ Bệnh ở kinh mạch tứ chi, uống thuốc vào sáng sớm lúc chưa ăn.
+ Bệnh ở xương tuỷ, uống thuốc vào lúc no buổi tối.
- Uống thuốc nóng, thuốc nguội tuỳ trạng thái bệnh tật:
+ Nói chung, nên uống thuốc lúc còn ấm.
+ Nếu là bệnh nhiệt, phải dùng thuốc hàn, song cũng uống thuốc còn ấm để dạ dày dễ tiếp nhận thuốc. Nếu uống thuốc nguội dạ dày dễ có phản ứng nôn.
+ Nếu uống thuốc xong có nôn, cần xem xét các hướng sau:
Nếu đã chẩn đoán đúng (bệnh nhiệt uống thuốc hàn, bệnh hàn uống thuốc nhiệt) mà vẫn nôn thì hoặc giảm lượng thuốc cho uống nhiều lần, hoặc cho thêm gừng sống để chống nôn.
Nếu đã chẩn đoán sai:
- Bệnh là chân hàn giả nhiệt (vì biểu hiện có nhiệt rõ tuy gốc bệnh là hàn) lại chẩn đoán là bệnh nhiệt, cho thuốc hàn nên nôn. Phải đổi dùng thuốc nhiệt và uống thuốc nguội.
- Nếu bệnh là chân nhiệt giả hàn (biểu hiệu có hàn rõ, song gốc bệnh là nhiệt) lại chẩn đoán là bệnh hàn, cho thuốc nhiệt nên nôn, phải đổi dùng thuốc nhiệt, uống thuốc ấm nóng.
- Với bệnh nhân hôn mê: Để nghiêng đầu, đổ dần từng thìa, hoặc cho thuốc qua ống xông dạ dày./.

Nguồn tin: Bộ Y tế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây