Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


Quy trinh 79: ĐIỀU TRỊ CẢM CÚM

94 quy trinh KT YHCT

94 quy trinh KT YHCT

I. ĐẠI CƯƠNG: Cảm mạo và cúm là những chứng bệnh rất phổ biến, ảnh hưởng không ít đến sức khoẻ cộng đồng. Theo Y học cổ truyền, cảm mạo và cúm chính là bệnh cảnh cảm mạo phong hàn và cảm mạo phong nhiệt xảy ra khi phong tà (phong hàn, phong nhiệt) xâm phạm vào cơ thể nhân lúc chính khí giảm sút (sức đề kháng cơ thể kém). Các phương pháp điều trị và phòng bệnh cảm cúm theo Y học cổ truyền tương đối đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả, có thể chữa sớm tại nhà và tuyến y tế cơ sở, cộng đồng dễ chấp nhận, góp phần trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Theo Y học hiện đại, cảm mạo là bệnh cảm lạnh, cúm là bệnh cảnh nhiễm virut cúm.
 II. CHỈ ĐỊNH:
  • Cảm mạo phong hàn: Cảm mạo (còn có tên gọi là “thương phong”)
  • Cảm mạo phong nhiệt: Cúm (còn có tên gọi là “thời hành cảm mạo”)
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
- Các bệnh nhân sốt chưa rõ nguyên nhân
IV. CHUẨN BỊ:
  1. Cán bộ y tế: Y, bác sỹ, lương y đã được đào tạo theo quy chế
  2. Phương tiện: Ngoài các dụng cụ dùng cho các bệnh nhân nằm điều trị nội trú, phải có đủ các vị thuốc nam, thuốc bắc để điều trị cảm cúm, phương tiện sắc thuốc uống, đun nước xông để phục vụ người bệnh.
  3. Người bệnh: hồ sơ bệnh án theo đúng mẫu bệnh án kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:
Y học cổ truyền chia thành 2 thể
1. Thể cảm mạo phong hàn:
  • Triệu chứng: Mũi ngạt, nói khàn, hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc ngứa họng, ho, đờm nhiều trắng loãng, thậm chí đau đầu, đau mình mẩy, sợ gió, sợ lạnh, phát sốt, không đổ mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
  • Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn
  • Chẩn đoán nguyên nhân: Phong hàn
  • Pháp điều trị: Phát tán phong hàn (Tân ôn giải biểu)
  • Điều trị bằng thuốc:
  • Thuốc xông: Là phương pháp rất phổ biến và được cộng đồng ưa chuộng. Dược liệu sử dụng rẻ tiền, dễ kiếm, sẵn có ở địa phương, kết quả lại cao. Có những trường hợp cảm mạo chỉ cần xông một lần là khỏi.
Bài thuốc xông: Nấu nồi xông với 3 loại lá:
  • Lá có tác dụng kháng sinh: lá hành, lá tỏi.
  • Lá có tác dụng hạ sốt: lá tre, lá duối.
  • Lá có tinh dầu, có tác dụng sát trùng đường hô hấp: lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới, lá bạc hà, lá sả, lá hương nhu,...
Mỗi thứ một nắm, Tổng cộng khoảng 200-300g, rửa sạch lá, cho vào nồi khoảng 2-3 lit nước, đun sôi. Đặc biệt những lá có tinh dầu cho vào sau khi nước đã sôi, đậy kín vung, đun sôi lại, bắc ra. Khi xông chùm chăn kín cả người bệnh và nồi xông, mở nồi nước xông từ từ cho hơi nóng mùi tinh dầu bốc lên bệnh nhân. Xông từ 10 - 20 phút. Xông xong, lau sạch mồ hôi, thay quần áo, tránh gió lạnh. Sau khi xông, ăn bát cháo hành với tía tô (ăn nóng).
  • Bát cháo giải cảm:
Gạo tẻ 30g             Lá tía tô thái nhỏ      8g
Muối 1g                 Gừng sống                3 lát
                               Hành sống giã nhỏ   3 củ
Gạo nấu thật nhừ rồi cho hành, gừng, lá tía tô và muối vào. Nếu có trứng gà, đánh vào cháo 1 quả, khuấy đều, đem ra ăn khi còn nóng. Ăn xong đắp chăn độ 30 phút cho ra mồ hôi, sau đó lau khô và thay áo quần.
  • Thuốc uống:
Kinh giới  12g           Tía tô      12g          Sinh khương 3 lát 
Bạch chỉ   12g           Trần bì       6g                   
Quế chi      6g            Bạc hà    10g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 1 – 3 thang.
 
2. Thể cảm mạo phong nhiệt:
  • Triệu chứng lâm sàng: Phát sốt, hơi sợ gió, sợ lạnh, có ra mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi nặng, hầu họng sưng đỏ đau, ho ra đờm đặc, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.
  • Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt
  • Chẩn đoán nguyên nhân: Phong nhiệt
  • Pháp điều trị: Phát tán phong nhiệt (Tân lương giải biểu)
  • Điều trị cụ thể:
  • Thuốc uống:
Bạc hà      10g               Ké đầu ngựa    12g
Cát căn     10g              Cam thảo đất    10g
Địa liền     10g               Lá dâu               10g
Lá tre        10g               Bạch chỉ            10g              
Cúc tần     10g               Cối xay              10g
Sắc uống ngày 1 thang. Uống 3 thang.
3. Phòng bệnh:
Cảm cúm là một bệnh phổ biến, cúm thành dịch, ảnh hưởng không ít đến sức khoẻ cộng đồng. Các phương pháp dự phòng cảm cúm theo Y học cổ truyền rẻ tiền, dễ kiếm, sẵn có ở địa phương khiến cộng đồng dễ chấp nhận gồm các biện pháp sau:
  • Trong mùa dịch: nâng cao sức đề kháng, giữ cơ thể không bị lạnh khi thời tiết thay đổi.
  • Phát hiện sớm để cách ly.
  • Hạn chế tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người khi có dịch.
  • Thời gian có cúm hướng dẫn mọi người dùng:
  • Tỏi: mỗi bữa ăn kèm vài nhánh tỏi sống. Người lớn 3 nhánh. Trẻ em ăn 1 nhánh.
  • Rượu tỏi: Giã nát 200g tỏi ngâm trong 1 lít rượu trong 2 ngày, lọc lấy rượu. Mỗi tuần uống 3 ngày, mỗi ngày từ 30-50 giọt.
  • Khi có dịch cúm dùng bông tẩm dầu tỏi bôi và hít vào lỗ mũi vào buổi sáng, chiều (hoặc giỏ mũi). Công thức: tỏi giã nát 20g + dầu vừng hoặc dầu lạc 200ml.
  • Châm hoặc day ấn  huyệt Túc tam lý hàng ngày.
Khi đã mắc bệnh: áp dụng các phương pháp điều trị tiện lợi, đơn giản như đánh gió, nấu nồi nước xông, châm cứu hoặc dùng các vị thuốc sẵn có ở địa phương.
Đối với thể nặng, có biến chứng phải phát hiện và điều trị kịp thời.
Tóm lại: Cảm cúm là bệnh thường gặp, đặc biệt ở nơi mật độ dân đông và mang tính truyền nhiễm. Do đó công tác dự phòng đóng vai trò quan trọng nên cần phải tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh, rèn luyện thân thể, tăng cường thể lực. Trong thời gian bệnh lưu hành phải tiêm phòng dịch, vệ sinh môi trường.

Nguồn tin: Bộ Y tế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây