Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


Bổ sung vitamin, khoáng chất và multivitamin liệu có hiệu quả ?

Bổ sung vitamin, khoáng chất và multivitamin liệu có hiệu quả trong phòng ngừa bệnh tim mạch và ung thư?
Lý do thường gặp của việc sử dụng chế phẩm bổ sung là để cải thiện sức khỏe toàn diện và bổ sung những thiếu hụt dinh dưỡng trong chế độ ăn. Bệnh tim mạch và ung thư là 2 nguyên nhân hàng dầu dẫn đến tử vong.
.
Viêm và mất cân bằng oxy hóa chiếm vai trò quan trọng đối với cả 2 bệnh lý này. Các chất dinh dưỡng được bổ sung nhờ vào chế độ ăn hàng ngày có thể có hiệu quả kháng viêm và chống oxy hóa. Vì vậy, cần có một hướng dẫn cụ thể về việc bổ sung chất dinh dưỡng với mục đích phòng ngừa các bệnh tim mạch và ung thư.
Bài viết tóm tắt khuyến cáo và bằng chứng của các khuyến cáo do Lực lượng Chuyên trách Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) cập nhật năm 2022 về vấn đề bổ sung vitamin, khoáng chất để phòng ngừa bệnh tim mạch và ung thư.
TÓM TẮT KHUYẾN CÁO

ĐỐI TƯỢNG CỦA KHUYẾN CÁO
Khuyến cáo áp dụng cho những người ở nhà ở công cộng, người trưởng thành (không mang thai). Khuyến cáo này không áp dụng cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc có thể sẽ mang thai hoặc người mắc bệnh mạn tính, nhập viện hoặc đã được xác định thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Đối với những phụ nữ có kế hoạch mang thai hoặc có khả năng mang thai, USPSTF trước đây đã đưa ra khuyến cáo nên bổ sung hàng ngày 0.4 – 0.8 mg acid folic.
Vitamin (chẳng hạn vitamin A, C, D, E và K và nhóm vitamin B) là nhóm các hợp chất hóa học hữu cơ khác nhau có vai trò thiết yếu để duy trì chuyển hóa. Khoáng chất (chẳng hạn canxi, sắt, kẽm) là hợp chất vô cơ cần thiết để duy trì chức năng của cơ thể. Vitamin và khoáng chất có thể được phối hợp trong các chế phẩm multivitamin hoặc multimineral.
CÁC KHUYẾN CÁO
Khuyến cáo của USPSTF năm 2022 nhằm mục đích cập nhật các khuyến cáo trước đó vào năm 2014 về việc sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất và multivitamin để phòng ngừa bệnh tim mạch và ung thư. Mặc dù đã có thêm bằng chứng mới về vấn đề này kể từ năm 2014, tuy nhiên khuyến cáo của USPSTF năm 2022 cũng thống nhất với các khuyến cáo năm 2014.
Lợi ích của các chế phẩm bổ sung

Beta carotene kết hợp hoặc không kết hợp với vitamin A
Có 6 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng báo cáo kết cục sức khỏe liên quan đến việc sử dụng chế phẩm bổ sung beta carotene. Phân tích pooled analysis cho thấy bổ sung beta carotene làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân không có ý nghĩa thống kê trong 4 – 12 năm theo dõi. Pooled analysis của 5 nghiên cứu cho thấy bổ sung beta carotene làm tăng có ý nghĩa nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch trong 4 – 12 năm theo dõi.
Vitamin A
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy không có mối liên hệ giữa chế phẩm bổ sung vitamin A và tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Tuy nhiên bổ sung phối hợp vitamin A và beta carotene không mang lại lợi ích và có thể làm tăng tỷ lệ mắc ung thư phổi và tử vong vì ung thư phổi, bệnh tim mạch và các nguyên nhân khác ở người có thói quen hút thuốc và làm việc tiếp xúc với a-mi-ăng (asbestos).
Vitamin E
Có 9 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng báo cáo kết cục sức khỏe liên quan đến việc sử dụng chế phẩm bổ sung vitamin E. Phân tích pool analysis cho thấy vitamin E không mang lại lợi ích trong việc cải thiên tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân sau 3 – 10 năm theo dõi hoặc cải thiện kết cục tim mạch. Kết quả phân tích cũng cho thấy vitamin E không mang lại lợi ích trong việc cải thiện tỷ lệ tử vong do ung thư bất kỳ.
Multivitamin
Có 9 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng báo cáo kết cục sức khỏe liên quan đến việc bổ sung multivitamin. Phân tích pooled analysis từ 9 nghiên cứu này cho thấy bổ sung multivitamin không giúp cải thiện tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Thử nghiệm có quy mô lớn nhất – COSMOS (n = 21442) cũng cho thấy bổ sung multivitamin không có hiệu quả trong việc thiện tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân sau trung vị 3.6 năm theo dõi. Phân tích pooled analysis từ 4 nghiên cứu (trong 9 nghiên cứu) cũng có thấy bổ sung multivitamin không cải thiện được tỷ lệ tử vong do tim mạch hoặc tử vong do ung thư, tuy nhiên kết quả phân tích này cho thấy sử dụng multivitamin có làm giảm nhẹ tỷ lệ mắc ung thư).
Bằng chứng về hiệu quả của multivitamin đối với tử vong, bệnh tim mạch và ung thư còn có nhiều hạn chế. Như đã đề cập ở trên, bổ sung multivitamin không cải thiện hầu hết các kết cục này. Trong khi đó kết cục về tỷ lệ mắc ung thư và tỷ vong do ung thư lại không nhất quán.
Vitamin D phối hợp hoặc không phối hợp với canxi
Có 32 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng báo cáo kết cục sức khỏe liên quan đến việc bổ sung vitamin D (phối hợp hoặc không phối hợp với canxi). Nhìn chung, kết cục giữa các nghiên cứu này đều tương tự nhau. Phân tích pooled analysis từ 27 nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa việc bổ sung vitamin D với giả dược trong 6 tháng – 7 năm theo dõi về tiêu chí gộp tim mạch. Phân tích pooled analysis cũng cho thấy bổ sung vitamin D không làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư khi so sánh với giả dược.
Tuy nhiên hiệu quả của vitamin D đối với sức khỏe có thể biến đổi theo đặc điểm của dân số (chẳng hạn như nồng độ vitamin D nền và các yếu tố chưa xác định khác). Ngoài ra, nghiên cứu đánh giá hiệu quả của vitamin D đối với kết cục tỷ vong do ung thư có thời gian theo dõi trong khoảng 3.3 – 7 năm, khoảng thời gian này có thể là quá ngắn để phát hiện tử vong do ung thư. Những hạn chế này ảnh hưởng đến độ tin cậy của bằng chứng đối với hiệu quả của vitamin D và ung thư cũng như tỷ lệ tử vong.
Canxi
Có 7 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng báo cáo kết cục sức khỏe liên quan đến việc bổ sung canxi. Phân tích pooled analysis cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, mắc bệnh tim mạch, tỷ lệ tử vong do tim mạch hoặc tỷ lệ mắc ung thư ở người bổ sung canxi và giả dược.
Acid folic phối hợp hoặc không phối hợp với vitamin B12
Có 5 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng báo cáo kết cục sức khỏe liên quan đến việc bổ sung acid folic ở người trưởng thành (không bao gồm phụ nữ mang thai). Phân tích pooled analysis cho thấy không có mối liên hệ giữa bổ sung acid folic và việc cải thiện tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trong thời gian theo dõi từ 2 – 6.5 năm. Tỷ lệ tử vong do tim mạch và các biến cố tim mạch trong dân số nghiên cứu là quá thấp để có thể đưa ra kết luận về vấn đề này.
Phân tích pooled analysis cho thấy acid folic đơn lẻ hay phối hợp với vitamin B12 làm tăng tỷ lệ mắc ung thư bất kỳ trong thời gian 2 – 6 năm theo dõi. Tuy nhiên giữa các nghiên cứu có sự không đồng nhất. Vì vậy, việc khái quát hóa kết quả của những phân tích này cho dân số thông thường vẫn chưa được chắc chắn.
Vitamin C
Có 2 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng tiến hành đánh giá kết cục sức khỏe liên quan đến việc bổ sung vitamin C. Kết quả của các nghiên cứu này cho thấy vitamin C không có hiệu quả trong việc cải thiện tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, mắc các biến cố tim mạch hoặc tử vong do tim mạch. Kết quả tương tự đối với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư.
Vitamin B3 và B6
USPSTF cho rằng hiện chưa có đủ bằng chứng để đánh giá hiệu quả của các vitamin này đối với tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, kết cục tim mạch hoặc kết cục ung thư.
Selenium
Mặc dù có một vài nghiên cứu cho ra nhiều kết quả trái ngược, tuy nhiên bằng chứng hiện có cho thấy selenium không có hiệu quả trong việc cải thiện tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, tỷ lệ tử vong do tim mạch, biến cố tim mạch hoặc tử vong do ung thư.
Tác hại của việc bổ sung vitamin và khoáng chất

Ngoài lợi ích của việc bổ sung vitamin và khoáng chất, USPSTF cũng tiến hành phân tích tác hại của bổ sung vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe. Hầu hết các chế phẩm bổ sung đều có ít hoặc không có tác hại đối với sức khỏe.
Tác hại nghiêm trọng nhất đã được xác định là việc beta carotene ở liều 20 và 30 mg/ngày làm tăng tỷ lệ tử vong do tim mạch và tăng tỷ lệ mắc ung thư phổi ở bệnh nhân hút thuốc hoặc làm việc trong môi trường phơi nhiễm với a-mi-ăng. Một tác hại khác của beta carotene là hiện tượng biến đổi màu da (khiến da ngả sang màu cam). Có 2 nghiên cứu đoàn hệ ở phụ nữ cho thấy bổ sung vitaimin A làm tăng không có ý nghĩa nguy cơ gãy xương hông. Hai thử nghiệm có thấy bổ sung vitamin E ở liều 111 và 200 IU mỗi ngày làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết. Một nghiên cứu đoàn hệ cho thấy bổ sung nhiều vitamin B6  (≥ 35 mg/ngày) có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ gãy xương hông so với bổ sung B6  ở liều bình thường (< 2 mg/ngày).
Có 1 thử nghiệm và 2 nghiên cứu đoàn hệ cho thấy bổ sung vitamin D làm tăng nguy cơ sỏi thận. Liều vitamin D sử dụng trong nghiên cứu đoàn hệ là ≥ 1000 IU/ngày. Có 2 nghiên cứu đoàn hệ cho thấy bổ sung vitamin C cũng có liên quan đến sỏi thận.
BÀN LUẬN
Để khẳng định các khuyến cáo và đưa ra khuyến cáo mới, nhiều nghiên cứu khác cần được thực hiện như nghiên cứu về hiệu quả của các chế phẩn bổ sung multivitamin đối với kết cục tim mạch và ung thư, nghiên cứu về chế phẩm bổ sung vitamin D đối với tử vong do ung thư.
Hy vọng với bản cập nhật này, các nhân viên y tế có thể tư vấn và đưa ra lời khuyến tốt hơn cho bệnh nhân về vấn đề bổ sung vitamin, khoáng chất để phòng ngừa bệnh tim mạch và ung thư.
#General Practitioner#Clinical Nutrition#Multi-Speciality
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. US Preventive Services Task Force. Vitamin, Mineral, and Multivitamin Supplementation to Prevent Cardiovascular Disease and Cancer: US Preventive Services Task Force Recommendation Statement. JAMA. 2022;327(23):2326–2333. DOI:10.1001/jama.2022.8970
  2. Omenn GS, Goodman GE, Thornquist MD, Balmes J, Cullen MR, Glass A, Keogh JP, Meyskens FL, Valanis B, Williams JH, Barnhart S, Hammar S. Effects of a combination of beta carotene and vitamin A on lung cancer and cardiovascular disease. N Engl J Med. 1996 May 2;334(18):1150-5. DOI: 10.1056/NEJM199605023341802.

Nguồn tin: Docquity Vietnam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây