BÁT MẠCH KỲ KINH: MẠCH XUNG - MẠCH ÂM DUY
- Thứ hai - 14/07/2014 12:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
A. MẠCH XUNG
1. Lộ trình đường kinh
Mạch Xung khởi nguồn từ Thận. Từ Thận, mạch Xung chạy xuống dưới đến huyệt Hội âm của mạch Nhâm. Từ đây, mạch Xung chia làm 2 nhánh:
− Nhánh sau: chạy đến mặt trong của cột sống.
− Nhánh trước: theo mạch Nhâm đến huyệt Quan nguyên. Từ đây đến nối với huyệt Hoành cốt (ngang Trung cực, cách 1/2 thốn), chạy dọc theo kinh Thận đoạn ở bụng đến huyệt U môn (ngang Cự khuyết, cách 1/2 thốn). Trên đoạn ở bụng này, mạch Xung có những nhánh nhỏ nối với kinh cân ở trường vị. Đường kinh chạy tiếp tục lên trên theo kinh Thận đến huyệt Du phủ. Trên đoạn đường ở ngực, mạch Xung lại cũng cho nhiều nhánh nối với các khoảng liên sườn. Đường kinh chạy tiếp tục lên hầu họng và nối với huyệt Liêm tuyền của mạch Nhâm và sau đó lên mặt, vòng quanh môi.
Từ huyệt Hoành cốt có nhánh đi xuống theo mặt trong đùi để đi chung với kinh Thận (sách Linh khu, Thiên Động du) đến bắp chân, mắt cá trong. Trên đoạn này, mạch Xung có nhiều nhánh đến những vùng của chi dưới nhằm làm “ấm cho chân và cẳng chân”.
Cũng từ huyệt Hoành cốt, có 1 nhánh khác đến huyệt Khí xung của kinh Vị, sau đó tiếp tục đi chéo xuống mặt sau cẳng chân và chấm dứt ở ngón chân cái. Thiên 62 sách Linh khu có ghi “...Khi xuống dưới chân, nó có 1 chi biệt đi lệch vào bên trong mắt cá, xuất ra trên mu bàn chân, nhập vào trong khoảng ngón chân cái, rót vào các lạc mạch, nhằm làm ấm cho chân và cẳng chân”.
2. Những mối liên hệ của mạch Xung
− Liên hệ với kinh chính Thận: ở đoạn bụng ngực, mạch Xung mượn những huyệt của kinh Thận (Hoành cốt, U môn, Du phủ).
− Liên hệ với mạch Nhâm: mạch Xung có những nhánh đến nối với mạch Nhâm ở mặt tại huyệt Liêm tuyền và Thừa tương, đến vùng bụng dưới nối với huyệt Quan nguyên, Âm giao.
− Liên hệ với kinh chính Vị: tại huyệt Khí xung để từ đó chạy tiếp xuống mặt trong cẳng chân.
− Liên hệ với mạch Âm duy trong mối quan hệ chủ khách.
3. Triệu chứng khi mạch Xung rối loạn
Một cách tổng quát, dựa vào lộ trình đường kinh, chúng ta có thể thấy những biểu hiện sau:
3.1. Do rối loạn nhánh ở bụng
− Đau vùng thắt lưng, cảm giác hơi bốc từ bụng dưới.
− Đau tức bụng dưới, ói mửa sau khi ăn.
− ở phụ nữ:
+ Ngứa âm hộ, đau sưng âm hộ.
+ Kinh kéo dài, sa tử cung, thống kinh.
+ Co thắt âm hộ, huyết trắng, hiếm muộn.
− ở đàn ông:
+ Sưng đau dương vật, tinh hoàn; viêm niệu đạo.
+ Liệt dương, di tinh.
3.2. Do rối loạn nhánh ngực và mặt − Đau vùng trước tim.
− Khó thở kèm cảm giác hơi bốc ngược lên.
− Khô họng, nói khó.
Theo sách Châm cứu đại thành (quyển 5): “Những triệu chứng khi mạch Xung có bệnh: tức ngực, đau thượng vị, ói mửa sau khi ăn, hơi dồn ở ngực, đau hạ sườn, đau quanh rốn, bệnh ở trường vị do phong kèm sốt, ớn lạnh và đau vùng tim. ở phụ nữ, bệnh phụ khoa, sót nhau, rong kinh”.
4. Huyệt khai (giao hội huyệt của mạch Xung) và cách sử dụng
Huyệt Công tôn là huyệt khai của mạch Xung, nằm ở mặt trong bàn chân, trước đầu sau của xương bàn ngón 1. Huyệt Công tôn có quan hệ với huyệt Nội quan trong bát mạch giao hội huyệt (mối quan hệ chủ khách).
Phương pháp sử dụng:
− Huyệt đầu tiên châm là: huyệt Công tôn.
− Kế tiếp là những huyệt điều trị.
− Cuối cùng là huyệt Nội quan.
- Lộ trình mạch Xung có những đặc điểm:
+ Quan hệ chặt chẽ với mạch Nhâm ở bụng dưới (hệ thống sinh dục - tiết niệu).
+ Phân bố ở các khoảng liên sườn ở ngực (đoạn theo kinh Thận ở ngực)
+ Phân bố mặt trong chi dưới (giống như kinh chính Thận)
- Do những đặc điểm phân bố trên mà những rối loạn của sinh dục - tiết niệu, triệu chứng đau vùng trước tim, khó thở… là những chỉ định điều trị của mạch Xung.
- Những huyệt mà mạch Xung mượn đường để đi: Hoành cốt, U môn, Du phủ (kinh Thận); Quan nguyên, Âm giao, Liêm tuyền, Thừa tương (mạch Nhâm); Khí xung (kinh Vị).
- Giao hội huyệt của mạch Xung: Công tôn.
B. MẠCH ÂM DUY
1. Lộ trình đường kinh
Mạch âm duy xuất phát từ huyệt Trúc tân của kinh Thận, đi dọc lên trên theo mặt trong của đùi đến nếp bẹn tại huyệt Phủ xá (kinh Tỳ), đến bụng tại huyệt Đại hoành và Phúc ai (kinh Tỳ), đến cạnh sườn tại huyệt Kỳ môn (kinh Can), xuyên cơ hoành lên ngực vào vú, lên cổ tại huyệt Thiên đột và Liêm tuyền của mạch Nhâm.
2. Những mối liên hệ của mạch âm duy
Mạch âm duy có quan hệ với:
− Kinh chính của Thận: mạch âm duy khởi phát từ huyệt Trúc tân của kinh Thận.
− Kinh chính Tỳ (Phủ xá, Đại hoành, Phúc ai), kinh Can (Kỳ môn) và mạch Nhâm (Liêm tuyền, Thiên đột).
Vì những mối quan hệ trên mà mạch âm duy có chức năng nối liền tất cả các kinh âm của cơ thể, điều hòa quan hệ giữa các kinh âm để duy trì sự thăng bằng của cơ thể.
3. Triệu chứng khi mạch âm duy bị rối loạn
Rối loạn chủ yếu khi mạch âm duy bị bệnh là đau vùng tim.
Trong Y học nhập môn có đoạn “Mạch âm duy nối liền các khí âm. Nếu khí này không hành thì huyết sẽ không hành được và gây chứng đau ở tim”.
Trong Châm cứu đại thành: “Mạch âm duy khởi ở hội của kinh âm. Nếu khí âm không nối liền với khí âm, người bệnh sẽ bất định. Chứng bệnh chủ yếu là đau vùng tim”.
Nêu rõ vấn đề này, Trung y học khái luận có đoạn: “Khi mạch âm duy bệnh, người bệnh than đau ở tim vì mạch âm duy nối các kinh âm và nằm ở phần âm của cơ thể”.
Một cách tổng quát, chứng hậu đau vùng tim gây nên do huyết ứ tại mạch âm duy và do mạch âm duy nối liền với các kinh (Tỳ, Can) và mạch Nhâm nên chứng đau ngực này có nhiều loại khác nhau:
− Đau ngực có liên quan đến Tỳ (kiểu Tỳ): đau ngực có đặc điểm như kim đâm. Có thể có kèm với mất ý thức và đau đầu. Thiên 24, sách Linh khu có nêu “Chứng quyết tâm thống làm cho bệnh nhân đau như dùng cây chùy đâm vào Tâm. Tâm bị thống nặng gọi là Tỳ tâm thống...”.
− Đau ngực có liên quan đến Can (kiểu Can): đau ngực kiểu Can rất nặng làm bệnh nhân không thở được, có thể kèm với đau đầu vùng thái dương. Thiên Quyết bệnh sách Linh khu: “Chứng quyết tâm thống làm cho sắc mặt bị xanh, xanh như màu của người chết, suốt ngày không thở được một hơi dài...”.
− Đau ngực có liên quan đến mạch Nhâm (đau ngực kiểu mạch Nhâm): loại đau ngực này đồng nghĩa với rối loạn toàn bộ 3 kinh âm và như thế tạo nên ngay tức khắc sự mất cân bằng âm dương của cơ thể dẫn đến đau vùng tim. Đau ngực này có đặc điểm lan ra sau lưng; thường kèm với đau hạ sườn, đau vùng cổ gáy....Thường xuất hiện triệu chứng co thắt ngực hoặc hơi dồn lên hay cảm giác thiếu hơi. Đau đầu trong loại này thường khởi đầu ở cổ rồi lan xuống vùng thận.
4. Huyệt khai (giao hội huyệt của mạch âm duy) và cách sử dụng
Huyệt khai của mạch âm duy là Nội quan, nằm trên nếp cổ tay 2 thốn, giữa gân cơ gan bàn tay lớn và gan bàn tay bé. Huyệt Nội quan có quan hệ với huyệt Công tôn (mối quan hệ chủ - khách) trong bát mạch giao hội huyệt.
Phương pháp sử dụng:
− Huyệt đầu tiên châm là: huyệt Nội quan.
− Kế tiếp là những huyệt điều trị.
− Cuối cùng là huyệt Công tôn.
Mạch âm duy
- Mạch Âm duy có chức năng nối liền tất cả các kinh âm của cơ thể, điều hoà quan hệ giữa các kinh âm để duy trì sự thăng bằng của cơ thể.
- Tất cả các kinh Âm đều bắt nguồn hoặc chấm dứt ở ngực. Do đó, rối loạn mạch Âm duy sẽ sinh chứng đau ở ngực.
- Những huyệt mà mạch Âm duy mượn đường để đi: Phủ xá, Đại hoành, Phúc ai (kinh Tỳ); Liêm tuyền, Thiên đột (mạch Nhâm); Kỳ môn (kinh Can); Trúc tân (kinh Thận).
- Giao hội huyệt của mạch Xung: Nội quan.