Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


HUYỆT NGOÀI KINH: Vùng đầu mặt

.

.

Huyệt ngoài kinh là những huyệt không thuộc vào 12 kinh chính và 2 mạch Nhâm, Đốc. Huyệt ngoài kinh thường có vị trí ở ngoài các đường kinh; nhưng cũng có một số huyệt nằm trên đường đi của các kinh mạch chính, song không phải là huyệt của kinh mạch đó. *Mỗi huyệt ngoài đường kinh thường có một số tác dụng đặc biệt riêng của nó. *Khi châm cứu các huyệt ngoài kinh, tùy vị trí từng huyệt mà chọn tư thế người bệnh cho thích hợp, để huyệt lộ ra dễ dàng cho việc châm cứu.
 

TỨ THẦN THÔNG

Vị trí: Ở 4 phía huyệt Bách hội, cách 1 tấc đồng thân (Tư sinh)

Xác định huyệt Bách hội, lấy 2 huyệt trên mạch Đốc trước và sau Bách hội 1 tấc, 2 huyệt trên đường nối 2 mỏm tai cách bên phải và bên trái Bách hội 1 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cân sọ, dưới cân là xương đỉnh. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

 

Tác dụng:

     -Tại chỗ: Nhức đầu.

     - Toàn thân: Trúng phong, choáng váng, điên giản, mất ngủ.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da.

 Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tê, tức tại chỗ hoặc lan rộng một vùng đầu.
 
 

 

ẤN ĐƯỜNG

Vị trí: - Ở chỗ lõm giữa 2 lông mày (Đại thành)

- Lấy ở điểm chính giữa đường nối hai đầu lông mày, thẳng sống mũi lên.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ bám của 2 cơ tháp, chỗ tiếp khớp của 2 xương sống mũi và xương trán. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau đầu, bệnh ở mũi.

     - Toàn thân: Kinh phong trẻ em, co giật.

Cách châm cứu: Châm 0,1-0,2 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: - Kết hợp với Nghinh hương, Hợp cốc để chữa Viêm mũi. Khi cần cứu không được gây bỏng, khi châm có thể nặn ra vài giọt máu khi bệnh giãm chậm.
 
 

NGƯ YÊU

Vị trí: - Ở khoảng giữa lông mày (Đại thành)

- Lấy ở điểm gặp nhau của đường ngang chia đôi lông mày và đường dọc qua chính giữa ổ mắt.

Giải phẫu: Dưới da là cơ mày, cơ tháp, cơ trán và cơ vòng mi, xương trán. Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Mắt có màng, đau mắt đỏ, nhắm mắt không kín.

Cách châm cứu: Châm 0,1-0,3 tấc, luồn kim dưới da và hướng mũi kim sang hai bên, không cứu.

 

THÁI DƯƠNG

Vị trí: - Ở chỗ lõm phía sau lông mày, nơi có đường mạch xanh của Thái dương (Đại thành)

- Lấy ở chỗ lõm phía sau ngoài đuôi mắt 1 tấc, sát cạnh ngoài của mỏm ổ mắt xương gò má, ấn vào có cảm giác ê tức, có lúc nhìn rõ mạch máu nhỏ nổi lên.

Giải phẫu: Dưới là cân và cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
    - Tại chỗ: Đau đầu, bệnh của mắt.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc, hoặc chích vào mạch máu nhỏ ở huyệt cho ra 1 giọt máu, không cứu.

 

NHĨ TIÊM

Vị trí: - Ở trên mỏm tai, bóp tai lại, lấy huyệt ở trên mỏm tai (Đại thành).

- Gấp vành tai về phía trước, lấy huyệt ở chỗ nhọn của 2 nửa vành tai gấp vào nhau, chỗ cao nhất.

Giải phẫu: Dưới làsụn vành tai. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: Chữa mắt có màng.

Cách châm cứu: Châm 0,1 tấc, cứu 5-7 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức nhiều tại chỗ hoặc nóng ran ở vành tai.

 

NỘI NGHÊNH HƯƠNG

Vị trí: - Ở trong lỗ mũi (Đại thành)

- Lấy ở trên lớp niêm mạc bên trong lỗ mũi.

Giải phẫu: Dưới niêm mạc là sụn cánh mũi hay xương cuốn. Niêm mạc vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: Sưng, nóng mắt gây đau dữ dội.

Cách châm cứu: Dùng kim tam lăng chích nhanh nông vào huyệt cho ra chút máu. Không cứu.

Chú ý: Châm đắc khí thấy đau tức tại chỗ và có phản xạ hắt hơi.

 

TỤ TUYỀN

Vị trí: - Ở trên lưỡi, thè lưỡi ra thấy có khe lõm ở giữa lưỡi là huyệt (Đại thành)

- Lấy ở trên nếp gấp dọc giữa của mặt trên lưỡi, khi thè lưỡi ra khỏi miệng thì ở khoảng giữa nếp gấp có một chỗ lõm nhỏ là huyệt.

Giải phẫu: Dưới niêm mạc lưỡi là cơ lưỡi trên, vách lưỡi, các cơ móng-lưỡi, cơ cằm-lưỡi, cơ ngang lưỡi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây sọ não số XII. Niêm mạc vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Lưỡi có rêu, lưỡi cứng.

     - Toàn thân: Hen, suyễn, ho và ho lâu không khỏi.

Cách châm cứu: Châm 0,1-0,2 tấc, châm nhanh và cho ra vài giọt máu (chữa lưỡi sưng, lưỡi có rêu). Cứu cách gừng 5-7 phút, cứu xong nhai nhỏ miếng gừng rồi nuốt với một ngụm nước chè (chữa ho, hen).

 

HẢI TUYỀN

Vị trí: - Ở trên mạch khoảng giữa phía dưới lưỡi (Đại thành)

- Lấy ở trên nếp hãm lưỡi ở dưới lưỡi, giữa hai huyệt Kim tân và Ngọc dịch.

Giải phẫu: Dưới niêm mạc lưỡi và vách lưỡi, cơ cằm-lưỡi, cơ móng-lưỡi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số XII. Niêm mạc vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: Tiêu khát.

Cách châm cứu: Dùng kim nhỏ châm rút ngay cho ra máu. Không cứu.

 

KIM TÂN (trái) NGỌC DỊCH (phải)

Vị trí:- Ở trên mạch hai bên phía dưới lưỡi (Đại thành).

- Lấy ở tĩnh mạch nổi rõ 2 bên lưỡi, ở mặt dưới lưỡi, bên trái là huyệt Kim tân, bên phải là huyệt Ngọc dịch.

Giải phẫu: Dưới niêm mạc lưỡi là cơ cằm-lưỡi và cơ móng-lưỡi.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số XII.

Niêm mạc chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Lưỡi sưng đau, lưỡi cứng, họng tắc.

     - Toàn thân: Nôn mửa, tiêu khát.

Cách châm cứu: Dùng kim tam lăng chích cho ra máu. Không cứu.

 

BÁCH LAO

Vị trí: Lấy huyệt Đại chùy đo lên 2 tấc, rồi đo ngang ra 1 tấc là huyệt.

Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ gối đầu, cơ gối cổ, cơ dài đầu, cơ bán gai của đầu, cơ bán gai của cổ, cơ ngang gai, xương sống cổ 4. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, các nhánh của đám rối cổ sâu. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3 hay C4.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau cứng gáy, tràng nhạc.

     - Toàn thân: Suy nhược, lao phổi.

Cách châm cứu: Cứu 10-20 phút.  

Nguồn tin: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) - Tổng hợp từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây