Thuốc HAY thay MẬT GẤU: TAM THẤT
- Thứ sáu - 11/07/2014 16:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
Báo Kiến thức gia đình phối hợp cùng Trung ương Hội Đông y Việt Nam và Tổ chức Động vật Châu Á giới thiệu tới bạn đọc các cây thuốc, vị thuốc thay thế mật gấu, từ đó góp phần chung tay chấm dứt việc sử dụng mật gấu trong Đông y tại Việt Nam.
Sâm tam thất, Kim bất hoán.
Panax pseudoginseng Wall.
Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, thân cao 30 – 50cm. Lá kép chân vịt, mọc vòng 3-4 cái; cuống lá chung dài 3 - 6cm, mang 3-7 lá chét hình mác dài, mép khía răng, có lông cứng ở gân trên cả hai mặt; cuống lá chét dài 0,6 - 1,2cm. Cụm hoa tán đơn ở ngọn thân; hoa màu lục vàng nhạt với 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị và bầu dưới 2 ô. Quả mọng hình cầu dẹt, khi chín có màu đỏ; hạt hình cầu, màu trắng.
Ra hoa tháng 5 – 7, quả chín tháng 8 – 10.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở các vùng núi cao, lạnh như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… Chọn hạt giống tốt ở những cây đã 3 – 4 năm, gieo hạt tháng 10 – 11. Sau 4 – 5 năm có khi tới 7 năm thì mới thu hoạch. Rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi nắng cho héo rồi lăn và vò từ 3 – 5 lần, phơi hoặc sấy cho đến khô.
Bộ phận dùng: Rễ củ gọi là Tam thất.
Thành phần hóa học: Củ Tam thất chứa các saponin triterpen: Saponin A,B,C,D, acid oleanolic, đường khử, 16 acid amin như phenylalamin, leucin, isoleucin, valin, prolin, histidin, lysin, cystein, các chất vô cơ như Fe, Ca.
Tính vị qui kinh: Vị ngọt, hơi đắng, tính ôn. Vào các kinh: Can, Vị.
Tác dụng: Phá huyết tán ứ, chỉ huyết, tiêu thũng, định thống và tư bổ khí huyết, cường tráng cơ thể.
Công dụng: Chữa ứ huyết do chấn thương, rong kinh, mắt đỏ sưng đau, thổ huyết, nôn ra máu, đái ra máu, băng huyết.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 4 – 8g, dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.
" Mật gấu không đóng vai trò quan trọng trong Đông y, trong số 1500 bài thuốc cổ phương, chỉ có rất ít bài thuốc sử dụng Mật gấu"
Thầy thuốc nhân dân Trần Văn Bản - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam
" Sẽ chẳng có ai chết vì thiếu mật gấu. Ngược lại, dường như người ta còn trở nên bệnh tật hơn, thậm chí có thể chết vì sử dụng mật gấu".
Bà Jill Robinson MBE. Sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á.