Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


Chương 17 PHẦN II: LỐI SỐNG HIỆP KHÍ ĐẠO: QUI LUẬT CHO NHỮNG NGƯỜI BẮT ÐẦU HỌC

hinh minh họa (từ internet)

hinh minh họa (từ internet)

1. Hãy thành thực. Không những chỉ trong môn Hiệp Khí Ðạo mà thôi, mà bất cứ khi nào bạn học môn gì, thì sự thẳng thắn cũng là thiết yếu. Có người đã bị những kinh nghiệm hồi trước của họ, hay bị kiến thức hồi trước của họ làm hỏng, bây giờ không còn thể học tập điều gì mới một cách cởi mở. Những người như thế mắc phải một tật mà chúng ta gọi là thói xấu. Họ phê phán sự việc đơn thuần trên căn bản của cái kinh nghiệm hẹp hòi của họ và nghĩ rằng cái gì hợp với họ là đúng, còn cái gì không hợp với họ là sai. Tiến bộ không ở trên con đường đó.

Giả dụ ta có một ly nước đầy. Nếu ta cứ đổ mãi thêm nước vào ly đó, thì nước sẽ tràn ra, và rồi chỉ còn lại một chút nước trong ly. Nhưng một khi ta đã đổ hết nước đi, thì cái ly lại có thể đựng được đầy nước mới. Nếu đầu bạn chật ních những sự này những việc nọ, thì bất kể bạn học điều hay đến mấy, nó cũng chẳng vô. Thẳng thắn và thành thực là một con đường tốt để bạn ném bỏ những gì vô ích trong đầu bạn đi. Hiệp Khí Ðạo là một môn học khiến bạn tiến bộ trong việc di chuyển từ một thế giới ca ngợi thân xác sang một thế giới đặt trọng tâm ở tinh thần, từ một thế giới nhị nguyên sang một thế giới tuyệt đối, và từ một thế giới chiến đấu sang một thế giới hòa bình. Cũng hệt như là ta đi từ một thế giới âm ba sang một thế giới siêu thanh vậy.
Trong khi học Hiệp Khí Ðạo, nếu bạn không xử dụng tất cả mọi sự khiêm tốn của bạn, thì nó sẽ chẳng bao giờ tồn tại với bạn.
Nhiều người quyết tâm rằng họ sẽ chẳng bao giờ tin điều gì ai nói. Có thể họ có cảm tưởng rằng, nếu họ không ngờ vực nghi vấn điều gì hết, thì tất sẽ có người lừa bịp họ. Bất cứ điều gì cũng có thể cắt nghĩa theo một lối tích cực và một lối tiêu cực. Sự ngờ vực thường xuyên chỉ chứng tỏ là ta có những lối giải thích tiêu cực và ta chẳng thể nghĩ tốt ngay cả về những điều tốt.
Tuy nhiên cũng nguy hiểm không kém nếu ta tin bất cứ điều gì ta nghe bởi vì ta chẳng thể biết được lòng dễ tin của ta có thể đưa ta tới đâu. Nhưng dù sao con người mà ngờ vực bất cứ gì trên thế giới này ắt sẽ sống ở đời để hoài nghi cả chính mình nữa.
Một nữ giáo viên nọ tôi gặp ở Hoa Kỳ yêu cầu tôi nói cho cô ta nghe về Hiệp Khí Ðạo. Tôi cắt nghĩa cái ý niệm về tinh thần điều động thể xác và nguyên tắc về cánh tay không-thể-bẻ-gãy-nổi. Bởi tôi bảo cô ta lên gân cánh tay thật hết sức, và rồi tôi bẻ cánh tay cô ta. Cô ta nói : « Ông bẻ tay tôi được là vì ông khỏe và tôi yếu. » Tôi trả lời : « Ðược lắm. Lần này cô đừng lên gân tay, mà chỉ nghĩ thật mạnh, bằng toàn thân cô, rằng sức lực tinh thần của cô đang phóng ra ngàn dặm trước mặt. » Cô ta cũng làm theo lời tôi, nhưng tôi vẫn bẻ được cánh tay cô ta.
Bởi lẽ tôi muốn giảng nghĩa, chứng minh, một sự kiện, cho nên tôi có thể bẻ cánh tay cô ta, nhưng cô giáo nọ nhất định không nghĩ theo lời tôi nói.
Lúc tôi hỏi cô ta là cô ta có thành thực nghĩ cái điều cô ta đang làm không, thì cô ta bảo cô ta có thành thực, nhưng rồi lần nào tôi cũng bẻ được cánh tay cô ta cả. Bởi lẽ không còn thể giảng giải thế nào hơn nữa, tôi bèn yêu cầu một thiếu nữ khác đứng bên giúp chúng tôi. Ban đầu tôi yêu cầu cô này lên gân tay. Cô này làm đúng theo lời tôi yêu cầu và cô giáo nọ bẻ được tay cô này dễ dàng.
Sau tôi yêu cầu cô thiếu nữ mới này để cho cánh tay thoải mái và chú tâm vào sức lực tinh thần của cô đang phóng đi ngàn dặm. Rồi tôi bảo cô giáo nọ thử bẻ cánh tay cô này xem sao, thì cô ta không bẻ được. Cô thiếu nữ thứ hai nói : « Hay thiệt hay ! Tôi hiểu chắc chắn điều ông nói. » Cô giáo nọ thì vẫn quả quyết rằng cô ta không bẻ được cánh tay người thiếu nữ kia là vì người thiếu nữ đó mạnh hơn cô ta, mà sự thực thì cô giáo ta lại lớn gấp hai người thiếu nữ. Tôi bảo rằng khi người thiếu nữ lên gân tay thì tại sao cô ta lại bẻ được, thì cô giáo đó trả lời, « Tại vì cô ấy cố ý để cho tôi bẻ. » Dù rằng người thiếu nữ kia bảo là không phải như vậy, cô giáo nọ vẫn nhất định không tin. Tôi thấy chẳng cần phải giải thích thêm làm gì nữa. Nếu cuộc đàm thoại được diễn bằng tiếng Nhật, thì có lẽ tôi đã tiếp tục nói thêm cho cô ta hiểu, nhưng tiếng Anh của tôi tồi quá, chẳng thể làm nổi.
Sách Thánh dạy rằng những kẻ nào tin, là những kẻ có hạnh phúc và được Chúa cứu vớt. Những người giống như cô giáo kia chỉ chuốc bất hạnh cho mình mà thôi. Tôi không biết cô ta đã dạy cái môn tâm lý học nào trong lớp học. Ly nước của cô ta đã đầy tràn nước, vì thế chẳng có nước nào có thể đổ thêm vào đặng.
Cô giáo này là một trường hợp hạn hữu, nhưng dù sao đây cũng là một loại người thông thường, nhiều hay ít. Những người thuộc loại này thường làm trở ngại và chậm trễ chính sự tiến bộ của mình. Những điều ta nghĩ và những điều ta hoài nghi thì khác hẳn nhau, nhưng có nhiều người vẫn lẫn lộn hai thứ. Nếu ta tháo đôi kiếng màu của ta ra và nghĩ thẳng, thì ta có thể bảo cho ta biết đâu là đúng, đâu là sai. Học tập nhiều điều là một điều tốt, nhưng thật là ngu dại nếu ta cứ làm trở ngại sự tiến bộ của chúng ta bằng cách cứ lang thang trên ngả đường hoài nghi. Trong Hiệp Khí Ðạo, con người thẳng thắn và thành thực tiến bộ càng nhanh hơn là vì lẽ đó.
 
2. Kiên tâm.
Nếu bạn bắt đầu một việc gì, bạn phải làm cho đến cùng. Nếu bạn làm một điều gì chỉ để giải trí mà thôi, thì bạn có thể làm đây một tí, kia một tí, nhưng một khi đã quyết tâm rằng đây là con đường bạn sẽ theo đuổi, thì bỏ nửa chừng là một điều lầm lẫn. Làm như vậy chỉ tỏ ra rằng ý chí bạn yếu đuối.
Dù rằng, trong một vài trường hợp, có những điều kiện và giới hạn khiến bạn không thể tiếp tục việc bạn đã bắt đầu, nhưng bởi vì Hiệp Khí Ðạo diễn ra ngay ở đời sống hằng ngày, và bởi vì lúc nào bạn cũng có thể xác và tinh thần liền kề với bạn, và bạn chẳng còn lý do nào để bỏ dở nó nữa.
Bất cứ bạn quyết tâm học điều gì, dọc đường thế nào bạn cũng gặp phải một vài bức tường đá. Khởi sự một việc gì rồi bỏ nó ngay tức thì, lại là một việc khác hẳn, bởi lẽ trong những trường hợp ấy người đó không thực tâm muốn đi xa, nhưng đôi khi có người khởi sự thì hết sức thực tâm muốn tiếp tục đi xa nhưng rồi lại bỏ dở nữa chừng. Tùy người, có người bỏ Hiệp Khi Ðạo chỉ sau một hai tháng, có người sau sáu, bảy tháng. Thường thường một người đã theo được một năm thì tiếp tục được khá lâu. Nói khác đi, phải cần một năm mới biết được mùi vị Hiệp Khí Ðạo ra làm sao. Người bỏ Hiệp Khí Ðạo sau chừng một tháng và than phiền và bình phẩm nó là những người chưa hiểu rõ thế nào là Hiệp Khí Ðạo.
Bất chấp quả chuông to lớn đến mấy, nếu ta chỉ cần gõ nhẹ nó, là nó có thể buông ra một tiếng nhỏ. Ta phải hiểu rõ rằng chính là sự yếu đuối của cái gõ chứ chẳng phải lỗi của quả chuông, mà tiếng chuông kêu nhỏ. Cũng như là câu chuyện cổ về mấy người mù và con voi. Mỗi người mù, chẳng thể sờ được toàn thân con vật, đã quyết đoán rằng con voi chính là cái phần mà người ấy sờ được tới. Người sờ chân thì bảo con voi là một cột trụ cao, và người sờ vòi thì bảo con voi như một cái cột sào dài. Từng cá nhân, thì chẳng người mù nào là nói sai, nhưng điều mà mỗi người mô tả con voi thì chẳng hề đúng với sự thực chút nào. Trừ khi ta có thể nhìn thấy toàn thể một vật, ta sẽ chẳng thể hiểu nó ra làm sao.
Gần đây có người tự nhận rằng họ dạy một môn gồm tất cả những điểm tốt của Nhu Ðạo, Thái Cực Ðạo, Karate, và Hiệp Khí Ðạo. Nếu họ thực sự dạy tất cả những điều tốt thì đó là một cái hay, nhưng ta nên luôn luôn nhớ rằng cái họ phô ra thì chẳng khác gì con voi theo sự nhận định của mấy người mù ? Nó chẳng giống con voi thực sự một chút nào. Khảo cứu bất cứ điều gì một cách tường tận thì đâu có dễ, nhất là trong trường hợp Hiệp Khí Ðạo, một môn liên quan đến việc nghiên cứu những qui luật của vũ trụ và đem chúng vào thực tế. Ta phải ý thức được rằng Hiệp Khí Ðạïo là cái gì ta sẽ tiếp tục suốt đời. Duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, để mình thoải mái, và bảo toàn khí dương là những phần của một cuộc đời dễ chịu và hạnh phúc hợp với thiên nhiên nhất. Bảo trì cái tinh thần Hiệp Khí Ðạo là một yếu tố cần trong việc phát triển cá tính của ta, trong việc làm chủ ta trở thành một phần tử ưu tú của xã hội. Tiếp tục nó suốt đời là con đường đúng để ta theo.
Ta cũng đôi khi gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn ta cảm thấy cứng đơ đơ, hoặc ta chán nản. Ðôi khi người yếu chí và tự mãn sẽ bỏ cuộc. Thực ra, nếu ta không than vãn hoặc tìm cách biện minh cho ta, mà cứ tiếp tục thực hành nó một cách kiên nhẫn, thì ta có thể vượt qua bất cứ một trở ngại nào. Một khi ta đã đạp đổ bức tường ngăn chặn con đường của ta rồi, thì nhãn quan của ta sẽ mở rộng ra, sự vật sẽ trở nên thú vị hơn, và ta tiến bộ đều đặn. Khi ta đụng phải một bức tường khác, ta sẽ sẵn sàng để đạp đổ nó nữa, và tiếp tục đi tới. Hãy coi mỗi một trở ngại mới, một cách lạc quan, là một bằng chứng ta đã tiến triển xa ngần ấy. Tục ngữ có câu : ta chỉ tới được đức tin thật sự khi nào đức tin đã thắng được hoài nghi hoài hoài.
 
3. Khác biệt trong kỹ thuật và phương pháp huấn luyện.
Người mới bắt đầu tập Hiệp Khí Ðạo thường hỏi : Tôi phải nghe theo lời ai bây giờ đây ? Kỹ thuật và phương pháp huấn luyện Hiệp Khí Ðạo thay đổi tùy theo từng huấn luyện viên và thường làm những người mới học như chúng tôi lẫn đường.
Dưới cùng một mặt trời và cùng một thứ mưa, nhưng cây cỏ thường lớn lên và nảy nở khác nhau tùy theo những đặc tính riêng của chúng. Dù rằng tất cả chúng ta đều theo những nguyên lý cơ bản trong Hiệp Khí Ðạo, nhưng tùy theo cá tính từng người mà phương pháp huấn luyện thay đổi, và chính những kỹ thuật Hiệp Khí Ðạo cũng có một khuôn khổ khác biệt. Lẽ tất nhiên, chúng ta chẳng bàn tới những kỹ thuật khác biệt hẳn với những nguyên lý cơ bản trong Hiệp Khí Ðạo, nhưng nếu kỹ thuật được hòa hợp với những nguyên lý đó thì ta không cần coi những khác biệt đó là kỳ lạ.
Hiệp Khí Ðạo gồm trong những kỹ thuật chúng biểu tỏ cái bản tính của vũ trụ qua toàn thể thân xác con người. Nếu vũ trụ thay đổi với mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông, thì Hiệp Khí Ðạo cũng thế : những kỹ thuật của nó đôi khi nhẹ nhàng như gió mùa xuân, đôi khi lại giá buốt như sương giá mùa thu. Chúng có thể tự do thay đổi với thời gian và không gian. Nói chung, thì người mới học thường bắt đầu tập những kỹ thuật nhẹ nhàng, nhưng rồi dần dần khi hắn trưởng thành trong Hiệp Khí Ðạo và khi cơ thể hắn phát triển, thì hắn có thể tới một trình độ có thể tập những kỹ thuật nặng nề hơn. Vì vậy cho nên ông A có thể dạy những kỹ thuật loại mùa xuân, và ông B dạy những kỹ thuật loại mùa thu ; và nếu cả hai đều theo những nguyên lý Hiệp Khí Ðạo, thì cả hai đều đúng đường.
Ðôi khi chúng tôi thường nói : « Hãy xem người rồi mới giảng giải qui luật ». Nghĩa là phương pháp huấn luyện thay đổi tùy theo kinh nghiệm, tùy theo tuổi tác và cá tính của từng môn sinh. Thường thường, trong việc huấn luyện Hiệp Khí Ðạo, chúng tôi thường thu nhận một số môn sinh hỗn hợp, trẻ, già, nam, nữ, người đã có kinh nghiệm cũng như người mới bắt đầu. Trong những trường hợp như thế thì phương pháp huấn luyện tùy thuộc vào trình độ nào đó mà huấn luyện viên muốn nhấn mạnh. Cũng như rất nhiều ngả đưa lên đỉnh núi, có rất nhiều phương pháp giảng giải đưa tới sự thấu hiểu một kỹ thuật duy nhất.
Thí dụ, ông A trong khi giảng về cánh tay không thể bẻ được có thể nói : « Hãy tập trung vào khí của bạn cho nó đi qua cánh tay bạn và vươn tới tận cùng vũ trụ » ; trong khi ông B, sau khi giải nghĩa cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và bảo môn sinh giơ tay lên, có thể nói : « Hãy đừng nghĩ đến gì hết cả » Một người thì bảo « nghĩ », một người lại bảo « đừng nghĩ đến gì hết cả ». Lẽ thường thì hai câu nói này hoàn toàn trái ngược nhau, và cả hai A và B có vẻ như lừa gạt người mới bắt đầu học Hiệp Khí Ðạo. Tuy nhiên, sự thực thì chẳng có gì là mâu thuẫn ở đâu cả. Cả A lẫn B đều đúng bởi vì phóng khí ra và duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới là một điều như nhau.
Vì những lẽ đó mà kỹ thuật và phương pháp huấn luyện khác nhau, những người mới tập cần phải nghe điều mà huấn luyện viên thành thực chỉ dẫn. Nếu môn sinh nghe với một sự sáng suốt, hẳn sẽ biết ngay một kỹ thuật nào đó có thích hợp với những nguyên lý Hiệp Khí Ðạo hay không. Nếu không, thì hắn không nên học nó. Huấn luyện viên thường có những kinh nghiệm khác nhau và đôi khi hiểu nhầm. Rất ít khi chúng ta gặp phải những loại huấn luyện viên hợm mình và muốn dạy cái nhãn hiệu Hiệp Khí Ðạo của riêng họ, nhưng khi người mới bắt đầu học bắt tay vào thực hành, hắn sẽ ý thức được rằng cái gì hợp với nguyên lý, cái gì không hợp.
Học lý thuyết Hiệp Khí Ðạo mà thôi thì không đủ. Bởi lẽ bạn phải lặp đi lặp lại bài học cho tới khi nào thể xác và tinh thần bạn được thuần khiết, bất chấp huấn luyện viên nào, cho nên cần phải chăm chú chuyên cần. Nhớ rằng những kẻ chẳng làm gì hết ngoại trừ phê bình Hiệp Khí Ðạo thì thường là những người ít tiến triển nhất.
 
4. Cấp đẳng.
Hiệp Khí Ðạo có một hệ thống cấp đẳng, trong đó ai mà chuyên cần học tập sẽ tiến tới, nhưng hệ thống cấp đẳng không tự nó mà có được. Mục đích của nó là kích thích lòng muốn tiến tới và tạo nên lòng tự tin. Nhưng đừng để cho những cấp đẳng lôi cuốn bạn. Chỉ cứ muốn lên một cấp mới mà không đủ sức thì quả là nhục nhã. Làm như thế chẳng phải là mong muốn tiến triển thực sự, đó chỉ là lòng kiêu căng mà thôi.
Hồi gần đây, khi cái tên Hiệp Khí Ðạo bắt đầu lan tràn khắp thế giới, thì những kẻ dạy Hiệp Khí Ðạo giả và mua bán cấp đẳng Hiệp Khí Ðạo đã biến mất. Những người này bán cấp đẳng với một giá rẻ cốt để làm quảng cáo và lôi cuốn thêm học trò mới. Dùng những nguyên lý vũ trụ để thỏa mãn dục vọng thành công cá nhân thì quả là tồi bại, bởi lẽ mục đích của Hiệp Khí Ðạo là phát triển cá tính con người. Ta có thể biết đâu là Hiệp Khí Ðạo đích thực đâu là Hiệp Khí Ðạo giả dối bằng cách xem xem nó có phù hợp với những nguyên lý vũ trụ hay không.
Cá tính phải được cải thiện khi một người tiến từ một cấp đẳng thấp lên một cấp đẳng cao. Tiến bộ một chút trong kỹ thuật mà chẳng tiến bộ chút nào trong việc phát triển cá tính thì đi ngược hẳn với Hiệp Khí Ðạo và như vậy chẳng đáng được lên cấp cao hơn. Nếu bạn không lên được cấp cao hơn, thì đừng xét kỹ thuật bạn mà thôi. Phải xem xem cá tính của bạn thiếu kém ở chỗ nào và xem xem trong đòi sống hằng ngày bạn có làm điều gì trái với những qui luật vũ trụ hay không. Lúc nào cũng lẩm bẩm than phiền về sự không được lên cấp mới là một chứng tỏ chưa trưởng thành trong tinh thần.
Nếu cả cá tính bạn lẫn kỹ thuật bạn đều tiến triển, thì dù không mong muốn, người ta sẽ nhận ra giá trị của bạn và cấp đẳng của bạn sẽ được nâng cao. Cần phải nhớ rằng nếu kẻ khác không nhìn ra điều đó mà chỉ có mình bạn ý thức được giá trị của bạn, thì đó là bạn đã tự mãn.
Cho dù bạn có đủ cá tính và kỹ thuật mà vẫn chưa được lên cấp, thì điều đó chẳng đáng làm bạn quan tâm, bởi lẽ trong tim bạn, bạn sẽ làm thanh khiết những qui luật vũ trụ và bạn sẽ có sức mạnh đích thực. Vũ trụ hiểu tất cả chúng ta, và ta chẳng cần kẻ khác biết đến ta hay không.
 
5. Hãy vừa là môn sinh, vừa là huấn luyện viên.
Sau chót, tôi muốn các bạn hiểu rằng trong khi bạn đang học Hiệp Khí Ðạo, thì bạn cũng là đang huấn luyện nó. Mặc dù nếu bạn có đang học nửa chừng một môn gì, những điều hay vô tai này và ra tai kia, thì trong trường hợp nguyên lý hợp nhất thân xác và tinh thần của Hiệp Khí Ðạo, một sự nghiêng cổ hay một lối trở ngón tay cũng có thể có một ý nghĩa lớn và tạo nên một sự khác biệt lớn trong tác dụng của một kỹ thuật. Ðôi khi, cho dù bạn cố gắng đến mấy bạn cũng chẳng thể hạ nổi địch thủ của bạn, nhưng một sự thay đổi trong lối bạn xoay cổ hay xoay ngón tay bạn cũng có thể hạ hắn một cách dễ dàng. Dù rằng sự xoay cổ hay ngón tay dễ dàng đến nỗi ta thường chẳng để ý đến nó, nhưng bởi lẽ những sự xoay đó có liên quan mật thiết đến sự xoay hướng của khí phóng ra, cho nên chúng rất là hệ trọng.
Nếu bạn học một điều gì với ý định là chạy về nhà và đem dạy lại cho em bạn hay cho một người nào khác, thì bạn hãy đặc biệt chú ý tới việc nghe lời giảng nghĩa ở phòng tập và phải hoàn toàn làm chủ được điều đó trước đã. Nếu bạn luôn luôn học tập với ý định một ngày kia bạn sẽ phải dạy lại cho người nào khác, thì sự tiên triển của bạn còn nhanh chóng hơn nữa.
Dù rằng Hiệp Khí Ðạo là học những qui luật của vũ trụ và đem ứng dụng nó nào thực tế, nhưng đa số mọi người trên thế giới này vẫn không hề biết đến những qui luật đó. Nếu hôm nay bạn học được một trong những qui luật đó, thì ít nhất đã có thêm một người biết được một luật đó rồi, và do đó bạn đã trở thành một ông thầy có đủ tư cách để dạy lại kẻ khác. Nếu hôm nay bạn học được nguyên tắc về cánh tay không thể bẻ được, thì bạn đã có đủ bề thế để dạy nguyên tắc đó lại cho bất cứ ai.
Một khi bạn đã thấm nhuần đến độ bạn có thể áp dụng được những qui luật vũ trụ rồi, thì bạn còn tư cách nào đầy đủ hơn nữa trong việc giảng dạy ở thế giới này ! Nếu như người nào cũng học tập với một ý định sẽ trở nên một kẻ lãnh đạo trong xã hội và có thể đóng góp phần mình vào thế giới, thì thế giới sẽ mỗi ngày một sáng sủa thêm lên và Hiệp Khí Ðạo sẽ bành trướng và lan tràn hơn nữa.

Tác giả bài viết: Koichi Tohei - Dịch giả: Thượng Trí

Nguồn tin: vnthuquan.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây