Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Giải thích một số từ về mạch

Nên biết những ý nghĩa trong những thành ngữ nói mạch bằng chữ Hán này để bổ túc và hiểu rộng thêm trong phương thức pháp lý của mạch. Xét ra mục này rất cần thiết cho những người muốn học mạch.
.

     I. THƯỢNG HẠ LAI KHỨ

- Thượng hạ: lên xuống, trên dưới.
- Lai khứ: đến đi, vào ra.
- Thượng: mạch đi từ Xích (âm) lên đến Thốn (dương) được là Xích âm nhờ có Thốn dương sinh ra mà đi “lên” (bệnh thuộc biểu).
- Hạ: mạch đi từ Thốn (dương) xuống đến Xích (âm) được là Thốn dương nhờ có Xích âm sinh ra mà đi “xuống” (bệnh thuộc lý).
Như vậy mức lên xuống này tính theo chiều dài.
- Lai: mạch đi từ khu xương thịt “ra” khoảng lông da được là khí mạch đi đến (Lai cũng như thăng: lên).
- Khứ: mạch đi từ khoảng lông da “vào” khu xương thịt được là khí mạch đi xuống (Khứ cũng như giáng: xuống).
Như vậy sức lên xuống này tính theo bề sâu.
     Đó là nhịp độ mạch khí âm dương lưu hành trong người, khi tiêu giảm, khi tăng trưởng mà thượng hạ lai khứ.
     Sau đây nói “Mạch bệnh thượng hạ, mạch bệnh lai khứ”.

1.  Mạch bệnh Thượng Hạ
  • Mạch thượng bộ thịnh: Khí đẩy cao lên tượng như ngấc cổ lên mà thở.
  • Mạch hạ bộ thịnh: Khí trướng to ra tượng như bụng đầy trướng lên.
  • Mạch Đoản mà Cấp: Bệnh ở thượng thể.
  • Mạch Trường mà Hoãn: Bệnh ở hạ thể.
  • Mạch thái quá: Phần nhiều bệnh rực lên thượng thể.
  • Mạch bất cập: Phần nhiều bệnh rút xuống hạ thể.
2. Mạch bệnh Lai Khứ
- Lai tật, khứ từ: Mạch đến mau, đi chậm là “trên thực, dưới hư” làm bệnh quyết, bệnh điên “quyết là quyết lãnh. Quyết lãnh là chân tay lạnh buốt. Lạnh buốt là bệnh dưới, hư. Điên là điên cuồng, tâm trí rối loạn là bệnh trên thực).
- Lai từ, khứ tật: Mạch đến chậm, đi mau là “trên hư, dưới thực” làm bệnh ố phong (sợ gió). Trên hư là dương khí hư, dương khí hư tức thân thể không có sức nóng bảo vệ bì phu thì sợ gió lạnh.
Mạch khí và bệnh chứng trong thành ngũ “thượng hạ lai khứ” rất cần thông hiểu cho rộng phần chẩn đoán.

     II. HOÀNH KHAN, THỤ KHAN
(khan hay khán cũng đồng chữ đồng nghĩa).


- Hoành khan: Xem ngang. Để 3 ngón tay xem ngang trên cổ tay bệnh nhân như thường lệ, nhưng khi gặp bệnh khó, 3 ngón tay mặt xem không rõ đổi sang 3 ngón tay trái mà xem.
- Thụ khan: Xem dọc. Để dọc một ngón tay cái hay ngón trỏ của mình trên suốt đường mạch trên cổ tay bệnh nhân mà xem. Đó là phép thường xem mạch cho trẻ em khi từ 4-5 tuổi, vì tuổi ấy các em chưa đủ 3 bộ mạch. Nhưng khi người lớn có bệnh khó, đã xem ngang không rõ thì ta phải xem dọc.
    Khi xem mạch gặp những mạch ẩn ẩn hiện hiện khó suy tìm để biết bệnh. Đó là lúc mạch khí âm dương của người bệnh ấy biến hóa rối loạn khác thường. Vậy ta phải tùy nghi xem xét, hoặc xem ngang 3 ngón tay như thường lệ hay đổi tay xem mạch, hay để dọc một ngón tay mà xem, nhưng dù ngang dù dọc, ngón tay cũng đều phải đun đun đẩy đẩy nhè nhẹ trên 3 bộ mạch, đun đẩy nâng cao ấn sâu, hay đun đẩy đưa lên đưa xuống mới có thể suy xét tìm hiểu thông suốt được sự biến hóa thần diệu của mạch.
    Nên biết mạch đã ẩn hiện khác thường thì bệnh chứng cũng biến thiên khác thường như loại mạch “nội Ngoại-thượng hạ” sau đây:

     III. NGOẠI NỘI - THƯỢNG HẠ

- Ngoại: Mạch nổi ra ngoài cũng như Phù.
- Nội: Mạch chìm vào trong cũng như Trầm.
- Thượng: Mạch đi ngược lên trên, còn có nghĩa thượng bộ.
- Hạ: Mạch đi xuôi xuống dưới, còn có nghĩa hạ bộ.
Xem mạch ngoài lại thấy bệnh trong là “nội nhi bất ngoại”. bệnh ở trong không ở ngoài.
Xem mạch trong lại thấy bệnh ngoài là “ngoại nhi bất nội”. Bệnh ở ngoài, không ở trong.
Xem mạch trên lại thấy bệnh dưới là “hạ nhi bất thượng”. Bệnh ở dưới, không ở trên.
Xem mạch dưới lại thấy bệnh trên là “thượng nhi bất hạ”. bệnh ở trên, không ở dưới.
Ví dụ:
     Đun đẩy nâng cao xem mạch ở khoảng làn da (ngoại) thì mạch phải Phù, nhưng lại thấy Trầm mà không Phù thì hẳn là có bệnh tích ở trong bụng (nội). Đó là nội nhi bất ngoại (Tích là tích kết, khí tích, huyết tích, thực tích v.v…).
     Đun đẩy ấn sâu xem mạch ở khoảng gân xương (nội) thì mạch phải Trầm, nhưng lại thấy Phù mà không Trầm thì hẳn là phát nóng ở ngoài thân thể (ngoại). Đó là ngoại nhi bất nội.
     Đun đẩy đưa ngược lên (từ Xích lên Thốn) xem mạch ở thượng bộ thì lúc ấy mạch hạ bộ cũng phải có, nhưng chỉ thấy ở thượng bộ mà không thấy ở hạ bộ. Vậy khí mạch chỉ có đi lên mà không đi xuống thì dưới thiếu khí hẳn là có bệnh đau lưng lạnh chân. Đó là thượng nhi bất hạ.
     Đun đẩy đưa xuống dưới (từ Thốn đến Xích) xem mạch ở hạ bộ thì lúc ấy mạch thượng bộ cũng phải có, nhưng chỉ thấy ở hạ bộ mà không thấy ở thượng bộ. Vậy khí mạch chỉ có đi xuống mà không đi lên thì trên thiếu khí hẳn là có bệnh đau đầu, đau cổ. Đó là hạ nhi bất thượng (đọc kỹ câu này suy ra trị được bệnh đau đầu kinh niên).
     Ngoại nội thượng hạ này nói khi gặp bệnh mà xem mạch như thường lệ không tìm ra bệnh thì phải đun đẩy theo phép “hoành khan thụ khan” : mạch với bệnh khác nhau. Khó trị.

     VI. TIỀN DĨ HẬU TIỀN – HẬU DĨ HẬU HẬU
Chữ “ Hậu” đứng thứ 3 trong 2 câu trên đều có nghĩa là ứng, là xem.
Còn 2 chữ “Tiền” ở đầu và cuối câu trên đều có nghĩa là trước.
Hai chữ “Hậu” ở đầu và cuối câu dưới đều có nghĩa là sau.
Chữ “” là để, là chuyển từ.

Mạch khí ở 2 tay:
  • Tay trái thuộc dương là trước (tiền).
  • Tay phải thuộc âm là sau (hậu).
Vậy mạch Nhân nghinh giáp bộ Thốn tay trái là trước. Mạch Khí khẩu giáp bộ Thốn tay phải là sau.
  • Tiền Dĩ Hậu Tiền: Chẩn mạch trước để xem bệnh phía trước thân người.
  • Hậu Dĩ Hậu Hậu: Chẩn mạch sau để xem bệnh phía sau thân người.
Nghĩa là:
- Chẩn mạch phía trước giáp bộ Thốn tay trái (Nhân nghinh) ứng vào phía trước thân người là bộ lồng ngực và huyệt Đản trung.
- Chẩn mạch phía sau giáp bộ Thốn tay phải (Khí khẩu) ứng vào phía sau thân người là sau lưng và khí quản.

     V. THƯỢNG CÁNH THƯỢNG – HẠ CÁNH HẠ
(Mạch xem lên đi suốt lên trên. Mạch xem xuống đi suốt xuống dưới).

    Khi xem mạch suy tìm trở lên, thấy mạch đi từ Xích qua Quan lên đến Thốn, còn đi thẳng tuột lên đến Ngư tế. Biết rằng mạch ấy là bệnh ở hông sườn và cổ họng, tức là bệnh ở nửa thân người phía trên (bán thân dĩ thượng) là “thượng cánh thượng”.
     Khi xem mạch suy tìm trở xuống thấy từ Thốn qua Quan vào tới Xích, còn đi thẳng tuột vào đến Xích trạch. Biết rằng mạch ấy bệnh ở bụng dưới, eo lưng và chân gối, tức là bệnh ở nửa thân người phía dưới (bán thân dĩ hạ) là “hạ cánh hạ”.
     Như vậy, mạch Xích ở dưới cũng có chủ bệnh ở trên, mạch Thốn ở trên cũng có chủ bệnh ở dưới.

     VI. NHẤT MẠCH NHỊ BIẾN  (Một mạch mà biến ra hai bệnh).

    Âm dương bình hòa thì mạch bình hòa, vô bệnh, lẽ tất nhiên. Âm dương không bình hòa là ngoại tà xâm nhập tranh giành công kích với âm dương thì mạch khuấy, động là bệnh. Ví dụ:
Ngoại tà trúng vào khí phận (dương) thì khí bệnh. Khí (dương) đã có bệnh thì huyết (âm) cũng có bệnh. Khí ngưng trệ thì Huyết ngưng trệ. Đó là một mạch khí có bệnh mà Khí và Huyết cả hai đều có bệnh, chứ đâu có thể bảo rằng “Khí có bệnh không liên hệ đến Huyết hay Huyết có bệnh không liên hệ đến Khí” cũng như đâu có thể bảo rằng “Khí ở tay phải, Huyết ở tay trái không liên hệ với nhau vậy”.
Lại như: một mạch Hồng Đại, hẳn rằng Hồng Đại hữu lực mà thực là Nhiệt cực nhưng Hồng đại vô lực mà hư thì lại là Hàn cực.
Một mạch Vi Sáp, hẳn rằng Vi Sáp vô lực mà hư là Hư hàn nhưng nó lại có đàm khí ngưng trệ thì lại là có Phục nhiệt ở trong (Phục nhiệt: cái nóng có ẩn phục trong người).
Đó là nói vài bộ mạch làm ví dụ để chứng minh cụ thể “nhất mạch nhị biến” mà suy rộng ra.
Như thế phần chẩn đoán phải tinh tường, không thể rằng sơ lược đại khái.

     VII. NHẤT MẠCH THẬP BIẾN (Một mạch biến ra 10 mạch).

Xem mạch 5 tạng phải biết mỗi Tạng đều có 5 tà làm bệnh, gọi là Ngũ tà: Hư tà, Thực tà, Vi tà và Chính tà.
Bệnh 5 tạng liên hệ đến 5 phủ, nghĩa là Tạng có bệnh thì Phủ cũng có bệnh, vì Tạng với Phủ biểu lý với nhau.
( Phế có bệnh liên hệ đến Đại trường.
Tâm có bệnh liên hệ đến Tiểu trường.
Tỳ có bệnh liên hệ đến Vị.
Can có bệnh liên hệ đến Đởm.
Thận có bệnh liên hệ đến Bàng quang ).
Vậy xem mạch Tạng biết mạch Phủ. Cho nên mới nói một mạch biến ra 10 bệnh (5+5=10).
Nghĩa này đã nói rõ, xem mục ngũ tà.

     VIII. NHẤT MẠCH SỔ THẬP BIẾN (Một mạch biến sinh vài chục bệnh).

     Một mạch mà biến sinh ra vài chục bệnh, có thể là những bệnh đau nhức, ung nhọt, nóng lạnh, phong ngứa, tê bại cào cấu không đau v.v…Tại sao?
Trong vòng trời đất có Chính khí và Tà khí (khí tức là phong) Chính khí là chính phong, Tà khí là Tà phong.
Chính khí là Chính phong, không phải Thực phong cũng không phải Hư phong.
Tà phong chỉ là Hư phong.
Con người khi khỏe mạnh thì Chính khí thịnh, lúc đau yếu thì Chính khí suy.
Chính khí của con người khi cường thịnh sung thực thì dù Chính phong, Hư phong có xâm nhập cũng chỉ sơ sài rồi tự tiêu tan không sinh bệnh. Vì “Chính khí thắng Tà khí”.
Chính khí con người khi suy nhược yếu kém mà bị Hư phong xâm nhập thì nó xâm nhập thâm căn, khó mà khu trục, cho nên biến hóa rối loạn sinh ra vài chục thứ bệnh. Vì “Tà khí thắng Chính khí”.
(Nội kinh linh khu, Thích tiết chân tà, thiên thứ 75).

     IX. NHÂN SINH VỊ KHÍ VI BẢN (Sức sống con người lấy Vị khí làm căn bản).
- Vị: Vị phủ.
- Khí: Khí sức, hơi sức, năng lực.
- Vị khí: Khí sức cũng như năng lực của Tỳ Vị (Vị với Tỳ là đồng khí, nói Vị khí tức có nói cả Tỳ khí).

    Tỳ vị ở giữa bụng tức giữa thân người, nên nói Trung khí: khí ở giữa bụng. Lại còn nói Vị trung chi khí. Ngoài ra còn nói Dương khí, Nguyên khí, Cốc khí, Vinh khí, Thanh khí, Vệ khí và Xuân thăng khí cũng đều là danh hiệu của Vị khí, muốn nói danh từ nào cũng được, nhưng thông thường hay nói Vị khíTạng khí.
Vị khí tức Tỳ khí, Tỳ là 1 tạng trong 5 tạng. Tỳ lãnh (thâu nhận) tinh hoa các chất ăn đem đi nuôi 4 tạng kia.
Vị khí tức Trung khí, Trung khí ở giữa dẫn tinh hoa các chất ăn đem đi nuôi các cơ thể toàn thân.
Tuy nghe hai câu nói khác nhau nhưng cũng một nghĩa.
Vị khí có mạnh mới đòi ăn. Ăn được mới có tinh hoa của chất ăn đem đi nuôi khắp thân thể khỏe mạnh. Nếu Vị khí yếu không ăn được người sẽ suy nhược.
     Như vậy sức sống con người lấy “Vị khí” làm căn bản.
Nói về xem mạch con người, dù khi mạnh, khi đau, lúc nào mạch cũng phải có Vị khí.
Khi mạnh, mạch có vị khí thì tốt. tất nhiên.
Khi đau, mạch có vị khí, dễ trị.
Khi đau nặng, mới đầu xem mạch không có Vị khí, sau xem mạch đã có Vị khí là bệnh sắp hết, người sắp mạnh. Nếu mạch không có Vị khí sẽ nguy.

1. Thế nào là mạch có Vị khí ?
- Mạch có Vị khí thì mạch Âm Dương thuận mà mạch có Lực, có Thần.
- Mạch không có Vị khí thì mạch Âm Dương nghịch mà mạch không có Lực không Thần, thí dụ:
Mạch người nam tay trái mạnh hơn tay phải là thuận, nhưng mạch Khí khẩu tay phải cũng phải khoan hòa.
Mạch người nữ tay phải mạnh hơn tay trái là thuận, nhưng mạch Nhân nghinh tay trái cũng phải khoan hòa.
Mạch “Nam tả, Nữ hữu” âm dương thuận chiều như vậy là mạch có Vị khí. Nghịch lại, không có Vị khí.

2. Thế nào là mạch có lực, có thần?
    Nói chung, nếu thấy đường mạch đi dưới ngón tay ta gọn gàng mà sức mạch đi có phần nằng nặng, chăn chắc là có lực, trong đó đi lại nhịp nhàng đều đặn, trung bình hòa hoãn, êm dịu du dương là có Thần.

3. Thế nào là mạch Trung bình?
- Ví khí tức là Trung khí, mạch có Vị khí, tức mạch có Trung khí.
- Trung là ở giữa, mạch đi đứng giữa, không thiên, không lệch.
- Trung là trung bình, mạch đi vừa phải, không Đại, không Tế, không Trường, không Đoản, không Phù, không Trầm, không Hoạt, Không Sáp, không thái quá, bất cập, không điên đảo nghiêng ngả là mạch trung bình.

4. Mạch trung bình chuẩn định ở bộ nào?
Cứ theo sự chuẩn định khi xem 3 bộ: Phù, Trung, Trầm.
- Phù xem mạch 6 phủ.
- Trung xem mạch vị trung chi khí.
- Trầm xem mạch 6 tạng.
Như vậy mạch trung bình chỉ xem ở bộ Quan tay phải mà thôi sao?
- Không phải, nếu chỉ xem như vậy quá hẹp hòi gò bó, phải suy rộng ra: Trung ở bộ Thốn, trung ở bộ Quan và trung ở bộ Xích cả 2 tay mà trong Phù cũng có trung, trong Trầm cũng có trung nữa, chứ không phải chỉ cố định trong trung có trung mà thôi.
Trong Phù cũng có trung, nghĩa là tuy thấy Phù nhưng trong Phù có động lực du dương. Trong Trầm cũng vậy, chứ không phải thấy lục mạch đều Phù hay lục mạch đều Trầm mà vội quyết đoán “mạch không có Trung khí” vậy.
Thật vậy, việc xem mạch thấy được tuy rất khó, nhưng định tâm sẽ thấy vậy.
 

Tác giả bài viết: Lê Đức Thiếp

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM - 1985

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây