Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Mạch Tạng Phủ

Ngũ tà là một công thức của mỗi tạng, mỗi tạng khi có bệnh đều lấy Ngũ tà làm công thức để tìm bệnh của mỗi tạng ấy. Ý nghĩa Ngũ tà theo nguyên lý tương sinh, tương khắc, trong lúc xem mạch Tạng Phủ để tìm ra bệnh, bất luận ngoại cảm hay nội thương đều không ra ngoài ý nghĩa Ngũ tà.
.
 MẠCH TẠNG PHỦ

I. TÌM HIỂU NGŨ TÀ
Trước khi xem mạch 6 tạng phủ, ta tìm hiểu Ngũ tà để áp dụng vào 6 tạng phủ.
Ngũ tà : 5 sự gian tà bất chính.
Ngũ tà này áp dụng vào Ngũ tạng. Tạng nào cũng có đủ Ngũ tà, chứ không như Ngũ sắc, ngũ vị chia cho Ngũ tạng, mỗi tạng một màu sắc, một mùi vị.
Ngũ tà là một công thức của mỗi tạng, mỗi tạng khi có bệnh đều lấy Ngũ tà làm công thức để tìm bệnh của mỗi tạng ấy.
Ý nghĩa Ngũ tà theo nguyên lý tương sinh, tương khắc, trong lúc xem mạch Tạng Phủ để tìm ra bệnh, bất luận ngoại cảm hay nội thương đều không ra ngoài ý nghĩa Ngũ tà.

     1. Ngũ tà là những gì? Ý nghĩa gì?
- Chính tà: cái tà chính tự nó sinh ra.
- Hư tà: cái tà mềm yếu hư lao.
- Thực tà: cái tà chắc rắn nặng nề.
- Vi tà: cái tà bé nhỏ yếu suy.
- Tặc tà: cái tà độc dữ sát hại.
Muốn biết đường lối Chính, Hư, Thực, Vi, Tặc áp dụng vào ngũ Tạng thế nào, ta lấy một tạng Tâm làm ví dụ:
  • Chính tà: chính tự Ta có bệnh, tức bệnh có nguyên nhân từ Tâm Hỏa, không có tạng nào can phạm vào (Chính kinh tự bệnh vi chính tà).
  • Hư tà: bởi kẻ Sinh ta làm cho Ta bệnh. Tức Can Mộc sinh Tâm Hỏa mà Can Mộc làm Tâm Hỏa bệnh. Vậy Tâm là kẻ đến sau bị bệnh (Tòng hậu lai giả vi Hư tà).
  • Thực tà: bởi kẻ Ta sinh làm cho Ta có bệnh, tức Tâm Hỏa sinh Tỳ Thổ, mà Tỳ thổ làm Tâm Hỏa bệnh. Vậy Tâm là kẻ đến trước bị bệnh (Tòng tiền lai giả vi Thực tà).
Hư tà, Thực tà trên có ý nghĩa tương sinh.
  • Vi tà: bởi kẻ Ta khắc làm cho Ta bệnh, tức Tâm Hỏa khắc Phế Kim mà Phế Kim làm Tâm Hỏa bệnh. Vậy Tâm là kẻ hơn (thắng) bị bệnh. (Tòng sở thắng lai giả vi Vi tà).
  • Tặc tà: bởi kẻ Khắc Ta làm cho Ta có bệnh, tức Thận Thủy khắc Tâm Hỏa, mà Thận Thủy làm Tâm Hỏa bệnh, vậy Tâm là kẻ không thể hơn (bất thắng) bị bệnh (Tòng sở bất thắng lai giả vi Tặc tà).
Vi tà, Tặc tà có ý nghĩa tương khắc.
Vậy ta đặt “Chính, Hư, Thực, Vi, Tặc” thành hình đồ sau dễ hiểu:
Chính đứng giữa là Ta.
Hư, Thực đứng trước và sau là Sinh Ta, Ta Sinh.
Vi, Tặc đứng hai bên tả và hữu là Khắc ta, Ta khắc.
Ta trông hàng vẽ, cứ chiếu đúng vị rồi đặt ngũ hành, ngũ tạng vào mà suy tìm.
Chính, Hư, Vi, Thực, Tặc cứ đứng yên vị, còn Ngũ hành, ngũ tạng, thì thay đổi xê dịch.
Cứ xem một tạng Tâm này trong hình vẽ rồi tìm ra 4 tạng khác.
Khi đã biết đường lối Ngũ tạng bị Ngũ tà tiền hậu, tả hữu, sinh khắc như vậy rồi lại nên tìm hiểu nguyên nhân.
Muốn biết nguyên nhân, trước phải biết rõ chính mạch của Tạng. Đã biết chính mạch của Tạng, thì cũng biết chính mạch của Phủ. Vì Tạng với Phủ là biểu lý mà phù án xem Phủ, trầm án xem Tạng.

     2. Chính mạch tạng phủ

Tạng Mạch Phủ Mạch
Tâm Hồng Tiểu trường Cũng hơi Hồng
Can Huyền Đởm Cũng hơi Huyền
Thận Trầm Bàng quang Cũng hơi Trầm
Phế Sáp Đại trường Cũng hơi Sáp
Tỳ Hoãn Vị Cũng hơi Hoãn

Đó là chính mạch của Tạng và Phủ không bao giờ thay đổi, nếu thay đổi là bệnh.

     3. Nguyên nhân
Nguyên nhân Ngũ tà làm bệnh: Bởi tản tạng không giữ được chính mạch của bản tạng, để mạch tạng khác xâm nhập vào mạch của bản tạng mà sinh bệnh. (Nhớ rằng: tạng nào đã bị mạch của tạng khác xâm nhập thì bệnh phát ra theo mạch tạng xâm nhập).
- Tâm mạch Hồng rất mạnh là chính mạch của Tâm, mà Tâm có bệnh là tự Tâm phát ra.
- Tiểu trường mạch cũng hơi Hồng, là chính mạch của Tiểu trường, mà Tiểu trường có bệnh là tự Tiểu trường phát ra.
Đó là chính Tạng tự làm ra bệnh = Chính Tà.
- Tâm mạch Huyền làm bệnh là Tâm có Can mạch (Can mộc sinh Tâm hoả).
- Tiểu trường mạch cũng hơi Huyền làm bệnh là Tiểu trường có Đởm mạch (Đởm mộc sinh Tiểu trường hỏa).
Kẻ sinh ta xâm nhập mà Ta là kẻ đến sau bị bệnh đó là Hư tà.
- Tâm mạch Hoãn làm bệnh là Tâm có Tỳ mạch (Tâm hỏa sinh Tỳ thổ).
- Tiểu trường mạch cũng hơi Hoãn làm bệnh là Tiểu trường có Vị mạch (Tiểu trường hỏa sinh Vị thổ).
Kẻ ta sinh xâm nhập mà Ta là kẻ đến trước bị bệnh, đó là Thực tà.
- Tâm mạch Sáp làm bệnh, là Tâm có Phế mạch (Tâm hỏa khắc Phế kim).
- Tiểu trường mạch cũng hơi Sáp làm bệnh, là Tiểu trường có Đại trương mạch (Tiểu trường hỏa khắc Đại trường kim).
Kẻ Ta khắc xâm nhập, mà Ta là kẻ thắng làm bệnh, đó là Vi tà.
- Tâm mạch Trầm làm bệnh là Tâm có Thận mạch (Thận thủy khắc Tâm hỏa).
- Tiểu trường mạch cũng hơi Trầm làm bệnh là Tiểu trường có Bàng quang mạch (Bàng quang thủy khắc Tiểu trường hỏa).
Đó là kẻ khắc ta xâm nhập, mà ta là kẻ không thể thắng làm bệnh, đó là Tặc tà.
Như vậy đem 5 tà áp dụng xem mạch 5 tạng tức 5 mạch, nhưng lại xem luôn cả mạch 5 phủ nữa thành 10 mạch, cho nên có danh từ Nhất Mạch Thập Biến : một mạch mà biến ra 10 mạch là nghĩa thế.

   Bệnh chứng
Bệnh chứng trong Ngũ tạng bởi Ngũ tà phát sinh xem phần Mạch tạng phủ ở sau.

    Trị liệu
Phép trị liệu dù thang dược hay châm cứu nói chung đều phải xét đoán cho thật đúng, thật kỹ rồi tùy nghi: Chính tà thì trực trị, Hư tà thì bồi bổ, Thực tà thì giải tỏa, Vi tà thì khoan hoãn, mà Tặc tà thì tấn công. Tóm lại, dù bổ, dù công cũng nên giữ mức trung bình mới có hiệu năng.
Kẻ trị bệnh, xem mạch phải biết ý nghĩa Ngũ tà này mà đoán bệnh, trị liệu cho xác thực mới là lương y. Nếu cũng xem mạch trị bệnh mà không biết ý nghĩa ấy thì là kẻ “chữa mò” may mà khỏi bệnh, như vậy còn biết gì đến y lý, bệnh lý và dược lý mà trong tâm trí cón có vui thú gì về ý nghĩa hoạt nhân.

II. MẠCH TẠNG PHỦ

Mục này nói nói xem 6 bộ mạch của các tạng phủ. Tay trái ba bộ xem Tâm, Can, Thận. Tay phải 3 bộ xem Phế, Tỳ, Mệnh môn. Như vậy Thận chia 2 tạng : Tả Thận, Hữu Mệnh môn. Mệnh môn đứng riêng 1 bộ ở hữu Xích, tức là đủ 6 tạng ở 6 bộ mạch.
Nên biết : Thận chia 2 tạng (Thận, Mệnh môn) hợp với 4 tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế) kia, tên gọi 6 tạng. Khác với Tâm chia 2 kinh (Tâm, Tâm bào) hợp với 4 kinh (Can, Tỳ, Phế, Thận) kia nên gọi 6 kinh. Vậy thấy rằng Tâm bào ở kinh thì đứng riêng 1 kinh, mà Tâm bào ở tạng thì chỉ là 1 tạng phủ phụ vào với Tam tiêu thuộc Mệnh môn mà thôi.
Lại nói : “Phép xem mạch tạng phủ” mà nội dung chỉ dạy xem mạch 6 tạng, không dạy xem mạch 6 phủ. Tại sao? Bởi tạng với phủ là biểu lý, là đồng khí với nhau, vậy xem mạch tạng tức là đã xem mạch phủ.
Mỗi tạng có một phủ là biểu lý với nhau (Tâm với Tiểu trường, Phế với Đại trường v.v…) mà Mệnh môn có 2 phủ (Tam tiêu và Tâm bào) là biểu lý. Vậy mục này dạy ta xem mạch 6 tạng và 7 phủ.
Ta xem mạch ở bộ nào đó (Thốn, Quan, Xích) cứ phù án là xem Phủ, mà trầm án là xem Tạng. Ví dụ : xem mạch ở tả Thốn, thì phù án xem mạch Tiểu trường, mà trầm án thì xem mạch Tâm. Xem mạch ở hữu thốn thì phù án xem mạch Đại trường mà trầm án xem mạch Phế v.v…
Ngoài ra, tuy nói rõ rằng: “Phù án xem mạch phủ, trầm án xem mạch tạng” nhưng cái khoảng “phù giáp trầm” ấy có trung án. Ta xem trung án có thể đã mặc tưởng đến Tạng, chứ không phải cứ trầm án mới là đến Tạng vậy.
Lại nữa, người mà kinh trị có thể “phù án đã xem Tạng, trầm án đã xem Phủ”. Vì tùy bệnh nặng nhẹ và biến đổi khác nhau. Vả chăng đã nói rằng : “Tạng với Phủ là biểu lý, là đồng khí” thì Tạng có bệnh liên quan đến Phủ mà Phủ uống thuốc cũng chuyển vận đến Tạng, ngược lại cũng đều thế cả. Như vậy nói rằng : “phù xem Phủ,, trầm xem Tạng” đâu đã là tuyệt đối.
Ôi ! Mạch lý uyên bác và tinh vi vô cùng. Trong Dương mà có Âm, trong Âm mà có Dương thì trong Phù có Trầm, trong Trầm có Phù, cũng như:
Xem mạch ở bộ Thốn là Dương mà lại hiện bệnh ở hạ thể là Âm.
Xem mạch ở bộ Xích là Âm mà lại hiện bệnh ở thượng thể là Dương.
Bởi vậy học mạch phải đem tâm trí suy xét, nhất là học về mạch tạng phủ là đã đi vào mục thực hành.
Trong mục xem mạch 6 tạng này, mỗi Tạng chia làm 3 đoạn.
Mở đầu: nói bản mạch của bản tạng.
Đoạn giữa: nói phù là Phủ, trầm là tạng và Phù hay Trầm đều có mạch kiêm kiến.
Phần kết: hai câu nói chung cả Tạng Phủ.
Tạng nào cũng nói rõ mạch với bệnh và tạng nào cũng áp dụng “ngũ tà” (chính, hư, thực, tặc, vi) nên thông hiểu kỹ mà thuộc nằm lòng.

     1. MẠCH TÂM
Mạch Tâm ở bộ Thốn tay trái, phù án xem Tiểu trường, trầm án xem Tâm, Tâm với Tiểu trường là biểu lý.
Mạch Tâm Phù, Hồng, Đại có thể cả Tán nữa là mạch trung bình. Đó là bản mạch của Tâm.
Phù Hồng Đại : chỉ thấy nhỏ ít thoang thoảng không kéo dài lâu được là bệnh Tiểu trường.

1.1. Mạch TIỂU TRƯỜNG
     - Tiểu trường mạch Sác: Cảm nhiệt làm đau đầu, đau đốt xương, nóng mình đỏ mặt, nặng hơn làm đau tim, (Sác ứng với nhiệt).
     - Tiểu trường mạch Trì: làm đau bụng lạnh đau, ợ hơi, (Trì ứng với hàn).
     - Tiểu trường mạch Hư: khí huyết phủ Tiểu trường suy yếu. Đau một bên đầu (thiên đầu thống) chằng ra má, ra tai.
     - Tiểu trường mạch Huyền mà Hoạt: Khí trong bụng không thông làm sưng đau một hòn dái (thiên trụy) và rất nhiều giun cắn trong ruột (những người này khi ấy trên mặt có hiện những điểm chấm trắng).
     - Tiểu trường mạch Khẩn mà Hoạt: Hàn khí, nhiệt khí đấu tranh nhau trong Tiểu trường, Bàng quang làm đái gắt, có khi bòn bế sáp cả đại tiện.
     - Tiểu trường mạch Hồng mà Hoạt: Đàm nhiệt nhiều làm cách và hiếp đầy trướng (Cách: hoành cách mô, hiếp: hai cạnh hốc bụng).
     - Tiểu trường mạch Đại mà Trường: Phong là đầu mặt quay cuồng, có khi thành điên giản.
     - Tiểu trường mạch thực:  Nhiệt tà làm mặt đỏ.
     - Tiểu trường mạch Nhu: Chân lắm mồ hôi, khí huyết Tiểu trường suy kém.
     - Tiểu trường mạch Khổng : Huyết ứ tích trong bụng không tan đi được. Huyết đã tích, khí cũng không thông làm sôi bụng. Nếu khí ấy nghịch lên thì thổ ra máu. Khí ấy đi xuống thì đại tiện ra máu. Nặng hơn nữa vừa thổ vừa lỵ ra máu (xuất huyết phủ tiểu trường).
     - Tiểu trường mạch Dật: (đẩy lên đầy ngón tay trong bộ Thốn mà sang cả bộ Quan): Tâm nhiệt làm đỏ mặt, buồn ngực và đau các khớp xương.
     - Tiểu trường mạch Tuyệt: Tiểu trường không có mạch, chỉ còn có mạch Tâm là Khí Huyết hư suy làm lạnh rốn, đau bụng, kết trưng hà trong bụng.

1.2. Mạch TÂM
     - Mạch Tâm Trầm: khí uất làm lắm đàm, mất ngủ. Nếu khí ấy uất lên làm đau mắt, khí ấy đi xuống làm băng huyết, lậu huyết hay lạc huyết (khạc ra máu, không ho).
     - Tâm mạch Sác, Hoạt, Thực: Nhiệt cực. Tâm trạng kinh hoàng, nói ngọng lưỡi cứng.
     - Tâm mạch Trì: Tâm hàn, huyết hàn. Tinh thần suy nhược.
     - Tâm mạch Vi: Vinh huyết yếu mà hư hỏa thượng công làm hông và cách đầy trướng.
     - Tâm mạch Thực: Thượng tiêu nhiệt làm lở miệng lưỡi, đau cổ họng.
     - Tâm mạch Hoãn: Khí huyết hư hàn làm gân cổ, gân lưng đau cứng.
     - Tâm mạch Hoạt: Đàm và khí nóng công kích nhau làm ụa mửa, ợ ngược hay làm Tâm run sợ.
     - Tâm mạch Sác (vô lực): Khí huyết ở Tâm kinh suy yếu, vị khí hạ hãm, tinh thần uể oải, mặt mất máu, lưỡi không buồn nói.
     - Tâm mạch Khẩn: Thận thủy nghịch lên khắc chế Tâm hỏa làm đau giữa tim như đâm như xọc vào, thật rất nguy nan (tặc tà).
     - Tâm mạch Nhược: Dương khí hư làm Tâm kinh hoàng, mồ hôi thoát ra rất khó trị.
     - Tâm mạch Phục: Nhiệt khí ở tâm phế tích tụ trong bụng làm nóng uất lắm đàm.
     - Tâm mạch Huyền: Can tà xâm lấn vào Tâm làm cứ cào cào như đói mà lại tưng tức như no đầy (hư tà).
     - Tâm mạch Tuyệt: Tâm không có mạch (chỉ còn có mạch Tiểu trường) làm đau xói dưới tim, nóng hai lòng bàn tay, trong miệng lở loét lại hay nôn ọe.
     - Phù án và Trầm án đều hư: tức là Tâm và Tiểu trường đều hư hàn, là đại tiện tháo, thiếu hơi thở, người mệt lạnh, tay chân lạnh.
     - Phù án và Trầm án đều thực: tức là Tâm với Tiểu trường đều thực nhiệt làm bí đái, bí ỉa, ngực nóng, bụng trướng đầy.

     2. MẠCH CAN
Mạch Can ở bộ Quan tay trái, Phù án xem mạch Đởm, Trầm án xem mạch Can, Can và Đởm là biểu lý.
Huyền là bản mạch của Can, vô bệnh. Nếu Huyền mà có phần nhu nhuyễn, cũng là đắc trung vô bệnh.
Huyền mà nhỏ ít là bệnh ở Đởm: Đởm không vững chắc thì run sợ, chiều chiều lên cơn nóng, phát bệnh Hoàng đản (vàng toàn thân, móng tay móng chân và tròng mắt đều vàng).

2.1. Mạch ĐỞM
     - Đởm mạch Sác hay Phù Huyền khẩn: Phong nhiệt làm chiều chiều phát nóng, gân mạch co rút chuyển vận (Can Đởm chủ gân cơ).
     - Đởm mạch án Trì: Can Đởm lạnh làm người cứ ớn lạnh, có khi lại phát nóng và chảy nước mắt sống (nước mắt là dịch của Can Đởm).
     - Đởm mạch Tế: Đởm thiếu khí nóng làm chân tay thân thể có vẻ run run, mà đêm nằm lắm mồ hôi trộm (ảnh hưởng đến Tâm).
     - Đởm mạch Nhược mà hơi Tán: Phế, Đại trường kim xâm lấn Can Đởm mộc làm Can Đởm khí suy yếu sinh hoa mắt, mờ mắt (tặc tà).
     - Đởm mạch Khổng: Bị mất máu mà máu lạnh, máu thiếu không đủ vận hành làm tay chân co giựt.
     - Đởm mạch Thậm (Phù rất nặng) : Thiếu máu (Can Đởm tàng huyết), không đủ nuôi gân làm gân run giựt tay chân. Nếu có bệnh tích ở ruột là Tỳ Vị có thấp nhiệt. Bởi Can phong nhân cơ hội Tỳ yếu đó rót xuống làm bệnh : nhẹ thì ỉa ra máu, nặng thì phát trĩ lậu (vi tà).
     - Đởm mạch Đại mà Hoạt Thực: Tâm Tiểu trường hỏa xâm lấn Can Đởm mộc (hư tà) làm máu nóng sinh đàm, đầu mặt u ám, cổ họng khô, có khi còn làm sưng nhức cả người.
     - Đờm mạch Dật (mạch Phù đầy tràn cả Thốn khẩu): Hỏa vượng huỳêt suy, làm xây xẩm đầu mặt, các đường gân đau nhức ê ẩm.
     - Đởm mạch Sác (Sáp): Huyết thiếu sinh bệnh, nhẹ thì đau mình, đầy trướng bụng sườn, nặng thì bắt thở ngược, đái ỉa không thông. Đàn bà có mạch này Huyết ngưng Khí trệ, kinh nguyệt không thông (Can Đởm chủ bộ sinh dục).
     - Đởm mạch Tuyệt: không có Đởm mạch, chỉ có mạch Can, Tâm trạng sợ hãi, hai gối run run đau nhức.

2.2. Mạch CAN
     - Can mạch Trì: Can hàn máu lạnh làm trong bụng đôi khi khí xán nổi lên đau nhức mà đêm nằm ngủ không yên giấc.
     - Can mạch Sác: Can hỏa động làm hay uất giận, có khi phát lở ngứa hay phát ung thư.
     - Can mạch Huyền và Khẩn Thực: Thận thủy không đủ nuôi dưỡng can mộc làm can huyết lạnh rồi kết lại thành tích ở gần rốn hay hai cạnh sườn (hư tà).
     - Can mạch Thực: Can huyết nhiệt làm chuyển gân vặn thịt mà đau như cắt.
     - Can mạch Vi: Can khí thiếu làm trong bụng đầy trướng, có khi ỉa lỏng, ỉa chảy.
     - Can mạch Nhược: Can huyết lạnh làm các cân cơ co rút đau nhức, có khi đau quá ưỡn người ra cứng thẳng như kéo dây cung nỏ (Đàn bà mới sanh hay có bệnh này).
     - Can mạch Hoãn: Thức ăn cũ không tiêu đứng lại, nung nấu bức nóng xóc lên đau cuống tim hay khí ấy kết lại làm đau bụng.
     - Can mạch Phục: khí lạnh làm máu khó thông hành làm chân gối đau nhức khó co duỗi.
     - Can mạch Nhu: Khí huyết của Can hư suy. Hoảng hốt run sợ, eo lưng đầu gối nặng nề khó vận động.
     - Can mạch Tuyệt: Chỉ còn có mạch Đởm, không có mạch Can, cân cơ suy nhược đái són luôn luôn. Bệnh này nặng lắm, nếu gặp ngày “ tương khắc ” sẽ chết (ví dụ: bệnh mộc gặp ngày kim).
     - Tả Quan Phù án và Trầm án đều hư: tức là cả Can và Đởm đều hư hàn thì tay chân quyết lãnh (lạnh buốt) tính tình không vui, khi mừng, khi giận bất thường.
     - Tả Quan Phù án và Trầm án đều Thực: tức là cả Can vả Đởm đều thực nhiệt thì khổ về bệnh ợ ngược, ăn không tiêu.

     3. MẠCH THẬN
Mạch Thận ở bộ Xích tay trái, phù án xem mạch Bàng quang, trầm án xem mạch Thận. Thận với Bàng quang là biểu lý.
     - Trầm án thực và hoạt: là bản mạch của Thận, vô bệnh. Ta thường nghe nói “Thận mạch là Thạch mạch” có nghĩa mạch Thận trầm nặng như đá.
     - Trầm án thực: mà lại nhỏ ít là mạch có bệnh ở Bàng quang.

3.1. Mạch BÀNG QUANG
     - Bàng quang mạch Sác: Bàng quang hỏa động làm nội nhiệt, tiểu tiện đỏ.
     - Bàng Quang mạch Trì: Tinh khí hao tổn nhiều mà đái có mủ, làm trong tai (Thận, Bàng quang khai khiếu ở tai) có tiếng kêu rè rè như ve kêu, lâu ngày sẽ điếc.
     - Bàng Quang mạch Hoạt mà lại Thực đại: Bàng quang hỏa vượng. Thường do tà nhiệt ở Tâm đi xuống xâm lấn làm đái buốt đau nhức.
     - Bàng quang mạch Thậm (phù rất mạnh): Hàn tà xâm nhập Bàng quang làm bệnh thiên trụy, nước đái nóng.
     - Bàng quang mạch Khẩn: trong Thận có  Phong hàn công kích lên làm điếc tai, cảm hàn.
     - Bàng quang mạch Sắc (Sáp): Bàng quang Thận hư hàn. Mơ mộng tinh tiết ra.
     - Bàng quang mạch Hư: Bàng quang Thận hư hàn. Răng đau chảy máu, lưng và eo lưng nhức mỏi. Nặng hơn làm lở ống chân lâu năm không khỏi.
     - Bàng quang mạch Khổng: Bàng quang Thận hư làm nam niệu huyết (đái ra máu), nữ lậu huyết.
     - Bàng quang mạch Hoãn: Bàng quang kinh bị thương phong làm tả bạch (ỉa chảy, nước phân trắng như sữa).
     - Bàng quang mạch Thực: Thận nhiệt truyền vào Bàng quang làm bụng đầy trướng mà đái gắt.
     - Bàng quang mạch Hoạt : lạnh bụng, lạnh rốn. Nặng hơn thì có tiếng nước róc rách trong bụng.
     - Bàng quang mạch Hồng: Nếu ngoại cảm mà tả xích phù hồng thì Bàng quang nhiệt làm tiểu tiện đỏ buốt, hai chân đau nhức ê ẩm. Nếu nội thương mà tà xích phù hồng thì Tinh huyết thiếu làm chân gối nhức mỏi.
     - Bàng quang mạch Tuyệt: chí có mạch Thận, không có mạch Bàng quang. Tay chân lạnh. Nam nhân thì di tinh tiết tinh và đái không hết hẳn, cứ còn lại rồi rỉ rỉ dần dần ra. Nữ nhân thì kinh nguyệt không thông hay không hành.

3.2. Mạch THẬN
     - Thận mạch Sác: Thận hỏa vượng. Thận thủy khô kiệt thì âm hư mà hỏa động lên làm bệnh phong táo đau gân. Trầm án Sác cũng có thể làm bệnh ứ huyết nữa.
    - Thận mạch Trì: Thận hàn lãnh làm bụng lạnh hay ỉa chảy. Nam nhân thì Tinh khí hàn lãnh suy bạc. Nữ nhân thì Huyết ứ kết mà tử cung cũng lạnh.
     - Thận mạch Khẩn lại Huyền hay Hoạt: Phong Thấp ở Thận làm đau lưng buốt chân.
     - Thận mạch Huyền: Thận lạnh, nước đình tích ở hạ tiêu làm bệnh phù nước (thủy thũng).
     - Thận mạch Vi: Thận khí hư. Nam nhân thì di tinh, niệu huyết (đái ra máu), nữ nhân thì băng trung, đái hạ.
     - Thận mạch Thậm (trầm rất mạnh): Thấp nhiệt ở hạ bộ, phát ngứa âm bộ và đau nhức lưng chân.
     - Thận mạch Hoãn: Tà ở Tỳ thổ xâm lấn Thận thủy (tặc tà) làm chân tê thấp, hạ bộ hàn lãnh.
     - Thận mạch Phục: Âm khí kết ở hạ bộ làm bệnh xán khí, tiết tả hay kết lại làm trưng hà.
     - Thận mạch Nhu: Khí tán, Huyết hao. Nam tiện huyết, nữ hư thai.
     - Thận mạch Sắc (Sáp): Thận hư không ôn dưỡng trượng vị làm tay chân lạnh, ợ ngược, chuyển vận khu dưới rốn sôi ùng ục.
     - Thận mạch Hoãn mà Sắc: Loại bệnh mệt mỏi đến cực độ, khó có thể gọi được là bệnh gì. Hoãn là nóng trong mà Sắc thì mất máu. Nóng trong mà không có máu thì hàn chẳng ra hàn, nhiệt chẳng ra nhiệt, chỉ có thể hiểu là “nóng trong, mất máu, mệt mỏi cực độ”.
     - Thận mạch Tán: Thận suy làm đau lưng, đái nhiều.
     - Thận mạch mà không có Hoạt hay Hoạt: đều là thuận mạch vô bệnh về Thận.
     - Thận mạch Nhược: Thận suy như muốn tuyệt làm đau xương, đau mình, có thể đau cả ngoài da.
     - Thận mạch Tuyệt: chỉ có mạch Bàng quang, không có mạch Thận, tức là lao quyện quá mức, Tinh khí suy kiệt làm nóng hai lòng bàn chân.
     - Phù án và Trầm án đều hư: tức là Bàng quang với Thận đều hư hàn làm đau tim. Nước Thận chảy xuống bắt đõng tả không ngừng. Tức là Tả Thận (đõng tả : ỉa tong tỏng như nước trong ống rớt ra).
     - Phù án và Trầm án đều thực: tức là Bàng quang và Thận đều thực nhiệt làm đầu và hai mắt nặng nhức và có thể phát điên.

     4. MẠCH PHẾ
Mạch Phế ở bộ Thốn tay phải, Phù án xem mạch Đại trường, Trầm án xem mạch Phế, Phế với Đại trường là biểu lý.
Phù, Sắc (Sáp) Đoãn: là Bản mạch của Phế, vô bệnh.
Phù Tán có phần ít là bản mạch Đại trường, vô bệnh.

4.1. Mạch ĐẠI TRƯỜNG
     - Đại trường mạch Sác: Phong nhiệt (nhiệt tà) nhập phổi (Phế và Đại trường chủ hô hấp, liên hệ đến phổi) làm ho, nóng mình và bí đái, bí ỉa.
     - Đại trường mạch Trì: Phổi bị lạnh, đàm bị kết ở trước ngực làm ăn uống không tiêu, ỉa chảy.
     - Đại trường mạch Thực Hoạt Đại: Tâm hỏa khắc Phế kim, (tặc tà) làm cổ họng khô khan, nước miếng khô dính, lông da cháy sạm, ruột đau như dao cắt, mũi không biết mùi vị.
     - Đại trường mạch Khổng: Máu ứ tích ở hông ngực làm trong bụng tự nhiên lên cơn đau dữ dội, lại khi ra máu mũi, khi ụa mửa.
     - Đại trường mạch Phù Dật: cái khí ở Thốn bộ cứ đi tràn đầy lên đến Ngư tế, không có đi xuống làm hung cách đầy trướng, buồn bực. Nếu có khi khí đi xuống làm hung cách đầy trướng, buồn bực. Nếu có khi Khí đi xuống thì lại làm sôi ruột.
     - Đại trường mạch Hồng: Hỏa thịnh làm lòng bàn chân nóng, nước bọt khô dính mà hôi nồng.
     - Đại trường mạch Khẩn: Cảm mạo thời khí làm phong đàm, ho, thở suyễn.
     - Đại trường mạch Huyền: Phong hàn truyền xuống Đại trường rồi khí lạnh ấy kết lại làm ho
     - Đại trường mạch Hoạt: Đàm nhiều làm đầu mặt xây xẩm tối tăm.
     - Đại trường mạch Huyền Sác: Phong nhiệt làm ỉa ra máu, như bệnh trường phong hạ huyết, trường ung, trường trĩ.
     - Đại trường mạch Tuyệt: chỉ có mạch Phế, không có mạch Đại trường, Thiếu hơi thở.

4.2. Mạch PHẾ
     - Phế mạch Sác: Phế hỏa vượng làm đàm úng kết lại bốc nóng lên bắt thở suyễn gấp rút. Tâm hỏa khắc chế Phế kim (tặc tà).
     - Phế mạch Trì: Phế khí hàn lãnh bí kết không thông làm đàm lạnh mệt nhọc ăn uống không tiêu.
     - Phế mạch Khẩn hoạt: Phế có phong, có hàn, có đàm sinh ho.
     - Phế mạch Tế Hoạt: Thận thủy (con) xâm lấn Phế kim (mẹ) làm da thịt khô, nóng trong xương lại có khi phát nóng lạnh (thực tà).
     - Phế mạch Thực Hoạt: Nhiệt kết ở hông hung.
     - Phế mạch Vi: Hàn kết ở hông bụng.
     - Phế mạch Thậm: (mạch Trầm sát trong xương mà đi có sức mạnh) khí lực hội ở trong ngực, trong bụng xông lên đau chằng ra cả mảng lưng.
     - Phế mạch Nhược: Tâm trạng run sợ, kinh hãi, lắm mồ hôi.
     - Phế mạch Nhu:  Khí huyết hư tổn làm sợ lạnh phát nóng.
     - Phế mạch Tuyệt: Không có mạch Phế, chỉ có mạch Đại trường. Khí đưa ngược lên đầy nghẹt cổ họng và ngứa trong cổ họng, thiếu hơi thở mệt nhọc.
     - Phù án và Trầm án đều Hư: tức là Phế và Đại trường đều hư hàn làm trong tình tứ kém vui vẻ, tinh thần hay lo sợ và có khi thích có nhiều ánh sáng.
     - Phù án và Trầm án đều Thực: tức cả Phế và Đại trường đều thực nhiệt làm cánh tay nhức mỏi và hai môi cứng khó ngậm lại với nhau.
 
 
 
    5. MẠCH TỲ
Mạch Tỳ ở bộ Quan tay phải, Phù án xem mạch Vị, Trầm án xem mạch Tỳ, Vị với Tỳ là biểu lý.
Mạch Hoãn là bản mạch của Tỳ. Nghĩa là mạch đi lần lần dưới thịt mà hòa hoãn không biểu lộ ra ngoài nhiều. Được danh xưng là Thiện mạch, mạch Tốt lành.
Nếu đi ruồn ruột như nước chảy là thái quá, bệnh ở ngoài làm cho tay chân khó cử động.
Nếu đi đồm độp như chim mổ từng hạt thóc là bất cập, bệnh ở trong làm cho 9 khiếu, có khiếu bị bế tắc.
Mạch thái quá và bất cập ấy danh xưng là Ác mạch, mạch xấu. Hoãn mà có phần ít hơn là bình mạch của Vị.

5.1. Mạch VỊ
     - Vị mạch Sác hữu lực: trong Vị có hỏa làm thổ ngược, chua cổ, sưng răng, chảy máu, ăn nhiều mà hay đói, đêm nằm lắm mồ hôi.
     - Vị mạch Sác vô lực: cũng phát bệnh như trên. Bởi khi bệnh không nên cho uống thuốc hạ mà thầy thuốc lầm cứ cho thuốc hạ làm cho Tỳ vị suy hư sinh ra.
     - Vị mạch Trì: Dương khí Tỳ Vị bị lạnh làm đầy bụng ụa mửa.
     - Vị mạch Phù Sáp: Phù là vị hư, Sáp là Tỳ hàn. Tỳ Vị hư hàn làm ăn uống không tiêu, ỉa chảy ra còn nguyên chất các thức ăn.
     - Vị mạch Thực: Vị Tỳ nhiệt, Lao quyện quá, suy tổn Tỳ Thổ. Tỳ thổ đã suy tổn, Tâm lại nhân vậy tăng nhiệt vào Tỳ thổ làm thổ nóng ráo quá phát bệnh “tiêu khát” (Nghĩa là ăn uống vào chỉ khô cháy thành bã, không biến sinh ra tinh huyết hoạt nhuận cho ngũ tạng, cho nên miệng khô phát khát).
     - Mạch Phù Khổng: Phù là vị khí suy, Khổng là huyết thiếu làm da thịt mà móng tay chân khô sạm gầy mòn không tươi sáng.
     - Vị mạch Phù Khẩn: Phù là khí nóng làm đầy bụng. Khẩn là khí lạnh làm đau quặn ruột. Nóng lạnh tranh giành nhau quặn ruột sôi ruột.
     - Vị mạch Vi Khẩn: Vi là khí hư, Khẩn là khí hàn. Tỳ vị hư hàn thiếu hơi khó thở, tiêu chảy…
     - Vị mạch Hoạt: Tỳ nhiệt làm thổ, ủa mửa và hôi miệng, nhưng nếu lại kiêm mạch Huyền mà vô lực là Vị hàn mà kiêm mạch Phù đại hữu lực là đàm hỏa.
     - Vị mạch Huyền: Can Đởm khí vượng xung khắc Tỳ Vị thổ (tặc tà) làm tay chân co giật mệt mỏi hay làm nóng lạnh từng cơn hay làm kiết lỵ.
     - Vị mạch Phù (chỉ có Phù không kiêm mạch khác, gọi là Độc Phù): Vị hư hàn làm đầy trướng. Nếu phù ấy mạnh quá làm bệnh cổ trướng (bụng to như cái trống mà người gầy như que củi).
     - Vị mạch Hồng: Vị trung hữu hỏa (trong dạ dày có hỏa) làm bệnh phiên vị (ăn vào lại thổ ra).
     - Vị mạch Tuyệt: không có Vị mạch, chỉ có Tỳ mạch làm huyết suy thì da thịt cứng khô, khí suy thì người phát lạnh.

5.2. Mạch TỲ
     - Tỳ mạch Sác: giữa bụng nóng (trung tiêu nhiệt) làm mệt mỏi chỉ muốn nằm ngủ, ăn vào thổ ra, miệng hôi, chân răng chảy máu.
     - Tỳ mạch Trì: trung tiêu hàn lãnh lại ăn uống nhiều chất lạnh làm nước tích lại trong bụng, bụng to đầy trướng quặn đau, thổ gấp, ăn ít, mệt mỏi.
     - Tỳ mạch Hoãn: trên thực dưới hư, khí không lên xuống (thanh khí không đi lên, trọc khí không đi xuống) kết lại ở giữa bụng làm thở gấp, không khoan khoái.
     - Tỳ mạch Thậm: (trầm đến sát xương mà đi mạnh): Khí kết lại làm thở từng cơn, rưỡn ngửa ra, tọp bụng vào, quặn đau rốn bụng.
     - Tỳ mạch Thực: Dương hỏa ẩn phục ở trong hun đúc đốt Tỳ làm Tỳ khí nóng. Vị khí úng tắc không muốn ăn.
     - Tỳ mạch Trầm vi: khí uất kết ở Tỳ làm đau xóc lên tim bắt ợ ngược không muốn ăn.
     - Tỳ mạch Phục: Âm khí kết lại thạnh hòn, thành cục sẽ phát bệnh Trĩ.
     - Tỳ mạch Sáp: Tỳ thiếu khí huyết, không tiêu hóa chất ăn uống làm ụa mửa, ăn ít. Nếu có ăn được cũng không nảy nở da thịt.
     - Tỳ mạch Nhu: thiếu hơi thở, khí huyết suy kém.
     - Tỳ mạch Nhược: thở suyễn, khí huyết suy kém.
     - Tỳ mạch Tuyệt: Không có mạch Tỳ, chí có mạch Vị: nặng mình, đầy bụng ỉa chảy, hay ụa mửa, chân không muốn cử động. Nặng hơn làm người gầy, bụng to, đau bụng, khí cổ (khí kết lại bụng to như cái trống).
     - Phù án và Trầm án đều hư: tức cả Tỳ và Vị đều hư hàn, làm thiếu hơi thở, lạnh chân tay, ỉa chảy hoài không cầm (hàn tả).
     - Phù án và Trầm án đều Thực: tức cả Tỳ và Vị đều thực nhiệt, làm nóng mình đầy ruột, đau cạnh sườn, thở suyễn, kinh sợ.

     6. MẠCH MỆNH MÔN
Mạch Mệnh Môn (hữu thận) ở Xích bộ tay phải. Phù án xem Tâm bào lạc và Tam tiêu, Trầm án xem Mệnh môn. Mệnh môn và Tâm bào, Tam tiêu là biểu lý.
Mệnh môn mạch Trầm, Thực và Hoạt: Đi mạnh chắc đầy dưới ngón tay mà không Sác là tốt.
Tâm bào lạc mạch: Khi hơi ấn nhẹ ngón tay thấy trầm trầm mà hơi mạnh như sức lủa là đúng mức. Nếu Phù Sác là Hỏa động mà Trầm Vi là Hỏa suy.
Tam tiêu: không cố định vị trí ở hữu xích, cho nên nói : “ Phù án xem mạch Tam tiêu, trung án xem mạch Tâm bào lạc, mà Trầm án xem mạch Mệnh môn”. Tuy phân ra đã rõ ràng, như vậy là xem mạch Tam tiêu ở mức Phù án.
Nhưng trong cái mức Phù án, ta lấy nhịp độ “hô và hấp” mà nhận định. “Hư với Thực” càng rõ ràng hơn: khi thở ra mạch nhị chí là tà ở Tâm Phế thượng tiêu, khi hít vào mạch nhị chí là tà ở Can Thận hạ tiêu. Trong khoảng thở ra, hít vào ấy mạch nhất chí là tà ở Tỳ Vị trung tiêu. Nhịp độ nhị chí, nhất chí ấy là tà còn nhẹ, nếu nhiều chí hơn là tà bệnh nặng (Hô xuất Tâm dữ Phế, hấp nhập Thận dữ Can, hô hấp chi gian thị Tỳ Vị).
Mệnh môn, Tam tiêu, Tâm bào ở hữu xích của nữ giới mà Phù Hoạt (mạch đi ruồn ruột mà nổi đầy dưới ngón tay người xem mạch) thì tốt. Nếu Phục Sáp (mạch đi nhỏ rít mà nằm rạp nằm sâu bên đường mạch) thì người ấy không có con.

6.1. Mạch TAM TIÊU-TÂM BÀO.
     - Tam tiêu, Tâm bào mạch Sác: Hỏa vượng, Tinh tự nhiên chảy ra.
     - Tam tiêu-Tâm bào mạch Trì: Dương khí suy làm lạnh bụng ỉa chảy, ra mồ hôi trộm.
     - Tam tiêu-Tâm bào mạch độc phù: (chỉ có phù, không kiêm mạch khác): phong xâm nhập phế, đại trường, làm cho phế, đại trường khô kiệt, đại tiện không thông.
     - Tam tiêu- Tâm bào mạch Đại: Huyết nhiệt, nóng ráo làm bụng trướng, môi đỏ.
     - Tam tiêu- Tâm bào mạch Huyền: người đã suy yếu lại có nước đình tích dưới rốn làm ghê thịt, nóng trong xương.
     - Tam tiêu- Tâm bào mạch Hoạt: đàm hỏa làm đi tả, khát nước, sôi ruột.
     - Tam tiêu-Tâm bào mạch Khẩn: nóng lạnh giao tranh làm bụng dưới đau tưng tức.
     - Tam tiêu tâm bào mạch Khổng: nóng ở ruột, ỉa ra máu.
     - Tam tiêu-Tâm bào mạch Tế: tâm run sợ, sợ lạnh, lại lắm mồ hôi.
     - Tam tiêu - Tâm bào mạch Tuyệt: chỉ có mạch Mệnh môn chân lạnh, âm hộ hàn lãnh, không sinh đẻ.

6.2. Mạch MỆNH MÔN
      - Mệnh môn mạch Sác: Mệnh môn hỏa thịnh làm bệnh tiêu, bệnh khát mà nước đái đỏ.
     - Mệnh môn mạch Trì: Mệnh môn hỏa suy làm ỉa lỏng, nước đái trong mà bắt đái luôn luôn.
     - Mệnh môn mạch Thậm: làm bệnh thủy thủng.
     - Mệnh môn mạch Hoãn: làm bệnh đau eo lưng.
     - Mệnh môn mạch Vi: làm đau buốt ở Bàng quang, bắt ỉa chảy, hay khi đái nước nhớt chảy ra làm bệnh bạch trọc, bạch đái.
     - Mệnh môn mạch Thực: làm chuyển vận gân, đau dưới gối, có khi ỉa chảy, có khi táo bón. Mệnh môn nhiệt.
     - Mệnh môn mạch Sáp: chân tinh khô kiệt làm đại tiện bí sáp, bụng dưới và ống chân đều lạnh.
     - Mệnh môn mạch Nhược: làm lạnh bụng, ỉa lỏng.
     - Mệnh môn mạch Phục: làm bộ hạ lạnh đau tức.
     - Mệnh môn mạch Tuyệt: chỉ có mạch Tâm bào, Tam tiêu, không có mạch Mệnh môn, chân lạnh, đau xóc lên tim, đêm nằm mơ mộng quỷ ma.
Mạch Mệnh môn và Tâm bào, Tam tiêu 3 mạch đều hư cả thì lạnh quá khó ôn bổ. Nếu 3 mạch đều Thực cả thì nóng quá khó giải tỏa. Vậy 3 mạch ấy tựa như Hư mà Thực, tựa như Nhược mà Hoạt là tốt hơn hết
Mạch Mệnh môn còn có tên gọi Mệnh mạch (mạch giữ bản mạng). Lại còn có tên gọi Thần môn (cái cửa tinh thần).
Trong lúc đang cơn bệnh, muốn đoán sống chết cho xác thực, thì xem mạch Mệnh môn. Hễ được thấy tràn đầy dưới ngón tay thì bệnh gì cũng sống. Nếu không được như vậy sẽ khó cứu trị. Vì mạch Mệnh môn xông lên Vị khí. Mạch Mệnh môn mà đẫy đà thì Vị khí còn tốt. Vị khí còn thì sống.
Xem mạch Mệnh môn phân ra nam nữ khác nhau.
Nên nhớ kỹ: mạch Mệnh môn nam nhân ở tay phải, mạch Mệnh môn nữ tử ở tay trái là nghĩa thế.
 

Tác giả bài viết: Lê Đức Thiếp

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây