Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Mạch bệnh Nội thương

MẠCH BỆNH NỘI THƯƠNG
.

     1. NỘI THƯƠNG LAO DỊCH (Làm việc khó nhọc quá)
Mạch Cấp Sáp vô lực mà đi lan rộng to lớn không ngừng là bởi Tâm hỏa đã mạnh lại có Can mộc sinh hỏa giúp sức thì Tâm hỏa càng mạnh hơn. Tâm hỏa mạnh hơn xâm lấn phế kim (hỏa khắc kim) cho nên Cấp Sáp vô lực mà lan rộng ra.

     2. NỘI THƯƠNG ẨM THỰC
Hữu quan (bộ mạch Tỳ vị) Trầm Hoạt: nội thương nhẹ.
Khí khẩu (chủ về nội thương) Phù Hoạt: nội thương nặng.

     3. NỘI THƯƠNG LAO DỊCH KIÊM ẨM THỰC
Hữu Thốn (bộ mạch Phế) và Khí khẩu mạch cùng Cấp Đại Sác mà đôi khi Đợi và Sáp là loại mạch đại hư tổn. Vì ẩm thực thất thường, lao dịch quá độ, cho nên Phế có mạch Sáp tức đã lộ ra bản mạch của Phế mà lại có Đợi. Đợi là Nguyên khí thiếu không đủ để tiếp tục hơi thở.
Sác là táo nhiệt, Hoãn là thấp nhiệt, Tỳ mạch sác, trong Sác đôi khi Hoãn là bệnh lao dịch nhẹ mà ẩm thực nặng, vì thấp nhiệt nhiều hơn.

     4. MẠCH KHÍ
Trầm là bệnh thuộc Khí. Nếu Trầm Thực hay Trầm Sáp, Trầm Nhược đều khó trị hay Trầm Hoạt cũng khó trị. Vì:
- Hoạt: nhiều Huyết, ít Khí.
- Sáp: ít Huyết, nhiều Khí.
- Xích mạch Sáp thực: Huyết thực, Khí hư.
- Xích mạch Tế vi: Khí Huyết đều hư.
- Tế, Đợi: Khí suy.
- Tuyệt: Khí muốn tuyệt.
- Phục Sáp: cũng là Khí muốn tuyệt, khó trị.

     5. BỆNH MẤT MÁU (Thất huyết)
- Sáp, Nhu, Nhược: mạch mất máu.
- Phù mà sắc mặt trắng bạch, bạc nhược: là bệnh mất máu thuộc Lý phận hư hàn.
- Khổng hư đến cực độ: là bệnh mất máu kiêm thoát tinh.
- Phù ở xích bộ mà mắt có quầng vàng vàng: là bệnh chảy máu mũi (nục huyết).
- Trầm Huyền kiêm Hư: mà mặt tái xanh, hơi thở mệt, mắt đỏ, bụng dưới đầy, bệnh nục huyết thuộc lao thương.
- Đại mà Phù ở Tiểu trường, Bàng quang: Nục huyết, thổ huyết.
- Trầm huyền: cũng là nục huyết.
- Huyền Cấp ở Phế: bệnh ho khan ra máu (khái huyết) khạc nhổ ra máu (thóa huyết).
- Phù nhược ấn nặng tay như muốn tuyệt: bệnh ỉa ra máu (tiện huyết). Nếu có ho mà buồn phiền thì hẳn là thổ huyết. Nếu có tích ở ruột hẳn là ỉa ra mủ máu.
Nói chung: Hễ thấy mạch Khổng đều là bệnh mất máu mà trong Khổng kiêm Thực, Trầm, Tế đều khó trị.
- Hoạt Đại thì sống.
- Huyền Tuyệt thì chết mà mình nóng, huyết nóng cũng chết.

     6. BỆNH ĐÀM ẨM  (Đàm và nước tích ở Phế).
- Huyền mà kiêm Vi, Trầm, Hoạt đều là bệnh đàm ẩm.
- Nếu có ho mà mạch không Huyền là bệnh ẩm ở Phế.
- Nếu Phù án, Trầm án đều huyền là bệnh “hàn ẩm”.
- Phù, Huyền, Đại, Thực: đàm đình tích ở cách.
Nếu lâu ngày mà mạch Kết hay Sáp hay Phục là cả “đàm và ẩm” chất chặt lại ở trong, làm cho đường mạch không thông hành, bị cản trở biến ra mạch Kết hay Sáp hay Phục.

     7. SÁU LOẠI MẠCH UẤT
 (Lục uất: Huyết uất, Khí uất, Thấp uất, Nhiệt uất, Đàm uất, Thực uất).
Trầm mạch 6 lại bệnh uất:
- Trầm Khổng: Huyết uất.
- Trầm Sáp: Khí uất.
- Trầm Hoãn: Thấp uất.
- Trầm Sáp: Nhiệt uất.
- Trầm Hoạt Huyền: Đàm uất.
- Trầm Hoạt Khẩn: Thực uất (thức ăn đình tích lại mà uất).
Tất cả nếu uất nặng thì Trầm Phục. Nặng hơn nữa thì Trầm mà Kết hay Xúc hay Đợi. Những mạch nặng ấy mà còn có Vị khí còn có thể trị được.

     8. BỆNH HƯ LAO (Bệnh hư, bệnh lao 2 bệnh mà cũng là 1 bệnh hư lao)
- : Nhìn hình sắc người bên ngoài đã thấy gầy yếu xanh xao. Đã hư tất nhiên trong người có tổn thương tạng phủ nào.
- Lao: hư quá thành lao. Khi đã lao thì hư lại càng thêm hư. Bởi vậy nói: bệnh hư, bệnh lao, bệnh hư lao.
- Lao: loại bệnh hầu như trói chặt khó giải tỏa, nên nói nan trị.
- Lao quá thành Tải, lao đã đến Tải là loại bất trị, nên có tên gọi “lao tải” (nói bệnh lao tải là đúng, nói lao tế, lao sái không đúng).
Bệnh hư: Mạch ở bộ thốn, bộ quan Huyền Đại mà ở bộ xích Vi Sáp, nếu có hỏa thì bộ xích cũng Đại.
(Huyền: trong người hàn lãnh. Đại: tà khí mạnh hơn chính khí. Vi Sáp cả hai bộ Xích: đã thành cố tật. Đại mà vô lực: Dương khí hư. Đại mà Sác cũng vô lực: Âm khí hư).
- Bệnh lao mạch Sác Tế mà Sáp: Người dần dần tiêu tước mất thịt đi (nhục thoát) là bệnh chết.
Chứng bệnh lao nóng trong xương (cốt chưng) chiều chiều lên cơn nóng hâm hâm (trào nhiệt) ra mồ hôi trộm, ho khạc ra máu, ỉa chảy hay không ỉa chảy v.v… thật nan trị.
Nam giới xích mạch Hư Sác mà thốn mạch Trầm Vi là lao. Ngược lại, nữ giới thốn mạch Hư Sác mà xích mạch Trầm Vi là lao.

     9. ĐẦU MẶT XÂY XẨM (Đầu huyễn)
(Huyễn đi đôi với vận, thường nói “huyễn vận”. Huyễn quay cuồng. Vận: nổi lên từng quầng, từng quầng. Nghĩa là đầu mặt bị quay cuồng từng quầng như say sóng tối tăm xây xẩm cả mày mặt).
- Phù: Phong huyễn, khi cơn huyễn có mồ hôi vã ra.
- Khẩn: Hàn huyễn, khi cơn huyễn cắn đau trên đầu.
- : Thử huyễn (cảm nắng) khi cơn huyễn nóng uất buồn phiền.
- Tế: Thấp huyễn, khi cơn huyễn nặng bụng tức hơi.
- Huyền Hoạt: Đàm huyễn.
- Khổng Sáp: Huyết ứ làm suyễn.
- Sác Đại: Hỏa huyễn.
- Hư Đại: Đàm và Khí làm huyễn.
Thêm vào đó vì mừng giận, ưu tư, kinh sợ mà khí uất lên làm đàm nhớt xung nghịch lên đầu huyễn vận.
Ngoài ra còn bởi phòng lao thương Tinh, sản dục thương Huyết. Tinh, Huyết suy, hỏa bốc lên làm huyễn vận, tùy chứng mà trị.

     10. ĐAU ĐẦU (Đầu thống)
- Phù, Khẩn, Huyền, Trường, Hồng, Đại: đau đầu thuộc phong nhiệt đàm hỏa.
- Vi, Nhược, Hư, Nhu: đau đầu thuộc Khí và Huyết hư bởi Đan điền kiệt Khí mà Huyết hải cạn máu. Bệnh này khó trị hơn.
Nói chung, nhức đầu thuộc phong đàm dễ trị. Nếu mạch Đoản Sáp khó trị lắm, có thể chết.
Bệnh nhức đầu chia ra:
- Đau nữa đầu bên trái thuộc Huyết (Tả thuộc huyết).
- Đau nữa đầu bên mặt thuộc Khí (Hữu thuộc khí).
- Đau xương nơi giữa mí mắt (mi lăng cốt) thuộc Hàn.
- Chính đầu thống, mạch vô thần, cắn đau trong óc làm tâm thần phiền loạn, dễ chết lắm.

     11. ĐAU MẮT
- Hồng Sác ở bộ Thốn tay trái (Tâm): Hỏa ở tâm bốc lên.
- Huyền Hồng ở cả bộ quan tay trái (can): hỏa ở Can mạnh quá.
- Huyền hồng ở bộ thốn (phế) và bộ quan (tỳ) tay phải: Can mộc cậy cái sức tướng hỏa của mình đang lên đã đè nén kẻ dưới mình là Tỳ thổ (mộc khắc thổ) lại xâm lấn luôn kẻ hơn mình là Phế kim (kim khắc mộc).
Như vậy: Phép trị bệnh mắt có mạch Huyền Hồng ở tay phải (nói trên) phải bồi bổ Thổ để Thổ sinh Kim, cho Kim khắc lại Mộc, khác với Hồng Sác ở tay trái là tả Tâm hỏa, Huyền hồng ở tay trái là tả Can hỏa.

     12. ĐAU TAI
- Phù Hồng cả 2 bộ Xích: tay mới bị đau mà đau dữ dội.
- Hồng Sác ở tả thốn: Tâm hỏa viêm (đốt nóng).
- Hồng Sác cả hai bộ Xích: tướng hỏa viêm (người có mạch này hản là mắc bệnh mộng tinh sinh ra ù tai hay điếc tai vậy).
Bệnh tai đau lâu ngày bởi Thận.
- Phù Trì: Thận hư.
- Phù Đại: Phong nhập Thận.
- Hồng: Thận hỏa động.
- Trầm Sáp: Thận khí lạnh.
- Sác thực: Thận khí nhiệt.

     13. BỆNH MŨI
- Phù Hồng mà Sác ở bộ Thốn tay phải (phế): Mũi chảy máu (nục huyết) thường nói “chảy máu cam”.
- Phù Hoãn ở bộ thốn tay trái (tâm): Cảm gió lạnh làm nghẹt mũi khó thở hay mũi chảy nước trong.

     14. MIỆNG LƯỠI
- Hồng Sác ở bộ thốn tay trái: nóng tim, đắng miệng.
- Phù Sác ợ bộ thốn tay phải: nóng phổi, cay miệng.
- Huyền Sác mà Hư ở  bộ quan tay trái: hư hàn làm đắng miệng. Hồng đã mạnh mà lại Thực: nóng trong miệng mà có những mụn lở loét trong miệng hay lưỡi dầy lên tựa như hai lưỡi (Trùng thiệt). Lưỡi cứng đơ như miếng cây (Mộc thiệt).
- Hư: Vị khí hư hàn, thiếu sức nóng, đắng miệng lưỡi mà uống thuốc mát không khỏi, nên uống Lý Trung.

     15. BỆNH RĂNG
- Hồng Đại mà hư ở Xích: Thận thủy thiếu, tướng hỏa ở Mệnh môn bốc lên làm răng lung lay và thưa rộng ra.
- Hồng Sác hay Huyền Hồng ợ bộ Thốn, bộ Quan tay phải: trong Vị kinh và Đại trường có phong nhiệt làm lắm dãi, sưng nhức răng.

     16. NHỨC MỎI (Thống phong).
- Trầm mà Huyền ở bộ Thốn: Trầm chủ xương, thuộc Thận, Huyền chủ gân, thuộc Can, Can Thận hư, do khi người nóng, vã mồ hôi lại đi tắm, làm các đốt xương đau nhức mà mồ hôi vàng toát ra.
- Phù mà Nhược ở can thận: Phù là phong. Nhược là thiếu máu. Máu và phong tranh giành nhau làm gân xương đau như cắn.
- Nếu Sáp Tiểu ở xích bộ: các đốt xương đau nhức khó co duỗi, mệt mà mồ hôi vã ra là bởi lúc rượu say nóng nảy, vã mồ hôi còn ra ngoài hóng gió mát (tửu phong).

     17. PHONG TẾ (Tý phong)
- Phù Hoãn: da thịt tê rần rần (ma tý) thuộc Thấp.
- Phù Khẩn: da thịt tê đau nhức (thống tý) thuộc Hàn.
- Sáp mà Khổng: da thịt cứng như cây gỗ, cào cấu không biết đau biết ngứa. Máu trong người có hơi bị “chết” (tử quyết).
- Phù Hư: Dương khí hư. Phù hư ở Thốn bộ, tê nữa người phần trên: Phù Hư ở bộ Xích, tê nửa người phần dưới.

     18. BAN CHẨN
- Trầm Phục: máu phân tán ra bì phu phát ban.
- Phù Sác: ban thuộc Dương hỏa lộ ra đầy mình.
- Thực Đại: ban thuộc Âm hỏa nung nấu ở Hạ tiêu.

     19. HO (Khái thấu)
- Ho khan (khái). Ho có đàm (thấu) gọi chung Khái Thấu.
- Ho cảm gió lạnh, mũi nghẹt khó thở, tiếng nói nặng ồ ồ mà người sợ lạnh.
- Ho bởi nóng (hoả): ho chỉ có tiếng ho mà đàm ít, mặt đỏ.
- Ho bởi hư lao, ra mồ hôi trộm. Nếu đàm kiêm hỏa thì sợ nóng nhiều.
- Phổi đầy trướng: ho suyễn, thở gấp, khó thở.
- Ho thuộc bệnh đàm: ho có đàm, hễ nhổ đàm ra được thì hết ho.
Mạch ho bởi 6 khí làm bệnh
- Phù: ho thuộc Phong.
- Khẩn: ho thuộc Hàn.
- Sác: ho thuộc Nhiệt.
- Tế: ho thuộc Thấp.
- Sáp: ho thuộc phòng lao.
- Nhu: ở bộ quan tay phải (Tỳ): ăn uống bừa bãi, tổn thương Tỳ khí.
Mạch ho bởi 5 tạng làm bệnh
- Phù Khẩn: Tỳ hư hàn.
- Trầm Sác: Tâm thực nhiệt.
- Hồng hoạt: Phế lắm đàm.
- Huyền Sáp: Thận thủy suy.
     Nói chung: bệnh ho, hễ mạch Phù Đại mà ho có đàm thì sống. Nếu người đẩy đà khỏe mạnh mà mạch Tế hay Trầm, Tiêu, Phục sẽ nguy.
     Xem bệnh thế bên ngoài, ngừơi gầy ốm, da khô, thịt hết, lại phát nóng, ỉa chảy mà mạch trong Trầm Sác là chết.

     20. ĐAU BỤNG (Hoắc loạn)
Đau bụng rối rít, cuống quýt, gọi là đau hoắc loạn.
Đau bụng mà có thổ có tả, gọi là “thấp hoắc loạn” (hoắc loạn thuộc ẩm thấp, ít bị chết).
Đau bụng mà không thổ không tả ra được, gọi “can hoắc loạn” (đau bụng khan, bị chết nhiều).
- Mạch Đại thì sống.
- Vi nhượcTrì thì nguy.
- Hồng Hoạt: Nhiệt.
- Huyền Hoạt: Thức ăn đình tích ở dạ dày, nên cho thổ ra.
Bệnh Hoắc loạn nếu thấy mạch Đợi mà người mệt không buồn nói, lại lưỡi rụt, dái săn, khó trị lắm (nữ nhân âm hộ hẹp sâu vào).

     21. TÂM VỊ THỐNG
Danh từ “Tâm vị thống”: cũng như danh từ “Tâm Phúc thống” có nghĩa đau bụng xóc lên tim, chứ không phải đau tim (Chân tâm thống).
- Tâm vị thống, bởi ăn uống bừa bãi, rượu thịt, đồ nóng, đồ lạnh, sinh đàm, sinh hỏa, uất kết thành nhiệt khí. Tỳ Vị lại hàn nên làm đau, đau xóc lên tim.
- Mạch bộ Thốn Vi Hư, mạch bộ Xích Huyền là đau tim.
- Mạch bộ Thốn Trầm Trì, mạch bộ Quan Khẩn Tiểu là đau bụng.
Nói chung: Bệnh đau bụng xóc lên tim, hễ mạch Trầm, Tế, Trì dễ trị. Nếu Phù, Đại, Huyền, Trường khó trị.

     22. ĐAU BỤNG  (Phúc thống)
- Mạch Tế Tiểu Khẩn Cấp hay Động mà Huyền: đau xói giữa bụng. Nếu Trầm Phục: đau dữ dội.
- Huyền: Đau bởi ngộ thực.
- Hoạt: Đau bởi đàm.
- Khẩn Thực: Đau xoắn giữa rốn, nên cho thông lợi.
- Phục ở bộ Xích: Đau bụng dưới mà có khí tích.
- Đau bụng xóc lên tim: Trầm Tế Trì dể trị, Phù Đại Huyền Trường khó trị lắm.

     23. SỐT RÉT (Ngược tật)
(Sốt rét rừng, sốt rét ngã nước, sốt rét lên cơn, làm cữ v.v…Sốt là nhiệt, rét là hàn. Sốt rét: nhiệt hàn, nóng lạnh).
- Mạch Huyền: Tất nhiên bệnh sốt rét.
- Huyền Sác: Nóng trong nhiều nên cho mát.
- Huyền Trì: Lạnh trong nhiều nên cho ôn.
- Huyền Khẩn: Cảm thêm hàn khí nên cho phát hãn.
- Huyền Phù: Có hiệp với phong nên cho thổ.
- Huyền Vi: nguyên khí suy hư nên cho bổ.
Sốt rét lâu ngày, Nguyên khí suy hư quá nhiều, ta tuy chỉ xem thấy có Vi hay Hư Sáp mà không thấy có Huyền. Nhưng hẵn là có Huyền ở trong lúc thấy Vi hay Hư Sáp mà nó không ứng lên tay ta vậy.
- Huyền mà Khẩn Tiểu: Tà khí công kích thớ thịt nên cho hạ.
Nói chung: Huyền Sác Hoạt Thực là thuận, Trầm Tề Hư Vi là nghịch. Đợi Tán là chết.

     24. BỆNH LỴ
Bệnh lỵ phần nhiều là mạch Hoạt nhưng ấn nặng tay xem thì Hư.
- Vi: Khí hư hàn.
- Sáp: Huyết nhiệt mà huyết đã mất đi nhiều.
- Trầm Tế Tiểu: Mát mình thì sống.
- Huyền Hồng: Nóng mình thì chết.
Những điều cần nhớ: “Lỵ: thân nhiệt, mạch Hồng thì chết, Trường tích hạ lỵ, nếu nóng mình là tối kỵ, nhưng lạnh mình, lạnh cả tay chân cũng không hay”.
Vậy mạch bệnh lỵ nên Vi Tế Tiểu, chẳng nên Phù Hoạt cũng chẳng nên Huyền Sác Hồng.

     25. TỨC BỤNG ĐẦY HƠI (Bĩ mãn)
- Đầy hơi bí tức trong bụng, mệt nhọc, khó thở, phần nhiều bởi đàm hỏa cho nên mạch bộ thốn Hoạt Đại.
- Bộ Quan tay hữu Huyền Trì hay Phục: Can mộc xâm lấn Tỳ thổ. Tỳ thổ bị suy hư sinh nhớt dãi là khí uất lên mà đầy tức.
- Vi Sáp: Khí và Huyết hư. Vì ở hạ bộ lại thấy ở thượng bộ làm Khí suy mà phiền trướng. Sáp ở thượng bộ lại thấy ở hạ bộ làm Huyết thiếu mà quyết lãnh.
Nói chung: bệnh Bĩ mãn có mạch Thực là thuận, Hư Nhược là nghịch (Bĩ mãn khác với Trướng mãn, xem Trướng mãn số 31).

     26. BỆNH THẤP (ẩm ướt)
Ăn uống đồ lạnh, đồ nước nhiều sinh nội thấp.
Dầm nước, dầm mưa sương gió nhiều sinh ngoại thấp.
Bệnh thấp khi nào mạch cũng Trầm.
- Trầm Trì: Hàn.
- Trầm Sác: Nhiệt.
- Trầm hư: Ỉa chảy.
- Trầm Nhược: Thấp kiêm thử.
Bệnh này phần nhiều phát về mùa hạ.
Nói chung: bệnh thấp mạch Vi Tiểu: sống. Phù Huyền: chết.
Nếu trong khi có bệnh thấp mà lại có một bệnh lao nào trong “ngũ tạng lao” cũng chết.

     27. CHUA CỔ HỌNG (Thôn toan)
(Nuốt xuống cổ họng hay ợ ngược lên, đều có mùi chua).
Bệnh chua cổ họng, mạch phần nhiều Huyền Hoạt.
- Phù Huyền hay Phù Hoạt, Trầm trì hay trầm khẩn hay Hồng Khẩn đều do uống những chất lạnh nhiều, tích lại trong bụng không tiêu hóa kịp rồi lại gặp chất nóng uống vào bốc hơi lên chua cổ họng, chua miệng.
- Nếu Hồng Sác: lại là đàm kết ở hung, ở cách, lâu ngày đầm ấy uất nóng lên làm đôi khi thổ ra nước trong sẽ thành “ phiên vị”.

     28. ĂN VÀO, THỔ RA (Phiên vị)
Ăn vào dạ dày đẩy ngược lên bắt thổ ra. Ăn vào thổ ra ngay hay sáng ăn vào chiều bắt thổ ra, hay chiều ăn vào sáng mới thổ ra là bệnh “phiên vị”.
- Khẩn ở bộ Thốn: đầy bụng không cho ăn.
- Sáp ở bộ Xích: muốn ăn, ăn vào lại bắt thổ ra.
- Khẩn Khổng hay Trì: Vị hàn.
- Huyền: Vị hư.
- Trầm Đại ở bộ Quan: có đàm.
- Phù Sáp: Tỳ vị không tiêu hóa cho nên sáng ăn vào chiều thổ ra hay chiều ăn vào sáng thổ ra. Nếu Khẩn Sáp khó trị.
- Sáp mà vô lực: Huyết hư. Mạch tay trái vô lực: Huyết hư.
- Hoãn mà vô lực: khí hư. Mạch tay phải vô lực: Khí hư.
- Bệnh thổ ấy ỉa ra như phân dê: Đại trường không có máu khó trị lắm.
- Mạch bộ Thốn, bộ Quan Trầm hay Phục hay Đại: Khí kết, Khí trệ.
- Mạch bộ Thốn, bộ Quan Trầm hay Sáp Đại nên tu bổ nhẹ, chớ cho uống thuốc thơm cay nóng ráo.
Nói chung: bệnh phiên vị: Phù hoãn: sống. Trầm sáp: chết. Sáp tiểu: Huyết suy. Nhược Đại: Khí suy.

     29. VÀNG NGƯỜI (Hoàng đản)
Vàng da, vàng thịt, vàng mắt, vàng móng chân, móng tay, vàng cả nước miếng, nước tiểu, vàng cả người. Gọi bệnh Hoàng Đản.
- Mạch Trầm: Bởi khí nóng tích chứa ở Vị kinh hay bởi khát quá uống nước nhiều mà lại đi đái ít, hay bởi nóng nảy vã mồ hôi ra đi tắm nước lạnh. Hay khi no quá, đói quá thất thường. Hay khi no say lại nhập phòng.
- Mạch Phù: Bới nóng quá tắm nước lạnh hay uống say rồi ngồi gió mát.
- Trầm Trì hay Trầm Tế: Phát vàng bởi uống rượu nhiều lâu ngày, người vàng sậm thâm đen. Bệnh này gọi là Tửu đản.
- Trì: Vị hàn không dám cho ăn no.
- Khẩn Sác: Vị nóng, ăn vào bao nhiêu lại đói ngay bấy nhiêu. Nếu có khí lạnh trầm phục ở trong thì ăn rồi lại đói ngay. Đó là phát vàng bởi ăn. Bệnh này gọi Cốc đản (cốc = thóc, cơm, ngũ cốc).
- Mạch bộ Xích Phù: Thận thủy tổn thương mà phát vàng bởi phòng dục nhiều. Bệnh này gọi Nữ lao đản (phòng lao với gái).
- Mạch Vị kinh mà Khẩn: Vị khí hàn làm Tỳ khí tổn thương phát vàng. Bệnh này gọi Hoàng đản (tỳ thổ sắc vàng).
Nói chung: Bệnh hoàng đản mạch Vi Tế: sống. Hồng Đại: chết. Nếu mạch Thốn khẩu không có mạch lại miệng mũi thâm đen hay hơi trong mũi thở ra mát lạnh đều thuộc loại bất trị.

     30. THỦY THŨNG
Trong người ứ nước làm to bụng, sưng đầy cả đầu mặt tay chân và toàn thân gọi chứng. “Thủy thũng” không phải chứng “phù”.
Thủy thũng có 2 loại: Dương thũngÂm thũng.
- Trầm Sác: Dương mạch. Dương chứng: đại tiện táo, tiểu tiện đỏ, khát nước, da mặt hơi hồng.
- Trầm trì: Âm chứng tiểu tiện trong mà sẻn, không khát nước mà ỉa chảy, da mặt trắng trong.
  • Dương mạch mà Dương chứng: thuận dễ trị, nếu Dương mạch mà Âm chứng : nghịch khó trị.
  • Âm mạch mà Âm chứng là thuận dễ trị. Nếu Âm mạch mà Dương chứng là nghịch khó trị.
Nói chung: Bệnh Thủy thũng mạch Phù đại là sống, Trầm tế là chết. Tại sao?
- Bởi Phù Đại thì Tâm hỏa vượng sinh ra Thổ để Thổ vượng khắc lại Thủy. Trầm Tế thì Thủy đã quá vượng. Thủy khắc Hỏa. Hỏa không đủ lực để sinh Thổ. Thổ không khắc lại được Thủy vậy.

     31. TRƯỚNG BỤNG – ĐẦY BỤNG (Trướng mãn).
Trong bụng no đầy mà ngoài bụng trướng to lên, gọi Trướng mãn (khác với Bĩ mãn, trong bụng cũng đầy hơi, tức khí mà ngoài bụng như thường. Xem số 25).
- Hồng Sác: Nhiệt trướng thuộc Dương.
- Trì Nhược: Hàn trướng thuộc Âm.
- Phù khẩn: cũng hư hàn trướng.
Nói chung: Bệnh trướng mãn, khi xem mạch lấy bộ Quan làm chủ. Hễ Phù Đại: sống. Hư Tiểu: nguy.

     32. DI TINH – BẠCH TRỌC
- Di tinh: Tinh khí tự nhiên cứ rỉ ra hay thoát ra. Di tinh khác với mộng tinh. Di tinh không mộng mà di. Mộng tinh đêm có nằm mộng mới di. Di tinh nặng hơn mộng tinh.
- Bạch trọc: Đái ra nước đục ngầu mà trắng lợt như nước vo gạo, như keo, như mỡ.
- Xích trọc: đái ra cũng có cặn như vậy nhưng nước đái hung hung đỏ.
Mạch di tinh và Bạch trọc 2 loại giống nhau đều xem ở bộ Xích hễ thấy Kết, Khổng, Động, Khẩn là đúng.
- Vi sáp: Tinh khí tổn thương.
- Hồng sáp: Hỏa nhiệt sinh ra.
- Thốn bộ Đoản Tiểu: Tâm khí hư.
Nói chung: Di tinh, bạch trọc, hễ Trì thì sống mà Cấp Tật hay Hư Phù lại cứ rỉ ra luôn sẽ chết.

     33. YÊU THỐNG  (Đau eo lưng)
- Trầm Huyền: đau ngang eo lưng.
- Trầm: khí hàn trệ
- Huyền hay Đại: Thận tinh suy tổn.
- Phù Khẩn: Cảm gió lạnh.
- Tế Nhu Hoãn: Cảm thấp.
- Sáp: Huyết ứ đọng.
- Hoạt và Phục: Đàm hỏa nung nấu.
- Trầm Hoạt: Đau chằng lên cả mảng lưng.
- Xích bộ mạch Trầm: đau lưng, nhưng luôn luôn bị thoát tinh mà lại kém ăn, nếu Trầm hoạt mà Trì: dễ trị.

     34. ĐAU DÂY CHẰNG – SƯNG HÒN DÁI (sán hà)
Đàn bà đau hai dây chằng ở hai bên háng. Đàn ông đau một hòn dái (thiên trụy). Gọi bệnh sán khí.
Bệnh sán hà là nói chung. Nhưng phân ra Sán thuộc Tam Dương, Hà thuộc Tam Âm.
Nguyên nhân: Phong hàn thấp nhiệt lúc con người bị yếu sức xâm nhập làm đau bụng dưới, đau quặn vòng quanh rốn rồi xốc lên tim, đại tiểu tiện bí kết, lạnh cả tay chân, lâu ngày tích tụ làm cho gầy ốm, hễ gặp trời lạnh thì đau sinh một bên dài hay đau hai dây chằng.
- Huyền: Sán ở can kinh.
- Huyền Khẩn: Hàn sán.
- Phù Trì: Phong hàn sán.
- Tâm vị mạch Hoạt: Tâm phong sán.
- Tiểu trường, Bàng quang (Thái dương kinh) mạch Phù: Thận phong sán.
- Tam tiêu, Đởm (Thiếu dương kinh) mạch Phù: Can phong sán.
- Trầm Trì, Phù Sáp cũng là Hàn sán.
Nói chung: Bệnh sán hà mạch Thực Cấp: sống. Nhược Cấp: chết.
 
     35. SƯNG NHỨC NGỨA CHÂN CẲNG (Cước khí).
Sưng nhức, lở ngứa 2 bàn chân, cẳng chân là bệnh thấp. Gọi “cước khí” không phải bệnh phù thũng.
Cước khí: thấp khí ở chân.
Nguyên nhân: ngoại cảm và nội thương biến ra “khí thấp” làm đau nhức chân.
- Phù Huyền: Phong.
- Nhu Nhược: Thấp.
- Hồng sác: Nhiệt.
- Trì Sáp: Hàn.
- Vi Hoạt: Hư hàn.
- Thực: Thực nhiệt.
- Khẩn: Khí tức giận.
- Tán: Khí lo nghĩ.
- Tế: Khí buồn rầu.
- Kết: Khí kết nó công phá.
Hai bộ Xích Trầm Tế Tiểu vô lực tức Thận khí suy kiệt, khó trị. Hai bộ Thốn thất thường, không trị được.
Loại cước khí ấy, nếu không trị được nó chạy lên công phá Tâm làm thở suyễn, ụa mữa, mất ăn, mất ngủ sẽ chết.
 
     36. TIÊU KHÁT
Khát nước, uống hàng tô lớn nước lạnh và cho đã, uống rồi bắt đái ra ngay, đái nhiều nước trong, đái xong lại khát, uống vào lại đái lại khát cứ thế không ngừng. Gọi bệnh “ tiêu khát”.
Nguyên nhân: ngũ tạng khô kiệt mà Thận thủy khô kiệt hơn biến thành thứ hỏa hun đốt mà khát, mà tiêu.
- Hồng Sác: Tâm hỏa vượng.
- Nhu Tán: Huyết hư.
- Phù Trì: Lao nhược.
- Phù Đoản: Bất trị, ( Phù: Vệ khí suy. Đoản: Huyết kiệt).
- Sác Đại: Cũng bất trị vì Sác Đại hỏa đốt quá mạnh. Tuy nhiên Sác Đại vào lúc bệnh mới phát còn trị được.

     37. ĐẠI TIỆN TÁO KẾT
Đại tiện ra phân kết lại cháy đen, rắn chắc. Gọi “táo kết” hay gọi “bế kết” cũng thế.
- Trầm Phục: Táo kết.
- Trầm Sác: Thực nhiệt kết.
- Trầm Trì: Hư hàn kết.
- Hữu Xích Phù: Phong táo kết.
Người tuổi già và người ốm yếu bị bệnh táo kết nếu có mạch Tước trác (mạch mổ đồm độp như chim sẻ mổ hạt thóc) sẽ chết.

     38. ĐAU HAI BÊN HỐC BỤNG (Hiếp thống)
- Mạch Song Huyền đau 2 bên hốc bụng: khí ở can rực lên mà mạch can đánh gấp là khí ở dưới 2 cạnh sườn đầy cứng đau chằng xuống bụng dưới, làm đái không thông, váng đầu, hoa mắt, nặng mình, mỏi lưng, lạnh cẳng. Đàn bà có mạch ấy khí ngưng huyết trệ. Kinh nguyệt không đều, tháng có tháng không.
- Trầm Nhu Sáp Tán: trông sắc mặt xanh xám là bệnh ứ huyết hay mới bị hư thai, trông sắc mặt tươi sáng là uống nước nhiều sinh bệnh đàm ẩm.

     39. TIỂU TIỆN RÍT TIỆN (Lâm).
Tiểu tiện khi thông khi rít, khi đục khi trong, gọi bệnh “Lâm”.
Lâm có 5 loại
1. Đái buốt, đái không hết: Khí lâm.
2. Đái ra có sạn cát: Sa lâm hay Thạch lâm.
3. Đái ra như dầu như keo: Cao lâm (cao: keo, dầu mỡ).
4. Đái buốt đau chằng lên đến rốn: Lao lâm.
5. Đái ra máu: Huyết lâm.
- Mạch Tế Sác: Bệnh lâm nhẹ.
- Mạch vi ở Thận: Khí bế tắc ở Bàng quang mà đái không thông. Phụ nữ có mạch này lở ngứa trong âm hộ.
Nói chung: Bệnh lâm hễ mạch Đại mà Thực: dễ trị. Hễ mạch Hư Tế mà Sáp: khó trị.
Xem thấy đầu mũi có sắc vàng là dấu hiệu có chứng tiểu tiện rít buốt.

     40. TIỂU TIỆN KHÔNG THÔNG
- Phù Huyền mà Sáp hay Khẩn mà Hoạt: Đều bệnh đái không thông.
- Phù Huyền mà Khổng: Đái đỏ như máu.
- Phù huyền mà Sác: Nước đái vàng đỏ.
- Phù án ở tả xích mạch Thực: Bàng quang nóng quá, tiểu tiện không thông.
Nếu cả đại tiểu đều bí không thông: bệnh “quan cách”. Xem câu số 65 trong mục này).

     41. BỆNH TÍCH , BỆNH TỤ TRONG BỤNG (Tích tụ)
Tích: Vật hữu hình tích kết trong bụng.
Tụ: Vật vô hình tụ lại trong bụng.
Bệnh Tích: Tích kết trong bụng, đau chỗ nào, cứ chỗ ấy không xê dịch chỗ khác. Tích thuộc ngũ tạng là Âm. Tích có 5 loại, nên gọi “ngũ tích”. Tích mạch Trầm kết.
Bệnh Tụ: Tụ lại trong bụng, lúc đau chổ này lúc xê dịch đau chổ khác. Tụ thuộc lục phủ là Dương. Tụ có 6 loại nên nọi “lục tụ”. Tụ mạch Phù Kết.
     Nói về mạch, tuy phân ra Tích Trầm Kết, Tụ phù kết khác nhau. (Vì trầm là tạng, phù là phủ). Nhưng tạng là Âm, phủ là Dương, Âm Dương trong tạng phủ bất hòa làm ra bệnh thì Trầm Kết hay Phù kết, nói chung đều là mạch của bệnh “tích tụ” vậy.
- Trầm Kết mà Phục mà Tế ở bộ Thốn: là tích ở trong bụng (Mạch Phục nó phục kích ở bên cạnh gân xương, chứ không phải nó phục chìm thẳng sâu dưới xương).
- Trầm Kết Phục mà Vi ở bộ Thốn: là tích ở cổ họng, ở dưới bộ Quan là tích ở Tiểu trường, ở bộ Xích là tích ở huyệt Khí Xung (huyệt Khí xung ở kẻ háng thuộc Vị kinh).
- Trầm Kết Phục ở bộ Quan: là tích ở bên rốn.
- Trầm kết phục ở bộ Xích : là tích ở dưới tim.
- Trầm tiểu mà thực là tích tụ ở Tỳ Vị: ăn vào không cho nuốt xuống, cổ nuốt xuống bắt thổ ra.
Nói chung: Bệnh tích tụ, mạch Cường Đại: sống. Trầm Tiểu: chết.

      42. BỤNG BÁNG (Trưng hà).
Tích tụ lâu ngày không trị hết, biến thành Trưng hà. Trưng hà không trị hết thành cố tật (cố tật: bệnh đã có kết, khó trị).
- Trưng, Hà: Đàm khí, chất ăn và máu ứ đọng tích kết thành hòn, thành báng như trôn chảo, trôn soong úp giữa bụng, nắn vào rắn chắc.
Báng ấy đun đi, đẩy lại không xê dịch là Trưng. Đun đi đẩy lại khi thấy khi không, khi ở trên, khi ở dưới, khi ở bên này, khi ở bên kia, là Hà (Trưng: nhục kết. Hà: khí kết).
- Báng ấy ở giữa: Đàm kết. Ở bên phải: thực tích. Bên trái: máu đọng.
Mạch chuyển sang trái trầm trọng: khí trưng.
Mạch chuyển sang phải Trầm Trọng đi không đến Thốn: nhục trưng.
(Phụ nữ thường hay mắc bệnh Trưng Hà).
Sách Nạn Kinh:
Mạch kết nhẹ, bệnh tích nhẹ.
Mạch kết nặng, bệnh tích nặng.
- Mạch Phục Kết: Bệnh tích tụ.
- Mạch Phù Kết: Bệnh cố tật (Trưng Hà).
Nếu có bệnh tích tụ mà mạch không Phục kết, hay có bệnh cố tật mà mạch không Phù Kết đều là loại mạch không ứng đối với bệnh, sẽ chết.

     43. TRÚNG ĐỘC
Ăn uống vô tình trúng phải dược độc hay thực độc. Trong lúc cấp thiết đó nếu không trị sẽ chết.
Nếu lấy ngay Đậu đỏ và Cam thảo sắc lấy nước cho uống. Hay lấy Gạo tẻ, đổ nước lã vào, vo lấy nước đặc cho uống. Hoặc lấy Dầu mè (Ma du) thứ tốt mà đổ cho uống lần lần vài muỗng mỗi lần.
Bệnh trúng độc hễ mạch Hồng Đại: sống. Nếu Vi Tế: chết. Hay Hồng Đại mà Trì: sống. Nếu Vi Tế mà Sác: chết.

     44. CỔ ĐỘC
Cổ Độc là chứng nhiễm trùng độc, nhiễm hơi độc nặng làm ớn lạnh, đau cắn trong bụng.
Chữ Cổ này có 3 chữ trùng, có ý nghĩa thứ trùng rất dữ.
- Nếu bộ Thốn bộ Xích cứng thẳng như cái can phải cho uống thuốc thổ ra ngay.
Nói chung: Bệnh trúng hơi độc hễ mạch Phù Hoãn: sống. Nếu mạch Sác hay Sác Khẩn: chết.

     45. BỆNH SUYỄN
Suyễn: tợp bụng, rưỡn ngực, vươn cổ lấy hơi mà thở.
Bệnh suyễn chủ ở Phế, Phế bị cảm mà suyễn, khi mới bị suyễn hễ có mồ hôi: Biểu hư; không có mồ hôi: Biểu thực.
- Mạch Trầm: trong Phế có nước đình tích làm Phế trướng lên suyễn.
- Mạch Phục: Khí nghịch lên, tức bụng mà suyễn.
- Trầm Thực mà Hoạt: Tay chân thân thể ôn hoà., dễ trị
- Xích bộ Phù Sáp: Tay chân thân thể lạnh, khó trị.

     46. HƠI Ợ NGƯỢC (Ái khí)
Dạ dày yếu mà trong bụng lại có hoả đầy hơi ợ ngược lên. Gọi “ái khí”. (Xem bài Tào Tạp kế tiếp).

     47. BÀO XÓT TRONG BỤNG (Tào tạp)
Bào xót, buồn bực nơi dưới tim và phía trên cuống dạ dày, đói không phải đói, đau không phải đau, khi nhổ đàm nhớt, khi không. Gọi “Tào tạp”.
Ái khí và tào tạp lâu ngày không trị hết sẽ thành “phiên vị” (xem bài phiên vị số 28).
Ái khí và Tào tạp đều bởi dạ dày, nên mạch giống nhau.
- Mạch bộ Thốn bộ Quan tay phải Khẩu hoạt là bình thường, dễ trị.
- Mạch bộ Quan tay phải Huyền cấp là bệnh nặng, khó trị mà có thể biến thành phiên vị.
- Mạch hai bộ Thốn Huyền Hoạt: có nước tích ở bụng.
- Mạch bộ Thốn mà Hoành (ngang): có tích nằm ngang ở cách mô.

     48. ỤA MỬA (Ẩu thổ)
Miệng ụa có tiếng òng ọc mà không có vật gì trong miệng theo ra (hữu thanh vô vật) là Ẩu.
Miệng thổ cơm nước dãi tuồn tuột ra mà không có tiếng ọc gì (hữu vật vô thanh) là Thổ.
Miệng thổ ra tuồn tuột mà lại có tiếng kêu òng ọc (hữu vật hữu thanh) là cả Ẩu và Thổ.
Nguyên nhân dạ dày hư hàn (yếu lạnh) ăn uống vào không tiêu hoá kịp mà ụa mửa ra.
Mạch Thốn bộ Khẩn Tiểu mà Xích bộ Hoạt Sác: ăn vào thổ ra ngay. (Vi Khẩn Tiểu: trong lạnh nhiều, Hoạt Sác: trong lạnh lại có đàm hoả).
- Vi Sáp: Huyết ít, huyết lạnh mà trong bụng cũng hàn lãnh.
Mạch bộ Quan phù: Vị Khí hư nhược, làm cho ụa mửa lại còn ợ hơi ngược lên (ái khí) không cho ăn sẽ chết.
- Mạch Đợi: Ụa mửa mà lại đau bụng hoắc loạn.
- Khổng Kiêm Khẩn: Trong có ứ huyết đẩy ngược lên bắt ụa mửa.
Nói chung: Bệnh ụa mửa mạch Vi Hoạt: sống. Nếu Khẩn Sác Sáp Tiểu Nhược: chết.

     49. NẤC CỤT (Ách nghịch)
Khí ở Vị quản (cuống ăn) xung nghịch lên quá gấp mà phát ra tiếng nấc cụt ở cổ họng, gọi ách nghịch.
- Mạch Phù Hoãn: dễ trị.
- Mạch Huyền Cấp: (ấn nặng tay mạch cứng nhắc không đánh lên tay): Khó trị, vì Can mộc khắc Tỳ thổ.
- Mạch Đợi: sẽ chết.
- Mạch Kết, Đợi, Xúc, Vi đều nguy nan, vì Nguyên khí suy nhược.

     50. PHONG LÀM CỨNG GÂN THỊT (Bệnh kinh)
Kinh: bệnh cảm phong hàn thấp làm gân thịt, gân cổ gáy cứng mà lưng ưỡn ngửa ra, tay chân co giật như mắc chứng kinh phong.
Kinh có 2 loại: Cương kính, Nhu kính (bệnh kinh khác bệnh chí).
Mạch ấn nặng tay xuống thấy đánh bình bịch như trên dây cung cứng thẳng, thẳng tuột lên lại tuột xuống tức mạch Huyền hay mạch Trầm Tế Trì, cho phát hãn giải cơ là khỏi.
(Huyền: Cương kinh. Trầm Tế Trì: Nhu kinh).
Nếu phát hãn rồi mà mạch còn quằn quại như con rắn và bụng trướng lên là bệnh còn có thể trị hết. Nếu mạch Phục Huyền: chết.

     51. ĐIÊN CUỒNG
Hình trạng bệnh “điên cuồng” tuy cùng chạy nhảy múa hát, nói càn nói bậy, trèo cao, lội sâu không sợ nguy hiểm, quát tháo mắng chửi không kể thân sơ, nhưng nhận ra tình ý khác nhau:
- Điên: Mừng giận bất thường, nói năng thác loạn đảo điên.
- Cuồng: Nói chuyện với người ta mở mắt trừng trừng, nói những chuyện đâu đâu.
Nguyên nhân đều bởi Dương khí cao độ và uất hoả ở Vị, ở Đại trường xung nghịch lên. Đại khái: Điên bởi Tâm Huyết nhiệt và thiếu, cuồng bởi Đàm hoả mạnh. Ngoài ra những người vì thất vọng, vì bất đắc chí việc gì đó sinh bệnh cũng đều bởi Tâm.
- Mạch Phù Trường: Dương chứng.
- Trầm Tế: Âm chứng
- Trầm sác: Nhiệt
- Hoạt Tật: Đàm
- Hoạt Đại: Bệnh thuộc Phủ dễ trị.
- Trầm sác: Bệnh thuộc Tạng, khó trị.
- Bệnh điên mạch Hư: Dễ trị. Mạch Thực: Chết.
- Bệnh cuồng Thực Đại: Sống. Trầm tiểu: Chết.
Nói chung: Bệnh điên, cuồng, Hoạt Đại: sống. Trầm Tiểu: bất trị.

     52. KINH PHONG (Giản)
Bệnh Giản thường gọi là Kinh Phong. Kinh: sợ quá phát bệnh phong giật.
Kinh: Khí rối loạn thương Tâm.
Sợ: Khí đi xuống thương Thận.
Tâm Thận đã bị đau thì Can Tỳ bị hư tổn. Can hư sinh phong. Tỳ hư sinh đàm. Phong, đàm hiệp lại xung nghịch lên phát kinh phong.
Bệnh chứng tự nhiên ngã lăn kềnh ra, tối tăm không biết gì, miệng sùi bọt chảy dãi, răng cắn chặt, mắt nhìn ngược, tay chân co giật, miệng phát ra tiếng kêu hu hú như tiếng trâu ngựa lục súc rống lên, người ngay như chết, lát sau hồi phục sống lại, lại tỉnh táo như trước.
Mạch Hư Huyền là mạch bệnh kinh, bệnh phong giản.

     53. BỆNH HEN (Háo hống)
Hen chủ ở Phế có đàm làm nghẹt khí quản, rút cổ lên mà thở như có tiếng kéo cưa trong cổ.
- Mạch Phù Hoạt: dễ trị. Vi Sáp:khó trị.

     54. ỈA CHẢY (Tiết tả)
Tả ra rặt nước mà không đau bụng: bệnh thuộc thấp.
Ăn không tiêu, tả ra còn nguyên chất: bệnh thuộc khí hư.
Mỗi lần đau bụng, mỗi lần đi tả, tả ra như nước nóng: bệnh thuộc nhiệt.
Tả khi nhiều khi ít bất thường: bệnh thuộc đàm.
Mỗi lần đau bụng bắt đi tả, hễ tả ra được hết đau: bệnh thuộc thực tích.
Đau bụng đi tả lạnh cả tay chân: bệnh thuộc hàn.
Hằng ngày cứ sáng sớm đi tả mà không đau bụng: bệnh thuộc Thận hàn.
Bệnh tiết tả phần nhiều là mạch Trầm, nhưng nếu Phù: cảm phong, Trầm Tế: cảm nắng, Trầm Hoãn: Cảm thấp.
Tiết tả bụng trướng lên mà mạch Huyền là khó trị.
Nói chung: Bệnh tiết tả mạch Hoãn hay có khi Vi Tiểu: sống. Nếu Phù, Đại, Sác: nguy.

     55. BỆNH HAY QUÊN (Kiện vong)
Kiện vong: hay quên, kém nhớ vừa đấy đã quên. Ví dụ: Việc làm thì có trước không sau; đồ dùng cất chỗ này nhớ chỗ khác; nói chuyện, nói câu sau quên câu trước v.v… Tất cả khi đã quên, cố suy nhớ lại cũng không ra.
Nguyên nhân nghĩ quá hao mòn Tỳ khí làm suy tổn Vị khí; lo quá hao mòn Tâm khí làm háo Huyết, kém tinh thần, Tâm Tỳ suy hư sinh bệnh hay quên (Xem tiếp luôn bài Chính Xung số 56).

     56. RUN SỢ ( Chinh xung)
Tâm trạng nóng nảy, máy động, bàng hoàng hoảng hốt, không tự chủ mà run sợ, kinh hãi như có ai sắp tới bắt mình.
Nguyên nhân lo nghĩ ham muốn nhiều cho gia đình và bản thân nhưng không được như ý muốn làm tim thiếu máu, thần kinh suy nhược lại hiệp với đàm hoả động lên sinh ra (Xem tiếp luôn bài Kinh Quý số 57).

    57. KINH HÃI (Kinh quý)
Tâm trạng kinh hãi, mất can đảm cuống cuồng ghê sợ như có người tới bắt mình rồi lạnh cả người.
Nguyên nhân lo và nghĩ quá độ hay gặp sự gì trái ý; nóng giận quá hay nghe tiếng động quá lớn inh tai choáng óc, hay thấy cảnh đánh nhau có nhiều người chết làm tim thiếu máu, trí óc rối loạn, thần kinh suy nhược sinh ra.
Nói chung về “bệnh danh” 3 bệnh (kiện vong, chinh xung, kinh quý) tuy có khác nhau, nhưng “bệnh chứng” cũng đều bởi Tâm Tỳ hao tổn, Đởm kinh khiếp nhược và thần kinh suy nhược, cho nên mạch cũng không mấy khác nhau. Mạch:
- Tâm Hư Phù: Bệnh kiện vong.
- Thốn khẩu, Động: Bệnh kinh. Nhược: Bệnh quý.
- Đại và Kết: Bệnh kinh quý thuộc Tâm tạng hư.
- Trầm Phục Động Hoạt: Bệnh kinh quý thuộc ẩm thực và đàm hoả.
- Nếu mạch ở Vị kinh mà Phù và Vi: Bệnh chính xung kinh quý đã nặng.
Nên nhớ: 3 bệnh này mà “kiện vong” đứng đầu là có ý nghĩa: kiện vong là hay quên, người nào đã hay quên không nhớ tức là cái “Thần” của người ấy đã suy giảm, cho nên những người đã hay quên (kiện vong) dễ đi đến chính xung, kinh quý. Nên sớm trị.

     58. XUẤT MỒ HÔI
Thức mà ra mồ hôi: “tự hãn” thuộc Dương hư.
Ngủ mà ra mồ hôi: “đạo hãn” thuộc Âm hư.
- Mạch Hư NhượcVi Tế: bệnh đạo hãn.
- Mạch Phù Nhu Hư Sáp ở bộ Thốn là tự hãn, ở bộ Xích là đạo hãn.

     59. MỤN TRONG CỔ HỌNG (Yết Hầu, Hầu Tý)
Hầu tý: một Dương mạch, một Âm mạch kết lại làm nóng cổ họng, viêm, sưng to làm nghẽn khí quản không thở được.
Dương mạch là Tướng hoả ở Tam tiêu, âm mạch là Quân hoả ở Tâm. Hai mạch ấy có đường dây mạch lên cổ họng.
- Mạch hai bộ Thốn Phù Hồng là bệnh hầu tý.
- Mạch hai bộ Xích Thực Hoạt: sống; Vi Nhược: chết.

     60. PHẾ NUY
Triệu chứng “phổi teo” bởi phổi bị nóng ráo từ trước. khi bệnh muốn ho, ho không được. Có ho được cũng chỉ ra dãi nhớt nước bọt, không có đàm, không có mủ, lại đái không thông (đái không thông là Phế khí không thông lợi).
Khi ấy, mạch phần nhiều là Phù Nhược mà mạch bộ Thốn lại Trầm hay Hư Sác. Thầy thuốc nào đó, thấy mạch Phù liền bảo là phong cho thuốc uống ra mồ hôi, nào có mồ hôi ra nhiều càng ho, ho lâu không dứt làm môi miệng khô, tiểu tiện buốt, đại tiện ra như dưa thối, như mỡ heo dần dần phổi teo tóp gầy mòn đi. gọi “phế nuy”.
Trị bệnh này hễ thấy bệnh nhân “khát nước muốn uống” là dấu hiệu khỏi bệnh (khát nước muốn uống là Phế Kim đã muôn sinh Thuỷ).

     61. LẠNH TAY CHÂN (Quyết lãnh)
Quyết lãnh là danh từ nói bệnh “thủ túc quyết lãnh”: Tay chân lạnh buốt, hay lạnh ngắt. Lãnh: lạnh, hàn lãnh. Quyết: lạnh đến mức tối đa. Quyết còn có nghĩa là bệnh ấy đã vào đến kinh Quyết âm là giai đoạn trầm trọng, cho nên tay chân lạnh buốt.
Khi bệnh đã trầm trọng ấy gọi “quyết lãnh” hay “phát quyết” hoặc “quyết chứng” đồng nghĩa.
Còn nói “quyết nghịch” cũng là bệnh đã lạnh tay chân, nhưng thêm bệnh “nghịch”, nó bắt thở ngược lên như suyễn, bệnh ấy nặng lắm.
Quyết có 2 loại: Dương quyết và Âm quyết.
- Mạch Tế mà Trầm Phục: Âm quyết.
- Mạch Hoạt Trầm mà Thực Sác: Dương quyết.
- Dương quyết: Khí bị quyết vì Âm thắng Dương.
- Âm huyết: Huyết  bị quyết vi Dương thắng Âm.
Còn bệnh nhân nào vì khí uất hay vì đàm hoả hay vì cơn thịnh nộ gì đó mà thốt nhiên ngã lăn kềnh rồi người lạnh như thây ma, gọi “Thi quyết” (thi: thây ma).
Bệnh thi quyết này mạch Trầm Đại Hoạt mà mê man không biết gì, môi thâm người lạnh là bệnh đã vào tạng (nhập lý) sẽ chết. nếu người ôn hoà mà dâm dấp mồ hôi là bệnh còn ở Phủ, sẽ khỏi.

     62. SÁN, TRÙNG (Giun)
Mạch cả hai tay Trầm Nhược Tiểu. Nhất là mạch ở bộ Quan tay phải ta thấy nó mổ lấm tấm dưới ngón tay ta khi xem mạch, đúng là bệnh giun.
Mạch bộ Xích Trầm Hoạt thường gặp ở bệnh nhân có sán xơ mít.

     63. TRĨ LẬU
Trĩ mụn như nấm mọc nho nhỏ trong hậu môn. Mọc ngoài hậu môn: ngoại trĩ. Mọc trong hậu môn: nội trĩ.
- Trĩ Lậu: là Trĩ bị viêm nhiễm.
Nói chung: Bệnh trĩ lậu, mạch Trầm Tiểu Nhược dễ trị. nếu Phù hồng Thực khó trị.

     64. LÒI DOM ( Thoát giang)
Nguyên nhân của chứng lòi dom thường do đại tiện táo kết, đi tiêu phải rặn, lâu ngày. Mắc bệnh kiết lỵ phải rặn nhiều. Gánh vác đồ nặng phải cố sức quá. Trong tạng hư hàn ngồi nhỗm làm việc nhiều. Sanh đẻ khó khăn phải cố sức rặn cũng bị. Mạch Tế Tiểu mà Hoãn dễ trị.

     65. QUAN CÁCH
Quan: Nội quan: cái cửa ở trong.
Cách: Ngoại cách: chống cự ở ngoài.
Quan là “Âm” ở trong. Cách là “Dương” ở ngoài. Âm Dương phân ranh giới trong ngoài ngăn cách không giao hoà với nhau. Nên nói nội quan, ngoại cách.
  • Nội Quan: 6 âm khí của 6 kinh âm tràn đầy ở trong như một cái cửa đóng chặt vít kín không cho 6 dương khí ở ngoài lọt vào trong vận chuyển làm cho muốn đái mà đái không ra (những bệnh ngoại cảm mà hạ khiếu không thuận lợi cũng là loại bệnh quan).
  • Ngoại Cách: 6 dương khí của 6 kinh dương tràn đầy ở ngoài như một bức thành ngăn cách chống cự không cho 6 âm khí ở trong thoát ra ngoài vận chuyển làm cho ăn vào bắt thổ ra không cho nuốt xuống (những bệnh nội thương mà thượng khiếu không thông lợi cũng thuộc loại bệnh cách).
Tóm lại, Quan: Âm thịnh đến cực độ, không có dương điều khiển thì bí đái. Cách: Dương thịnh đến cực độ, không có âm hoà dịu thì thổ ngược. Tức là dương cứ ở trên, âm cứ ở dưới, cũng như dương cứ ở ngoài âm cứ ở trong, không thăng không giáng, không thông hoá với nhau làm cho phần giữa ngăn cách quắn lại bí tức khó chịu. Thật nan trị.
Mạch: Bệnh nhân thuộc vào loại cấp trị không còn bằng cứ vào mạch thốn khẩu mà phải xem khí khẩu, nhân nghinh.
Khí khẩu mạnh hơn nhân nghịch 4 lần: bệnh nội quan
Nhân nghinh mạnh hơn khí khẩu 4 lần: bệnh ngoại cách.
Nếu cả Khí khẩu, Nhân nghinh đều mạnh đến trên 4 lần là kiêm cả nội quan và ngoại cách.
Bệnh này, tôi đã thấy một nam nhân, chừng 40 tuổi, nhìn hình thể họ không lấy gì làm suy nhược, bệnh thể không lấy gì làm lo sợ để chạy chữa. Vậy mà rồi mấy bữa sau bệnh nhân ấy chết. Bởi bệnh nhân khi đi đái, đái không ra, trở vào lại nằm yên, khi bắt thổ, thổ không được, trở vào tuy mệt cũng vẫn nằm yên. Bệnh thuộc âm dương “thể tĩnh mà bệnh trọng” thật khó biết. Sau hiểu ra thì chỉ bởi bệnh nhân này qua một cuộc đi chơi vài bữa tửu sắc quá độ mà bệnh vậy. Người dưỡng sinh nên coi chừng!

     66. MẠCH CẦU CON (Cầu tự)
Mạch nam giới hay nữ giới đều chú trọng vào 2 bộ Xích. Mạch 2 Bộ Xích mà Trầm Hoạt quân bình thì sinh đẻ dễ dàng không cần dùng thuốc. Dùng thuốc mà không đúng lại sinh ra “nam cạn tinh, nữ háo huyết” mà thôi.
- Nếu mạch Hữu xích vượng hơn Tả xích: Mệnh môn hoả động, nên giáng dương hoả (giáng hoả không phải là tả hoả).
- Nếu mạch Tả xích vượng hơn Hữu xích: Thận thuỷ suy, nên bổ Thận thuỷ.
- Nếu mạch cả hai bộ Xích đều Trầm Vi vô lực nên bổ cả âm dương.
- Nếu mạch Vi Sáp là tinh loãng nên dùng ôn dược mà bổ Tỳ, bổ Tinh.
- Nếu mạch Vi Sáp mà Trì là Tinh lạnh nên dùng nhiệt dược để ôn trung, tráng dương.
- Nếu mạch Vi Nhu là thiếu khí lực nên bổ khí.
Nữ giới, nếu người nào mà Xích mạch Vi Sáp là mạch hết đẻ. Nếu Trầm Vi mà Phục (lệch về một bên) là mạch không có con.

     67. MẠCH NGƯỜI GIÀ
Người già cần phải có mạch trẻ, nhưng với mức độ trung bình là tốt. Nếu mạch quá mạnh lại là “ Lão nhân mạch tráng” không tốt.
Nam giới tuổi đã tới tuần “bát bát” (8 x 8 = 64 tuổi): Thận mạch đã suy mà mạch bộ Xích còn vượng.
Nữ giới đã tới tuần “thất thất” (7 x 7 = 49 tuổi) , xung, nhâm mạch đã hư mà mạch bộ Thốn còn vượng. Cả hai như thế là hay.
Ngoài ra:
- Tế Nhu Sáp: nhiều tuổi thọ.
- Khẩn Hồng: Lắm bệnh.
- Hoạt: Bệnh về đàm.
- Đại: Bệnh về khí.
- Khẩn Cấp: Bệnh phong nhiệt.

     68. MẠCH UNG THƯ
 (*) (danh từ ung thư này là mụn nhọt khác với bệnh danh ung thư (cancer) của Tây y).
Nói chung, Ung Thư: một loại mụn mọc ở ngoài thân thể hay trong tạng phủ người ta, bất luận nơi nào, hễ độc kết ở đâu, mụn mọc ở đấy, nhưng thực sự Ung và Thư hai loại khác nhau.
Ung thuộc Dương, Dương độc hoành hành, mọc mụn đỏ, sưng đau nhức dữ dội phát nóng lạnh, mất ăn mất ngủ. Khí phát thì rầm rộ mà khi khỏi cũng mau.
Thư thuộc Âm, Âm độc công phá, nơi phát mụn cũng như thường, không đỏ sưng, không đau nhức, ăn ngủ vẫn như thường. Khi phát vẫn bình thường mà khi vỡ có thể nguy.
Nói về mạch:
- Khi mụn mới mọc, đau nhứ phát nóng Phù Sác: Dương, dễ trị.
- Nếu Trầm Vi mà không đau nhức: Âm, khó trị.
- Phù: bệnh còn ở Biểu.
- Trầm: bệnh đã nhập Lý.
- Không Phù, không Trầm: bệnh ở các kinh.
- Hồng Sác: trong mụn đã nung mủ.
Mụn chưa vỡ, mạch Hoạt Thực Sác Xúc nên cho thuốc hạ (xổ) ngay.
Mụn sắp vỡ, chưa vỡ, mạch Hư, Nhu, Nhược, Trì, Sáp, Khổng, Vi nên bổ huyết tiêu độc.
- Trường Hoãn: dễ trị, vì Vị khí còn tốt.
- Đoản, Tán, Kết, Đại: khó trị, vì Nguyên khí đã suy.
Nói chung: Mụn chưa vỡ nên thấy Dương mạch, mụn đã vỡ nên thấy Âm mạch, vì như thế là bệnh chứng với mạch tương hợp.
Khẩn: đau nhức nhiều, vì mạch Khẩn là mạch Khí Huyết ngưng trệ.
- Khi mụn đã vỡ rồi mà có mạch Khổng: tốt, vì mạch Khổng là mạch mất máu.
- Khi mụh chưa vỡ mà có mạch Xúc: nhiệt kết ở bên trong.
- Vỡ rồi mà có mạch Xúc: nguyên khí suy.
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Lê Đức Thiếp

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM - 1985

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây