Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Thiết chẩn - Mạch Thốn khẩu

Mạch Thốn khẩu có 3 bộ mạch : Mạch bộ Thốn, mạch bộ Quan và mạch bộ Xích. Vị trí Thốn, Quan, Xích là nhất định không thể đổi thay lẫn lộn.
.
II. MẠCH THỐN KHẨU

1.ĐỊNH NGHĨA:
- Thốn là Tấc, Khẩu là cái cửa.
- Thốn khẩu là cái cửa dài hơn 1 tấc. Do đó mạch Thốn khẩu là đoạn mạch dài hơn một thốn ở 2 cổ tay dùng để chẩn bệnh.
- Thốn khẩu là nơi có động mạch thuộc thủ thái âm Phế kinh, nên gọi là “Mạch thái âm” hay “Mạch thủ thái âm”.
- Tại Thốn khẩu có huyệt Thái Uyên, nên có sách gọi là “Mạch Thái Uyên”.
- Mạch Thốn khẩu dài 1 tấc 9 phân (19 phân), nên gọi là “Mạch 19 phân”.
- Lại còn mạch Khẩu, Khí Khẩu cũng là danh từ Thốn Khẩu phát sinh. Mạch Khẩu là cái cửa của mạch. Khí khẩu là cái cửa thâu nạp Dương khí hay Vị khí (chữ Khí Khẩu này khác với huyệt Khí khẩu đề cập ở trên).
Như vậy bộ mạch ở cổ tay có 7 danh hiệu : Thốn khẩu, Mạch thái uyên, Mạch Thủ thái âm, Mạch thái âm, Mạch 19 phân, Mạch khẩu, Mạch khí khẩu. Tất cả đều là một vậy. Chúng ta nên biết để phòng khi đối thoại, tỏ ra đã am hiểu.
Mạch Thốn khẩu có 3 bộ mạch : Mạch bộ Thốn, mạch bộ Quan và mạch bộ Xích. Vị trí Thốn, Quan, Xích là nhất định không thể đổi thay lẫn lộn.
Muốn tìm hiểu vị trí đích xác 3 bộ mạch trên, ta lấy bộ Quan làm chuẩn :
  • Bộ Quan: Ở trong rãnh tay quay của cổ tay, ngang với u lớn của đầu dưới xương tay quay (nói cách khác ở ngang mắt cá tay, nơi chỗ trũng có động mạch tay quay).
  • Bộ Thốn: Ở phía ngoài bộ Quan, sát với nếp cổ tay.
  • Bộ Xích: Ở phía trong bộ Quan về phía cánh tay.
Thẳng một hành dọc 3 bộ liền nhau, ta thấy:
- Bộ Thốn ở trên ứng với trời, là thượng bộ. Trời là dương thì Thốn cũng là dương. -Bộ Xích ở dưới, ví như ứng với đất, là hạ bộ, đất là âm thì Xích cũng là âm.
- Bộ Quan ở giữa ví như ứng với Người, là trung bộ. Người ở giữa là nơi âm dương hội tụ.
Quan ở giữa Xích và Thốn, thì Quan là nơi bán âm bán dương. Bởi vậy mới có danh từ Tam Nguyên: 3 ngôi đứng đầu (thiên, nhân, địa) để ví với 3 bộ mạch Thốn, Quan, Xích.

2.PHƯƠNG CÁCH ĐỂ TAY XEM MẠCH

Người thầy thuốc khi bắt đầu để tay xem mạch cho người bệnh, lẽ tất nhiên, bao giờ cũng để 3 ngón tay (ngón trỏ, ngón giữa, và ngón vô danh đeo nhẫn) của mình vào 3 bộ mạch Thốn Quan Xích ở cổ tay của người bệnh. Nhưng khi để 3 ngón tay xem mạch cũng phải có phương cách của nó, chứ không thể rằng đơn giản.

2.1.Xưa dạy:
Người thầy thuốc khi xem mạch cho người bệnh, muốn đem 3 ngón tay bên trái hay bên phải của mình mà xem mạch, thì tay nào (trái hay phải) của mình xem tay nào (trái hay phải) của bệnh nhân cũng được, nghĩa là tùy tiện, chứ không nhất định tay nào xem tay nào vậy. Tuy nhiên cũng có lúc cần phải dùng đến phép “Nam tả, Nũ hữu” (Điểm này nói rõ ở đoạn sau).
Khi xem mạch ta để ngón tay giữa vào bộ Quan trước, lấy ngón tay giữa nơi bộ Quan đó làm chuẩn.
Lần lượt để ngón trỏ và ngón vô danh (đeo nhẫn) xuống, ngón nào trước cũng được.
Ngón trỏ xuống phía ngoài bộ Quan (nơi tiếp giáp bàn tay) là Thốn.
Để ngón tay vô danh xuống phía trong bộ Quan (nơi giáp cánh tay) là bộ Xích.
Trong khi để tay xem mạch, nói chung, nếu bệnh nhân người cao, ta để ngón tay của ta, ngón nọ hơi xa ngón kia một chút, mà người lùn ta để 3 ngón khít nhau. Bởi người cao, xương dài thì mạch có xa nhau, mà người lùn xương ngắn mạch có gần nhau, đó cũng là một cách tính toán kỹ.
* Định Ninh thêm:
Bệnh nhân người béo, thịt dầy phải ấn nặng tay xuống mới thấy mạch, tối đa chỉ thấy mạch trầm, khó thấy mạch phù.
Người gầy, da thịt mỏng để nhẹ tay đã thấy mạch, có người ta nhìn thấy mạch đi, đó cũng là điều phải ghi nhận.
Để ngón tay như vậy mới đúng bộ, mới đủ độ để nghe sức mạch đi lại. Đó là phương cách để tay xem mạch của người xưa dạy.
2.2.Ngày nay:
Khi bệnh nhân để ngửa bàn tay xin xem mạch, còn có mấy thầy thuốc, một tay lật xấp bàn tay bệnh nhân xuống rồi để ngón tay giữa của mình vào nơi xương cao (mắt cá tay) phía lưng cổ tay của bệnh nhân, kéo theo chiều ngang cổ tay, đồng thời tay kia thầy lật ngữa bàn tay bệnh nhân lên, kéo tới chỗ trũng nơi có mạch thì dừng lại, nơi ấy là bộ Quan (trung điểm), rồi lần lượt để 2 ngón kia như thường lệ là đúng cả 3 bộ. Có thầy đặt 3 ngón tay nằm ép thẳng trên ba bộ để nghe mạch.

Lại còn có thầy, một tay xem mạch, một tay để trên bàn tay bệnh nhân như đè giữ lấy, mặc dầu tay bệnh nhân vẫn bình thường không bị run giựt.        
Như vậy :
1. Nay ta thường thấy mấy cụ thầy thuốc khi xem mạch vẫn cứ theo đường lối “để tay, lật tay, đè tay” nói trên. Có lẽ mấy cụ thầy ấy nghe lời thầy dạy trước thế nào, thì nay còn cứ thế chưa suy xét.
2. Muốn để ngón tay xem mạch đúng bộ, khi bệnh nhân để ngửa bàn tay, ta nhìn cổ tay nơi ngón cái thẳng lên, chổ có cái xương nhô ra, ta để đầu ngón tay giữa của ta vào chỗ đó là đúng bộ Quan (như trên đã nói) đâu có gì khó?
Nào có phải lật sấp, lật ngửa bàn tay bệnh nhân, nào có phải để ngón tay giữa của mình vào mắt cá tay phía lưng cổ tay của bệnh nhân mà kéo vòng qua bên này mới là đúng bộ, lại một bàn tay đè giữ bàn tay bệnh nhân nữa, như vậy chẳng những tỏ ra vụng về, lại có vẻ làm ra kiểu cách và có khi gây ra dị nghị không hay.
Ngự Y xem mạch Hoàng hậu, Công chúa và Cung phi còn phải nghiêm cẩn lấy miếng lụa mỏng trải lên cổ tay những vị ấy rồi ngự y mới được để tay xem mạch. (Bạc sa tráo thủ: lụa mỏng trải trên tay).
Nay tôi đã gặp, một cặp vợ chồng trẻ. Chồng dẫn vợ vào phòng mạch của tôi nhờ tôi xem mạch cho người vợ. Khi tôi xem mạch, chồng ngồi kế bên vợ. Tôi xem mạch xong, chồng gọi vợ ra cửa nói lớn: Sao ông ấy để tay lên cổ tay mày lâu thế?
Còn việc những cụ thấy để 3 ngón tay nằm ép thẳng trên 3 bộ mạch của bệnh nhân thì cũng chẳng hiểu những cụ thầy ấy sử dụng ngón tay mình, linh động thế nào trong khi phù trầm khinh trọng để thấu hiểu bệnh căn.
Lại những thầy khi xem mạch đã để 3 ngón tay rời rạc trên 3 bộ mạch không cần đúng bộ, không cắt móng tay, khi 3 đầu ngón tay quay ra, khi 3 đầu ngón tay lại quay vào không nhất định, vậy mà thấu hiểu và quyết đoán được hư thực tử sinh (tôi có nhìn thấy). Hẳn những vị thầy thuốc ấy là nhà “mạch lý thiên tài”. Chúng ta nên tìm hiểu.

2.3.ĐỊNH NINH TÔI ĐỂ TAY XEM MẠCH :
Khi bệnh nhân để ngửa bàn tay. Tôi thoáng nhìn cổ tay bệnh nhân, nhằm chổ xương hơi nhô ra nơi ngón cái thẳng lên. Tôi để đầu ngón giữa của tôi vào chổ trũng trên các xương nhô ra ấy là bộ Quan, lần lượt để 2 ngón tay kia vào bộ Xích và bộ Thốn. Tôi cũng tùy theo người cao và người lùn mà để ngón tay hơi xa ra hay khít lại như thường lệ.
Nhưng tôi có phần hơi khác. Tôi để 3 ngón tay hơi dựng đứng cho 3 đầu ngón tay đứng thẳng trên 3 bộ mạch của bệnh nhân.
Tại sao? -Tôi cho rằng: Xúc giác đầu chóp ngón tay nhậy cảm hơn hết so với phần khác.
Để 3 ngón tay hơi dựng đứng như vậy, đã dễ nghe mạch, dễ thấy mạch để đưa 3 đầu ngón tay theo dõi, dễ đun đi đẩy lại để tìm mạch. Nhất là khi gặp mạch ẩn phục giáp phía trong gân xương càng dễ móc vào trong đó tìm mạch. (Biết rằng khi để 3 đầu ngón tay hơi dựng đứng trên cổ tay bệnh nhân thì móng tay của mình phải được cắt sát).
Khung cảnh ngồi ghế xem mạch trên bàn. Thầy thuốc và bệnh nhân bao giờ cũng đối diện. Tay phải thầy thuốc xem mạch tay phải bệnh nhân thì 3 ngón tay và cả bàn tay thầy thuốc phải cong cong vòng qua cổ tay bệnh nhân, không khi nào ngón tay bàn tay mình để sát xuống cổ tay bệnh nhân, mà ngón tay cái và ngón tay út thì giơ ra ngoài, không hề để xuống bàn tay và cổ tay bệnh nhân. Còn tay phải thầy thuốc xem mạch tay trái bệnh nhân thì bàn tay thầy thuốc ở ngoài cổ tay bệnh nhân, khỏi phải nói.
(Nhớ rằng khi để tay xem mạch tối kỵ việc để ngón tay cái của mình xuống bàn tay bệnh nhân. Tại sao? Tự tìm hiểu.).
Định Ninh tôi nghĩ rằng : Việc để tay xem mạch, mặc dù phải lấy phương cách người xưa là mực thước chỉ dạy, nhưng tự mình cũng phải tìm hiểu mà suy diễn cải tiến tùy thời cho nó có mỹ quan, có kỹ thuật và vệ sinh nữa mới là hoàn bị.
Ta nhìn kiểu cách 3 đầu ngón tay bằng phẳng dựng đứng trên 3 bộ mạch và cả bàn tay cong cong vòng qua cổ tay bệnh nhân không phải là đẹp mắt, khéo tay và sạch sẽ mà nhất là tránh khỏi con mắt bàng quan dị nghị nữa sao?

3.XEM MẠCH NAM TẢ , NỮ HỮU - MỆNH MÔN NAM HỮU NỮ TẢ.
     3.1.NAM TẢ NỮ HỮU
Nhiều cụ già ngoài y giới thường truyền khẩu cho con cháu : “Tao thấy thầy thuốc giỏi khi xem mạch thì đàn ông tai trái trước, tay mặt sau, đàn bà tay mặt trước tay trái sau. Nếu thầy nào xem mạch ngược lại, thầy đó dốt. Nghĩa là nam tả nữ hữu mới đúng vậy”.
Lời nói ấy nghe đã quen tai, mà cũng là có thật. Ta phải chấp hành. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp, ta xem mạch phải tùy tiện, không thể theo chiều hướng tả hữu nhất định ấy được, ví dụ :
Một ông khi đang lăn lộn, tay trái còn ôm bụng, ôm đầu, ta phải xem tay mặt trước; Một bà bệnh, tay phải đang bồng con ngủ, ta xem tay trái trước. Nhiều trường hợp bệnh cấp tính tương tự như vậy, đâu có thể ngồi chờ mà “nam tả nữ hữu” được.
Nếu kẻ bàng quan nào chê dốt, ta phải giải thích rõ ràng: “ Chúng tôi đã kinh trị, lúc cấp thời phải biết tùy tiện. Tuy xem mạch ngược chiều mà vẫn nhẩm tính theo cái lý thuận, không thể sai”.
Giờ ta tìm hiểu Nam tả Nữ hữu có nghĩa gì? Áp dụng trong việc xem mạch có cần thiết không? Và tại sao?
Trời Dương Đất Âm
Người nam Dương Người nữ Âm
Tay trái Dương Tay phải Âm
Lý thiên địa, chủ về dương, dương phải mạnh hơn âm. Chủ về âm, âm phải mạnh hơn dương, vạn vật đều thế.
- Xem mạch người nam bắt buộc phải xem tay trái trước tay phải.
- Xem mạch người nữ bắt buộc phải xem tay phải trước tay trái.
Tại sao? Bởi:
- Người nam bẩm thụ Dương khí nhiều, người nam là Dương, tay trái cũng là Dương. Xem mạch người nam tay trái mạnh hơn tay phải là Dương nhiều hơn âm, Thuận. Nếu ngược lại, tay phải mạnh hơn tay trái, là đàn ông mà mang mạch đàn bà, Âm thắng Dương, Nghịch. Tức người nam ấy có bệnh Dương suy.
- Người nữ bẩm thụ Âm khí nhiều, người nữ là Âm, tay phải cũng là Âm. Xem mạch người nữ, tay phải mạnh hơn tay trái, là Âm nhiều hơn Dương, Thuận. Nếu ngược lại, tay trái mạnh hơn tay phải, là đàn bà mà mang mạch đàn ông, Dương thắng Âm, Nghịch. Tức người nữ ấy có bệnh Âm suy.
Vậy nói chung: Việc áp dụng xem mạch, người nam tay trái trước, người nữ tay phải trước, chỉ là để tìm Âm, Dương lên xuống thịnh hay nghịch mà thôi. Thật ra nếu bảo rằng, để nhận thức về “Âm thắng Dương hay Dương thắng Âm” thì cũng chỉ có căn cứ để tìm bệnh phần nào mà thôi, chẳng cần thiết bao nhiêu.
Điều cần thiết trong danh từ “nam tả nữ hữu” chú ý vào hai bộ Xích của người nam và người nữ.
- Nam dỉ tả xích nhi tàng Tinh hay Nam dĩ tả xích vi Tinh phủ (cũng là một). Nghĩa là người nam tàng trữ Tinh khí ở bộ Xích tay trái (nam tả, tả thận). Xem mạch người nam hễ bộ Xích tay trái bình hòa có lực thì biết người ấy Tinh khí dư dật, khỏe mạnh. Nếu bộ Xích tay trái trầm vi vô lực (chìm nhỏ, đi yếu) thì không khỏe.
- Nữ dĩ hữu xích nhi hệ bào hay Nữ dĩ hữu xích vi Huyết hải (cũng là một). Nghĩa là người nữ buộc giây bào thai (mạch nhâm) và chứa huyết hải (mạch xung) ở bộ xích tay phải (nữ hữu). Xem mạch người nữ hễ bộ xích tay phải bình hòa có lực, thì biết người ấy tử cung và Huyết tốt. Khỏe mạnh. Nếu bộ Xích tay phải trầm vi vô lực thì không khỏe.
Nam tả xích, nữ hữu xích. Tinh huyết đầy đủ thì khỏe mạnh, ít có bệnh tật; cũng như cây có rễ cái ăn sâu dưới đất thì dù gió bão cũng không đổ ngã.

     3.2.MỆNH MÔN NAM HỮU NỮ TẢ
Nam tả nữ hữu nói trên: Nam xem tay trái trước tay phải, Nữ xem tay phải trước tay trái. Nam tàng Tinh ở tả Xích. Nữ tàng Huyết ở hữu Xích.
Nam tả, nữ hữu ấy cố định đã nói rõ, nhưng khi xem mạch Mệnh môn thì ngược lại, ít ai để ý Nam hữu, Nữ tả.
Nam tử thuộc dương, chủ về tay trái (trái là Dương). Dương khí vận hành theo khí Trời (Trời là Dương), Dương đi từ trái sang phải, cho nên Mệnh môn ở tay phải, Thận ở tay trái.
Nữ tử thuộc Âm, chủ về tay phải (phải là Âm). Âm khí vận hành theo khí Đất (Đất là Âm), Âm đi từ phải sang trái, cho nên Mệnh môn ở tay trái, Thận ở tay phải.
-Như vậy mạch Mệnh môn của người nam ở tay phải, mạch Mệnh môn của người nữ ở tay trái. Cho nên nói : Mệnh môn nam hữu, nữ tả.
-Xét tên gọi của Mệnh môn, còn có tên Mệnh Mạch, lại có huyệt Thần Môn ở kế cận. Như vậy “Bổn mạng và Thần khí” của con người ở cả Mệnh môn, cho nên khi ta xem mạch lúc nào cũng phải chú ý vào mạch Mệnh môn, hễ mạch Mệnh môn đi nổi tràn đầy thì khỏe.
Nam tử lúc bệnh, xem mạch Mệnh môn ở hữu Xích nổi đầy thì bệnh dù nặng cũng khỏi.
Nữ tử lúc bệnh, xem mạch Mệnh môn ở tả xích nổi đầy thì bệnh dù nặng cũng khỏi (Đây nói mạch Mệnh môn nổi đầy khi bệnh nặng, còn mạch Mệnh môn nổi đầy khi thường, hiệp với Tâm hồng thì khác).
Việc xem mạch để đoán bệnh sống hay chết, ta vẫn lấy Vị khí làm chủ, hễ mạch Vị khí còn thì sống, nếu mạch Vị khí hết thì chết, nhưng nên nhận định thêm về mạch Mệnh môn nữa càng chính xác hơn. Hễ mạch Mệnh môn tràn đầy thì tốt, nếu mạch Mệnh môn chìm yếu thì xấu.

4.VỊ TRÍ TẠNG PHỦ TRONG 3 BỘ MẠCH THEO VƯƠNG THÚC HÒA

Xếp đặt vị trí từng tạng, từng phủ vào 3 bộ mạch (Thốn Quan Xích) ở Thốn khẩu (cổ tay, trái và phải). Ta phải nhận định cho kỹ Tạng Phủ nào ở bộ mạch nào và ở tay nào cho rõ ràng đích xác mà thuộc nằm lòng. Đến khi để tay xem mạch ở bộ nào thì đã biết ngay là xem tạng phủ ấy.
  Thốn Quan Xích
Tay trái Tâm-Tiểu trường Can-Đởm Thận-Bàng quang
Tay phải Phế-Đại trường Tỳ-Vị Mệnh môn-Tam tiêu-Tâm bào
  • Tay Trái
- Tâm (tạng), Tiểu trường (phủ) ở bộ Thốn tay trái. Gọi tắt ở Tả Thốn.
- Can (tạng), Đởm (phủ) ở bộ Quan tay trái, gọi là Tả Quan.
- Thận (tạng), Bàng quang (phủ) ở bộ Xích tay trái, gọi tắt ở Tả Xích.
  • Tay phải
- Phế (tạng), Đại tràng (phủ) ở bộ Thốn tay phải, gọi là Hữu Thốn.
- Tỳ (tạng), Vị (phủ) ở bộ Quan tay phải, gọi là Hữu Quan.
- Mệnh môn (tạng), Tam tiêu, Tâm bào lạc (phủ) ở bộ Xích tay phải, gọi là Hữu Xích.

Nhìn lên sự xếp đặt từng tạng từng phủ và 3 bộ mạch nói trên, ta thấy rõ mỗi bộ mạch có một tạng một phủ vậy.
Xét ra, ta nói người xưa đã “xếp đặt” từng tạng, từng phủ vào 3 bộ mạch là không đúng. Ta phải nói người xưa đã “tìm ra” tạng ấy, phủ ấy ở bộ mạch ấy mới đúng. Vì tạng ấy phủ ấy ở bộ mạch ấy là nguồn mạch cố hữu tự nhiên của nó, đâu có thể gò ép nó mà xếp đặt cho đâu vào đấy cho gọn, cho đầy đủ vậy. (Danh từ : tả Thốn, tả Quan, tả Xích hay hữu Thốn, hữu Quan, hữu Xích cần phải ghi nhớ cho rành rẽ, phòng khi đối thoại tỏ ra ta đã quá tinh tường.).
Như vậy, ta đã biết tay trái có những tạng phủ nào ở bộ nào và tay phải có những tạng phủ nào ở bộ nào rồi. Ta phải đọc thuộc lòng 2 câu : (trong khi nhẩm đọc, ta phải thầm nhớ Thốn, Quan, Xích).

Tả: Tâm, Tiểu trường (Thốn) Can, Đởm (Quan) Thận, Bàng quang (Xích).
Hữu: Phế, Đại trường (Thốn) Tỳ, Vị (Quan) Mệnh môn, Tam tiêu, Tâm bào (Xích).


Đến khi ta xem mạch tay trái, để ngón tay vào:
-Bộ Thốn, ta thầm nhớ Tâm, Tiểu trường.
-Bộ Quan, ta thầm nhớ Can, Đởm.
-Bộ Xích, ta thầm nhớ Thận, Bàng quang.
Xem mạch tay phải, để ngón tay vào:
-Bộ Thốn, ta thầm nhớ Phế, Đại tràng.
-Bộ Quan, ta thầm nhớ Tỳ, Vị.
-Bộ Xích, ta thầm nhớ Mệnh môn, Tam tiêu, Tâm bào.
Theo ý kẻ soạn giả, tất cả nhẩm đọc như vậy là sao quên, làm sao nhầm lẫn được, nhưng trong khi để tay xem mạch đó còn phải Đơn khán, Tổng khán. Đồng thời Phù án, Trung ánTrầm án nữa mới đủ nguyên tắc trước sau về vị trí tạng phủ ở các bộ mạch và còn phải tìm hiểu nguyên lý xếp đặt như vậy là thế nào cho rõ hết ý nghĩa.

5. ĐƠN KHÁN, TỔNG KHÁN:
  • Đơn khán: Xem từng đơn vị một, nghĩa là 3 ngón tay, mỗi ngón xem một bộ (tức mỗi ngón tay xem một đơn vị) bộ Thốn, bộ Quan, rồi bộ Xích để tìm xét kinh lạc tạng phủ ở đơn vị (bộ) ấy có những bệnh gì. (Khi ấn một ngón tay để xem một đơn vị thì 2 ngón kia để hờ ở trên).
  • Tổng khán: Xem chung cả 3 bộ. Nghĩa là sau khi đã xem từng đơn vị, để biết bệnh ở các đơn vị ấy thế nào rồi thì 3 ngón tay xem chung cả 3 bộ một lượt, cùng ấn nhẹ, ấn trung bình và cùng ấn nặng, để biết toàn thể bệnh ở cả 3 bộ ấy thế nào, mới quyết đoán trọn vẹn được hư thực tử sinh của căn bệnh ấy.
Đơn khán hay Tổng khán đều dùng trước là Phù án rồi Trung án, sau cùng là Trầm án.
  • Phù án: Để nhẹ ngón tay lên làn da, nhưng có ấn xuống tới thịt một chút để xem bệnh ở Lục phủ (phù án xem Lục phủ).
  • Trung án: Ấn ngón tay tới khoảng thịt. Nghĩa là ấn ngón tay tới mức trung độ, không ấn nặng quá mà cũng không ấn nhẹ quá, để xem bệnh ở Vị khí (trung án xem Vị khí).
  • Trầm án: Ấn ngón tay thật nặng tới xương, để xem bệnh ở Ngũ tạng (trầm án xem Ngũ tạng).
Cách để ngón tay xem mạch từng nấc như vậy, gọi là Tam Hậu, 3 nấc hay 3 mức xem.
Đơn khán, Tổng khán cả 2 tay đều xem như vậy là đúng phép.
  • Phù án Phủ, trung án trung, trầm án tạng là thế nào?
- Phù: (nổi) thuộc Dương, ở Biểu phận. Lục phủ thuộc Dương, ở Biểu phận, cho nên phù án xem mạch Lục phủ (Vị, Đởm, Đại tràng, Tiểu tràng, Tam tiêu, Bàng quang).
-Trung: ( giữa) bán Âm bán Dương. Vị khí cái khí “Dạ dày”, ở phần giữa (trên Dương, dưới Âm) con người, cho nên trung án xem cái khí “dạ dày” là mức giữa con người ( Trung khí).
-Trầm: ( chìm) thuộc Âm, ở Lý phận, Ngũ tạng thuộc Âm, ở Lý phận, cho nên trầm án xem mạch Ngũ tạng (Tâm, Tỳ, Phế, Thận, Can).
Ý nghĩa phù án Lục phủ, trung án Vị khí và trầm án Ngũ tạng là như thế.
Nhưng thực trạng khi để tay xem mạch, phải nhẩm tính thế nào cho đúng “phù án Phủ, trầm án Tạng”.
Ta tìm tạng phủ trong 2 câu đã thuộc lòng nói trên mà lật ngược lại :
 
Bộ Thốn Quan Xích
  Tạng Phủ Tạng Phủ Tạng Phủ
Trái Tâm Tiểu trường Can Đởm Thận Bàng quang
Phải Phế Đại trường Tỳ  Vị Mệnh môn Tam tiêu
Tâm bào

Khi xem mạch tay trái, ta thầm nhớ lật ngược, Phủ xem trước, Tạng xem sau:
  • Bộ thốn : Phù án Tiểu trường, rồi trầm án Tâm.
  • Bộ quan: Phù án Đờm, rồi trầm án Can.
  • Bộ xích : Phù án Bàng quang, rồi trầm án Thận.
Khi xem mạch tay phải, ta cũng thầm nhớ lật ngược, Phủ xem trước, Tạng xem sau:
  • Bộ thốn : Phù án Đại tràng, rồi trầm án Phế.
  • Bộ quan : Phù án Vị, rồi trầm án Tỳ.
  • Bộ xích : Phù án Tam tiêu, Tâm bào, rồi trầm án Mệnh môn.
Thế là phù án xem 7 phủ, trầm án xem 5 tạng, còn trung án thì bộ nào, tay nào cũng xem ở cái mức phù án và trầm án giáp nhau vậy.
Nói riêng về " trung án xem mạch Vị khí" . Người xưa dạy : xem ở chổ phù án và trầm án giáp nhau như nói trên, hay còn thêm trung án trong cái mức phù án và trung án trong cái mức trầm án nữa. Tất cả ta phải tìm hiểu suy xét cho ra.
Nhưng trong khi tìm hiểu chưa ra, kẻ soạn giả này nghĩ rằng: Trong cái mức bề sâu của đường mạch, từ da tới xương của mỗi người không nhất định, người sâu nhất chừng 12 ly, còn người trung bình 6-7 ly. Làm sao khi xem mạch đầu ngón tay ta có thể phân định được cái mức phù trầm trong đó giáp nhau, lại còn những mạch thác loạn, phù chẵng ra phù, trầm chẳng ra trầm, có bộ đi quằn quèo, có bộ chỉ đi phớt qua dưới ngón tay ta chút xíu, làm sao có thể trung án trong khi phù và trầm. Thật rất khó vậy.
Đúng hơn hết muốn xem mạch Vị khí, phù án xem thẳng ngay vào Vị mạch ở hữu quan, hễ có lực thì Vị khí còn. Đồng thời trầm án xem mạch Mệnh môn ở hữu xích, hễ mạch Mệnh môn có lực thì hẵn là Vị khí có lực tốt, vì “hỏa sinh thổ” (Mệnh môn thuộc hỏa, Vị thuộc thổ). Vị khí như nồi cơm để trên bếp, Mệnh môn như bếp lửa đang cháy thì nồi cơm trên bếp phải chín. Thế là Vị khí còn tốt. Nếu ngược lại thì xấu, phải chăng ? Thưa quý độc giả.

Nội kinh rằng: "Nhân sinh Vị khí chi bản"  Sự sống của con người Vị khí là căn bản. Nói chung, khi bị bệnh, hễ Vị khí còn thì sống, nếu Vị khí hết sẽ chết.

6. SỰ BỐ TRÍ CÁC TẠNG PHỦ

     6.1. Tâm với Tiểu trường ở tả Thốn có nghĩa gì? -Tâm với Tiểu trường đều thuộc Hỏa, mà là biểu lý (*) với nhau, lại đều vượng về Hạ hỏa, cho nên bố trí ở tả Thốn. Khi xem mạch, phù án Tiểu trường, trầm án Tâm.
(*) Biểu Lý: Biểu là ở ngoài, Lý là ở trong. Phủ là biểu ở ngoài, Tạng là lý ở trong. Phủ là Dương thuộc Khí, Tạng là Âm thuộc Huyết. Chữ “biểu lý” ở đây, ý nói khí huyết âm dương của một tạng một phủ trong một bộ mạch trong ngoài liên hệ với nhau, như anh em đồng cam cộng khổ. Tạng mạnh thì phủ mạnh, Tạng bệnh thì phủ bệnh. Ngược lại cũng vậy.
     6.2. Can với Đởm ở tả Quan có nghĩa gì? - Can với Đởm đều thuộc  Mộc, mà là biểu lý với nhau, lại đều vượng về xuân mộc. Cho nên, bố trí ở Tả Quan, khi xem mạch, Phù án Đởm, Trầm án Can.
     6.3. Thận với Bàng quang ở tả Xích có nghĩa gì? - Thận với Bàng quang đều thuộc Thủy, mà là biểu lý với nhau, lại đều vượng về Đông thủy, cho nên bố trí ở tả Xích. Khi xem mạch, Phù án Bàng Quang, Trầm án Thận.
     6.4. Phế với Đại tràng ở hữu Thốn có nghĩa gì? - Phế với Đại tràng đều thuộc Kim, mà là biểu lý với nhau, lại đều vượng về Thu kim, cho nên bố trí ở Hữu Thốn. Khi xem mạch, Phù án Đại tràng, Trầm án Phế.
     6.5. Tỳ với Vị ở hữu Quan có nghĩa gì? - Tỳ với Vị đều thuộc Thổ, mà là biểu lý với nhau, lại vượng về Tứ quý thổ, cho nên bố trí ở Hữu Quan. Khi xem mạch, Phù án Vị, Trầm án Tỳ.
     6.6. Mệnh môn với Tam tiêu, Tâm bào ở hữu Xích có nghĩa gì? - Mệnh môn với Tam tiêu, Tâm bào đều thuộc hỏa, mà là biểu lý với nhau, lại đều nhờ vào Hạ hỏa mà vượng, cho nên bố trí ở Hữu Xích. Khi xem mạch, Phù án Tam tiêu, Tâm bào, Trầm án Mệnh môn.
Như vậy, sự bố trí các tạng phủ vào 3 bộ ở hai tay đều lấy ý nghĩa 5 mùa và 5 hành vậy.
     6.7. Tâm mạch đứng đầu ở tay trái
Tại sao Tâm đứng đầu mạch tay trái mà những tạng phủ như Tiểu trường, Can, Đởm, Thận, Bàng quang đều ở cả tay trái ?
  • Bởi Tâm chủ về Huyết, Tâm đứng đầu tay trái, mà những tạng phủ nói trên đều là đường “Tụy đạo” của Tinh Huyết, cho nên phụ thuộc với Tâm ở tay trái (Tụy đạo : là đường thủy đài tải Tinh Huyết).
     6.8. Phế đứng đầu mạch tay phải
Tại sao Phế đứng đầu mạch tay phải, mà những tạng phủ như Đại trường, Tỳ, Vị và Mệnh môn, Tam tiêu, Tâm bào đều ở cả tay phải?
  • Bởi Phế chủ về Khí, Phế đứng đầu tay phải mà những tạng phủ nói trên đều là đường “Khí đạo” để viễn hành, cho nên phụ thuộc với Phế ở tay phải.
Nói chung, cứ theo thực thể Nội kinh: “Tâm thuộc vinh huyết, Phế thuộc vệ khí, đều là thông hành dương đạo cả, cho nên 2 tạng ấy đứng đầu 2 tay”.
     6.9. Tay trái là dương, tay phải là âm
Ta đứng quay mặt về hướng Nam, thấy rằng : Tay trái ta ở phương Đông Nam là Dương, tay phải ta ở phương Tây Bắc là Âm (phương Đông Nam cũng như mùa Xuân Hạ. Xuân hạ là Dương. Phương Tây bắc cũng như mùa Thu Đông, Thu Đông là Âm).
Lại nên biết thêm: Khí trời nặng về Đông Nam, nhẹ về Tây Bắc, cho nên Đông Nam là Dương, tức tay trái là Dương. (Thiên bất túc Tây Bắc = khí trời không đủ ở phía Tây Bắc).
Khí đất nặng về Tây Bắc, nhẹ về Đông Nam, cho nên Tây Bắc là Âm, tức tay phải là Âm. (Địa bất mãn Đông Nam = khí đất thiếu về phương Đông Nam).
     6.10. Khí ở tay phải, Huyết ở tay trái
Tại sao Phế khí thuộc Dương, không ở tay trái là Dương, lại ở tay phải là Âm?
Tại sao Tâm huyết thuộc Âm, không ở tay phải là Âm, lại ở tay trái là Dương?
Lý do: Trong bầu trời đất, Dương ở trên, Âm ở dưới, Âm Dương 2 khí xoay vòng 4 phương phân chia 2 đường trái phải mà đi lên, đi xuống (Tả hữu giả, Âm Dương chi đạo lộ).
Thiên khí tả tuyền: Khí Trời là Dương, Dương khí bắt đầu quay, quay từ trái sang phải để đi xuống. Khí của con người thuộc Dương tượng như khí trời, cũng xoay từ trái sang phải, cho nên Khí ở tay phải. Lại còn có nghĩa về ThểDụng tức là nguyên thể ở trái mà công dụng ở phải.
Địa khí hữu tuyền: Khí đất là Âm. Âm khí bắt đầu quay, quay từ phải sang trái để đi lên. Huyết của con người thuộc Âm tượng như khí Đất, cũng xoay từ phải sang trái, cho nên Huyết ở tay trái. Lại còn có nghĩa về ThểDụng, tức là nguyên thể ở phải mà công dụng ở trái.
Lại nên biết:
  • Tâm chủ về sinh huyết mạch, Can chủ về tàng huyết. Mạch với Huyết đều bởi nhựa Tinh (thủy) sinh ra, cho nên 3 bộ mạch tay trái đều thuộc Huyết.
  • Phế chủ về Khí của toàn thân, Tỳ chủ về khí của Nguyên chân. Hai Khí ấy đều bởi Hỏa sinh ra, cho nên 3 bộ mạch tay phải đều thuộc Khí.
Đó là sự trao đổi thần diệu của Âm Dương vậy (Nội kinh, Mạch yếu tinh vi luận, thiên thứ 17).

7. MẠCH VÀ NGŨ HÀNH
     7.1. Bảng bố trí các tạng phủ ở 2 tay thuộc Ngũ hành

         
     7.2. Mạch có Ngũ hành tương sinh
Ta vắt 2 tay ta ngược xuôi với nhau, tay phải ở ngoài, tay trái ở trong, mà tìm hiểu trong đường mạch, thấy rõ sự tuần hoàn của 6 bộ mạch có thứ tự tương sinh hợp với ý nghĩa tương sinh của Ngũ hành.

Tay trái
- Thận thủy ở Tả Xích sinh ra Can mộc ở Tả Quan.
- Can mộc ở Tả Quan sinh ra Tâm hỏa ở Tả Thốn.
- Tâm hỏa ở Tả Thốn tiếp nối Mệnh môn hỏa ở Hữu Xích.

Tay phải
- Mệnh môn hỏa ở Hữu Xích sinh ra Tỳ thổ ở Hữu Quan.
- Tỳ thổ ở Hữu Quan sinh ra Phế kim ở Hữu Thốn.
- Phế kim ở Hữu Thốn sinh ra Thận thủy ở Tả Xích.
Sự tuần hoàn liên tục vòng quanh ấy không bao giờ đình chỉ có ý nghĩa sinh ra mãi mãi như tình thân “mẫu tử” vậy.

     7.3. Mạch có Ngũ hành tương khắc
Ta để 2 tay ta song song nhau mà tìm hiểu đường mạch thấy rõ sự đối chiếu của 6 bộ mạch có đấu tranh tương khắc hợp với cương nhu tương khắc của Ngũ hành.

Ta nhìn mũi tên chỉ ngang :
- Tả Thốn Tâm hỏa khắc Hữu Thốn Phế kim
- Tả Quan Can mộc khắc Hữu Quan Tỳ thổ.
- Tả Xích Thận thủy khắc Hữu Xích Mệnh môn hỏa.
Sự tương khắc ấy nói rõ ý nghĩa tay trái là dương, có tính cương khắc với tay phải là âm, có tính nhu. Cương thắng nhu như đạo vợ chồng vậy.
Nếu nói đủ cả Ngũ hành tương khắc thì còn kim khắc mộcvà mộc khắc thổ nữa (xem mũi tên chéo góc).

Mạch có tôn ty thượng hạ:

Thốn Quan Mệnh môn
Tâm bào - Tướng hỏa

Tâm
Quân hỏa
Quan Xích


Ta nhìn lên thấy rõ :
-Tâm là “Quân hỏa” ở bộ Thốn tay trái. Ý nghĩa tay trái là Dương. Tâm có địa vị cao ở đầu tay trái là trên. (Quân hỏa : hỏa quân vương).
- Mệnh môn, Tâm bào là “Tướng hỏa” (Tướng hỏa : hỏa tể tướng), ở bộ Xích tay phải. ý nghĩa tay phải là Âm, Mệnh môn tâm bào địa vị thấp ở cuối tay phải là dưới.
Như vậy, Tâm là quân (vua). Mệnh môn-Tâm bào là tướng. Quân và Tướng có đạo “quân thần” thượng hạ vậy.

Ta đọc 3 đoạn văn trên, nhận thấy có “mẫu tử tương sinh”, “phu phụ tương biệt” và “Quân thần thượng hạ”. Biết rằng 3 đoạn văn này cũng không thiết thực cho việc học mạch là bao nhiêu. Nhưng không học, nếu gặp người có ý soi mói hỏi chơi: “Mạch có tam cang là thế nào?”. Có lẽ khí ấy, ngẩng nhìn đối phương để nhận lấy cái cười khinh khi!.

8 .MẠCH CỦA 4 ĐẠI GIA
Sự bố trí 6 tạng, 6 phủ tại 3 bộ mạch ở hai cổ tay của 4 Đại gia khác nhau, mà Trần Tu Viên là người phân định tìm hiểu ý nghĩa như sau:
     8.1.Nội kinh:

 
Người nói: trong hình này, Nội kinh: Hữu thốn để xem mạch Phế, Hung trung (là xem mạch phổi và trong bộ ngực). Tả thốn để xem mạch Tâm, Đản trung (là xem mạch Tim và huyệt Đản trung ngoài bộ ngực). Còn 2 bộ Xích, để xem mạch 2 bộ Thận và Phúc trung (Phúc trung : trong bụng). Xem mạch trong bụng là xem mạch Tiểu trường và Đại trường, cho nên nói Phúc trung không nói Đại tràng, Tiểu tràng.

     8.2.Vương Thúc Hòa:


Trong hình này, Vương Thúc Hòa đặt Đại trường, Tiểu trường ở 2 bộ Thốn có ý nghĩa : Phế với Đại trường là biểu lý, nên đặt Đại trường vào hữu Thốn với Phế. Tâm với Tiểu trường là biểu lý, nên đặt Tiểu trường vào Tả thốn với Tâm.

     8.3.Lý Tần Hồ:

 Trong hình này, Lý Tần Hồ đặt Đại tràng vào Hữu xích, Tiểu trường vào Tả xích có ý nghĩa phân loại “Kim hỏa trên dưới” Phế ở trên là Kim thì Đại trường ở dưới cũng là Kim. Tâm ở trên là Hỏa thì Tiểu trường ở dưới cũng là Hỏa.


     8.4.Trương Cảnh Nhạc:

Trong hình này, Trương Cảnh Nhạc lại đặt Đại trường và Tả xích là có ý nghĩa “Kim thủy tương tòng” - Đại trường thuộc Kim đi với Thận thuộc Thủy.
Đặt Tiểu trường vào Hữu xích là có ý nghĩa : “Hỏa tòng hỏa” -Tiểu trường thuộc Hỏa đi với Mệnh môn (hữu Thận) thuộc Hỏa.
Nói chung: Ý nghĩa bố trí tạng phủ vào 3 bộ mạch của 4 Đại gia đều có ý nghĩa vững chắc. Ta phải tin theo không thể nói là sai lầm. Tuy nhiên, cũng không nên chấp nê mà tin chắc vào một lý thuyết nào của một Đại gia nào. Ta phải tùy nghi xét đoán thêm. Vì việc điều trị cũng có khi không thể hoàn toàn bằng cứ vào mạch (mạch một chiều), còn phải đem bệnh chứng mà tham khảo với các bộ mạch khác nữa cho chu đáo hơn, giả tỷ :
     - Bệnh "Đại trường bí kết" hẳn là Đại trường nhiệt, thì mạch Đại trường “hữu xích” nên thực. Nhưng nay ngược lại, mạch Đại trường hư mà mạch Tiểu trường (tả xích) lại thực, thì bệnh Đại tiện bí kết đó phải là “Phế (hữu thốn) Thận (Mệnh môn hữu xích) đồng bệnh”, chứ đâu hẳn là bệnh ở Đại trường.
     - Bệnh " Tiểu tiện nóng gắt"  hẳn là Tiểu trường nhiệt thì mạch Tiểu trường (tả xích) nên Sác. Nhưng nay ngược lại, mạch Tiểu trường như thường (không Sác), mà mạch Đại trường (hữu xích) lại Sác, thì bệnh tiểu tiện nóng gắt đó phải là Mệnh môn tướng hỏa nóng quá, chứ đâu hẳn là bệnh ở Tiểu trường.
    Nếu cả 2 bệnh ấy mà xem mạch ở hai bộ xích lại như thường thì hẳn là mạch sẽ ứng ở 2 bộ Thốn. Vậy thì nhiệt ở Tâm (tả thốn) chuyển xuống Tiểu trường (tả xích), nhiệt ở Phế (hữu thốn) chuyển xuống Đại tràng (hữu xích) vậy.

     Đó là Trần Tu Viên, người phân định mạch pháp của 4 Đại gia thật rất rõ ràng và đã khải phát ra những pháp lý trong mạch đạo. Như Kim Thủy thượng hạ, Kim Thủy tương tòng, Hỏa tòng Hỏa v.v…Chúng ta học mạch cần phải đọc kỹ.
Chúng ta lại nhìn lên 4 bức hình bố trí tạng phủ ở 2 tay của 4 Đại gia thấy rằng : Tâm phế vẫn đứng đầu ở Thốn, Can Tỳ vẫn ở Quan và 2 Thận vẫn ở Xích không thay đổi. Có thay đổi khác nhau chỉ Lục phủ trên dưới mà thôi, nhưng nhận kỹ ra vẫn có ý tương đồng. Điều đó cần phải ghi nhận.

Tác giả bài viết: Lê Đức Thiếp

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM - 1985

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây