Y MIẾU
- Thứ sáu - 22/11/2013 06:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Y miếu Thăng Long
Y Miếu Thăng Long |
Vào năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận công bắt đầu dựng xây Y Miếu, nhưng còn rất sơ sài. Đến năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), Chưởng viện Thái y Trịnh Đình Ngoạn đứng ra trông coi việc xây dựng Y Miếu với quy mô khá rộng lớn.
Tấm bia của Viện Thái y hiện còn tại chùa Phổ Giác, phố Ngô Sĩ Liên (gần Y Miếu), khắc vào năm Giáp Ngọ (1774) niên hiệu Cảnh Hưng 35 có ghi lại việc chọn đất xây dựng Y Miếu.
Nội dung văn bia nói rõ việc vua lệnh cho Viện Thái y chọn đất, nhận lĩnh tiền xây dựng Y Miếu. Công việc đã có sự lần lữa, chậm trễ, rồi bị bỏ lơi đi một thời gian. Mãi sau có Trịnh Hầu, người xã Định Công huyện Thanh Trì, tinh thông kinh sử nhiều đời làm thuốc và đến ông thì đã nghiên cứu đến nơi đến chốn nhiều bài thuốc tâm đắc của mọi nhà, nên hăng hái đứng ra xây dựng đền miếu.
Thời kỳ ban đầu, Y Miếu còn được gọi là Viện Thái y, sau thì được gọi là Y Miếu Thăng Long. Sang thời Nguyễn, Y Miếu Thăng Long được trùng tu lớn và nằm trong tổng Hữu Nghiêm sau đổi gọi là tổng Yên Hòa huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Từ năm 1942 thì Y Miếu Thăng Long thuộc địa phận Hà Nội. Di tích Y Miếu hiện nay mang biển số nhà 90A phố 224, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.
Y Miếu Thăng Long vừa để thờ vừa là nơi tưởng niệm hai danh y lớn của nước ta, là Tuệ Tĩnh thiền sư và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ngày nay, trong Y Miếu vẫn còn các hoành phi, câu đối ca ngợi sự nghiệp cao đẹp của hai vị danh y Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác, cùng những giá trị sâu sắc của nền Nho y.
Năm 1834, Y Miếu Thăng Long được trùng tu lớn, mở rộng thêm nhiều. Miếu được xây gần như hình vuông, hai lớp nhà ba gian kiểu tường hồi bít đốc, hướng đông nam. Nhà được làm hai tầng mái để tạo sự thông thoáng, mái trên tạo các đầu đao cong mềm mại; chính giữa bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời. Bên trong, có khám thờ Tuệ Tĩnh cùng Lê Hữu Trác. Các gian bên thờ Thần Nông và những danh Nho. Trong những năm Pháp chiếm đóng Hà Nội, Y Miếu Thăng Long không được tu bổ, mà còn bị phá hủy nhiều.
Từ khi Nhà nước giao cho Hội Đông y VN quản lý, Y Miếu lại được trùng tu, làm trụ sở của Hội Y dược VN. Y Miếu ngày nay đã được xếp hạng di tích lịch sử, chỉ còn tổng thể kiến trúc trong diện tích 747 m2. Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, là ngày hội, Y Miếu Thăng Long là nơi tụ hội, giao lưu của những người làm công tác đông y cả nước, và có nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm tỏ lòng ngường mộ các danh y lớn của dân tộc VN.