PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH BS NGUYỄN VĂN HƯỞNG
- Thứ năm - 19/12/2013 18:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
BS Nguyễn Văn Hưởng
BS Nguyễn Văn Hưởng – nguyên bộ trưởng y tế vào những năm 1970 - bị tai biến mạch máu não trong lúc đang công tác; nhờ kết hợp các phương pháp tập luyện cổ truyền và hiện đại với dùng thuốc, bác sĩ đã phục hồi coi như hoàn toàn; sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trên hàng chục ngàn người cao tuổi, người bệnh mạn tính liên tục suốt hơn 20 năm; bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã xây dựng khởi đầu phương pháp dưỡng sinh, Phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng được Bộ y tế cho phép giảng ở các trường đại học, trung học y tế, và đang được nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhân dân tiếp tục nghiên cứu phát triển.
2. VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH BỆNH TẬT VÀ CHỐNG BỆNH TẬT CỦA TÁC GIẢ - BS NGUYỄN-VĂN-HƯỞNG.
BS Nguyễn-Văn Hưởng sanh năm 1906, bị tai biến mạch máu não vào năm 64 tuổi, đang lúc là bộ trưởng bộ y tế; ông đã bị á khẩu, liệt nửa người. Phối hợp với thuốc, bác sĩ đã tự luyện tập để phục hồi, và xây dựng phương pháp dưỡng sinh; năm 1986 ông được phong Anh hùng lao động. Năm 1995 đã tái bản sách phương pháp dưỡng sinh lần thứ 8. Tháng 9 năm 1996 được trao giải thưởng Hồ chí Minh cao quí. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng mất ngày 06 tháng 8 năm 1998.
Bác sĩ đã để lại cho hậu thế một phương pháp dưỡng sinh được nhiều nhà nghiên cứu coi là hoàn chỉnh; Phương pháp đã đề cập từ vấn đề tập luyện để khí huyết lưu thông, đến cách ăn uống cho hợp lý, đến thái độ tâm thần trong cuộc sống, đến vệ sinh, nghỉ ngơi … thể hiện được sự kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn y học cổ truyền và y học hiện đại; đã kế thừa những tinh hoa phương pháp tập luyện của nước bạn, của người xưa, đồng thời kết hợp với những kiến thức y học hiện đại; xây dựng thành công một PPDS mang tính khoa học, dân tộc và đại chúng.
3. VÀI PHƯƠNG PHÁP TẬP LUYỆN ĐỂ BẢO VỆ SỨC KHỎE VÀ CHỐNG BỆNH TẬT TRÊN THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC.
Vài phương pháp tập luyện để bảo vệ sức khỏe và chống bệnh tật nổi tiếng trên thế giới như Yoga ở Ấn độ; Khí công, Thái cực quyền ở Trung quốc; Thể dục thể thao, điền kinh, aerobic của Châu âu, Châu Mỹ; các môn võ thuật Judo, Aikido,... Trong nước cũng có các môn trên du nhập từ lâu; ở nước ta, cách đây hàng trăm năm đã có những nhà dưỡng sinh tiền phong như Tuệ Tĩnh, Hải thượng Lãn Ong; và hiện nay đã xuất hiện nhiều nhà dưỡng sinh cả nước biết đến như BS Nguyễn Khắc Viện, GS Tô Như Khuê, GS Ngô Gia Hy, GS Đỗ Đình Hồ.
4. ĐỊNH NGHĨA SỨC KHỎE.
Tháng 9 năm 1978, tại Alma Ata, thủ đô của nước Cadắcstan, Tổ chức y tế thế giới (OMS) với sự tham gia của 134 nước, 67 tổ chức quốc tế, đã thông qua định nghĩa: Sức khỏe là tình trạng sảng khoái toàn diện, về thể xác, tinh thần và xã hội; không chỉ là không có bệnh và tật.
Định nghĩa này cho thấy sức khỏe không những liên quan đến y tế mà còn liên quan đến yếu tố Văn Hóa, nhân sinh quan, thái độ tâm lý, sự rèn luyện cá nhân, điều kiện xã hội …
5. ĐỊNH NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA PPDS.
Phương pháp dưỡng sinh là một phương pháp tự luyện tập gồm có 4 mục đích:
-Bồi dưỡng sức khỏe.
-Phòng bệnh.
-Từng bước chữa bệnh mạn tính.
-Tiến tới sống lâu và sống có ích.
Bốn mục đích này quan hệ hữu cơ với nhau.
Sức khỏe được tăng lên thì phòng bệnh tốt hơn.
Ít bị thêm bệnh nữa, mà sức lại tăng lên, đồng thời có phối hợp với thuốc khi cần thiết thì bệnh mạn tính từng bước sẽ được đẩy lùi;
Từ đó có nhiều khả năng sống lâu, sống có ích hơn.
6. BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG TRONG VIỆC CHỐNG BỆNH MẠN TÍNH.
Bệnh mạn tính là những bệnh khó chữa khỏi; Ngưng thuốc thì bệnh sẽ tái phát và ngày càng nặng hơn; thí dụ như cao huyết áp, viêm đa khớp, hội chứng dạ dày tá tràng, suyễn, tiểu đường, …
Do đó thời gian chữa bệnh thường lâu dài; đòi hỏi phải có sự hợp lực giữa các thành viên liên quan đến bệnh nhân: lực lượng thầy thuốc, bệnh viện giữ vai trò hướng dẫn, giải thích cho bệnh nhân hiểu nguyên nhân bệnh, cách dùng thuốc, cách ăn uống, cách luyện tập, cách kiêng cữ … ; Thân nhân, bạn bè, cơ quan giữ vai trò hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thời gian, tiền bạc, tinh thần; Còn bệnh nhân giữ vai trò quyết định, phải tự mình kiêng cữ, luyện tập, dùng thuốc, ăn uống đúng cách.
7. GIẢI THÍCH CÂU THƠ CỦA TUỆ-TĨNH, NỘI DUNG CỦA PPDS:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
Bế tinh
Tinh có hai nghĩa; nghĩa thứ nhất là tinh hoa của thức ăn; y học cổ truyền gọi là tinh hậu thiên do thức ăn cung cấp qua tỳ vị.
Nghĩa thứ hai là tinh sinh dục, tinh tiên thiên do cha mẹ truyền cho, tàng trữ ở thận, và không ngừng được bổ sung bởi tinh hậu thiên.
Bế tinh theo nghĩa đen có nghĩa là đóng lại, không cho xuất tinh. Điều này chỉ áp dụng cho một số nhà tu hành thoát tục.
Ta nên hiểu là giữ gìn tinh sinh dục; tránh phóng túng, lạm dụng.
Dưỡng khí
Khí là nguồn gốc, là động lực của mọi hoạt động của cơ thể.
Khí có hai nguồn gốc: Khí trời (trong đó có dưỡng khí) qua tạng Phế vào cơ thể kết hợp với tinh hoa của thức ăn ở Tỳ Vị để thành Khí hậu thiên, từ đó lưu thông đến các tạng phủ khác và là động lực để các tạng phủ hoạt động; Khí tiên thiên do cha mẹ truyền cho, tàng tại Thận, và không ngừng được bổ sung bởi khí hậu thiên.
Dưỡng khí là luyện thở, và hít thở khí trong sạch; cũng còn có nghĩa là khéo léo gìn giữ và bồi dưỡng khí lực của mình.
Tồn thần
Thần do Tinh của cha và mẹ phối hợp, tác động qua lại với nhau mà thành.
Thần là hình thức năng lượng cao cấp mà các động vật cũng có, nhưng mức cao nhất chỉ có ở con người, do bộ thần kinh tạo ra. Nhờ nó mà con người biết tư duy, có ý chí, có tình cảm, có khoa học và nghệ thuật..
Theo y học cổ truyền Tâm là cơ quan quân chủ, thần minh từ đó mà sinh ra. Tâm tàng thần.
Năm tạng sáu phủ, tâm đứng làm chủ, quân chủ có minh (huyết mạch chạy đều) thời mười hai cơ quan đều điều hòa không rối loạn..., theo lẽ đó dưỡng sinh thời lo gì không sống lâu.
Tinh-Khí-Thần là biểu hiện quá trình chuyển hóa vật chất (tinh thức ăn, huyết, tinh sinh dục) thành năng lượng (khí) mà hình thức cao nhất là thần, thần trở lại điều khiển khí và tinh, toàn bộ cơ thể.
Khí lực cũng giúp thức ăn được tiêu hóa biến thành tinh hoa dinh dưỡng, huyết và tinh sinh dục. Sự chuyển hóa này xảy ra trong cơ thể một cách liên tục, nếu có rối loạn thì sẽ sinh bệnh, nếu ngưng lại thì chết. Luyện khí sẽ giúp cho quá trình chuyển hóa tinh biến thành khí, khí biến thành thần được tốt đẹp thêm. Tinh đầy đủ, khí dồi dào, thần mới có cơ sở để vững mạnh.
Tồn thần là giữ gìn tinh thần, tránh hao tổn. Muốn thế phải thanh tâm, qủa dục, thủ chân.
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
- Thanh tâm là giữ cho lòng trong sạch. Cách tốt nhất là không vi phạm những quy định của pháp luật và những quy ước xã hội về các mối quan hệ giữa người với người
- Qủa dục là hạn chế lòng ham muốn qúa đáng. Những ước muốn chính đáng như nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; học thêm một kỹ năng mới; giúp được người khác mà vô vụ lợi … vẫn luôn là động lực cao đẹp giúp con người ngày càng hoàn thiện.
- Thủ chân là giữ gìn chân khí; cũng có thể hiểu thêm một nghĩa nữa là giữ gìn chân lý, lẽ phải.
- Luyện hình là luyện tập thân thể, làm khí huyết lưu thông, gân cốt mạnh mẽ, cơ khớp linh hoạt …
8. ĐIỀU KIỆN ĐỂ TIẾP THU VÀ ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP CHO CÓ KẾT QỦA.
Điều kiện để tiếp thu và áp dụng phương pháp cho có kết qủa là: Quyết tâm, kiên trì, và liên tục áp dụng phương pháp một cách chính xác, biện chứng, và sáng tạo. Phương pháp dưỡng sinh khi tập đúng rất mau có hiệu quả. Thí dụ bài tập thư giãn có tác dụng nhanh chóng chống căng thẳng, bảo vệ hoạt động của hệ thần kinh trung ương; Bài tập khí công làm khí huyết lưu thông gây ấm áp cơ thể, xoa bóp nội tạng, chống ứ trệ, táo bón do giảm trương lực cơ …
9.ĐỘNG TÁC DƯỠNG SINH CƠ BẢN:
9.1.Động tác THƯ GIÃN
H1: THƯ GIÃN |
Cách làm:
TƯ THẾ: Nằm che mắt, nơi yên tĩnh
Bước 1: Ưc chế ngũ quan
Bước 2: Tự nhủ cho cơ mềm ra, giãn ra; từng nhóm cơ, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Toàn thân nặng xuống ấm lên.
Bước 3: Theo dõi hơi thở 10 lần, thở thật êm, nhẹ, đều, nông.
TÁC DỤNG: - Luyện qúa trình ức chế của hệ thần kinh, luyện nghỉ ngơi chủ động.
CHỈ ĐỊNH: Trạng thái căng thẳng thần kinh, cơ bắp; Các hội chứng tâm thể; Mất ngủ; Các bệnh ngoại cảm, nội thương cần nghỉ ngơi.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH: - Hôn mê, rối loạn ý thức.
9.2. Động tác THỞ 4 THỜI CÓ KÊ MÔNG VÀ GIƠ CHÂN
H2: THỞ 4 THỜI CÓ KÊ MÔNG VÀ GIƠ CHÂN |
Cách làm:
TƯ THẾ: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5-8 cm vừa sức, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.
Thời 1: Hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng (3”- 6”); (Hít ngực bụng nở).
Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ một chân giao động qua lại 4 cái, rồi hạ chân. (3”-6”); (Giữ hơi hít thêm).
Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống, không kềm không thúc. (3”-6”) (Thở không kềm thúc)
Thời 4: Thư giãn chân tay mềm giãn. (3”-6”); (Nghỉ nặng ấm thân) chuẩn bị trở lại thời một, hít vào.
TÁC DỤNG: Luyện tổng hợp hô hấp, tuần hoàn và thần kinh; chủ yếu là luyện sự cân bằng hai qúa trình hưng phấn và ức chế.
CHỈ ĐỊNH: Căng thẳng TK, Hội chứng tâm thể; Các chứng ứ trệ ở tạng phủ.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH: Bệnh bệnh tâm thần nặng, bệnh cấp cứu.
9.3. Động tác XEM XA, XEM GẦN
H3: XEM XA- XEM GẦN |
Cách làm:
TƯ THẾ: Ngồi hoa sen, hai bàn tay đan vào nhau và để trước bụng dưới, mắt nhìn vào ngón tay.
- Đưa hai tay lên trời mắt vẫn nhìn vào một điểm cố định của bàn tay, đồng thời hít vào tối đa; giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời giao động thân qua lại từ 2-6 cái, thở ra triệt để, hạ tay xuống trước bụng, mắt vẫn nhìn theo tay; nghỉ. Làm như vậy 1-3 lần.
TÁC DỤNG: Luyện mắt và các khớp chi trên, tập vùng lưng trên.
CHỈ ĐỊNH: Yếu liệt chi trên, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH: Bong gân, sai khớp, viêm khớp giai đoạn cấp./.