Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


TÌM HIỂU ĐỊA DANH: SÔNG CÁI - PHÚ YÊN

.

.

PHÚC TÂM ĐƯỜNG xin giới thiệu đến các bạn một tác phẩm của Thầy Nguyễn Đình Chúc đã dày công tìm hiểu và nghiên cứu địa danh vùng đất " Xứ Nẫu" qua tục ngữ, ca dao:
Nước sông Ba chảy ra sông Cái
Anh có vợ rồi de gái làm chi !
Anh về rước vợ mau đi
Kẻo chỉ trở dạ e khi bị đòn.

Em ra sông Cái em nhào
Nghĩa nhơn để lại biết vào tay ai !


 
     Sông Cái còn gọi là sông Kỳ Lộ - sông La Hiên ở thượng nguồn, con sông lớn thứ hai trong tỉnh, phát nguyên từ dãy núi cao trên 1000m ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai và Tây Nam tỉnh Bình Định. Đoạn ở ngoài tỉnh, sông chảy theo hướng gần như Bắc Nam qua vùng núi cao hiểm trở, lòng sông hẹp, độ dốc 3%. Ở đoạn này sông nhận thêm nước của các nhánh chính Tiovan, Cà Tơn, Trà Bương ở bên phải và nước Khe Cách, suối Gấm, suối Cát, suối Mun, suối Đập,..v.v..ở bên trái. Từ Xuân Quang đến biển, sông chảy theo hướng Tây Đông, song cũng có đoạn ngắn chuyển hướng khác nhau. Dòng sông từ Hà Bằng đến Mỹ Long chuyển hướng về Đông Nam. Từ quốc lộ 1A, dòng sông chuyển hướng Đông Bắc và chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy ra vịnh Xuân Đài, còn nhánh chính khi đến làng Ngân sơn chia làm hai đưa nước vào đầm Ô Loan và nhánh kia qua làng Hội Phú lại chia hai nhánh nữa, đổ ra biển bằng cửa Bình Ba qua vịnh Xuân Đài.


Sông Cái ( theo bản đồ của Google map)
 
     Sông Cái có chiều dài 102Km, nhưng chỉ chảy trong vùng đất của tỉnh vào khoảng 76km. Diện tích lưu vực sông rộng 1950km2, phần chảy trong tỉnh chỉ rộng 1560km2. Hằng năm lượng nước đổ ra biển khoảng một tỷ rưỡi mét khối. Trữ lượng điện năng khoảng 160.000KW. Trên sông đã có các công trình thủy lợi, nhiều đập chắn nước đưa nước vào ruộng như đập Hòn Cao, đập Triêm Đức, đập Cây Vừng, hồ Phú Hòa và theo qui hoạch còn nhiều vị trí khác có thể xây dựng các công trình thủy lợi khác. Lòng sông Cái rộng, mùa nước lớn ghe thuyền có thể đến Cà Lố ( Kỳ Lộ ngày nay).
Hai bên bờ sông ruộng đồng xanh tốt nhờ phù sa bồi đắp lâu đời. Núi Trường Sơn chạy sát biển, nên vùng Đồng Xuân còn nhiều con suối thêm nước cho dòng sông như suối Cà Tơn, suối Trà Bương, suối Cay, suối Đông Cô ( Tà Hô) bên hữu ngạn và suối Hải Tim bên tả ngạn, lóng sông mở rộng độ dốc giảm chỉ còn một phần ngàn. Sông Cái khi ngang qua nơi nào thì được lấy tên vùng đó gắn cho sông như Kỳ Lộ, cây Dừa, La Hai.v.v..Từ đầu thượng nguồn đến xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân sông Cái còn có tên là sông La Hiên vì sông chảy dưới chân núi này – Núi La Hiên cao hơn 1318m, quanh năm mây che đầu núi, là căn cứ và sào huyệt của Võ Trứ, Nguyễn Hào Sự và phong trào Cần Vương, Cách mạng.
     Từ Phú Giang đến cầu sắt La Hai, sông Cái có tên là sông Kỳ Lộ, hai bên bờ sông là núi cao, lòng sông hẹp có nhiều ghềnh. Mùa nước lũ ghe có thể đi lại được. Đây là đoạn sông mà trước kia dân chúng dùng thuyền độc mộc để đi vào các buôn của người dân tộc ở vùng này.
     Sông Kỳ Lộ đi qua thung lũng Xuân Phước, Xuân Quang để lại phù sa hai bên tạo ra một màu xanh bát ngát của mía, lúa, bắp...Vùng đất có nhiều làng, dân cư qui tụ đông đúc, sông nước hữu tình mà câu ca dao còn ghi nhớ :
Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp
Nước Kỳ Lộ vừa mát vừa trong
Thuyền em bơi giữa dòng sông
Tìm anh cho thỏa tấm lòng nhớ thương.
     Sông Kỳ Lộ khi ngang qua làng Triêm Đức thì lòng sông mở rộng ra, thoáng đãng hơn, con nước lững lờ. Ở vùng này có nhiều bến đò và những chuyến đò ngang, dân thường qua lại, trong số ấy có bến Bà Bang, câu hò còn vang vọng :
Chèo đò đến bến Bà Bang
Đến đền Bà Sứ em than đôi lời !
     Đến thị trấn La Hai, sông Cái còn có phụ lưu nữa là sông Con, phát nguyên từ Vân Canh chảy theo hướng Bắc Nam, men theo tỉnh lộ 6 và dọc theo đường sắt. Hai bên dòng sông đất đai màu mỡ, đồng lúa tốt tươi, gái trai tình tứ nhất vùng :
Nhất gái La Hai
Nhì trai Phường Lụa



Đua thuyền trên Sông Cái ( ảnh Lê Minh)
 
     Sông Cái ích lợi nhiều không những cho nông ngư nghiệp của địa phương mà còn hỗ trợ cho việc giao thông giữa vùng cao và hạ lưu để trao đổi hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Không những thế, vào mùa nước lớn, những bè gỗ tre nứa và củi đốt từ rừng sâu cũng được đưa về với vùng hạ lưu sông Cái.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Chúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây