TÌM HIỂU ĐỊA DANH: VÂN HÒA - CHỢ ĐỒN - PHÚ YÊN
- Thứ tư - 02/07/2014 23:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
Chợ Đồn mỗi tháng chín phiên
Gặp nhau chi nữa để phiền cho nhau
Người về khuất nẻo Sống Trâu
Để em thui thủi Dốc Lau một mình
Chợ Đồn phiên họp người đông
Thấy thơm, thấy mít sao không không thấy nàng
Dốc lòng lặn lội xa đàng
Hỏi ai, ai biết muôn vàn biết ơn.
Thôn Vân Hòa tân lập, trước là phường Vân Khương thuộc tổng Trung huyện Đồng Xuân (1808). Đông giáp hai thôn Mỹ An và Sơn Triều ( tổng Trung huyện Đồng Xuân), Tây giáp thôn Lương Sơn tân lập, Nam giáp phường An Sơn và thôn Định An ( tổng Hạ huyện Đồng Xuân), Bắc giáp hai thôn Định An Đông và Định An Tây ( tổng Hạ huyện Đồng Xuân). Ngày nay là xã Sơn Long huyện Sơn Hòa. Đông giáp xã An Thọ huyện Tuy An, Tây giáp thôn Phong Hậu ( Phong Cao, Quán Lê) xã Sơn Long, Nam giáp thôn Đá Bàn xã Sơn Xuân, Bắc giáp xã An Xuân huyện Tuy An.Gặp nhau chi nữa để phiền cho nhau
Người về khuất nẻo Sống Trâu
Để em thui thủi Dốc Lau một mình
Chợ Đồn phiên họp người đông
Thấy thơm, thấy mít sao không không thấy nàng
Dốc lòng lặn lội xa đàng
Hỏi ai, ai biết muôn vàn biết ơn.
Cao nguyên Sơn Hòa bao gồm các xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định, An Xuân. Độ cao hơn 400m nằm trên tỉnh lộ số 6 Hòa Đa đi Tân Lương, Trà Kê. Vân Hòa đông dân ở Chợ Đồn, dân chúng tập trung quanh chợ và rải rác trong vùng sâu, trên những triền dốc thoai thoải. Ngày xưa thổ sản chính là thơm, mít trồng xung quanh vườn trên các sườn núi. Thổ nghi hợp với cây này. Giống mít có tàn lá sum sê phủ kín núi đồi, dưới gốc mít thì trồng thơm. Thơm Chợ Đồn trái không lớn nhưng tròn, mắt lớn, ruột màu hồng không tái nên nổi tiếng. Những năm 1960 về trước, vườn ở Vân Hòa, Phong Cao, Lương Sơn đến thời vụ các nới đi ngựa, xe gánh gồng về mua thơm, mít, trái đỏ rất tấp nập.
Cao nguyên Vân Hòa
Phần tư thế kỷ qua, dân đổ công vào việc tái thiết lại xóm làng. Vẻ đẹp ngày mỗi tăng dần, xóm làng trở nên trù phú, nhà cửa khang trang. Núi rừng đất đai màu mỡ nên dân chúng tụ về nhiều và mức sống ngày một nâng cao.
Gần đây nông trường cà phê phát triển nên xây dựng nhiều hồ chứa nước như hồ Vân Hòa, hồ Suối phèn. Hồ Vân Hòa tại xã Sơn Long xây năm 1987 có sức chứa 800.000m3, rộng khoảng 37 mẫu tây, trước kia là ruộng của dân ăn nước mạch. Nhờ mạch nước của dãy núi chung quanh chảy đến mà hồ quanh năm không cạn kiệt, khác Vân Hòa trước đây chỉ có mấy lạch nước ở ruộng cầu và suối ông Năm. Hồ Suối Phèn tại xã Sơn Long dùng nguồn nước suối Phèn sức chứa 513.000m3 tưới cho nông trường cà phê Vân Hòa ở thôn Suối Phèn. Hoa cà phê nở trắng trên các triền đồi quanh hồ theo mùa vụ. Thu hoạch cà phê có kết quả nên dân theo đó trồng mỗi hộ một vài mẫu tây.
Chợ Đồn nổi tiếng vùng ba xã. Thời thuộc Pháp có xây dựng một cái đồn gần chợ nên mang tên Chợ Đồn. Ngày trước chợ Đồn cách ngã ba chừng 100m, mặt bằng khu chợ khá rộng có phố xá người Việt, người Minh Hương mua bán quanh chợ. Mỗi tháng họp chợ 9 phiên, phiên chợ là nơi trao dổi hải sản, lâm sản, thổ sản giữa miền biển và miền núi nên rất đông đúc. Ngày chiến tranh ác liệt dân chúng ly tán, chợ Đồn hoang vắng điêu tàn. Hòa bình lập lại, đường An mỹ ( Hòa Đa) – Vân Hòa mở rộng, xe cộ thông thương, ngã ba giữa hai trục lộ không nhằm vào địa điểm khu vực chợ cũ. Hiện nay chợ họp thường ngày vào buổi chiều, từ lúc các chuyến xe đò ở thị xã Tuy Hòa lên mang theo nhiều loại hàng hóa vật dụng, nông lâm hải sản và mua về các thổ sản địa phương như đậu, mè , bắp, thuốc lá, đường, mật ong và các lâm đặc sản quý giá.
Vân Hòa ngày nay phát triển toàn diện, cuộc sống vật chất và tinh thần ngày một hơn lên vậy mà câu chuyện phụ tử sau đây vẫn còn truyền tụng. Chuyện kể rằng ngày xưa khi người Kinh mới định cư ở đây bị con thuồng luồng quấy phá. Sau phải nhờ cha con người Thượng là ông Chăm Mùng trừ khử. Dân làng nhớ ơn ông nên mỗi lần cúng đất đều có một mâm cơm riêng vái phụ tử Chăm Mùng.
Ở chợ Đồn Vân Hòa còn có giống trùn khoang dài khoảng từ 0,5m, có con dài đến 1,2m, to bằng ngón tay, đến mùa mưa đục đất bò lên vườn. Lời tục cho rằng đó là thân xác thuồng luồng hóa thành vì nó chỉ xuất hiện ở vùng chợ Đồn. Xóm Bình Điền cách đó một đồng ruộng lại không có con này.