Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


TÌM HIỂU ĐỊA DANH: VŨNG LẮM - PHÚ YÊN

.

.

PHÚC TÂM ĐƯỜNG xin giới thiệu đến các bạn một tác phẩm của Thầy Nguyễn Đình Chúc đã dày công tìm hiểu và nghiên cứu địa danh vùng đất " Xứ Nẫu" qua tục ngữ, ca dao: Ngó ra Vũng Lắm Sông Cầu/ Cù lao Ông Xá đứng hầu ngoài khơi.

     Vũng Lắm tục danh là Ao Xóm Lưới, thuộc thôn Tân Thạnh xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu. Phía Đông cửa thông ra biển, phía Tây giáp thôn Triều Sơn có đường thiên lý ngang qua, diện tích Triều Sơn chỉ có 6,2 mẫu, phía Nam giáp Gành Đỏ, phía Bắc giáp thôn Phương Lưu và dãy núi cao chạy doi ra biển. Vũng Lắm cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35 km, Vũng Lắm nhiều khi đọc thành Vũng Lấm, còn gọi là "  Lâm Úc " ( Đại Nam thực lục tiền biên). Theo sự giải thích của dân địa phương thì vũng này chạy quanh bờ gần sát đất liền nên đều là đất bùn chứ không phải như các bờ biển nơi khác đều là cát trắng. Vũng Lắm theo cách giải thích này có phần đúng.


Vũng Lắm
 
     Vũng Lắm còn là một quân cảng, thương cảng nữa. Thời kỳ chiến tranh giữa hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh, vịnh Xuân Đài thường xảy ra những trận đánh ác liệt, Vũng Lắm là quân cảng nên thủy binh tham dự các trận chiến sẽ quyết định sự thắng lợi.
     Thời kỳ Cần Vương, Văn Thân lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, vịnh Xuân Đài đã xảy ra trận giao tranh giữa lực lượng Văn Thân do Bùi Giáng chỉ huy với quân Pháp do Cheveux Tirant và Trần Bá Lộc chỉ huy, Bùi Giáng bị thất bại rút quân vào cố thủ ở Vũng Lắm. Ở thời kỳ này, Hoa kiều Ngô Kiêm Ký quê Vũng Lắm đã mua vũ khí từ Trung Hoa để tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp. Ông đã bị Pháp xử tử cùng với lãnh tụ Lê Thành Phương năm 1887. Cửa Vũng Lắm cách đây gần hai thế kỷ kéo dài từ mũi Hòn Đồn sang Tân Định ( Tân Thạnh ngày nay) rộng 318 trượng (1) thủy triều lên mực nước sâu 1 trượng 5 thước, tàu bè cập bến Phú Vĩnh dễ dàng. Từ Vũng Lắm nhìn ra, Phú Vĩnh giống như con rồng hướng đầu ra biển, ngày nay ở Phú Vĩnh còn vết tích những bờ thành, những ngôi mộ cổ của người Trung Hoa và dấu vết những băng đá là nền đặt súng thần công. Trường bia là nơi tập bắn nằm cạnh Hòn Bồ của quân đội triều nguyễn thời Tự Đức chống Pháp xâm lược bảo vệ Vũng Lắm – Sông Cầu. Năm 1989, nhân dân đã phát hiện ba súng thần công ở đây và được đưa về nhà Bảo tàng huyện lưu giữ.

Vũng Lắm ( từ Đèo Gành Đỏ nhìn xuống)
 
     Ngư nghiệp ở Vũng Lắm không mấy phát đạt vì ngư dân dùng ghe chèo, đánh bắt cá quanh năm trong vũng, hải sản đặc biệt nơi đây là con ruốc. Đứng ở Vũng Lắm nhìn ra biển Đông thì phía Bắc có hòn Mù U, phía Nam có hòn Đen rồi hòn cù lao Ông Xá và xa hơn nữa là những cụm núi liên kết nhau tạo thành nhiều vũng nữa : Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Me... là những cảnh quang đẹp gắn bó với lòng người.
Năm 1887, Tòa công sứ Pháp đặt tại Vũng Lắm, đến năm1889 mới dời ra Sông Cầu. Tại Vũng Lắm, vào năm 1832 ( Nhâm Thìn), Minh Mạng năm thứ 13, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ do Edmund Roberts dẫn đầu đã vào Vũng Lắm, vua Minh Mạng cử Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức, đến hội với quan Tuần vũ Phú Yên lên thuyền thiết tiệc và hỏi  ý  họ đến là muốn gì ? Phái đoàn Mỹ chỉ giao hảo thông thường mà thôi. Nhưng sau vì quan điểm có nhiều chỗ bất đồng nên phái đoàn Mỹ đã rời Vũng Lắm đi Thái Lan.
     Nhân vật nổi tiếng quê ở Vũng Lắm có ông Đào Trí ở làng Tân Thạnh, tổng Xuân Đài, huyện Đồng Xuân nay là thôn Tân Thạnh xã Xuân Thọ 2 huyện Sông Cầu. Xuất thân trong một gia đình ngư dân nghèo nhưng  tư chất thông minh, ông gia nhập đội tải lương từ Gia Định ra đến Huế, lập được nhiều công lao trong việc đánh giặc Tàu Ô, giặc Tạ Văn Phụng, dẹp loạn Đá Vách và đóng góp công trong buổi đầu chống Pháp xâm lăng. Với tài trí sẵn có, ông Đào Trí được thăng thưởng nhanh chóng, từ chức Phó Quản cơ được lên Phó Vệ úy rồi Đô Chỉ huy sứ.
     Năm 1859 ( Kỷ Mùi) , quân Pháp đánh đồn Hải Châu, bị hai ông Đào Trí và Tôn Thất Hàn đẩy lùi. Vua Tự Đức vào năm 1862 đã thăng chức và giao cho ông Đào Trí, Tổng đốc Quãng Ngãi sung Kinh lược đại thần, thiết lập hệ thống phòng thủ từ Quãng Nam đến Bình Thuận. Sau 3 năm trận mạc toàn thắng, Đào Trí được thăng Thống chế Tham tán Hải an quân vụ. Vua Tự Đức lại thăng ông làm Tổng Đốc Nam Ngãi Bình Phú.
     Về sau, nhân dân Quãng Nam Đà Nẵng và nhiều thủ lĩnh khác của triều đình liên tục thất bại nặng nề phải bỏ Đà Nẵng chạy vào Gia Định. Khi triều đình Huế đầu hàng, thì Đào Trí vẫn tiếp tục cầm quân chống lại thực dân Pháp ở Bình Thuận. Dưới sức ép của thực dân Pháp, triều đình Huế xử Đào Trí về tội chống lệnh, vua Tự Đức triệu hồi và hạ chiếu hồi hương an nghỉ tuổi già. Ông về hưu và lập chùa Lăng Nghiêm, hưởng thọ 80 tuổi, mộ chôn ở làng Tân Thạnh. Có nhiều câu thơ dân gian ca ngợi tài ba của ông như :
Tài võ trí dũng tuyệt vời
Văn chương lại cũng một người thâm uyên
Song toàn chẳng kém Trạng nguyên
Tướng quân Đào Trí lưu truyền muôn thu.

 
     Ngoài Vũng Lắm còn có Cù Lao Ông Xá thuộc thôn Tân Thạnh xã Xuân Thọ huyện Sông Cầu gần núi Gành Đỏ, chỉ cách đất liền chừng trăm mét. Hòn Cù Lao có hình dáng một con sấu khổng lồ nằm bất động, đuôi hướng về phía Bắc Gành Đỏ, đầu hướng ra biển Đông. Trên lưng bằng có đoạn hơi thõng xuống, đầu nhô cao, chung quanh hòn đảo là một gành đá lởm chởm, một vài chỗ ở phía Nam ghe nhỏ có thể ghé vào đậu  được.

     Truyền thuyết kể rằng : Thuở xưa, từ núi Gành Đỏ ra mỏm đuôi của hòn Cù Lao có một luồng đất tựa như cái bờ chắn ngang. Lúc bấy giờ có một con cá khổng lồ từ biển khơi vượt vào đấy, bị cản trở, tức giận đập đuôi quấy nước, nước lên cao, sóng réo ầm ầm. Bờ chắn sụt lở gần hết, chỉ còn lại ở hai mỏm núi, người ta gọi đấy là bờ ngăn «  Cá Vượt ». Rồi từ đó cá quay ra biển đông, không bao giờ trở lại. Ở đây còn có huyền thoại dấu chân Cao Biền ở ghềnh Cây Sung nữa.


Gành đỏ - Xuân Thọ 2 - Sông Cầu
 
     Gành Đỏ, cuộc sống phát triển nhanh chóng vì thuận lợi trong việc buôn bán dọc đường quốc lộ và nước mắm là đặc sản vùng này, của Sông Cầu và cả của Phú Yên nữa. Ngày nay, Vũng Lắm nằm trong Xuân Thọ, phát triển về mọi mặt, với diện tích toàn xã 90km2 mà có đến 450ha mía với nghề kết tinh đường, hàng trăm hecta đìa nuôi tôm sú, tôm hùm, cua xanh, trồng rau câu... Có đến 23 hồ nuôi tôm giống. Ngoài ra còn có nghề chế biến tinh bột sắn với sản lượng 400 đến 500 tấn/năm. Giao thông thuận tiện từ ven biển đến đồng bằng và lên miền núi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Chúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây