A GIAO
- Thứ ba - 08/07/2014 11:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
A giao
Da Lừa cạo bỏ lông, nấu và cô đặc thành keo gọi là A giao.
A giao ( Colla asini, Gelatinium Asini, Gelatina nugra) là keo chế từ da con lừa ( Equus asinus L.) thuộc ngành động vật có xương sống ( Vertebrata), lớp có vú ( Mammalia), bộ Guốc lẻ ( Perissdactyla), họ Ngựa ( Equidae).
Da Lừa cạo bỏ lông, nấu và cô đặc thành keo gọi là A giao.
A giao là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Còn có tên là A giao châu, Minh giao.
Tính vị qui kinh:
Vị ngọt, tính bình, qui kinh Phế Can Thận.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: vị ngọt, tính bình.
- Sách Danh y biệt lục: hơi ôn, không độc.
- Sách Y học khởi nguyên: tính bình vị nhạt.
Về qui kinh:
- Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ thái âm, túc thiếu âm, phế kinh và can thận nhị tạng.
- Sách Bản thảo hội ngôn: nhập thủ thiếu âm, túc thiếu âm, quyết âm kinh.
Thành phần chủ yếu:
Amino acids, inlucding lysine, arginine, histadine, glycine, cystine.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
A giao có tác dụng bổ huyết, chỉ huyết tư âm nhuận táo.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " chủ tâm phúc nội băng. lưng bụng đau, chân tay đau mỏi, con gái ra huyết, an thai uống lâu ích khí nhẹ người".
- Sách Danh y biệt lục: "chủ trị đàn ông bụng dưới đau, hư lao gầy mòn, âm khí bất túc, chân tay mỏi không đứng lâu được, dưỡng can khí".
- Sách Dược tính bản thảo: " làm mạnh gân cốt, ích khí chỉ lî".
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị tất cả các chứng phong . thổ huyết, trường phong, huyết lỵ, băng trung đới hạ".
- Sách Thang dịch bản thảo: " A giao ích phế khí, phế hư tổn nặng, ho ra máu mủ, phải dùng A giao".
- Sách Bản thảo cương mục ( quyển 50) nói về A giao: " trị nữ nhân huyết thống, huyết khô, kinh nguyệt không đều, không có con, băng trung đới hạ, các chứng thai tiền sản hậu. ung thư thũng độc".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng bổ huyết: trên súc vật thí nghiệm, thuốc có tác dụng bổ huyết rõ, thuốc làm tăng lượng hồng cầu và huyết sắc tố ( Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược do nhà xuất bản Khoa học xuất bản 1965, trang 305). Tác giả nhận xét có thể là do A giao có nhiều acid amin, có tác dụng dinh dưỡng, cải thiện sự hoạt động của cơ thể trong đó có chức năng tạo máu. Theo công trình nghiên cứu của T.G.Ni ( Báo Chinese Journ. Physiol. 1935 - 1936) làm thực nghiệm trên chó gây thiếu máu, thuốc cũng có tác dụng làm tăng lượng hồng cầu và huyết sắc tố.
- Thuốc có tác dụng làm tăng huyết áp, chống choáng do mất máu ( trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược xuất bản 1965, tr.305)
- A giao có tác dụng phòng trị chứng loạn dưỡng cơ tiến triển, có tác dụng tăng sự hấp thu calci, giữ sự cân bằng calci trong máu. Muối calci có tác dụng giảm tính thấm của mao mạch, chống viêm tiêu phù và chống dị ứng.
- Tác dụng cầm máu: có thể do tác dụng tăng Calci máu, giữ được sự cân bằng của calci ( Trích văn kiện Trung dược xuất bản 1965, tr.304) nhưng với chảy máu nhẹ, không có tác dụng đối với chảy máu nặng.
- A giao có tác dụng chuyển dạng Lympho bào đối với người khỏe.
- Cho chó uống A giao làm cho calci huyết thanh tăng trên 10% nhưng thời gian máu đông không thay đổi. Nếu tiêm vào dung dịch 5% A giao đã tiệt trùng thì khả năng đông máu tăng.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị các chứng âm hư xuất huyết như lao phổi, ho ra máu, dãn phế quản đàm có máu: dùng bài:
- Bổ phế A giao thang ( Tiểu nhi dược chứng trực quyết): A giao 12g ( hòa tan), Mã đầu linh 8g, Ngưu bàng tử 8g, Hạnh nhân 8g, Cam thảo 4g, Gạo nếp 12g sắc uống.
- Trị lao phổi: ho ra máu dùng A giao tán bột mịn, mỗi lần uống 20 - 30g, ngày 2 - 3 lần với nước sôi ấm hoặc sắc nấu thành hồ uống. Trường hợp ho ra nhiều máu không cầm, cho tiêm Pituitrin 5 - 10 đơn vị hoặc các laọi thuốc tây cầm máu khác cho ho ra máu bớt đi rồi dùng A giao uống. Trường hợp ra máu ít và vừa chỉ dùng A giao cầm máu. Có kết hợp với thuốc chống lao. Trị 56 ca, kết quả tốt 37 ca, có kết quả 15 ca, không kết quả 4 ca, tỷ lệ có kết quả 92,7% ( Trương tâm Như, A giao điều trị 56 ca lao phổi, ho ra máu, Tạp chí Trung y Liêu ninh 1987,9:39).
2.Trị xuất huyết tử cung cơ năng: A giao là vị thuốc thường dùng kết hợp với bài Tứ vật thang:
- Giao ngãi Tứ vật thang ( Kim qũy yếu lược): A giao 20g ( hòa tan), Ngãi diệp 20g, Đương qui 16g, Thục địa 20g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 12g, Chích thảo 4g, sắc uống. Tùy chứng có thể gia giảm.
- Trường hợp tiêu ra máu, lỵ có máu, dùng A giao phối hợp với Hoàng liên.
3.Trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, huyết hư tâm phiền, mạch tế sắc, dùng phối hợp với Hoàng liên, Hoàng cầm, như bài:
- Hoàng liên A giao thang ( Thương hàn luận): A giao 20g ( hòa tan), Hoàng liên 8g, Hoàng cầm 8g, Bạch thược 8g, sắc nước uống, gia thêm lòng đỏ trứng gà 2 cái, khuấy đều, chia 2 lần, uống nóng trong ngày.
4.Trị chứng âm hư co giật: thường gặp trong các di chứng não màng não, động kinh thể âm huyết hư, dùng bài:
- A giao Kê tử hoàng thang: A giao, sinh Bạch thược, Thạch quyết minh, Câu đằng, Phục thần, mỗi thứ 12g, Sinh địa, sinh Mẫu lệ, Qui bản, mỗi thứ 16g, A giao, Kê tử hoàng ( để riêng), các thuốc khác sắc lấy nước đang sôi bỏ xác, cho hòa tan A giao rồi cho Kê tử hoàng vào, khuấy đều uống lúc còn nóng.
5.Trị lóet cẳng chân mạn tính: Rửa vô trùng vùng lóet, chiếu tia hồng ngoại 10 - 15 phút, cho 30g A giao vào 1 chén đổ 70ml nước sắc nhỏ lửa cho thành cao rồi phết cao vào miếng gạc độ 2 - 3g tùy diện tích to nhỏ của lóet, mỗi ngày 1 lần, thường khoảng 2 0 lần là khỏi. Đã trị 24 ca đều khỏi ( Duẫn Hồng Như và cộng sự, Dùng tia Hồng ngoại kết hợp A giao trị lóet cẳng chân 24 ca, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1987,4:24).
6.Trị chứng bạch cầu giảm và thiếu máu nhược sắc: dùng cao lỏng A giao ( A giao, Nhân sâm, Thục địa, Đảng sâm, Sơn tra .) có tác dụng tăng bạch cầu, bổ huyết và tăng miễn dịch. Đã trị Bạch cầu giảm 179 ca, tỷ lệ kết quả 79,33%, thiếu máu nhược sắc 230 ca, tỷ lệ kết quả 67,8% ( Lý Thượng Ngọc, Kết quả nghiên cứu A giao, Báo Công nghiệp Sơn đông, 1986,3:21).
7.Trị động thai: thuốc có tác dụng an thai. Dùng A giao 12g, Trứng gà 2 qủa, đường đỏ 30g. Trị 36 ca khỏi 30 ca, tỷ lệ khỏi 90,3% ( Vương Tâm Hảo, Tự chế A giao Kê tử hoàng thang trị động thai, hoạt thai, Báo Trung y Sơn tây 1987,2:35).
- Bài thuốc an thai: A giao 8g, Ngãi cứu 8g, Hành trắng 8g, cho 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 - 4 lần uống trong ngày.
8.Giới thiệu bài thuốc đơn giản có A giao:
- Trị kinh nguyệt kéo dài: A giao với Bồ hoàng ( theo phép bào chế), tán nhỏ, ngày uống 8 - 16g, có thể uống với rượu.
- Trị các chứng xuất huyết như ho ra máu, nôn ra máu, tiêu máu, tiểu máu, phụ nữ có thai ra máu âm đạo, băng lậu: A giao 12 - 16g chưng cách thủy, Thán khương 6g, sắc nước trộn với A giao uống.
- Trị lỵ ra máu: A giao 10g ( để riêng), Hoàng liên 3g, Can khương 2g, Sinh địa 5g, nước 600ml sắc còn 200ml. Nước thuốc còn nóng, thái A giao cho vào, chia 2 lần uống trong ngày.
Ngoài ra, có người dùng A giao trong các bài thuốc viêm thận mạn, đau lưng và đạm niệu.
Liều lượng và cách dùng:
- Liều 4 - 20g hòa nước thuốc uống. Nếu dùng cầm máu, sao với Bồ hoàng, nếu dùng nhuận phế chỉ khái sao với Cáp phấn.
Cách chế:
- Chế với Bồ hoàng: cho Bồ hoàng vào chảo rang nóng rồi cho A giao thái nhỏ vào, khi A giao nở đều thì rây bỏ Bồ hoàng.
- Chế với Cáp phấn ( vỏ sò): cho chừng 1kg bột vỏ sò vào chảo rang nóng rồi cho A giao thái nhỏ vào cho đến khi A giao nở đều, lấy ra rây bỏ vỏ sò. A giao bớt độ dính và có mùi thơm.
- Chú ý: Người ta còn dùng vị Minh A giao là chất keo chế từ da trâu, da bò, da heo, thành phần cũng gần như A giao. Gelatin được gọi là một món ăn cung cấp protid cho cơ thể, một vị thuốc cầm máu, trị tiêu lỏng, lóet dạ dày.