Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


BÁ TỬ NHÂN

Bá tử nhân

Bá tử nhân

BÁ TỬ NHÂN Semen Biotae Orientalis Bá tử nhân là nhân quả của cây Trắc bá (Biota orientalis(L.) Endi.) thuộc họ Trắc bá (Cupressaceae), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên Bá thực.Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIV. An thầnI.



Vào đầu mùa đông quả chín thu hái về giã bỏ vỏ lấy nhân phơi khô. Khi dùng để nguyên hoặc ép bỏ dầu. Cây Trắc bá diệp được trồng khắp nơi ở nước ta để làm cây cảnh và làm thuốc.

Tính vị qui kinh:

Bá tử nhân vị ngọt tính bình, qui kinh Tâm thận đại trường.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị ngọt bình.
  • Sách Danh y biệt lục: không độc.
  • Sách Dược tính bản thảo: vị cay ngọt.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 3 kinh phế tỳ thận.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc quyết âm, thiếu âm và thủ thiếu âm kinh.
  • Sách Bản thảo tân biên: nhập 4 kinh: tâm can thận bàng quang.

Thành phần chủ yếu:

Bá tử nhân có nhiều chất béo và ít tinh dầu. Trong tinh dầu có 1-borneol bomyl acetat, camphor, sesquiterpen alcol, còn có chứa saponosid.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bá tử nhân có tác dụng an thần dưỡng khí, nhuận tràng thông tiện. Chủ trị các chứng: huyết hư thất miên, kinh quí chính xung, trường táo tiện bí (mất ngủ, hồi hộp, tim đập mạnh, táo bón.).

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ kinh quí, an ngũ tạng, ích khí, trừ phong thấp tý".
  • Sách Danh y biệt lục: " ích huyết chỉ hãn".
  • Sách Bản thảo cương mục: " dưỡng tâm khí, nhuận thận táo, an hồn, định phách, ích trí ninh thần. Bá tử nhân tính bình mà không hàn không táo, vị ngọt mà bổ, cay mà nhuận, khí thanh thơm, có thể thông tâm thận, ích tỳ vị".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Thuốc nhiều chất dầu béo nên có tác dụng nhuận tràng.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, hồi hộp, trí nhớ giảm:

  • Bá tử dưỡng tâm thang: Bá tử nhân 15g, Mạch đông, Kỷ tử, Đương qui, Phục thần, Huyền sâm đều 10g, Thục địa 15g, Cam thảo 3g, sắc uống.
  • Dưỡng tâm thang: Bá tử nhân, Toan táo nhân đều 12g, Ngũ vị tử, Viễn chí đều 6g, sắc uống.
  • Bá tử nhân, Đương qui lượng bằng nhau, tán bột mịn trộn đều luyện mật làm hoàn, mỗi lần 6 -10g, ngày 2 lần (có 1 lần uống tối trước khi ngủ, có thể trị rụng tóc).

2.Trị chứng âm hư ra nhiều mồ hôi:

  • Bá tử nhân hoàn: Bá tử nhân, Mạch phu (Cám lúa mạch) đều 12g, Bán hạ khúc, Mẫu lệ, Đảng sâm, Ma hoàng căn, Bạch truật đều 10g, Ngũ vị 6g tất cả tán bột mịn viên với Táo nhục hoặc sắc uống.

3.Trị táo bón ở người cao tuổi hoặc sau sanh âm hư táo bón:

  • Bá tử nhân, Tùng tử nhân, Hỏa ma nhân đều 10g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn sắc uống.
  • Ngũ nhân hoàn (Thế y đắc hiệu phương): Đào nhân 20g, Hạnh nhân 12g, Bá tử nhân 12g, Tùng tử nhân 4g, Uất lý nhân 4g, Trần bì 8 - 12g. Tất cả tán bột mịn luyện mật làm hoàn nhỏ. Mỗi lần uống 4 - 8g, ngày 2 lần hoặc uống 1 lần 6 - 8g, trước khi ngủ.

Liều thường dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 8 - 18g, lúc dùng đập nát. Bệnh nhân tiêu lỏng có thể dùng Bá tử nhân sương.
  • Chú ý: Tiêu lỏng dùng thận trọng.

Nguồn tin: ( theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây