Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


BÁCH BỘ

Bách bộ

Bách bộ

BÁCH BỘ Radix Stemonae Bách bộ dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục là rễ củ phơi hay sấy khô của cây Bách bộ, có tên thực vật là Stemona sessilifolia (Miq.) Franch et Sav. ; cây Mạn sinh Bách bộ S.japonica (Bl) Miq hoặc cây Đối diệp Bách bộ S.Tuberosa Lour đều thuộc họ Bách bộ (Stemonaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XII - Chỉ khái bình suyễn.



Cây Bách bộ mọc hoang khắp nơi ở nước ta, nhiều ở các tỉnh Hà Sơn Bình, Bắc Thái v.v..Mùa thu đông đào củ về rửa sạch phơi hay sấy khô. Tùy cách bào chế mà có tên Phò Bách bộ, Chích Bách bộ, Chưng Bách bộ.

Tính vị qui kinh:

Bách bộ vị ngọt đắng, tính bình qui kinh Phế.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: hơi ôn.
  • Sách Dược tính bản thảo: vị ngọt không độc.
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: vị đắng không độc.
  • Sách Trấn nam bản thảo: nhập phế.
  • Sách Tân biên bản thảo: nhập phế kinh, cũng nhập tỳ vị.

Thành phần chủ yếu:

  • Radix Stemonae Japonicae: stemonine, stemonidine, Isostemonidine, protostemoninepaipunine, paipunine, sinostemonine.
  • Radix stemonae Sessilifoliae: stemonie, prototemonine, Isostemonidine, tuberrostmonine, hodorine, sessilistemonine.
  • Radix stemonae Tuberosae: stemonine, tuberoastemonine, tuberostmonine, Isotuberostemonine,
  • stemine, oxotuberostemonine.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bách bộ có tác dụng nhuận phế chỉ khái, diệt rận, sát trùng.

Chủ trị các chứng: thương phong khái thấu, bách nhật khái ( ho gà), phế lao, giun kim, chấy rận, chàm lở.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " chủ khái thượng khí, cũng trừ chấy rận".
  • Sách Dược tính bản thảo: " trị phế nhiệt, nhuận phế".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị cam hồi (giun đũa), cốt chưng lao (lao), trị giun sán, giun kim".
  • Sách Bản thảo chính nghĩa: " Bách bộ tuy hơi ôn nhưng nhuận mà không táo, còn có thể khai tiết giáng khí, trị ho thì không thuốc nào bằng, nhất là ho lâu ngày".
  • Sách Bản thảo bị yếu: " năng nhuận phế, trị phế nhiệt khái thấu, trị giun đũa, giòi, rận, giun kim".

B.Kết quả nghiên cưú dược lý hiện đại:

  1. Bách bộ có tác dụng làm giảm hưng phấn trung khu hô hấp của động vật, làm giảm ho do ức chế phản xạ ho, còn chống his tamin gây co giật tác dụng như aminophyllin nhưng hòa hoãn hơn và kéo dài.
  2. Thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn lao ở người, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn đại tràng, virus cúm và nấm ngoài da.
  3. Dịch cồn hoặc nước ngâm kiệt của thuốc có tác dụng sát trùng đối với ấu trùng ruồi, muỗi, rận chấy, sâu quần áo, rệp.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị lao phổi: dùng Bách bộ 20g, Hoàng cầm, Đơn bì, Đào nhân đều 10g, sắc đặc còn 60ml, ngày 1 thang, 1 liệu trình 3 tháng, biện chứng gia giảm. Đã trị 93 ca lao phổi có hang, kết quả tốt (Đặng trường Vinh, Tạp chí Phòng lao Trung quốc 1966,1:27).

Báo cáo của Đặng Trường Vinh: Viên Bách bộ trị 153 ca lao phổi, dùng gà con bỏ ruột và đầu chân, cứ theo tỷ lệ 1 cân gà 1 cân thuốc. Cho gà và nước vừa đủ nấu trong 4 gờ, đổ nước gà ra, cho thêm nước khác nấu trong 4 ,5 lần, mỗi lần 2 giờ, các lần sắc nước trộn đều cho thuốc vào khuấy đều ( cứ 1 cân thuốc cần 12 lạng nước gà hầm) làm thành viên nhỏ, mỗi lần uống 10g x 2 lần sáng tối, một liệu trình 20 - 30 ngày, nếu có kết quả tiếp tục uống thêm 2 - 3 tháng và sau đó uống 2 - 3 tháng nữa để cũng cố kết quả. Phần lớn bệnh nhân được tăng trọng, triệu chứng lâm sàng được cải thiện (Tạp chí Trung y 1959,3:39).

2.Trị ho gà: dùng Sirô Ho gà (1ml tương đương 1,5g thuốc sống), mỗi lần uống 15 ml, ngày 3 lần. Đã điều trị 95 ca, tỷ lệ kết quả 85,2%. Đối với số trẻ có tiếp xúc 103 cháu, mỗi tuần cho uống 2 ngày, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10ml, trong 2 tuần, tỷ lệ phòng bệnh 97% (Vương quang Tiền, báo Trung y dược Thượng hải 1959,4:39).

3.Trị các loại ho (bao gồm ho do viêm họng, viêm phế quản, ho lao, ho gà.)

  • Bách bộ 12g, Kinh giới 10g, Bạch tiền, Cát cánh đều 10g sắc nước uống, trị ho ngoại cảm.
  • Bách bộ 10 - 15g sắc uống trị ho gà.
  • Bách bộ, Sa sâm đều 2 cân, cho nước 10 cân sắc cô bỏ xác gia mật đường 2 cân, lửa nhỏ nấu thành cao, mỗi lần 1 thìa canh ngày 2 lần. Trị ho nhiệt và lao.
  • Bách bộ 20g, sắc 2 lần được 60ml, chia 3 lần uống trong ngày, có thể cho đường mật. Trị 110 ca có kết quả 87,2% (Trịnh Tường Quang báo Trung y Thiểm tây 1986,10:439).

4.Trị chứng mũi đỏ: Ngâm Bách bộ trong cồn 95% trong 5 - 7 ngày, chế thành 50% tinctura Bách bộ, bôi ngày 2 - 3 lần, 1 tháng là 1 liệu trình. Trị 13 ca, có kết quả 92% (Đinh Thụy Xuyên, Trung y tạp chí 1981,4:273).

5.Trị giun kim:

  • Bách bộ, Binh lang, Sử quân tử lượng bằng nhau tán bột mịn, trộn vaselin bôi vào quanh hậu môn. Nếu chế thành viên đạn đặt hậu môn tốt hơn.
  • Bách bộ 30g, sắc cô còn 10 - 20ml, mỗi tối thụt lưu đại tràng trong 2 - 3 tối hoặc dùng Bách bộ 20g, Tử thảo 20g, Vaselin 100g, chế thành cao bôi quanh hậu môn mỗi tối.

6.Trị chấy rận, ngứa do viêm da dị ứng, mề đay:

  • Bách bộ 100g, cồn 500ml, ngâm trong 24giờ, bôi vào chỗ ngứa có chấy rận (đầu, người, âm hộ).
  • Bách bộ cắt lát mỏng xát vào vùng ngứa mỗi ngày nhiều lần trị ngứa dị ứng, viêm da, mề đay, chàm lở, muỗi cắn.
  • Bách bộ 15g, Bằng sa, Hùng hoàng đều 6g, Khổ sâm 10g, sắc nước rửa trị mề đay.

7.Những công dụng khác:

  • Diệt ruồi: nước sắc Bách bộ cho thêm ít đường, ruồi ăn chết tới 60%.
  • Cho bột Bách bộ rắc vào hố phân, giòi chết 100%.
  • Dung dịch 1/20, giết chết 100% bọ gậy.
  • Diệt ruồi muỗi, bọ chó, rận, đốt Bách bộ xông khói.

Liều lượng thường dung và chú ý:

  • Liều: 5 - 10g, dùng ngoài lượng vừa đủ. Mật chích Bách bộ tác dụng tốt để nhuận phế chỉ khái, dùng trị ho lâu ngày, ho do phế táo, ho lao, trẻ em ho gà.
  • Bách bộ chưng tính hòa hoãn ít nê trệ có thể dùng cho tất cả các chứng ho.
  • Thuốc có tác dụng hoạt trường vị nên tỳ vị hư yếu, tiêu chảy không nên dùng.
 

Nguồn tin: ( Theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây