Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


BẠCH CƯƠNG TÀM

Bạch cương tàm

Bạch cương tàm

BẠCH CƯƠNG TÀM Bombyx Botryticatus Bạch cương tàm còn gọi là Cương tàm, Cương trùng, Thiên trùng có tên khoa học là Bombyx cum Botryte, Bombyx botryticatus là con Tằm Bombyx mori L thuộc họ Tằm Bombycidae bị bệnh do vi khuẩn Botrytis bassiana Bais hoặc Beauveria bassiana (Bais) Vuill làm chết cứng sắc trắng như vôi. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIII - Bình can tức phong.

 Bạch cương tàm dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Ở nước ta có nhiều nơi nuôi tằm. Người ta lấy những con tằm tự nhiên bị bệnh chết cho vào vôi sấy khô là được.

Tính vị qui kinh:

Bạch cương tàm vị mặn cay tính bình. Qui kinh Can phế.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị mặn bình.
  • Sách Danh y biệt lục: cay bình không độc.
  • Sách Dược tính bản thảo: hơi ôn có độc ít.
  • Sách Bản thảo cương mục: nhập kinh quyết âm, dương minh.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 4 kinh: tâm, can, tỳ, phế.

 


Thành phần chủ yếu:

Ammonium oxalate, chitinase, beauverician, asparagine, fibrinolysin.

Phân tích chung thì trong Bạch cương tàm có chừng: 67,44% chất protid; 4,38% chất béo; 6,34% tro và 11,34% độ ẩm.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bạch cương tàm có tác dụng: tức phong chỉ kinh (chống co giật), khu phong chỉ thống (giảm đau), giải độc tán kết.

Chủ trị các chứng: đàm nhiệt kinh phong, động kinh co giật, trúng phong liệt mặt, đau đầu mắt đỏ, cổ họng sưng đau, phong trùng nha thống (đau răng), đàm hạch loa lịch (lao hạch lâm ba), đinh nhọt đơn độc.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " trị tiểu nhi kinh giản, dạ đề (khóc đêm), làm đẹp sắc mặt, trị lở ở vùng hội âm đàn ông".
  • Sách Bản thảo cương mục: " tán phong đàm kết hạch, loa lịch đầu phong, phong trùng nha thống, bì phu phong sang, đơn độc tác dưỡng. các loại kim sang, định thũng phong trĩ".
  • Sách Bản thảo cầu chân: " trị trúng phong thất âm, đầu phong xĩ thống (đau răng lợi), đau sưng cổ họng đều do phong hàn nội nhập, kết mà thanh đàm".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng gây ngủ đối với chuột nhắt và thỏ nhà, thuốc cho uống làm giảm tỷ lệ chết của chuột bạch do strychnin gây co giật.
  2. Trong ống nghiệm, thuốc có tác dụng ức chế nhẹ đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn mũ xanh.
  3. Con nhộng tằm có tác dụng chống co giật do strychnin mạnh hơn là Cương tàm vì thành phần ammonium oxalate ở con nhộng tằm nhiều hơn cho nên thành phần chống co giật chủ yếu là ammonium oxalate.
  4. Thực tiển lâm sàng chứng minh con tằm nhộng có tác dụng hạ sốt, chỉ khái hóa đàm, an thần, chống co giật tiêu sưng và điều tiết thần kinh, có tác dụng tham gia chuyển hóa mỡ, hiệu quả trị bệnh gần giống Bạch cương tàm nên có thể thay thế được.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng phong nhiệt đau đầu co giật:

  • Gia vị Tang cúc ẩm: Cương tàm 6g, Tang diệp 10g, Cúc hoa, Câu đằng, Hoàng cầm đều 10g, sắc uống. Chu sa 1g hòa nước thuốc uống.
  • Bạch cương tàm tán: Cương tàm 6g, Toàn phúc hoa 8g, Mộc tặc thảo 6g, Tế tân 3g, Tang diệp, Kinh giới đều 12g, Cam thảo 4g sắc uống, hoặc tán bột mịn; mỗi lần 6 - 10g, ngày uống 2 - 3 lần.

2.Trị viêm hầu họng sưng đau, mất tiếng:

  • Bạch cương tàm 6g, Khương hoạt 10g, Xạ hương 0,01 - ),03g tán bột trộn với nước gừng uống.

3.Trị mặt đen sạm:

Bạch cương tàm tán mịn hòa với nước bôi vào chỗ sạm.

4.Trị đau nửa đầu (thiên đầu thống):

Cương tàm tán nhỏ hòa với nước chè uống. Có khi uống với cùng với nước lạnh.

5.Trị động kinh:

Dùng nhộng tằm khử mỡ chế thành phiến. Mỗi lần uống 0,9 - 1,5g, ngày 3 lần, trẻ nhỏ giảm liều. Trị 100 ca động kinh (nguyên phát 46 ca, co giật triệu chứng 54 ca). Theo dõi 2 tháng đến 2 năm, kết quả 26 ca không tái phát, lên cơn ít và nhẹ 51 ca, tỷ lệ có kết quả 77% (Báo cáo của Trần Kiến Gia, Báo Giang tô Y dược 1976,2:33).

Liều dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 3 - 10g. Thuốc tán mỗi lần uống 1 - 1,5g. Tán phong nhiệt thường dùng sống, còn thường thuốc được sao chế để dùng.
  • Bạch cương tàm, Toàn yết, Ngô công đều là thuốc trị phong thường dùng nhưng Cương tàm tức phong kém hơn. Cho nên trên lâm sàng gặp trường hợp phong do can phong, nhẹ dùng phối hợp với Toàn yết, trường hợp nặng nên thêm cả Ngô công và Toàn yết phối hợp. Cương tàm vừa trừ được nội phong vừa tán được ngoại phong và hóa đàm tán kết nên dùng cho chứng phong đàm là thích hợp. Qua thực tiển lâm sàng có thể dùng Cương nhộng thay cho Bạch cương tàm.

Nguồn tin: ( Theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây