Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


BẠCH ĐẬU KHẤU

Bạch đậu khấu

Bạch đậu khấu

BẠCH ĐẬU KHẤU Fructus Amomi Cardamomi Bạch đậu khấu dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản thảo thập di là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây Bạch đậu khấu có tên thực vật là Amomum Cardamomum L hay Amomum Kravanh Pierre ex Gagnep hoặc Amomum caompactum Soland ex Maton. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXII - Hóa thấp tiêu đạo.


Cây Đậu khấu mọc hoang và được trồng ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Xri Lanca, Nam Mỹ. Thường thu hái ở những cây được 3 năm tuổi. Khi quả từ màu xanh chuyển sang vàng xanh thì hái phơi hay sấy khô loại bỏ cuống, xông diêm sinh cho vỏ trắng ra, khi dùng bóc vỏ lấy hạt.

Tính vị qui kinh:

Bạch đậu khấu vị cay tính ôn, qui kinh Phế, Tỳ Vị.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Khai bảo bản thảo: vị cay, đại ôn, không độc.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 3 kinh: Phế Tỳ Vị.

Thành phần chủ yếu:

Trong Bạch đậu khấu có chừng 2,4% tinh dầu, thành phần chủ yếu của dầu có: bomeol, camphor, humulene, eucalyptole, pinene, caryophyllene, laurelene, terpinene, myrtenal, carvone, sabinene.


Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bạch đậu khấu có tác dụng: hành khí hóa thấp kiện vị, ôn vị chỉ ẩu.

Chủ trị các chứng: thấp trở trung tiêu, thấp ôn, chứng nôn mửa (ẩu thổ).

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản thảo kinh sơ: " Bạch đậu khấu chủ tích lãnh khí, phản vị do hàn. Tính ấm nên chủ tiêu cốc (tiêu hóa thức ăn) tính ôn có thể thông hành nên chủ hạ khí. Lý Đông Viên dùng để tán khí trệ ở phế, trừ mộng trắng ở mắt là nhờ tác dụng tán trệ của thuốc".
  • Sách Bản thảo cầu chân: " Bạch đậu khấu, bản chất với Sa nhân cùng một loại, khí vị giống nhau, tác dụng cũng không khác. đi lên vào phần khí của kinh phế nên trở thành loại thuốc cần thiết để tán phế khí".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng tăng tiết dịch dạ dày, hưng phấn nhu động ruột, tống khí tích trệ ở ruột, ức chế sự lên men bất thường của ruột (đó là phương hương kiện vị của thuốc). Thuốc có tác dụng cầm nôn.
  2. Trên súc vật thực nghiệm: thuốc có tác dụng tăng tác dụng liều nhỏ của Streptomycin đối với bệnh lao.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng ngực bụng đầy đau:

  • Ngũ cách khoan trung ẩm: Bạch đậu khấu 5g, Hậu phác 6g, Quảng Mộc hương 3g, Cam thảo 3g, sắc uống.

2.Trị chứng thấp ôn, ngực tức đầy khó thở:

  • Tam nhân thang (Ôn bệnh điều biện): Bạch khấu nhân 5g, Hạnh nhân 10g, Ý dĩ nhân 15g, Hậu phác 6g, Hoạt thạch 12g, Trúc diệp 10g, Bán hạ 10g, Thông thảo 6g, sắc uống.

3.Trị chứng rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, ợ hơi:

  • Bạch đậu khấu 20g tán bột mịn, nước Sinh khương vừa đủ làm viên, mỗi lần uống 0,5 - 3g với nước sôi nguội. Trị nôn do vị hàn.
  • Bạch đậu khấu thang: Bạch đậu khấu 5g, Hoắc hương 10g, Trần bì 5g, Sinh khương 6g, sắc uống. Trị nôn, phản vị.

4.Giải độc rượu: say rượu không tỉnh.

  • Dùng Bạch đậu khấu 5g, Cam thảo 5g, sắc nước uống cho uống.

5.Trẻ em bú vào trớ ra:

  • Bạch đậu khấu 14g, Sa nhân 14 nhân, Cam thảo 8g, đều tán bột mịn xát vào mồm trẻ.

6.Trị chứng lợm giọng buồn nôn: Nhấm hạt Bạch đậu khấu nuốt nước.

7.Dùng thuốc đối với người mắc bệnh lao đang trị bằng Streptomycin:

  • Bạch đậu khấu 5g, Cam thảo bắc 6 - 8g, 2 vị sắc riêng rồi trộn chung chia 3 lần trong ngày uống. Thuốc có tác dụng làm tăng hiệu lực của thuốc chống lao (như phần tác dụng dược lý). Cam thảo có tác dụng làm giảm nhẹ tác dụng phụ của Streptomycin.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 3 - 6g, dùng thuốc thang nên cho sau, thuốc sắc lâu giảm tác dụng.
  • Sách Bản thảo thông huyền: " Bạch đậu khấu tác dụng là khí thơm, qua lửa cao sẽ giảm hiệu lực, nên tán bột mịn, lúc thuốc sắc xong đang sôi trộn vào uống là tốt nhất".
  • Chú ý: Trường hợp âm hư huyết táo dùng cẩn thận.

Nguồn tin: ( Theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây