Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


BẠCH LINH

Bạch linh

Bạch linh

BẠCH PHỤC LINH Sclerotium Poriae Cocos. Còn có tên là Bạch linh, Bạch phục linh là một loại nấm mọc ký sinh trên rễ cây Thông, có tên thực vật là Poria cocos (Schw). Wolf thuộc họ nấm lỗ (polyporaceae), Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIX - Thẩm thấp lợi thủy.


 

 Dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Nấm Phục linh cắt ngang có rễ thông ở giữa gọi là Phục thần (có tác dụng an thần), nếu ruột màu trắng là Bạch phục linh, nếu có màu hồng xám là Xích phục linh.

Có phát hiện nấm Phục linh tại vùng Đà lạt ở nước ta (1977), nhưng chưa khai thác mấy mà còn nhập của Trung quốc.

Tính vị qui kinh:

Vị nhạt tính bình, qui kinh Tâm Tỳ Thận.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị ngọt tính bình.
  • Sách Y học khởi nguyên: tính ôn vị nhạt.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập phế, tỳ, tiểu tràng kinh.

Thành phần chủ yếu:

Beta-pachyman, beta-pachymanase, pachymic acid, tumulosic acid, 3-beta-hydroxylanosta-7, 9(11), 24-trien-21-oilic acid, chitin, protein, mỡ, gluco, sterol, histamin, lecithin, gum, lipase, choline, adenine.

 

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng lợi thủy thảm thấp, kiện tỳ, an thần. Chủ trị các chứng tiểu khó ít, phù, chứng đàm ẩm, tỳ khí hư nhược, hồi hộp, mất ngủ.

Trích đoạn y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ ngược sườn khí nghịch, tinh thần lo lắng, sợ hãi, tâm hạ kết thống (đau tức mõm ức), nóng lạnh bứt rứt, khái nghịch (ho khó thở), mồm lưỡi khô, lợi tiểu tiện".
  • Sách Bản thảo diễn nghĩa: " Phục linh, phục thần có tác dụng hành thủy mạnh, ích tâm tỳ ít".
  • Sách Bản thảo cương mục: " chứng tâm hư phong huyền, thiếu Phục linh không trị được ."

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng lợi tiểu, cũng có báo cáo cho là tác dụng lợi tiểu không rõ, có thể do điều kiện nghiên cứu khác nhau.
  2. Thuốc có tác dụng tăng miễn dịch, tăng chỉ số thực bào của phagocyte ở chuột.
  3. Thuốc có tác dụng kháng ung thư (do thành phần polysac-haride của thuốc) do làm tăng miễn dịch cơ thể.
  4. Thuốc có tác dụng an thần, có tác dụng hạ đường huyết, bảo vệ gan và chống lóet bao tử.
  5. Nước sắc Phục linh có tác dụng ức chế đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn biến dạng. Cồn ngâm kiệt thuốc có tác dụng giết chết xoắn khuẩn.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Lợi tiểu tiêu phù:

  • Ngũ linh tán (Thương hàn luận): Bạch linh, Bạch truật, Trư linh đều 10g, Trạch tả 12g, Quế chi 4g, tất cả tán bột mịn trộn đều. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 - 3 lần hoặc sắc uống. Trị phù tiểu ít.
  • Tác giả Trần Kiến Nam dùng Bạch linh tán bột chế thành viên 30%. Trị 30 ca bệnh nhân phù (20 ca phù không đặc hiệu, 10 ca phù do bệnh tim thận). Cho uống người lớn mỗi lần 8 viên (mỗi viên có 3,5g thuốc sống), ngày 3 lần, trẻ em giảm nửa, 1 liệu trình 7 ngày, không dùng các thuốc lợi tiểu khác. Kết quả rõ rệt 23 ca, có kết quả 7 ca. Có nhận xét là phù do bệnh thực thể rút phù nhanh hơn là phù không đặc hiệu (Báo Thượng hải Trung y dược 1986,8:25).
  • Bạch phục linh thang: Bạch phục linh, Trach tả, Uất lý nhân đều 10g (Phục linh có thể 12g), sắc uống.
  • Phục linh 250g, cám gạo mịn (hoặc bột lúa mạch) 60g, tán bột mịn, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần. Trị phù do cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai.

2.Trị tiêu chảy:

  • Hương sa lục quân (Hòa tễ cục phương): Đảng sâm, Bạch truật, Bạch linh đều 10g, Chích thảo 3g, Trần bì, Bán hạ, Gừng chế đều 5g, Mộc hương, Sa nhân đều 4g. Tất cả tán bột mịn trộn với nước Gừng táo làm thành viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi lần uống 4 - 8g, tùy tuổi. Trị tiêu chảy kéo dài do tỳ hư kết quả tốt.
  • Sâm linh Bạch truật tán (Hòa tễ cục phương): Đảng sâm ( hoặc Nhân sâm), Bạch linh, Bạch truật, Hoài sơn, sao Đậu ván trắng, Hạt sen, Ý dĩ nhân đều 80g, Cát cánh, Sa nhân, Trần bì, Chích thảo đều 40g, trộn với nước sắc gừng táo vừa đủ làm thành thuốc bột hoặc viên với hồ bột gạo tẻ, mỗi lần uống 4 - 8g, ngày 3 lần. Trị tiêu chảy kéo dài.
  • Lâm nguyên Chấn dùng bột Bạch linh trị tiêu chảy Thu đông trẻ em 93 ca, mỗi lần uống 0,5 - 1g, ngày 3 lần. Kết quả khỏi 79 ca, tốt 8 ca, không kết quả 6 ca. So với lô chứng dùng uống pepsin và vitamin B1, kết quả tương đương nhưng thời gian rút ngắn (Báo Trung y Bắc kinh, 1985,5:31).

3.Trị ung thư: Khoa ung thư Bệnh viện số 1 thị Phúc châu dùng polysac-harid Bạch linh trị 70 ca ung thư các loại, một số có kết quả xạ trị, hóa trị và phẫu trị, nhận xét thuốc có tác dụng tăng sức, nâng chức năng miễn dịch, cải thiện chức năng gan thận, tăng hiệu quả của xạ trị đối với ung thư mũi họng (Tạp chí Trung tây y kết hợp 1985,2:115).

4.Trị mất ngủ:

  • Viên an thần: Phục linh, Phục thần, Đảng sâm, Xương bồ, Viễn chí, Long nhãn nhục, lượng bằng nhau, tán bột mịn Chu sa làm áo luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10 - 20g vào chiều và tối trước lúc ngủ.

Liều thường dùng:

  • Liều: 6 - 20g.
  • Chú ý: Vỏ ngoài của Phục linh gọi là Phục linh bì có tác dụng lợi tiểu.

Nguồn tin: ( theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây