Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


BẠCH THƯỢC

Bạch thược

Bạch thược

BẠCH THƯỢC DƯỢC Radix Pacomiae Lactiflorae. Bạch Thược dược cũng gọi là Thược dược, được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên Thược dược. Bạch thược là rễ phơi hay sấy khô của cây Thược dược ( Paeonilia lactiflora Pall.), (Paeonia albiflora Pall), thuộc họ Mao lương ( Ranunculaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVI - Bổ âm.

Tính vị qui kinh:

Bạch thược vị đắng, chua, hơi hàn, qui kinh Can tỳ.

Theo Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: vị đắng, bình.
  • Sách Danh y biệt lục: chua, hơi hàn, không độc.
  • Sách Thang dịch bản thảo: khí hơi hàn, vị chua mà đắng, nhập thủ túc thái âm kinh.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: thủ túc thái âm dẫn kinh dược, nhập can tỳ huyết phần.

Thành phần chủ yếu:

Paeoniflorin, paeonol, paeonin, triterpenoids, sitosterol.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bạch thược có tác dụng dưỡng huyết, liễm âm, hòa can chỉ thống.

Chủ trị các chứng can huyết hư, cơ thể hư nhược, nhiều mồ hôi, kinh nguyệt không đều, các chứng bệnh của thai sản, các chứng âm huyết hư, can dương thịnh, can phong động, các chứng đau do bệnh của can.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ tà khí phúc thống, trừ huyết tý, phá kiên tích, trị hàn nhiệt sán hà, chỉ thống, lợi tiểu tiện, ích khí".
  • Sách Danh y biệt lục: " thông thuận huyết mạch, hoãn trung, tán huyết.lợi bàng quang, đại tiểu trường, tiêu ung thũng, thời hành hàn nhiệt, yêu phúc thống".
  • Sách Dược tính bản thảo:" trị phế tà khí. chủ thời cốt nhiệt, cường ngũ tạng, bổ thận khí, trị tâm phúc kiên trướng".
  • Sách Tân tu bản thảo: " ích nữ huyết".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị phong bổ lao, trị tất cả chứng bệnh phụ nữ, các bệnh trước và sau sinh, thông nguyệt thủy, thối nhiệt trừ phiền, chứng trường phong tả huyết".
  • Sách Y học khởi nguyên: " thuốc có 6 tác dụng: an thần kinh, trị phúc thống, thu vị khí, chỉ tả lî, hòa huyết mạch, cố tấu lý".
  • Sách Trấn nam bản thảo: " thu can khí nghịch thống, điều dưỡng tâm can tỳ kinh huyết, sơ kinh giáng khí, chỉ can thống".
  • Sách Bản thảo cương mục: " chỉ hạ lî phúc thống hậu trọng".
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư bản thảo chính: " . bổ huyết nhiệt chi hư, tả can hỏa chi thực, cố tấu lý chỉ nhiệt tả . thối hư nhiệt, trị bụng đau, phát nhiệt do huyết hư, nếu sinh huyết nhiệt mà âm khí suy tán nên dùng Bạch thược không cần do dự".
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: " . Bạch thược dược năng bổ năng tả, chuyên hành huyết hải, nữ nhân điều kinh thai sản, nam tử tất cả bệnh can đều dùng Bạch thược để điều hòa khí huyết".
  • Sách Bản thảo bị yếu: " bổ huyết tả can ích tỳ liễm can âm".
  • Sách Bản thảo cầu chân: " Bạch thược tắc hữu liễm âm ích dinh, bạch tắc năng ư thổ trung tả mộc, xích tắc năng ư huyết trung hoạt trệ".

B.Kết quả nghien cứu dược lý hiện đại:

  1. Glucozit Bạch thược ức chế trung khu thần kinh nên có tác dụng an thần, giảm đau.
  2. Glucozit Thược dược có tác dụng ức chế cơ trơn của tử cung và dạ dày, ruột, ức chế tiết vị toan phòng được lóet ở chuột cống thực nghiệm.
  3. Nước sắc Bạch thược có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn lî, thương hàn, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu khuẩn tán huyết, phế cầu khuẩn và nhiều loại nấm ngoài da.
  4. Glucozit Bạch thược có tác dụng chống viêm và hạ nhiệt,
  5. Glucozit Bạch thược có tác dụng chống sự hình thành huyết khối do tiểu cầu, tăng lưu lượng máu dinh dưỡng cơ tim, có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ men Transaminaza.
  6. Với tác dụng chống co thắt cơ trơn của mạch máu, Bạch thược có tác dụng giãn mạch ngoại vi và hạ áp nhẹ.

Ngoài ra, trên lâm sàng theo dõi nhận thấy Bạch thược có tác dụng cầm mồ hôi và lợi tiểu. Tổng glucozit Bạch thược có tác dụng điều chỉnh miễn dịch của cơ thể.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng táo bón kinh niên: dùng Sinh Bạch thược 24 - 40g, Sinh Cam thảo 10 - 15g, sắc nước uống. Thường dùng 2 - 4 thang là khỏi. Trường hợp táo bón kinh niên, mỗi tuần dùng 1 thang. Trường hợp khí hư gia Sinh Bạch truật 24 - 32g, hư hàn gia Phụ tử chế 10 - 15g, huyết hư gia Đương qui 9 - 15g, khí trệ gia Mạch nha 10g, huyết áp cao can vượng gia Đại giá thạch 20 - 30g, bỏ Cam thảo, nếu huyết áp cao kiêm thấp bỏ Cam thảo gia Bán hạ, Trần bì. Đã trị trên 609 ca bệnh nhân, kết quả nhanh ( Vương Văn Sỹ, Nghiệm chứng dùng Thược dược Cam thảo thang trị táo bón, Tạp chí Trung y 1983, 8:79).

2.Trị lóet dạ dày: dùng Bạch thược 15 - 20g, Chích Cam thảo 12 - 15g. Tỳ vị hư hàn gia Đảng sâm, Hoàng kỳ mỗi thứ 12g, Phục linh 20g, Can khương 10g. Vị âm bất túc gia Sa sâm 10g, Mạch môn, Đương qui mỗi thứ 12g, Sanh địa 15g. Khí trệ huyết ứ gia Nhũ hương, Mộc dược, mỗi thứ 10g, Đơn sâm, Xuyên khung mỗi thứ 10g, Phục linh 20g. Đã trị 120 ca, khỏi 83 ca, tiến bộ 33 ca, không có kết quả 4 ca, tỷ lệ kết quả 96,67%, kết quả tốt nhất đối với thể khí trệ huyết ứ ( Dư thụy Trân, Trị 120 ca lóet dạ dày bằng Thược dược Cam thảo thang gia giảm, Tạp chí Trung y Sơn đông 1984,2:22).

3.Trị các chứng đau bụng: thường do can vị bất hòa, can khí uất trệ gây đau ( như: viêm lóet dạ dày tá tràng, viêm đại tràng co thắt, viêm gan.) dùng bài: Tứ nghịch tán ( Thương hàn luận): Sài hồ 6g, Bạch thược 12g, Chỉ thực 6g, Chích Cam thảo 4g, sắc nước uống. Trường hợp kiết lî, đau bụng có mót rặn, dùng Sinh Bạch thược phối hợp Mộc hương, Binh lang . dùng: Thược dược thang: Bạch thược 24g, Hoàng cầm 12g, Xuyên tiêu 6g, Đại hoàng 8g ( cho sau), Mộc hương 8g ( cho sau), Binh lang 8g, Đương qui 12g, Nhục quế 2g, Cam thảo 4g, sắc uống.

4.Trị chứng co giật cơ ( chủ yếu cơ cẳng chân co rút): dùng bài:

  • Thược dược Cam thảo thang ( Thương hàn luận): Bạch thược, Cam thảo, mỗi thứ 16g, sắc uống.
  • Hoặc dùng bài: Thược dược 30g, Quế chi, Cam thảo mỗi thứ 15g, Mộc qua 10g, ngày 1 thang, sắc uống. Đã trị 85 ca, sau khi uống 3 - 5 thang hết co rút, một số ít tái phát nhẹ hơn, uống bài này vẫn có kết quả tốt ( Triệu Ngọc hải, Bài Thược dược Cam thảo thang gia vị. Trị 85 ca co rút cơ sinh đôi cẳng chân, Tạp chí Trung y 1985,6:50).

5.Trị chứng tăng sinh xương: dùng Bạch thược 30 - 60g, Mộc qua 12g, Kê huyết đằng 15g, Uy linh tiên 15g, Cam thảo 12g, tùy chứng gia giảm, ngày 1 thang, sắc uống. Trị 160 ca, khỏi trước mắt 109 ca, kết quả tốt 42 ca, tiến bộ 1 ca, tỷ lệ khỏi 96,7% ( Vương chi Truật, Nhận xét về chứng xương tăng sinh điều trị bằng Thược dược Mộc qua thang, Báo Tân trung y 1980,1:18).

6.Trị rối loạn kinh nguyệt, thống kinh , băng lậu: dùng phép bổ huyết điều kinh không thể thiếu Bạch thược, các bài thuốc sau:

  • Tứ vật thang: Khung qui thục thược.
  • Dưỡng huyết bình can tán: Bạch thược 12g, Đương qui 12g, Hương phụ chế 8g, Sinh địa 10g, Sài hồ 10g, Xuyên khung 10g, Thanh bì 6g, Cam thảo 3g, sắc uống trị đau kinh.

7.Trị chứng can âm bất túc sinh ra váng đầu, hoa mắt, ù tai, cơ bắp run giật, chân tay tê dại (người xưa cho Bạch thược là chủ dược để dưỡng can âm), thường dùng phối hợp với thuốc dưỡng âm bổ khác như Mạch môn, Đương qui, Thục địa, dùng bài:

  • Bổ can thang ( Y tông kim giám): Bạch thược 20g, Đương qui, Thục địa mỗi thứ 16g, Táo nhân 20g, Mạch môn 12g, Xuyên khung, Mộc qua mỗi thứ 8g, Cam thảo 4g, sắc nước uống.

8.Trị ho gà: Bạch thược 15g, Cam thảo, tùy chứng gia vị. Ho nhiều gia Bách bộ, Bách hợp, khí suyễn đàm khò khè gia Đại long, Đình lịch, Ngô công .. . không dùng trụ sinh, ngày 1 thang sắc uống. Trị 33 ca đều khỏi ( Trương Tường Phúc , Điều trị 33 ca ho gà bằng Thược dược Cam thảo thang gia vị, Tạp chí Trung y Hồ nam 1988,1:48).

9.Trị hen suyễn: dùng Bạch thược 30g, Cam thảo 15g, tán bột mịn. Mỗi lần dùng bột thuốc 30g, gia nước sôi 3 - 5 phút để lắng cặn, uống nóng. Trị 35 ca, kết quả tốt 8 ca, có kết quả 23 ca, không kết quả 4 ca. Có kết quả trong 3 - 5 phút có 26 ca, trong 1 - 2 giờ có 4 ca, có kết quả nhanh nhất là sau 30 phút (Lý phúc Sinh và cộng sự, Thược dược Cam thảo tán trị hen suyễn, Tạp chí Trung y 1987,9:66).

10.Trị chứng rung đùi: dùng Bạch thược, Cam thảo mỗi thứ 156g, sắc nước uống, gia nước 3 chén sắc còn 1 chén, chia 2 lần uống, sáng 1 lần và sau 2 giờ uống 1 lần. Trị 54 ca, khỏi 48 ca, có kết quả rõ nhưng tái diễn 6 ca, tỷ lệ kết quả 100% ( Đỗ Hạt Nhiên, Thược dược Cam thảo thang trị 54 ca hội chứng rung đùi, Báo Trung y Hà bắc 1984,3:29).

11.Trị tiểu đường: mỗi lần uống Cam thảo giáng đường phiến 4 - 8 viên ( Mỗi viên có Bạch thược, Cam thảo chế thành cao khô 0,165g tương đương thuốc sống 4g, lượng mỗi ngày tương đương Cam thảo sống 8g, Sinh Bạch thược 40g), ngày uống 3 lần. Trị 180 ca, kết quả tốt 54 ca, có kết quả 67 ca, tiến bộ 12 ca, không kết quả 47 ca, tỷ lệ kết quả 73,9%, cùng dùng kết hợp với các loại thuốc khác 34 ca, tỷ lệ kết quả là 79,4% ( Vương Tôn Căn, Kết quả điều trị tiểu đường bằng Giáng đường phiến, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1986,10:593).

Liều dùng và chú ý lúc dùng:

  • Liều thường dùng cho thuốc thang và cao đơn hoàn tán: 8 - 16g, cần lợi tiểu dùng liều cao hơn, có thể dùng tới 40 - 60g nhưng không nên dùng lâu.
  • Trường hợp dùng trị can dương thịnh, hư phong nội động hoặc hư nhiệt, nên dùng Sinh Bạch thược. Đau bụng phần nhiều do lạnh huyết mạch ngưng trệ nên sao rượu dùng.
  • Bạch thược phản Lê lô nên không dùng chung.
 

Nguồn tin: ( theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền). Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây