ĐẠI HỒI
- Thứ sáu - 01/08/2014 22:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
Tính vị qui kinh:
Đại hồi vị cay ngọt, tính ôn. Qui kinh Can, Thận, Tỳ.
Theo các sách cổ:
- Sách Bản thảo phẩm hội tinh yếu: Vị cay ngọt, tính ôn.
- Sách Bản thảo cầu chân: qui kinh Can, Bàng quang, Tiểu trường.
- Sách Bản thảo tái tân: qui kinh Tỳ và Thận.
Thành phần chủ yếu:
Trong quả Hồi, ngoài các chất như chất nhày, đường chủ yếu là Tinh dầu khoảng 3 - 5% (tươi) hoặc 9 - 10% (khô). Trong tinh dầu có 80 - 90% anethole, còn lại là Pinene, terpene, dipentene, limonene, estragola, safrola, terpineola v.v.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Đại hồi có tác dụng tán hàn, ấm can, ôn thận chỉ thống và lý khí khai vị.
Chủ trị các chứng hàn sán phúc thống (sa ruột bụng đau do hàn), sa bọc tinh hoàn, thận hư đau vùng thắt lưng, vùng bụng trên đau do lạnh, nôn ăn ít.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản thảo phẩm hội tinh yếu: " chủ trị tất cả các chứng lãnh khí và chứng đau do sán khí".
- Sách Bản thảo cương mục: " Tiểu Hồi hương tính bình, lý khí khai vị, về mùa hè khử dòi chống thối, dùng làm gia vị không nên dùng nhiều".
- Sách Bản thảo cầu chân: " Đại hồi hương theo sách ghi chép chuyên nhập can táo thận, phàm các chứng hàn lạnh bên trong mà có thổ tả, sán khí âm nang phù sưng, vùng thắt lưng đau, chứng cước khí thấp, càn (khô) thêm kinh can hư hỏa xông lên bên trái đầu mặt thì dùng có kết quả. Hồi hương với Nhục quế, Ngô thù đều là thuốc táo kinh quyết âm, nhưng Ngô thù du đi vào trường vị, Quế vào Can Thận còn thuốc này nhẹ nên vào kinh lạc".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Anethole làm tăng nhu động dạ dày và ruột, làm dịu cơn đau bụng, tăng tiết dịch đường hô hấp do kích thích các tế bào tiết dịch, có thể dùng làm thuốc hóa đàm.
- Chất cồn chiết Đại hồi in vitro có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, cầu khuẩn viêm phổi, trực bạch hầu, trực khuẩn subtilis, thương hàn, phó thương hàn, trực khuẩn lî. Thuốc cũng có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.
Ứng dụng lâm sàng:
Nói chung, Đại hồi có tác dụng dược lý gần như Tiểu hồi nên trên lâm sàng thường dùng thay thế Tiểu hồi.
1.Trị chứng sán khí (sa ruột) đau hoặc bao tinh hoàn có nước (hydrocele testis): có thể dùng cùng với Tiểu hồi làm ấm can thận hoặc phối hợp với Lệ chi hạch cùng sao tán bột mịn uống với rượu hoặc phối hợp với Xuyên luyện tử, Ô dược để hành khí; với Ngô thù du, Nhục quế để làm ấm tỳ thận.
2.Trị chứng đau vùng thắt lưng do thận dương hư: thuốc có tác dụng làm ấm lưng gối. Sách Bản thảo cương mục có ghi: trường hợp đau lưng như đâm chích dùng thuốc sao tán bột uống với nước muối.
3.Trị đau vùng thượng vị do lạnh: nôn, kém ăn, phối hợp với Mộc hương, Sa nhân, Can khương.
4.Trị chứng bạch cầu giảm do xạ trị hóa trị: Tác giả Giải Vịnh Thanh dùng viên Thang bạch Ninh (chế từ chất chiết xuất của Đại hồi quả và lá) uống lúc bụng đói mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 3 viên nhỏ (hàm lượng mỗi viên là 150mg thuốc sống) . Theo dõi điều trị 452 ca, kết quả đối với bệnh nhân giảm bạch cầu do hóa trị là 88,5% và do xạ trị là 87,3%. Đối với chứng giảm bạch cầu không rõ nguyên nhân cũng có kết quả nhất định (Thông báo dược học 1981,5:311).
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều thường dùng: 3 - 8g.
- Cần thận trọng đối với bệnh nhân âm hư hỏa vượng.