Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


ĐÀO NHÂN

.

.

ĐÀO NHÂN (Semen Persicae) Đào nhân là nhân của quả chín cây đào Prunus persica (Linn) Batsch hoặc cây Sơn đào Prunus davidiana (Carr) Franch, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Cây Đào thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Cây Đào có nhiều ở Việt nam, nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc như Sapa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang được thu hái vào tháng 7 hằng năm, lấy hạt về đập lấy nhân phơi khô làm thuốc gọi là Đào nhân. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XVII - Hoạt huyết, khứ ứ.

Tính vị qui kinh

Tính bình vị đắng, qui kinh Tâm Can Phế Đại tràng.

Theo các Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: "vị khổ bình".
  • Sách Danh y biệt lục: " ngọt, không độc".
  • Sách Thang dịch bản thảo: " nhập thủ túc quyết âm kinh".
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: " nhập kinh Can, Đại tràng".
  • Sách Bản thảo kinh giải: " nhập thủ thái âm phế kinh, thủ thiếu âm tâm kinh, túc thái âm tỳ kinh".

Thành phần chủ yếu:

Đào nhân có glucozit khổ hạnh nhân, men đường lactate, vitamin B1, tinh dầu và dầu lipit, cholin và acetylcholin.

Tác dụng dược lý:

     A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng hoạt huyết khu ứ, nhuận tràng thông tiện. Chủ trị các chứng đau kinh, kinh bế, đau bụng sau sanh, trưng hà tích tụ, chấn thương ngã đau, phế ung, trường ung, đại tiện táo bón.

Theo các Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " khu ứ huyết, huyết bế trưng hà, sát tiểu trùng".
  • Sách Danh y biệt lục: " Chỉ khái khí nghịch, phá trưng hà, thông mạch chỉ thống".
  • Sách Bản thảo cương mục: " Đào nhân hành huyết nên dùng sống cả vỏ, nhuận táo hoạt huyết cần bỏ vỏ sao vàng hoặc cùng sao với lúa mạch".
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: " Đào nhân vị đắng có thể tả huyết nhiệt, thể nhuận có thể nhuận tràng táo, dùng cả vỏ, tán vụn, thuốc đi vào kinh Can chủ phá súc huyết, trục nguyệt thủy. Trường hợp toàn thân đau nhức, chân tay tê dại, bán thân bất toại bên trái, chân trái đau nhiều, dùng thuốc để thư kinh hành huyết hoạt huyết, có tác dụng khu ứ sinh tân. Nếu bỏ vỏ đập nát để dùng, thuốc đi vào đại tràng trị huyết khô tiện bế, huyết táo tiện nan để nhu nhuận lương huyết, hòa huyết, có tác dụng khai kết thông trệ".
  • Sách Bản thảo tư biện lục: " Đào nhân chủ công ứ huyết là can dược, do đó, Đào nhân thừa khí thang để Đương hoàn trị bệnh ở bụng dưới, Miết giáp trị bệnh ở dưới sườn, Đại hoàng Mẫu đơn thang trị bệnh Đại tràng".

     B.Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

1.Đào nhân có tác dụng giãn mạch, tăng lưu lượng máu, tăng mức cAMP trong tiểu cầu, ức chế máu ngưng tụ, có tác dụng co tử cung, cầm máu đối với sản phụ sanh con so.

2.Do thành phần dầu Lipit của thuốc chiếm 45% nên thuốc có tác dụng nhuận tràng.

3.Thuốc có tác dụng kháng viêm ở giai đoạn đầu trên súc vật thực nghiệm.

4.Thuốc có tác dụng giảm ho.

5.Glucoxit khổ hạnh nhân có tác dụng ức chế tế bào ung thư có chọn lọc.
 

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị bệnh phụ khoa:

  • Đào nhân, Đương qui đều 10g, Hồng hoa, Tam lăng đều 5g, sắc nước uống trị chứng kinh bế do huyết ứ.
  • Sinh hóa thang ( Cảnh nhạc toàn thư): Đương qui 32g, Đào nhân 12g, Xuyên khung 12g, Chích thảo 2g, Bào khương 2g, sắc nước uống hoặc ho thêm ít rượu sắc uống. Trị chứng sau sinh đau bụng do huyết ứ. Bài thuốc còn có tác dụng tăng sữa cho người mẹ.
  • Đào hồng tứ vật thang ( Y tông kim giám): Đương qui 12g, Sanh địa 16g, Xích thược 12g, Xuyên khung 8g, Đào nhân 12g, Hồng hoa 8g, sắc nước chia 2 lần uống. Trị rối loạn kinh nguyệt, kinh bế, đau kinh do huyết ứ.

2.Trị táo bón:

  • Nhuận tràng hoàn: Hạnh nhân, Đào nhân, Hỏa ma nhân, Đương qui đều 10g, Sanh địa 15g, Chỉ xác 10g, tán bột mịn luyện mạt làm hoàn, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần hoặc sắc uống.
  • Ngũ nhân hoàn ( Thế y đắc hiệu phương): Đào nhân 20g, Hạnh nhân 12g, Bá tử nhân 12g, Tùng tử nhân 4g, Uất lý nhân 1g, Trần bì 8g, Mật làm hoàn, mỗi lần uống 4 - 8g. Trị chứng táo bón ở người già, phụ nữ sau sinh.

3.Trị viêm tắc động mạch:

  • Đào nhân, Hồng hoa, Đương qui, Đan sâm, Xuyên khung, Xích thược, Ngưu tất, Kim ngân hoa, Huyền sâm đều 10g, Địa miết trùng, Tam lăng, Nga truật đều 6g, Địa long 10g, Thủy điệt, Manh trùng, Sanh cam thảo đều 3g sắc uống.

Liều dùng và chú ý:

Liều thường dùng 6 - 10g đập vụn.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây