Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


ĐỊA CỐT BÌ

.

.

ĐỊA CỐT BÌ (Cortex Lycii Chinensis) Còn gọi Kỷ tử căn bì là vỏ rễ của cây Kỷ tử (lycium sinense Mill) phơi hay sấy khô làm thuốc. Địa cốt bì được ghi đầu tiên trong sách Bổn kinh. Cây Kỷ tử thuộc họ Cà (Solanaceae) mọc khắp nơi ở nước ta, nhưng chưa được chú ý khai thác làm thuốc. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm X - Thanh nhiệt lương huyết.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt nhạt tính hàn, qui 2 kinh Phế và Thận. Theo các sách cổ:

  • Sách Bổn kinh: Vị đắng hàn.
  • Sách Thang dịch bản thảo: qui kinh túc thiếu âm, thủ thiếu dương kinh.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: nhập túc quyết âm, túc thiếu âm kinh.

Thành phần chủ yếu:

Theo hệ dược học Viện nghiên cứu Y học Bắc kinh năm 1958, trong Địa cốt bì có 0,08% ancaloit; 1,07% saponin không có phản ứng anthraglucozit và tanin.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền: Thanh nhiệt (chủ yếu phế nhiệt) lương huyết thối chưng, chủ trị chứng âm hư phế nhiệt, huyết nhiệt, cốt chưng triều nhiệt, tiểu nhi can nhiệt, thổ nục huyết, tiêu khát, phế nhiệt khái suyễn.

Các sách cổ ghi:

  • Sách Bổn kinh: " chủ ngũ nội tà khí, nhiệt trung tiêu khát chu tý".
  • Sách Thang dịch bản thảo: " tả thận hỏa, giáng phế trung phục hỏa, thối nhiệt, bổ chính khí".
  • Sách Bản thảo cầu chân: "cùng Đơn bì trị cốt chưng nhưng Đơn bì vị cay trị cốt chưng không mồ hôi, Địa cốt bì vị ngọt trị cốt chưng có mồ hôi".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng giải nhiệt hạ áp, hạ đường huyết, hạ cholesterol máu và hưng phấn tử cung. Thuốc hạ áp do tác dụng trực tiếp làm giãn mạch mà có tác dụng hạ áp trung bình.
  2. Tác dụng kháng khuẩn: Invitro thuốc có tác dụng ức chế mạnh trực khuẩn thương hàn, phó thương hàn A, trực khuẩn lî Flexner, tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng và các loại virut đường hô hấp.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng hư nhiệt, lao nhiệt: thường gặp trong các bệnh lao phổi, bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục sốt dai dẳng, đêm ra mồ hôi trộm, chứng cam nhiệt trẻ em (suy dinh dưỡng có sốt) thường phối hợp với Đơn bì, Miết giáp, Tri mẫu. Dùng bài Địa cốt bì thang (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) gồm:

  • Địa cốt bì 12g, Miết giáp 24g (sắc trước), Tri mẫu 12g, Ngân sài hồ 12g, Hài nhi sâm 12g, Hoàng cầm 12g, Xích phục linh 16g, sắc uống.

2.Trị trẻ em viêm phế quản, viêm phổi: sốt ho kéo dài âm ỉ, sốt về chiều, da khô nóng, lưỡi thon đỏ, mạch tế sác, dung bài Tả bạch tán (Tiển nhi dược chứng trực quyết) gồm: Địa cốt bì 12g, Tang bạch bì 16g, Cam thảo 4g, Cánh mễ (gạo tẻ) 8g, sắc uống.

3.Trị bệnh cao huyết áp: La Diệu Minh dùng Địa cốt bì 60g, đổ 3 chén nước sắc còn 1 chén, gia ít đường hoặc thịt nạc heo nấu uống, 2 ngày 1 thang, 5 thang là một liệu trình, có thể uống liên tục 2 - 3 liệu trình.

Trị huyết áp cao nguyên phát 50 ca, tỷ lệ có kết quả 94%, kết quả rõ rệt 40% (Tạp chí Quảng tây Y học 1983,3:46).

4.Trị bệnh tiểu đường:

  • Dùng bài Địa cốt bì, Râu ngô mỗi thứ 500g, chia 8 ngày sắc uống.
  • Vương đức Tu trị 16 ca tiểu đường kết quả tốt bằng phương pháp sau: mỗi ngày dùng Địa cốt bì 50g sắc uống thay nước. Dùng thêm Vitamin C 100mg tiêm tĩnh mạch, Vitamin B1 100mg tiêm bắp, mỗi thứ 1 ngày tiêm 2 lần (Tạp chí Trung Y dược Thượng hải 1984,9:11).

5.Trị chai chân: Địa cốt bì 6g, Hồng hoa 3g, tán bột mịn gia dầu mè vừa đủ trộn đều, cắt bỏ lớp da cứng rồi đắp thuốc, 2 ngày thay một lần. Trị 25 ca khỏi (Tân trung y 1974,4:39).

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều: 6 - 15g.
  • Dùng thận trọng đối với trường hợp Tỳ hư, phân lỏng.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây