Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


HẢI KIM SA

.

.

Thòng bong - còn có tên là “bòng bong”, “dương vong”, “thạch vĩ dây” ... Đông y gọi là "hải kim sa" vì cây này có rất nhiều bào tử (nhiều như biển – hải) lóng lánh như những hạt cát vàng (kim sa). Cây này mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở bụi rậm, bờ rào ... Khi dùng làm thuốc, cắt toàn cây dùng tươi hay phơi khô, không phải chế biến khác. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIX - Thẩm thấp lợi thủy.


Trong nhân dân dùng toàn cây thòng bong sắc uống làm thuốc thông tiểu tiện, chữa chứng tiểu tiện khó khăn, đái dắt, đái buốt, đái ra cát sạn; đại tiện táo bón; chữa chấn thương ứ máu (uống trong, bó ngoài); giã nát đắp các vết thương phần mềm, vết loét, chín mé, ecpet loang vòng (mụn rộp loang vòng); có người còn dùng làm thuốc lợi sữa. Tại Trung Quốc người ta dùng toàn cây chữa lỵ, đái ra cát sạn, ngoại thương xuất huyết, viêm bàng quang, viêm thận mạn tính.

Ứng dụng cụ thể:

Chữa ăn uống khó tiểu, bụng trướng đầy do thấp trệ (tỳ thấp trướng mãn): Hải kim sa 30g, Bạch truật 8g, Cam thảo 2g; sắc nước uống mỗi ngày một thang (Tuyền Châu bản thảo).

Toàn thân phù thũng, bụng trướng như cái trống, nằm không thở được: Hải kim sa 15g, hạt Bìm bìm (khiên ngưu tử) 30g - một nửa để sống một nửa sao chín, Cam toại 15g; tất cả nghiền thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 8g bột thuốc sắc với một bát nước, uống vào trước bữa ăn hàng ngày (Y học phát minh).

Chữa viêm gan: Hải kim sa 15g, Nhân trần 30g, Xa tiền thảo 20g; sắc nước uống mỗi ngày một thang (Giang Tây thảo dược).

Đi lị ra máu: Dây và lá thòng bong 60-90g, sắc kỹ với nước, chia thành 2-3 lần uống trong ngày (Phúc Kiến dân gian thảo dược).

Chữa ỉa chảy (phúc tả): Thòng bong cả cây, sắc nước uống (Mân Nam dân gian thảo dược).

Chữa di tinh, mộng tinh (mộng di): Dây thòng bong đốt tồn tính, nghiền mịn; mỗi lần dùng 4-6g hoà với nước sôi uống (Phúc Kiến dân gian thảo dược).

Chữa đái ra dưỡng chấp (cao lâm): Dùng Hải kim sa 40g, Hoạt thạch 40g, Cam thảo 10g; tất cả đem tán nhỏ, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g; dùng nước sắc với khoảng 20g Mạch môn (củ tóc tiên) hoặc 10g Cỏ bấc đèn (đăng tâm thảo) để chiêu thuốc (Thế y đắc hiệu phương).

Chữa tiểu tiện lẫn sỏi sạn (thạch lâm): Dùng Hải kim sa 30g, Hoạt thạch 30g, Bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, Kim tiền thảo 60g, Xa tiền thảo (cỏ mã đề) 12g; sắc kỹ với nước, chia 3 phần uống trong ngày (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Chữa tiểu tiện xuất huyết :

- Hải kim sa tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, hoà với nước đường cùng uống (Phổ tế phương).

- Hải kim sa (chỉ dùng dây), Biển súc (dân ta còn gọi là cây càng tôm, cây xương cá; tên khoa học: Polygonum aviculare L. , họ Rau răm) - mỗi thứ 15- 20g, sắc nước uống (Tứ Xuyên Trung thảo dược).

Trà lợi tiểu – Dùng trong các trường hợp tiểu tiện khó khăn: Hải kim sa 60- 90g, sắc với nước, thêm chút đường vào uống thay trà trong ngày (Phúc Kiến dân gian trung thảo dược)

Chữa viêm tuyến vú: Hải kim sa 25- 30g, sắc kỹ với nửa phần nước nửa phần rượu, chia 3 phần uống trong ngày (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Phụ nữ ra nhiều bạch đới (đới hạ): Dùng dây thòng bong 1 lạng, cắt thành những đoạn nhỏ, nấu kỹ với thịt lợn nạc thành món hầm; bỏ bã thuốc, ăn thịt và uống nước canh (Giang Tây dân gian thảo dược nghiệm phương)

Chữa bỏng lửa: Hải kim sa thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng bôi vào chỗ bị bỏng (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Chữa mụn rộp loang vòng: Dây và lá thòng bong tươi đem giã nát, đắp vào nơi bị bệnh ngày 2 lần (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Ong vàng đốt bị thương: Dùng lá thòng bong tươi giã nát, đắp vào chỗ bị thương (Quảng Tây Trung thảo dược).

Chữa vết thương phần mền: Dùng lá trầu không tươi 40g, phèn phi 20g, nước 2 lít. Nấu lá trầu với 2 lít nước, để nguội, gạn lấy nước trong, cho phèn phi vào, đánh cho tan, đem lọc để rửa vết thương. Sau khi rửa vết thương, băng bằng thuốc say đây: Lá mỏ qụa tươi bỏ cọng, giã nhỏ đắp lên vết thương; nếu vết thường xuyên thủng thì đắp cả 2 bên: ngày rửa và thay băng 1 lần; sau 3-5 ngày thấy đỡ thì 2 ngày thay băng 1 lần. Nếu vết thương tiến triển tốt nhưng lâu đầy thịt, thì thay thuốc đắp: gồm lá mỏ qụa tươi và lá bòng bong - hai thứ bằng nhau; giã nát đắp vào vết thương, ngày rửa thay băng 1 lần, 3-4 ngày sau lại thay đơn thuốc lần nữa: lá mỏ quạ tươi, lá thòng bong tươi, lá cây hàn the - 3 vị bằng nhau, giã nát, đắp lên vết thương nhưng chỉ 2-3 ngày mới thay băng 1 lần

(Kinh nghiệm của cụ lang Long ở Hải Dương - theo Những cây thuốc và vị thuốc VN).
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây