NGÔ THÙ DU
- Thứ sáu - 17/10/2014 02:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
Loại cây này mọc nhiều ở nhiều tỉnh của Trung Quốc như Quí Châu, Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên, Triết Giang, Hồ Nam, Thiễm Tây v.v.. Ở nước ta, cây thuốc được phát hiện ở tỉnh Hà Giang có tên là Xà lạp hay Ngô thù, nhân dân thường dùng trị sốt nóng, đau bụng.
Tính vị qui kinh:
Vị cay, đắng tính nhiệt, có độc ít. Qui kinh Can, Tỳ Vị.
Theo các sách cổ:
- Sách Bản kinh: Vị cay ôn.
- Sách Danh y biệt lục: đại nhiệt, có độc ít.
- Sách Dược tính bản thảo: Vị đắng cay, đại nhiệt có độc.
- Sách Thang dịch bản thảo: nhập túc thái âm, thiếu âm, quyết âm kinh.
Thành phần chủ yếu:
Trong quả Ngô thù du có khoảng 0,4% tinh dầu, thành phần có Evoden, ocimene, evodin, evodol, gushuynic acid, evodiamine, rutae carpine, wuchuyine, hydroxyevodiamine, evocarpine, idoevodiamine, evodinone, evogin, rutaevin.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Thuốc có tác dụng: Tán hàn hành khí, táo thấp chỉ thống, sơ can hạ khí, ôn trung chỉ tả, dùng ngoài, thuốc có tác dụng dẫn hỏa đi xuống.
Chủ trị các chứng: Phúc thống, cước khí, quyết âm đầu thống, nôn, ợ chua, hàn thấp tiết tả, kiết lî, khẩu sang, cao huyết áp.
Trích đọan Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " ôn trung hạ khí chỉ thống, khái nghịch hàn nhiệt, trừ thấp huyết tý, trục phong tà, khai tấu lý".
- Sách Danh y biệt lục: " chủ hàn đàm, đau quặn trong bụng, các chứng thực hàn, tâm phúc thống, nghịch khí, lợi ngũ tạng".
- Sách Bản thảo cương mục: " Thù du tân nhiệt năng tán, năng ôn, khổ nhiệt năng táo năng kiên. Do đó, tác dụng trị bệnh của thuốc chủ yếu là tán hàn ôn trung giải uất táo thấp. Trường hợp hầu họng miệng lưỡi sang lở, dùng bột Ngô thù trộn dấm đắp hai lòng bàn chân thì khỏi. Tính thuốc tuy nóng, nhưng dẫn nóng xuống dưới nên có ý nghĩa lúc dùng trị bệnh, còn ý nói tính Ngô thù đi lên mà không đi xuống là không đúng".
- Sách Bản thảo kinh sơ: " Phàm khí của Tỳ vị thích ấm mà không ưa lạnh, lạnh làm cho trung khí không vận hóa được hoặc lãnh thực bất tiêu, hoặc trong bụng đau quặn, hoặc hàn đàm tích tụ gây khí nghịch sinh ho, ngũ tạng bất lợi. Dùng Ngô thù tính cay ôn làm ấm tỳ vị mà tán hàn tà, như vậy trung tiêu được ấm, khí tự đi xuống mà các chứng bệnh sẽ mất".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Ngô thù với tinh dầu thơm có tác dụng kiện vị trừ phong và ức chế các loại men không bình thường ở ruột, có tác dụng cầm nôn, cùng dùng với Sinh khương tác dụng mạnh hơn.
- Ngô thù có tác dụng giảm đau: Trên thí nghiệm các tác giả Trung quốc đã chứng minh tác dụng giảm đau của Ngô thù tương đương với Antipyrine. Loại Ngô thù sản xuất tại Nhật cũng có tác dụng giảm đau.
- Tác dụng hạ huyết áp: Theo các học gia Trung quốc đã chứng minh tác dụng hạáp của thuốc là do giãn mạch ngoại vi, làm giảm lực cản của mạch ngoại vi và phóng histamin. Dùng băng dính có bột Ngô thù du trộn dấm lòng bàn chân có tác dụng hạ áp trong vòng 12 - 24 giờ.
- Tác dụng đối với cơ trơn: Thành phần Rutamine được chế từ Rutaecarpine có tác dụng kích thích co thắt tử cung.
- Thuốc sắc Ngô thù có tác dụng lợi tiểu.
- Tác dụng kháng khuẩn: thuốc sắc có tác dụng ức chế mạnh phẩy khuẩn tả trên ống nghiệm. Thuốc còn có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu khuẩn, một số nấm ngoài da, một số ký sinh trùng như: giun đũa, Hirudo (đỉa) và giun đất.
- Tác dụng điều hòa nhiệt: Thí nghiệm trên thỏ nhận thấy chất Isoevodiamine có tác dụng hạ nhiệt nhẹ, thuốc sắc cũng có tác dụng tương tự.
- Độc tính của thuốc: liều cao Ngô thù du có tác dụng kích thích thần kinh trung ương gây rối loạn thị giác và hoang tưởng (hallacination). Độc tính của Evoxine là thấp, dùng thuốc chích tĩnh mạch chuột LD50 là 135g/kg.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị nôn do vị hàn khí nghịch:
- Ngô thù tán bột mịn, mỗi lần uống với nước sôi ấm 2 - 5g.
- Ngô thù, Gừng nướng lượng bằng nhau tán bột mịn, mỗi lần uống 3 - 5g với nước sôi ấm. Trị nôn kèm đau bụng, ợ chua.
- Ngô thù du thang ( Thương hàn luận): Ngô thù 5g, Đẳng sâm 10g, Đại táo 10g, Gừng tươi 20g, sắc uống ấm.
2.Trị các chứng đau do hàn như đau đầu, đau bụng, đau cước khí:
- Ngô thù du thang: như trên.
- Tả kim hoàn (Đơn khê tâm pháp): Hoàng liên (tẩm nước gừng sao) 6 phần, Ngô thù du (ngâm nước muối) 1 phần, sấy khô tán bột mịn làm hoàn. Mỗi lần uống 3 - 6g. Trị viêm dạ dày mạn, đau bụng kèm đau sườn ngực, nôn, ợ chua, mồm đắng .
- Ngô thù thang: Ngô thù 4g, Bình lang, Mộc qua đều 10g, sắc uống ấm. Trị đau bụng đầy do hàn, cước khí.
- Đạo khí thang: Ngô thù 4g, Tiểu hồi 3g, Mộc hương 5g, Xuyên luyện tử 10g, sắc uống ấm. Trị đau bụng quặn từng cơn.
3.Trị lóet mồm: dùng bột mịn Ngô thù du gia giấm vừa đủ làm thành hồ cho vào miếng vải bó vào huyệt Dũng tuyền và vùng 1/3 trước lòng bàn chân, 24 giờ sau lấy ra, đã trị 256 ca, kết quả khỏi 247 ca, tỷ lệ khỏi 96,48% (Báo cáo của Lý minh Khởi, tập san Y học Sơn đông, 1965,3:23).
4.Tăng cường tiêu hóa: Ngô thù du, Mộc hương đều 2g, Hoàng liên 1g, sấy tán thành bột trộn đều chia 3 lần uống trong ngày.
5.Bìu dái chảy nước ngứa ngáy: Ngô thù du sắc nước rửa.
6.Trị nhức răng: Ngô thù du ngâm rượu, ngậm một lúc rồi nhổ.
7.Trị chàm (thấp chẩn): Ngô thù du 40g (sao), Mai mực 30g, Lưu hoàng 8g, tán bột mịn trộn đều. Trường hợp chảy nhiều nước, bôi bột khô; trường hợp chàm khô, trộn với dầu thầu dầu hay dầu mù u, bôi 2 ngày 1 lần, bôi xong dùng vải bọc lại. Đã trị 1100 ca, kết quả trên 95% (Báo cáo của Bệnh viện Nhân dân Hình đài- Trung quốc, Báo Thông tin Trung thảo dược 1971,3:46)
Liều dùng và chú ý:
- Liều thường dùng cho thuốc uống: 1,5 - 5g. Dùng ngoài theo yêu cầu.
- Chú ý: Ngô thù rất táo dễ hao khí động hỏa, sinh mụn nhọt, mờ mắt, không nên dùng lâu dùng nhiều. Thận trọng lúc dùng cho bệnh nhân âm hư nội nhiệt.
- Sách Bản kinh có ghi: " Thù du thiện đi lên, cho nên người dùng Thù du có thể có hiện tượng xung cách, xung nhãn (nặng ngực mờ mắt), rụng tóc, đau họng, động hỏa sinh nhọt", nên lúc dùng cần chú ý.