Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


NGŨ VỊ TỬ

.

.

NGŨ VỊ TỬ (Fructus Schisandrae Chinensis) Ngũ vị tử dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh, có tên gọi là Ngũ vị tử vì thuốc có đủ 5 vị, còn có tên là Ngũ mai tử. Ngũ vị tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây bắc Ngũ vị tử có tên thực vật là Schizandra chinensis Baill hoặc của cây Nam Ngũ vị tử có tên S.sphenưnthera Rehd. Et Will. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXIII - Thu liễm, cố sáp.

Bắc Ngũ vị tử là loại chính phẩm thuộc họ Ngũ vị ( Schizandraceae). Ngũ vị tử hiện còn phải nhập của Trung quốc.

Tính vị qui kinh:

Vị ôn chua, qui kinh Phế, Thận, Tâm.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị chua, ôn.
  • Sách Danh y biệt lục: không độc.
  • Sách Tân tu bản thảo: vỏ thịt ngọt chua, nhân cay đắng, đều có vị mặn.
  • Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ thái âm, túc thiếu âm kinh.
  • Sách Bản thảo cương mục: nhập can, tâm kinh.

Thành phầøn chủ yếu:

Sesquicarene, beta-bisabolene, beta-chamigrene, a - ylangene, schizandrin (Ngũ vị tử tố), pseudo-gamma-schizandrin, desoxyschysandrin, schizandrol, citral, stigmasterol, tinh dầu, acid hữu cơ, vitamin C, vitamin E.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Ngũ vị tử có tác dụng: liễm phế tư thận, sinh tân liễm hãn, sáp tinh chỉ tả, định tâm an thần. Chủ trị các chứng hư suyễn cửu khái, tân dịch tổn thương, mồm khát, tự hãn, đạo hãn ( ra mồ hôi trộm), di tinh, hoạt tính, tiêu chảy kéo dài, tim hồi hộp, mất ngủ, mộng nhiều.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ ích khí, khái nghịch thượng khí, tổn thương gầy ốm do lao động, bổ bất túc, cường âm ích tinh".
  • Sách Dược dụng pháp tượng: " sinh tân chí khát, trị tả lî, bổ nguyên khí bất túc".
  • Sách Bản thảo mông toàn: " ho do phong hàn, dùng Nam Ngũ vị tử tốt, hư tổn do lao lực dùng Bắc Ngũ vị tử rất tốt".
  • Sách Bản thảo bị yếu: " tính ôn, có đủ ngũ vị; chua mặn nhiều hơn nên chuyên thu liễm phế khí mà tư dưỡng thận thận thủy, ích khí sinh tân, bổ hư minh mục, cường âm sáp tinh, thối nhiệt liễm hãn, cầm nôn tiêu chảy, cầm ho định suyễn, trừ phiền khát".


 

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Đối với trung khu thần kinh: Thuóc có tác dụng làm cân bằng 2 quá trình hưng phấn và ức chế của vỏ não, đối với các cấp thần kinh trung ương đều có tác dụng hưng phấn. Thuốc có tác dụng nâng cao trí lực, hiệu suất và chất lượng công tác, schizandrin có tác dụng giảm đau, an thần và giải nhiệt.
  2. Nước sắc Ngũ vị tử có tác dụng hưng phấn hô hấp rõ, đồng thời có tác dụng hạ áp, hóa đàm giảm ho.
  3. Thuốc có giá trị như Nhân sâm có chất gây thích nghi ( adaptogen), có tác dụng điều hòa các chức năng khác nhau của cơ thể, tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể đối với các kích thích không đặc hiệu. Thuốc có tác dụng tăng sức ( kéo dài thời gian bơi của súc vật thí nghiệm hoặc điều chỉnh acid dịch vị , tăng pH của dịch vị lúc acid cao và giảm pH dịch vị lúc acid thấp). Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch tương đương với liều corticoid trung bình. Nhưng trên thực tế cũng chứng minh thuốc có tác dụng tăng chức năng của tế bào miễn dịch, thuốc còn có tác dụng gia tăng quá trình tổng hợp và phân giải glycogen, cải thiện sự hấp thu đường của cơ thể.
  4. Thuốc có tác dụng hạ áp nhưng lúc suy tuần hoàn thuốc lại có tác dụng nâng áp, như vậy là có tác dụng điều tiết huyết áp. Trên thực nghiệm cũng chứng minh thuốc có tác dụng giãn mạch và cường tim.
  5. Thuốc sắc Ngũ vị tử có tác dụng kích thích đều trên tử cung cô lập của thỏ có thai hay không, cũng như sau sanh. Tác dụng chủ yếu là làm mạnh nhịp co bóp của tử cung.
  6. Thuốc có tác dụng tăng tiết mật. Thuốc có tác dụng điều tiết dịch vị ức chế nhu động bao tử, có tác dụng phòng lóet trên mô hình gây lóet bao tử ở chuột lớn.
  7. Dịch cồn ngâm kiệt Ngũ vị tử in vitro có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, phó thương hàn, kiết lî, cầu khuẩn viêm phổi, phẩy khuẩn tả, tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với trực khuẩn mủ xanh. Trong cơ chế thuốc có tác dụng kháng virut.
  8. Gamma-Schizandrin có tác dụng ức chế sự hợp thành DNA của tế bào ung thư.
  9. Thuốc sắc Ngũ vị tử có tác dụng tăng thị lực và thị trường của những người bình thường tình nguyện và ở những người đau mắt. Thuốc có tác dụng tăng xúc giác.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị kiết lỵ: dùng thuốc sống 0,25 - 2g, 90% oticture Ngũ vị tử 3 - 4 giọt, hoặc cao lỏng thuốc 0,5g. Trị kiết lỵ trẻ em có kết quả tốt ( Báo cáo của Vương Bản Tường, Tạp chí Y dược Thiên Tân 1965, 4:338).

2.Trị hội chứng Ménière: dùng Ngũ vị tử, Toan táo nhân, Đương qui, Quế viên làm thuốc thang sắc uống. Trị 20 ca phần lớn uống 4 - 5 thang khỏi bệnh ( Báo cáo của Chu Quế Phúc, Tạp chí Tai mũi họng Trung Hoa 1960,1:25).

3.Trị viêm gan mạn tính: dùng Ngũ vị tử, Linh chi, Đơn sâm, Sài hồ luyện mật làm hoàn ( tác giả không nói rõ liều lượng), mỗi lần uống 1 hoàn, sau khi ăn 30 phút nuốt với nước sôi nguội, một liệu trình 30 ngày. Trị 34 ca trong 3 liệu trình, có kết quả 33 ca ( Báo cáo của Vương Gia Quân dùng viên Ngũ linh đơn trị viêm gan mạn có kết quả, Tạp chí Trung y Thiểm Tây 1988,3:106).

4.Trị háo suyễn nặng: Ngũ vị tử 30 - 50g, Địa long 9 -12g, Ngư tinh thảo 30 - 80g, ngâm nước 2 - 4 giờ, sau đó sắc đun nhỏ lửa ( văn hỏa), sắc 2 lần còn được khoảng 250ml, chia uống 2 lần: chiều 4 giờ và tối 8 giờ. Trị 50 ca, theo dõi từ 7 tháng đến 2 năm, khỏi 1 ca, hết cơn lâm sàng 47 ca, có kết quả 2 ca ( Báo cáo của Tống Chí Kỳ và cộng sự về bài Tân tam vị trị 50 ca suyễn nặng, Tạp chí Trung y 1988,9:47).

5.Trị chứng hư nhược ra nhiều mồ hôi ( đạo hãn, tự hãn):

  • Bá tử nhân hoàn: Bá tử nhân, Bán hạ khúc đều 60g, Mẫu lệ, Nhân sâm, Ma hoàng căn, Bạch truật, Ngũ vị tử đều 30g tán bột mịn trộn đều làm hoàn hoặc uống thuốc tán, mỗi lần uống 4 - 8g, ngày 2 lần.

6.Trị ho suyễn do phế khí âm hư, phế thận âm hư do cảm hàn.:

  • Ngũ vị tử thang: Đảng sâm, Mạch đông, Tang phiêu tiêu đều 30g, Ngũ vị tử 5g, sắc nước uống.
  • Mạch vị Đại hoàng hoàn: Sinh địa 16g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Đơn bì, Bạch linh, Trạch tả đều 12g, Mạch môn 12g, Ngũ vị 4g. Trị chứng ho suyễn lâu ngày do phế thận âm hư, ho ra máu, lao phổi. Bài này cũng gọi là Bát tiên trường thọ hoàn ( Sách Y cấp) hay có tên Tiếp tục vô âm phương ( Hải thượng y tôn tâm lĩnh).
  • Tiểu thanh long thang ( Thương hàn luận): Ma hoàng 8g, Quế chi 6g, Bán hạ 8g, Tế tân 4g, Bạch thược 12g, Can khương 8g, Chích thảo 6g, Ngũ vị tử 4g, sắc uống ấm chia 3 lần trong ngày. Trị chứng ho do cảm hàn.
  • Ngũ vị tử 80g, Túc xác tẩm với đường sao qua 20g, 2 vị tán bột mịn luyện với kẹo Mạch nha viên bằng quả táo, mỗi lần ngậm 1 viên ( Sách Vệ sinh gia bảo). Trị ho lâu ngày.
  • Ngũ vị tử, Bạch phàn lượng bằng nhau đều tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 12g, lấy phổi lợn nướng chín chấm bột ăn với nước nóng ( Phổ tế phương). Trị ho có đờm gây khó thở.

7.Trị thận hư, hoạt tinh, liệt dương:

  • Tang phiêu tiêu hoàn: Tang phiêu tiêu, Long cốt, Phụ tử đều 10g, Ngũ vị tử 6g, sắc nước uống hoặc làm hoàn uống.
  • Ngũ vị tử 600g tán bột mịn, mỗi lần uống 4g, ngày 3 lần. Kiêng thịt lợn, cá, tỏi, giấm. Uống hết đơn thì khỏe. Trị liệt dương ( theo Thiên kim phương).

8.Trị chứng cảm nắng, mùa hè ra mồ hôi nhiều gây cương khí âm hư, mệt khát nước: dùng bài:

  • Sinh mạch tán ( Nội ngoại thương biện hoặc luận) gồm: Nhân sâm, Mạch môn đều 10g, Ngũ vị 5g, sắc uống. Hiện các chuyên gia tim mạch của Trung quốc đã nghiên cứu dùng bài thuốc này trị bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, suy tim, . có kết quả ( có tác giả dùng dạng thuốc chích hoặc truyền tĩnh mạch).

9.Trị tiêu chảy do tỳ thận hư hàn ( Ngũ canh tả): dùng bài:

  • Tứ thần hoàn ( Chứng trị chuẩn thằng): Bổ cốt chỉ ( Phá cố chỉ) 16g, Nhục đậu khấu 8g, Ngũ vị tử 6 - 8g, Ngô thù du 4g, theo tỷ lệ tán bột mịn trộn với nước sắc gừng tươi và Đại táo thêm ít bột mà làm hoàn. Mỗi lần uống 6 - 12g với nước muối nhạt ấm trước lúc tối đi ngủ. Nhiều tác giả dùng bài thuốc này trị lao ruột hoặc viêm đại tràng mạn có hội chứng tỳ thận hư hàn có kết quả.

Liều lượng dùng và chú ý:

  • Cho vào thuốc sắc 2 - 6g, dùng bột: 1 - 3g/lần.
  • Độc tính: Liều độc cho uống ở chuột là khoảng 10 - 15g/kg. Biểu hiện độ độc quá liều là hoảng hốt, buồn ngủ hoặc khó thở.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây