Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


Ô TẶC CỐT

.

.

Ô TẶC CỐT ( Os Sepiae seu Sepiellae) Ô tặc cốt tức Mai mực còn có Hải phiêu tiêu dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh là mai con Mực ( Sepia esculenta Hoyle hay Sepiella maidroni de Rochebrune) thuộc họ Mực ( Sepiidae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXII - Hóa thấp tiêu đạo.


 Con mực sống nhiều ở khắp miền biển nước ta, bắt mực về, lấy mai rửa sạch cạo hết vỏ cứng phơi khô dùng sống hoặc sao lên.

Tính vị qui kinh:

Mai mực vị mặn, sáp tính hơi ôn, qui kinh Can thận.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị mặn hơi ôn.
  • Sách Dược tính bản thảo: có độc ít.
  • Sách Bản thảo cương mục: quyết âm huyết phần.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập thận kinh.
  • Sách bản thảo tái tân: nhập 3 kinh Can Tỳ Thận.

Thành phần chủ yếu:

Calcium carbonate, calcium phosphate, magnesium chloridesodium chloride, ohitin.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Ô tặc cốt có tác dụng: thu liễm chỉ huyết, cố tinh chỉ đới, chế toan chỉ thống thống ( làm bớt chua và giảm đau) thu thấp liễm sang.

Chủ trị chứng phế vị xuất huyết, băng lậu, di tinh, đới hạ, vị thống, nôn chua, thấp chẩn, thấp sang, lở lóet nhiều mủ.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ nữ tử lậu hạ, xích bạch kinh trập, huyết bế, âm thực thũng thống ( âm hộ lóet sưng đau), hàn nhiệt, trưng hạ vô tử".
  • Sách Danh y biệt lục: " trị mụn nhọt nhiều mủ không lành".
  • Sách Hiện đại thực dụng trung dược: " là thuốc làm giảm chất chua, dùng có hiệu quả đối với các chứng acid dịch vị cao, lóet bao tử, lao phổi, trẻ em còi xương, phụ nữ có thai ra bạch đới, xuất huyết tử cung".

B.Kết quả nghiên cứu theo dược lý hiện đại:

Thuốc có tác dụng cầm máu (hemostatic), calcium carbonate là chất chống acid ( antacid) có hiệu quả.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị lóet nông ngoài da: Hoàng Ngọc Anh đã dùng bột thật mịn Ô tặc cốt bôi lên vùng lóet cho đầy, đắp gạc vô trùng cố định, mỗi cách 2 - 3 ngày thay 1 lần. Trị 100 ca, khỏi 83 ca, tiến bộ 11 ca, tỷ lệ kết quả 94% ( Tạp chí Trung tây y kết hợp 1987,11:697).

2.Trị lóet bao tử xuất huyết do ảnh hưởng não xuất huyết: Tác giả dùng Ô tặc cốt, Bạch cập, Chỉ thực đều lượng bằng nhau tán bột thật mịn ( rây nhiều lần), dùng nước muối lạnh 100ml trộn đều, cho uống bằng ống sonde dạ dày, mỗi 2 giờ 1 lần. Sau khi hết chảy máu bơm thêm nước muối sinh lý hoặc dùng thêm 5 - 10g mỗi lần, ngày bơm 3 lần. Trị 30 ca, khỏi 20 ca, tốt 5 ca, có kết quả 3 ca, không kết quả 2 ca, tỷ lệ kết quả 92% ( Hàn đơn Hư, Báo Trung y Thiên Tân 1988,1:8).

  • Tác giả dùng bột Mai mực và bột Bạch chỉ thật mịn trộn đều, một báo cáo dùng trị 40 ca lóet kèm xuất huyết, phần lớn bệnh nhân hết triệu chứng và thử máu phân âm tính trong vòng 3 - 7 ngày điều trị. Một báo cáo khác cho biết cũng dùng 2 loại thuốc trên cho uống. Trị 31 ca lóet dạ dày có thủng, 29 ca khỏi, còn lại 1 ca kèm bụng có nước được cải thiện và 1 ca chết đưa đi bệnh viện bị shock.

3.Trị sốt rét: có báo cáo dùng bột Mai mực trộn với rượu gạo trị 45 ca hết triệu chứng. Trong đó 23 ca được thử máu đều âm tính, bệnh nhân được theo dõi trong 7 - 10 tháng sau điều trị chỉ có 9% tái phát.

4.Trị các chứng xuất huyết: tiêu ra máu, do trĩ, phụ nữ băng lậu, phổi dạ dày xuất huyết, xuất huyết do chấn thương.

  • Cố xung thang: Ô tặc cốt 12g, Thuyên thảo 6g, Than Bẹ móc 5g, Ngũ bội tử 5g, Long cốt Mẫu lệ, Thù nhục, Bạch truật, Hoàng kỳ, Bạch thược đều 10g, Cam thảo 3g sắc uống. Trị phụ nữ huyết băng lâu ngày.
  • Ô tặc cốt, bột Tùng hoa lượng bằng nhau trộn đều rây kỹ, thêm ít Băng phiến, bôi vào vết thương buộc chặt. Trị xuất huyết do chấn thương. Nhiều báo cáo nghiên cứu đã chứng minh là Mai mực có tác dụng cầm máu tốt. Bột mịn Ô tặc cốt uống với nước sắc Bạch cập uống trị thổ huyết, liều uống 1 - 2g.

5.Trị xích bạch đới: thuốc có tác dụng cố kinh chỉ đới:

  • Ô tặc cốt 30g, Quán chúng than 25g, Tam thất 6g, đều tán bột mịn trộn đều. Mỗi lần uống 10g với nước sôi nguội.
  • Bổ cung hoàn: Ô tặc cốt 12g, Lộc giác sương 10g, Phục linh, Bạch truật, Bạch chỉ, Bạch thược, Bạch vi, Mẫu lệ đều 10g, Sơn dược 12g, hồ làm hoàn, mỗi lần uống 6g, ngày 2 - 3 lần hoặc sắc uống.

6.Trị đau bao tử nước chua nhiều:

  • Ô tặc cốt 8 phần, Diên hồ sách 1 phần, Khô phàn 4 phần, tán bột mịn gia mật ong 6 phần làm hoàn. Mỗi lần uống 10g, ngày 3 lần sau ăn.
  • Ô bối tán: Ô tặc cốt 85%, Bối mẫu 15% làm thuốc tán, mỗi lần 3g nuốt uống trước bữa ăn.

7.Trị lóet ngoài da lâu ngày không khỏi: Ô tặc cốt lượng vừa đủ, nếu có nhiệt độc thêm Hoàng bá, Hoàng liên tán bột đắp ngoài.

8.Trị phụ nữ lóet âm hộ:

  • Ô tặc cốt thiêu tồn tính, trộn với lòng đỏ trứng gà bôi vào vết lóet đã rửa sạch. Lòng đỏ trứng gà nấu thành dầu càng tốt.

9.Trị viêm tai giữa có mủ: Ô tặc cốt 2g, Xạ hương 0,4g tán thật nhỏ, rửa tai sạch bằng nước oxy già, lấy tăm bông chấm thuốc ngoáy vào tai.

10.Trị mắt hột: Mai mực vót thành bút chì, ngâm vào dung dịch Hoàng liên 1 - 5% dùng đánh mắt hột có kết quả. Ngoài ra Mai mực phối hợp Băng phiến tán bột thật mịn nhỏ vào mắt trị mộng thịt ở mắt.

Liều thường dùng và chú ý:

  • Liều dùng: uống 6 - 12g, thuốc bột uống nuốt mỗi lần 1,5 - 3g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây