PHÒNG KỶ
- Thứ tư - 26/08/2015 18:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
Còn có các loại Phòng kỷ khác như Quảng phòng kỷ hay Mộc phòng kỷ Aristolochia fangchi Y. C. Wu ex L.D.Chou et M Hwang) thuộc họ Mộc thông (Aristolochiaceae). Hán trung phòng kỷ (Radix Aristolochiae heterophyllae thuộc họ Mộc thông.
Phòng kỷ chưa thấy phát hiện ở Việt Nam. Ở Trung Quốc cây Phòng kỷ mọc nhiều ở các tỉnh Triết Giang, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc. Quảng phòng kỷ cũng gọi là Mộc phòng kỷ có nhiều ở 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nên ta có thể lưu ý khai thác tại các vùng biên giới giữa nước ta và Trung Quốc. Tài liệu này chỉ giới thiệu về Hán phòng kỷ.
Tính vị qui kinh:
Vị đắng cay, hàn; qui kinh Bàng quang, Thận, Tỳ.
Theo các sách dược cổ truyền:
- Sách Bản kinh: vị cay bình.
- Sách Y học khởi nguyên: khí hàn, vị đại khổ.
- Sách Bản thảo tái tân: nhập can tỳ thận.
Thành phần chủ yếu:
Tetrandrine, fangchinoline, menisine, menisidine, cyclanoline, fanchinine, demethyltetradrine.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Phòng kỷ có tác dụng khu phong, trừ thấp, chỉ thống, lợi thủy.
Chủ trị chứng phong thấp tý thông, thủy thũng, cước khí phù thũng.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " chủ phong hàn ôn ngược, nhiệt khí chư nhàn (các loại bệnh phong hủi), trừ tà lợi đại tiểu tiện".
- Sách Bản thảo thập di: " Hán phòng kỷ chủ thủy khí, mộc phòng kỷ chủ phong khí, tuyên thông".
- Sách Dược tính bản thảo: " Hán phòng kỷ trị thấp phong, khẩu diện oa tà, thủ túc thống, tán lưu đàm, chủ phế khí thấu suyễn. Mộc phòng kỷ trị con trai chân tay khớp trúng độc phong, không nói được, chủ tán kết khí, ung thũng, ôn ngược, phong thủy thũng, trị bệnh bàng quang".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Nhiều loại alkaloit của Hán phòng kỷ có tác dụng hạ áp nhanh. Thuốc có tác dụng giãn mạch vành, tăng lưu lượng máu ở mạch vành, làm giảm lượng tiêu hao oxy của cơ tim. Thuốc có tác dụng chống rối loạn nhịp tim.
- Tetrandrine A và B đều có tác dụng chống viêm. Các Tetrandrine đều có tác dụng giảm đau. Thuốc còn có tác dụng giải nhiệt chống dị ứng, có khả năng chống choáng quá mẫn. Quảng phòng kỷ cũng có tác dụng giảm đau, kháng viêm và giải nhiệt.
- Thuốc có tác dụng làm thư giãn cơ vân.
- Thuốc có tác dụng chống ung thư (chủ yếu do phòng kỷ tố A), Phòng kỷ tố A, B, đều có tác dụng kháng amíp. Phòng kỷ tố A có tác dụng ức chế trực khuẩn lî Shigella.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị viêm khớp sưng đau:
- Phòng kỷ thang: Phòng kỷ, Bạch truật, Sinh khương, Bạch linh đều 12g, Cam thảo 9g, Ô đầu 6g, Quế chi 3g, sắc nước pha thêm rượu uống.
- Mộc phòng kỷ 15g, Ý dĩ nhân 15g, Mộc qua, Ngưu tất đều 9g, sắc uống.
- Mộc phòng kỷ 10g, Uy linh tiên 12g, Tàm sa 10g, Kê huyết đằng 15g, sắc nước uống. Trị thấp khớp và đau dây thần kinh.
2.Trị chứng phù thũng, tiểu tiện ít:
- Phòng kỷ, Bạch truật đều 10g, Sinh Hoàng kỳ 16g, Cam thảo 5g, sắc nước uống.
- Phòng kỷ, Phục linh, Hoàng kỳ, Quế chi đều 10g, Cam thảo 6g sắc uống.
3.Trị cao huyết áp:
- Cao Dục và cộng sự dùng thuốc chích tĩnh mạch Hán phòng kỷ tố A, ngày 2 lần, mỗi lần 120 - 180mg. Trị 256 ca uống 14 ca (lượng như nhau) tỷ lệ hạ huyết áp 84,07%, đối với cơn huyết áp cao cũng có tác dụng tương tự (Tạp chí Y học Vũ Hán 1964,5:358).
4.Trị bệnh động mạch vành:
- Vu Thế Long dùng Phòng kỷ tố A truyền tĩnh mạch với liều lượng 2 - 3mg/kg gia vào 20% nước muối sinh lý, mỗi ngày 2 lần trong 2 tuần. Trị 50 ca, nhận thấy thuốc có tác dụng chống thiếu máu cơ tim đối với loại đau thắt ngực do mật, kết quả tốt. Đối với bệnh động mạch vành kèm huyết áp cao cũng có kết quả ( Tạp chí nội khoa Trung hoa 1985,11:682).
5.Trị chứng bụi phổi: Hán Phòng kỷ tố A đối với bụi phổi thực nghiệm có kết quả tốt. Lý Toàn Lộ và cộng sự dùng thuốc điều trị và theo dõi 33 ca trên lâm sàng, liều dùng mỗi ngày 200 - 300mg, chia 3 lần uống sau bữa ăn. Liệu trình I,II là: 6 tháng. Liệu trình III,IV là: 3 tháng, cách nhau 2 tháng, nhận thấy thuốc có tác dụng cải thiện về mặt lâm sàng ( Trung hoa tạp chí các bệnh đường hô hấp và lao 1981,6:321).
6.Trị ung thư phổi: Cao Kim Sơn đã dùng Hán phòng kỷ tố A liều lượng 180 - 300mg cho vào dịch muối sinh lý hoặc dịch gluco 5% nhỏ giọt tĩnh mạch chậm, kết quả xạ trị lượng nhỏ, theo dõi 97 ca có kết quả trước mắt. Thuốc có tác dụng ngăn chận sự hình thành DNA, RNA với protein và thúc đẩy sự hình thành kháng thể, nhờ vậy mà có tác dụng kháng ung thư ( Báo Trung y tạp chí 1980,8:597).
7.Trị chứng nhiệt tý (thấp khớp cấp): dùng thuốc rượu Phòng kỷ 10% (ngâm trong 20 ngày), mỗi lần uống 10 - 20ml, ngày 2 - 3 lần, 10 ngày là 1 liệu trình, dùng 3 - 6 liệu trình cách nhau 4 - 5 ngày, đã trị 120 ca, tỷ lệ kết quả 93,3% (Tạp chí Sơn Đông Trung y 1980,6:21).
Liều dùng và chú ý:
- Liều thường dùng: 5 - 10g.
- Chú ý lúc dùng:
- Vị thuốc đắng hàn dễ gây tổn thương tỳ vị cho nên tỳ vị vốn hư, âm hư, không có chứng thấp nhiệt không nên dùng.
- Súc vật thực nghiệm cho thấy, dùng uống lượng lớn Phòng kỷ tố A có độc rõ với gan, thận, tuyến thượng thận, dùng trên lâm sàng cần chú ý.
- Quảng Phòng kỷ cũng gọi Mộc Phòng kỷ nhưng cũng có cây Mộc Phòng kỷ tên khoa học là Couuluc triobus (Thumb) D.C. hai loại khác nhau và trên thực tế còn nhiều loại Phòng kỷ, cho nên lúc dùng Phòng kỷ trong nghiên cứu cũng như điều trị cần chú ý phân biệt.
- Theo kinh nghiệm của Y học cổ truyền, Hán Phòng kỷ và Mộc Phòng kỷ đều có tác dụng trừ phong thấp và tiêu phù thũng, nhưng Hán phòng kỷ lợi thủy tiêu phù mạnh hơn, còn Mộc phòng kỷ khu phong chỉ thống tốt hơn. Gần đây nhiều công trình nghiên cứu Hán phòng kỷ nhận xét thuốc có nhiều tác dụng dược lý.