Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


SA NHÂN

.

.

SA NHÂN ( Fructus amoni) Sa nhân còn gọi là Súc sa mật, Xuân sa nhân dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây Dương xuân sa Amomum vilosum lour hoặc cây Súc sa Amomum xanthioides Wail. Dương xuân sa chất lượng tốt hơn, mọc nhiều ở tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XVI - Hành khí.
 Súc sa mọc nhiều ở Việt Nam, Indonesia, Cambuchia và nhiều nước Đông nam á. Sa nhân thuộc họ Gừng ( Zingiberaceae), vì hạt giống hạt sỏi nên có tên là Sa nhân.

Tính vị qui kinh:

Vị cay tính ôn. Qui kinh Tỳ vị.

Theo các sách cổ:

  • Sách Dược tính bản thảo: vị đắng cay.
  • Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ túc thái âm, dương minh, thái dương túc thiếu âm kinh.

Thành phần chủ yếu:

Có Saponin và tinh dầu 2 - 3% gồm: Camphor, Borneol Bomyl Acetate, Linalool, Nerolidol, Limonene.

Tác dụng dược lý:

1.Theo Y học cổ truyền:

Sa nhân có tác dụng hành khí hóa thấp kiện tỳ, ôn trung chỉ tả, an thai. Chủ trị các chứng: Tỳ vị ứ trệ, thấp trớ, tỳ hàn tiết tả, thai động bất an, ác trớ ( nôn do thai nghén).

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Dược tính bản thảo: " chủ lãnh khí phúc thống, chủ hưu tức khí lî ( lî mạn tính), lao tổn, tiêu hóa thủy cốc làm ấm tỳ vị".
  • Sách Nhật hoa tứ bản thảo: " trị tất cả các chứng khí, hoắc loạn chuyển cân, tâm phúc thống".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: "Sa nhân là thuốc ôn trung hòa khí. Nếu thượng tiêu khí nghịch mà không giáng, hạ tiêu khí ức mà không thăng, trung tiêu khí ngưng mà không thư, dùng Sa nhân đều có kiến hiệu."
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: " Trường hợp nôn, buồn nôn, hàn thấp lãnh tả, phúc trung hư thống, dùng thuốc để ôn trung điều khí. Nếu tỳ hư đầy tức, súc thực bất tiêu, tửu độc thượng vị, dùng thuốc để tán trệ hòa khí, trường hợp thai khí phúc thống, nôn nặng ăn ít, thai trướng không yên, dùng thuốc để vận hóa hòa khí".

2.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Nước sắc Sa nhân với nồng độ thấp có tác dụng hưng phấn đối với ruột cô lập chuột lang nhưng với nồng độ cao lại có tác dụng ức chế. Qua kết quả thực nghiệm thấy 3 loại Sa nhân tỉnh Phúc kiến thường dùng Súc sa, Xuân sa và Hoa sơn khương đều có tác dụng làm giảm tính hưng phấn co thắt của ruột, cũng giải thích được tác dụng hành khí tiêu đầy, chống co thắt làm giảm đau của thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị bụng đầy đau do khí trệ: Thuốc có tác dụng hành khí chỉ thống.

  • Hương sa nhị trần thang: Sa nhân 6g, Mộc hương 4g, Đảng sâm 10g, Trần bì 6g, Bán hạ, Phục linh đều 10g, Cam thảo 3g, Gừng tươi 6g sắc uống.
  • Hương sa chỉ truật hoàn: Sa nhân 6g, Chỉ thực 8g, Mộc hương 4g, Bạch truật 10g, sắc uống.

2.Trị nấc nôn do tỳ vị hư hàn ăn không tiêu:

  • Hương sa lục quân tử thang: Sa nhân 6g, Mộc hương 4g, Đảng sâm, Bán hạ, Bạch truật, Bạch linh đều 10g, Trần bì 6g, Sinh khương 8g, Cam thảo 3g, sắc uống.
  • Súc sa tán: Sa nhân tán bột mịn, mỗi lần uống 2 - 4g, ngày 3 lần với nước gừng tươi. Trị nôn do vị hàn.

3.Trị chứng thai phụ nôn nặng, thai động:

  • Dùng độc vị bột Sa nhân uống như trên, thai động gia Bạch truật, Tô nghạnh; nếu do thận yếu gia thêm Tang ký sinh, Đỗ trọng, Tục đoạn.

4. Trị chứng tả lî mạn tính do tỳ vị hư hàn, viêm đại tràng mạn tính:

  • Bài Hương sa lục quân ( như trên).
  • Súc sa hoàn: Sa nhân 6g, Chế phụ tử 6g, Hoàng liên, Ngô thù du đều 4g, Can khương, Mộc hương đều 4g, Kha tử bì, Nhục đậu khấu đều 6g, sắc uống (dùng cho trường hợp hàn thấp nặng).

5.Một số kinh nghiệm dùng Độc vị Sa nhân trị bệnh:

  • Đau nhức răng: ngậm Sa nhân.
  • Nấc cụt: Trác Ái Văn theo dõi 11 ca bệnh nhân cho uống Sa nhân nhai nuốt, mỗi lần 2g, ngày 3 lần, kết quả tốt, phần lớn dùng 2 lần hết. ( Tạp chí Trung y Triết Giang 1988, 3:100).

Liều dùng và chú ý:

  • Dùng uống: 3 - 6g. Dùng thuốc sắc cho vào sau vì sắc lâu mất tác dụng của thuốc.
  • Trường hợp hư nhiệt không dùng.
  • Phụ chú:

Cũng gọi là Súc sa xác là vỏ ngoài của quả Sa nhân. Dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản thảo cương mục. Tính vị và tác dụng như Sa nhân nhưng yếu hơn. Dùng trị chứng tỳ vị khí trệ nhẹ, bụng đầy, ăn không tiêu, liều lượng thường dùng 3 - 5g.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây