SINH ĐỊA
- Thứ tư - 16/09/2015 11:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vị ngọt đắng tính hàn, qui kinh Tâm Can thận.
Thành phần chủ yếu: Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Triều Tiên, trong Sanh địa có các chất Manit (C6H8(OH)6), rehmanin là một glucozit, glucoza và ít caroten. Các tác giả Trung Quốc cho rằng trong Sanh địa có ancaloit.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Sinh địa có tác dụng tư âm giáng hỏa, lương huyết sinh tân nhuận táo.
B.Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
1.Chống viêm: Trên thực nghiệm, nước sắc Sinh địa có tác dụng chống viêm.
2.Tác dụng hạ đường huyết rõ rệt trên súc vật: thực nghiệm có đường huyết cao, cũng có thể làm cho đường huyết bình thường của thỏ hạ thấp,
3.Thuốc có tác dụng cường tim, hạ áp, cầm máu, bảo vệ gan, lợi tiểu, chống phóng xạ, chống nấm.
4.Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch kiểu cocticoit nhưng không làm ức chế hoặc teo tuyến thượng thận. Thực nghiệm đã chứng minh Sinh địa và Thục địa có thể làm giảm tác dụng ức chế chức năng vỏ tuyến thượng thận của cocticoit.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị các bệnh cấp tính: sốt cao, khát nước, mồm khô, lưỡi đỏ thẫm để thanh nhiệt, lương huyết, tư âm, giáng hỏa phối hợp với các thuốc khác như : Huyền sâm, Mạch môn, Tê giác như các bài sau:
- Tê giác địa hoàng thang, Thanh dinh thang.
- Sinh địa hoàng 16g, Huyền sâm, Mạch môn mỗi thứ 12g, Quả trám 2 quả (đập vụn), sắc uống chữa viêm họng, đau,sốt, khát nước.
- Tăng dịch thang (Oân bệnh điều biện): Huyền sâm 20g, Mạch môn, Sinh địa mỗi thứ 16g. Trị chứng sốt mất nước táo bón, khát nước, lưỡi khô đỏ, mạch tế sác.
2.Trị các bệnh sốt phát ban hoặc sốt xuất huyết: (do nhiệt lộng hành sinh ra chảy máu cam, nôn ra máu, tiêu tiểu có máu .) có các bài:
- Sinh địa tươi 40g, sắc uống trị máu cam.
- Tứ sinh hoàn (Phụ nhân lương phương): Sinh địa tươi 24g, Trắc bá diệp tươi 12g, Ngãi diệp tươi 8g, Lá sen tươi 12g, sắc nước uống. Trị sốt , nôn ra máu, chảy máu cam.
- Sinh địa hoàng 16g, Thạch hộc 12g, Mạch môn 12g, sắc uống trị bệnh sốt cấp thời kỳ hồi phục, mồm khô, họng đau, chảy máu răng.
- Trong bệnh sốt có hội chứng chảy máu có kinh nghiệm dùng thuốc như: chảy máu cam, thổ huyết dùng thêm Rễ tranh, Lô căn; tiểu có máu dùng MôÏc thông, Xa tiền tử; trĩ ra máu dùng Hoa hòe, Địa du. Nếu chứng chảy máu do dương hư, khí hư thì không dùng Sinh địa.
3.Trị bệnh ngoài da do huyết nhiệt: như chàm lở, nấm nhiễm trùng, ngứa urticaire dùng Sinh địa phối hợp với Đương qui, Phòng phong, Bạch tật lê, Bạch tiên bì như:
- Tiêu phong tán (Tôn kim giám): gồm Kinh giới, Phòng phong, Đương qui, Sinh địa, Khổ sâm, Thương truật (sao), Thuyền thoái, Hồ ma nhân, Ngưu bàng tử, Tri mẫu, Thạch cao, Cam thảo sống, Mộc thông, có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp giảm ngứa tiêu sưng.
4.Trị bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục: bệnh mạn tính sốt kéo dài như lao, bệnh chất tạo keo, viêm đa khớp dạng thấp, ung thư . có hội chứng âm hư nội nhiệt (sốt âm ỉ, da khô, lòng bàn tay, bàn chân nóng, mạch tế sác . thường phối hợp với các loại tư âm thanh nhiệt như: Tri mẫu, Miết giáp, Địa cốt bì, Thanh hao . như các bài:
- Thanh hao miết giáp thang: Thanh hao, Miết giáp, Tri mẫu, Đơn bì, Tế sinh địa.
- Tri bá địa hoàng hoàn: Tri mẫu, Hoàng bá, Sinh địa, Sơn thù, Sơn dược, Đơn bì, Bạch linh, Trạch tả.
- Trị chứng âm hư trong bệnh viêm họng mạn thường dùng thêm Cam thảo, Bạc hà, hạt Lười ươi, Sơn đậu căn. Trị chứng âm hư có tiêu bón, táo bón kéo dài. Dùng Sinh địa 80g sắc uống hoặc gia thêm thịt nạc heo cùng nấu nhừ để ăn.
- Kinh ngọc cao ( Chu đan khê) gồm: Sinh địa 2400g, Bạch linh 480g, Nhân sâm 240g, Mật ong 1200g. Giã Sinh địa vắt nước thêm mật ong nấu sôi, thêm Bạch linh và Nhân sâm đã tán nhỏ cho vào lọ đậy kín đun các thủy 3 ngày 3 đêm để nguội, mỗi lần uống 1 - 2 thìa, ngày 2 - 3 lần.
5.Trị bệnh tiểu đường: thường phối hợp với các vị thuốc như: Thiên môn, Kỷ tử, Cát căn, Thiên hoa phấn, Sa sâm, Hoàng kỳ. như:
- Ích vị thang (ôn bệnh điều biện) gồm: Sa sâm, Mạch môn, Sinh địa, Ngọc trúc có tác dụng ích vị sinh tân, giải khát.
- Tăng dịch thang (ôn bệnh điều biện) gồm: Huyền sâm, Mạch môn, Sinh địa có tác dụng sinh tân nhuận táo.
- Hoàng liên viên (Thiên kim phương): Sinh địa 800g, Hoàng liên 600g, giả Sinh địa vắt nước tẩm vào Hoàng liên phơi khô rồi tẩm cho đến hết nước Hoàng liên, thêm mật viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 20 viên, ngày uống 2 - 3 lần.
- Sinh địa hoàng 40g, Sơn dược 40g, Hoàng kỳ 20g, Sơn thù 20g, Tụy heo 12g, sắc nước uống trị tiểu đường.
Lượng thường dùng: Sinh địa hoàng 12 - 20g, Sinh địa tươi 40 - 120g.
Chú ý lúc dùng thuốc:
- Củ sinh địa mới đào lên là Sinh địa tươi, vùi vào cát ẩm có thể để dành 2 - 3 tháng. Tính chất Sinh địa và Sinh địa tươi cơ bản giống nhau nhưng sinh địa tươi hàn lương hơn nên sinh tân chỉ khát mạnh hơn nhưng tác dụng bổ âm kém hơn.
- Địa hoàng là Sinh địa tươi rửa sạch sao khô, nếu qua bào chế nhiều lần chưng phơi sẽ thành Thục địa có tác dụng bổ âm huyết.
- Không dùng Sinh địa trong các trường hợp: Tỳ hư thấp, tiêu chảy, bụng đầy, dương hư. Trường hợp dương hư ( hư hàn) dùng Thục địa không dùng Sinh địa, trường hợp có sốt dùng Sinh địa không dùng Thục địa. Nếu cần thanh nhiệt mà cơ thể hư thì Sinh - Thục địa cùng dùng như bài Bách hợp cổ kim thang ( y phương tập giải) gồm: Sinh thục địa hoàng, Bối mẫu, Bách hợp, Mạch môn, Huyền sâm, Đương qui, Bạch thược, Cam thảo, Cát cánh có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt nhuận phế hóa đàm. Bài Đương qui lục hoàng thang ( Lam thất bí tàng) gồm: Đương qui, Sinh Thục địa, Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá, Hoàng kỳ có tác dụng tư âm thanh nhiệt cố biểu chỉ hãn.
- Lúc dùng Sinh địa, để làm giảm bớt tính nê trệ của thuốc , bớt ảnh hưởng đến tiêu hóa nên phối hợp với thuốc hành khí tiêu thực như Chỉ xác, Sa nhân, Mộc hương, Trần bì..