TAM LĂNG
- Chủ nhật - 20/09/2015 15:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
Sau khi đào củ rễ về bỏ hết lá và tua rễ phơi hay sấy khô là Tam lăng sống, nếu đem Tam lăng trộn giấm sao lên màu thâm là Tam lăng chế giấm
Tính vị qui kinh:
Vị đắng tính bình. Qui kinh Can Tỳ.
- Sách Khai bảo bản thảo: " Vị đắng tính bình không độc".
- Sách Bản thảo diễn nghĩa bổ di : " cay đắng".
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: " nhập phế tỳ".
- Sách Bản thảo kinh sơ: " Nhập túc quyết âm, thái âm".
Thành phần chủ yếu:
Tinh dầu, chất bột. Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Phá huyết khu ứ, hành khí chỉ thống. Chủ trị các chứng kinh bế, đau bụng, trưng hà tích tụ, thực tích, bụng trên đầy đau.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị phụ nhân huyết mạch bất điều, tâm phúc thống, trục thai, tiêu ác huyết, bổ lao, thông nguyệt kinh, trị khí trướng, tiêu ứ huyết, trị sản hậu đau bụng".
- Sách Bản thảo kinh sơ: " Tam lăng, về mặt huyết có thể trị huyết, về mặt khí có thể trị khí, các loại lão tích, trưng tích, tích tụ không ngoài do huyết ứ khí trệ thực tích gây nên. Thuốc có vị đắng có thể tả, vị cay có thể tán, vị ngọt có thể hòa vào tỳ, huyết thuộc âm mà hữu hình, thuốc có thể trị các loại kiên tích ngưng kết đình trệ hữu hình".
- Sách Y học Trung trung tham tây lục (dược vật): " Tam lăng khí vị đều nhạt, hơi có chút cay. Nga truật vị hơi đắng, khí hơi thơm lại hơi cay, tính hơi ôn là thuốc chủ yếu hóa ứ huyết. Dùng để trị Nam tử huyền tích, Nử tử trưng hà, kinh nguyệt không thông, thuốc tính không mãnh liệt mà công tích lại nhanh. Tác dụng hành khí của thuốc có thể trị các chứng tâm phúc đau, đau tức hạ sườn, tất cả các chứng huyết ngưng khí trệ nếu cùng dùng với Sâm, Truật, Kỳ có thể giúp ăn tốt, điều hòa huyết, phân biệt kỹ hơn giữa 2 vị thì Tam lăng hóa huyết tốt hơn Nga truật, Nga truật lý khí tốt hơn Tam lăng".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Tam lăng có tác dụng ức chế tế bào ung thư.
Ứng dụng Lâm sàng:
1.Trị phụ nữ tắt kinh do huyết ứ: bụng dưới đau tức, sau sinh ứ huyết, bụng đau dùng bài:
- Hòa huyết thông kinh thang: Tam lăng, Nga truật, Quán chúng, Tô mộc đều 8g, Đương qui 12g, Thục địa 16g, Hồng hoa, Huyết kiệt, Nhục quế, Mộc hương đều 6g sắc nước uống.
2.Trị chứng đau bụng trên, hạ sườn đau tức:
- Tam lăng tiễn: Tam lăng, Nga truật đều 8g, Thanh trần bì 12g, Bán hạ 12g, Mạch nha 12g, cho giấm tốt nấu khô sao tán bột hồ giấm viên mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm trước khi ăn. Bài này có thể dùng trị chứng thực tích, đàm trệ, đàm kết, huyết trưng.
3.Trị viêm gan siêu vi : gan lách to:
- Tam lăng, Miết giáp, Đương qui, Bạch thược đều 12g, Nhân trần, Kim ngân hoa đều 20g, Sài hồ, Hồng hoa đều 8g, chế thành thuốc nước hoặc thuốc chích. Thuốc sắc mỗi ngày 2 lần, thuốc chích bắp mỗi lần 2ml, ngày 1 lần, 3 tháng là 1 liệu trình.
4.Trị chữa ngoài dạ con:
Tác giả dùng bài thuốc gồm các vị: Tam lăng, Nga truật, Thủy điệt, Sinh Mẫu lệ, Đơn sâm. Trị 25 ca thai ngoài tử cung, kết quả 92% (Khoa Sản Bệnh viện số 1 Khu Long Nham, Tạp chí Y dược Phúc Kiến 1981,2:23).
5.Trị ung thư:
- Trị ung thư gan: dùng dịch tiêm Tam lăng, Nga truật 30%, 20 - 60ml mỗi ngày hoặc dịch tiêm Tam lăng, Nga truật 50%, 20 - 40ml/ngày, chích tĩnh mạch. Ngoài ra dùng 2 bài thuốc tán gồm: Tam lăng, Nga truật, Thủy điệt, Ngõa lãng tử, Tô mộc, Hồng hoa, Nguyên hồ, Hương phụ, Mộc hương, Sa nhân, Trần bì, Bán hạ, Hậu phác, Chỉ thực, Đại hoàng, Mộc thông. Trị 30 ca ung thư gan, kết quả tốt 3 ca, có kết quả 10 ca, không kết quả 17 ca, tỷ lệ kết quả 43,3%, kết quả đối với các ca muộn và xơ gan, quá trình dùng thuốc không phát hiện biến chứng ( Khoa ung thư Bệnh viện trực thuộc số 1 Viện Y học Thẩm Dương, Tập san nghiên cứu phòng trị ung thư 1973,1:31).
- Kết quả trị các ung thư: Tác giả dùng bài Phá thạch hợp tể ( Tam lăng, Xuyên phá thạch, Mã tiên thảo) trị 31 ca ung thư giai đoạn cuối ( trong đó, ung thư dạ dày, gan mỗi thứ 8 ca, ung thư thực quản 5 ca, ung thư cổ tử cung 3 ca, ung thư vú 2 ca, ung thư phổi, ung thư trực tràng .) kết quả tốt 5 ca, có kết quả 19 ca, không kết quả 7 ca.
Theo biện chứng, đối với các thể: ứ huyết, can uất, ứ độc và đàm thấp kết quả tốt hơn ( Vương Căn, học báo học viện Trung y Triết Giang 1983,3:31).
Liều dùng và chú ý:
- Uống và cho vào thuốc thang: 3 - 10g, chế giấm làm tăng tác dụng giảm đau.
- Thuốc có tác dụng phá ứ mạnh, không nên dùng cho phụ nữ kinh nguyệt ra nhiều và đàn bà có thai.
- Trên lâm sàng, Tam lăng và Nga truật thường dùng ví có tác dụng tương tự nhưng Tam lăng thiên về phần huyết, phá huyết mạnh. Nga truật thiên về phần khí nên hành khí tiêu tích mạnh hơn.