Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


TẦN GIAO

.

.

TẦN GIAO (Radix Gentianae Quịnjiao) Theo sách thuốc cổ Trung quốc, Tần giao dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh, là rễ của nhiều loại cây thuộc họ Long đởm (Gentianaceae) có tên khác nhau như Gentiana macrophylla Pall; G.Straminea Maxim; G.Crassicaulis Duthie ex Burk; G.Dahurica Fisch. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm III - Phát tán phong thấp.


Theo sách Đỗ Tất Lợi thì Tần cửu (Thanh tảo) là cây thuộc họ Ô rô (Acanthaceae) có tên khoa học Justicia Gendarussa L. (Gendarus savulgaris Nees).

Trong bài này giới thiệu cây Tần giao thuộc họ Long đởm. Cây Tần cửu thuộc thuộc họ Ô rô thì mọc nhiều ở nước ta, còn vị Tần giao thì phải nhập của Trung Quốc.

Tính vị qui kinh:

Vị đắng cay, hơi hàn, qui kinh Vị Can Đởm.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: đắng bình.
  • Sách Danh y biệt lục: cay, hơi ôn, không độc.
  • Sách Bản thảo cương mục: qui vào thủ túc dương minh kinh kiêm nhập Can đởm.

Thành phần chủ yếu:

Gentianine, Gentianidine, alkaloid: Gentanine A,B,C .gluco và ít dầu bay hơi.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Trừ phong thấp thư cân hoạt lạc, thanh hư nhiệt.

Trị các chứng phong thấp tý thống, cốt chưng triều nhiệt.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ hàn nhiệt tà khí, hàn thấp phong tý, đau khớp chân tay, lợi tiểu".
  • Sách Danh y biệt lục: " trị chứng phong người co giật mới mắc hay bệnh lâu ngày".
  • Sách Dược tính bản thảo: " lợi đại tiểu tiện, trị 5 chứng vàng da (Hoàng bệnh), giải độc rượu, trị đầu phong".
  • Sách Trân châu nang: " trừ chứng dương minh phong thấp, chân tay co, cấm khẩu đau răng, lở mồm, chứng trường phong tiêu ra máu, dưỡng huyết bổ gân".
  • Sách Bản thảo cương mục: " trị vị nhiệt, hư lao phát sốt, chân tay co quắp, hoàng đản, chứng phiền khát. Thuốc có tác dụng trừ thấp nhiệt ở dương minh kinh. Dương minh có thấp thì cơ thể đau nhức, phiền nhiệt, cốt chưng triều nhiệt".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Tác dụng kháng viêm rõ rệt, do thành phần Gentianine A tác động lên hệ thần kinh làm hưng phấn chức năng tuyến yên - vỏ thượng thận. Thuốc còn có tác dụng an thần, giảm đau, giải nhiệt, kháng histamin, chống choáng do dị ứng.
  2. Thành phần Gentianine A của thuốc có tác dụng nâng cao đường huyết, hạ huyết áp và làm giảm nhịp tim trong thời gian ngắn. Nước sắc Tần giao có tác dụng lợi tiểu.
  3. Nước Tần giao ngâm kiệt rượu, đối với trực khuẩn lỵ, thương hàn, phẩy khuẩn tả, tụ cầu vàng, nước ngâm kiệt thuốc đối với một số nấm ngoài da có tác dụng ức chế.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị thấp khớp, viêm đa khớp đau nhức hoặc chân tay co quắp:

  • Tần giao 12g, Độc hoạt, Xuyên khung đều 8g, Bạch chỉ, Hải phong đằng, Nhũ hương, Đào nhân, Hoàng bá, Uy linh tiên đều 10g, Hán phòng kỷ 12g, sắc uống.

2.Trị chứng hư lao (bao gồm lao phổi), sốt thấp về chiều tối, đêm ngủ ra mồ hôi:

  • Tần giao - Miết giáp tán (Học viện Trung y Hồ Nam): Tần giao 20g, Miết giáp 40g, Địa cốt bì 40g, Sài hồ 40g, Tri mẫu, Đương qui đều 20g, tán bột mịn, mỗi lần dùng 20g cho vào nước sắc với Ô mai 1 quả, Thanh hao 12g, sắc uống lúc ngủ.
  • Tần giao, Địa cốt bì đều 12g, Thanh hao, Cam thảo đều 8g, sắc uống.

3.Trị viêm gan cấp trẻ em:

  • Dùng Tần giao 15g (dưới 6 tuổi lượng bằng nửa) tùy chứng gia vị như sốt gia Hoàng cầm, Liên kiều, thấp nặng gia Thương, Bạch truật, Hậu phác. Một liệu trình là 14 ngày, trị 20 ca kết quả tốt (Báo cáo của Cố Tùng Hạc, Trung y dược tạp chí Thượng Hải 1965,7:10).

4.Trị sưng đau răng lúc nhổ:

  • Tần giao, Phòng kỷ lượng bằng nhau sấy khô tán bột mịn qua rây cho vào nang 0,3g. Trước khi nhổ răng uống 2 viên (trước 30 phút), sau khi nhổ cứ 6 giờ uống 1 lần trong 3 ngày liền, trị 26 ca kết quả tốt ( Báo cáo của Từ Tử Thu, Sách Dã kim y học 1987,1:73).

Liều thường dùng:

  • Liều: 5 - 10g.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây